II. MỘT SỐ BỆNH SẢN KHOA GIA SÚC
1. BỆNH BẠI LIỆT TRƯỚC KHI ĐẺ
1.1 Đặc điểm
Bại liệt trước khi đẻ là một quá trình bệnh lý thường xảy ra ở gia súc cái sinh sản trong thời gian mang thai. Đặc điểm là con vật mất khả năng vận động, chỉ nằm một chỗ
1.2 Nguyên nhân
Nguyên nhân chính của bệnh là sự thiếu hụt khoáng, đặc biệt là Ca, P. Hiện tượng này xảy ra khi khẩu phần ăn thiếu khoáng hoặc con mẹ bị nuôi nhốt lâu ngày ít được tiếp xúc với ánh sáng, thiếu vitamin D3 làm cản trở quá trình hấp thu Ca, P...
Do tỷ lệ Ca và P không hợp lý, hàm lượng P quá cao
Do gia súc mẹ bị viêm ruột, không hấp thu được Ca và P, vì Ca và P chủ yếu được hấp thu qua niêm mạc ruột non.
Con vật gầy yếu suy nhược toàn thân.
Các nguyên nhân trên làm cho hàm lượng Ca và P trong máu của con mẹ bị giảm thấp, không đủ cung cấp cho việc hình thành và hoàn thiện bộ xương của bào thai. Để đáp ứng cho sự hình thành, hoàn thiện bộ xương của thai, con mẹ buộc phải rút Ca và P từ xương mình; từ đó làm thay đổi cấu tạo tổ chức của xương con mẹ, đặc biệt là khung xương chậu và chi sau, từ đó gây ra bại liệt.
1.3 Triệu chứng
Bệnh phát sinh đột ngột vài ngày hoặc vài tuần trước khi đẻ , lúc đầu con vật đi lại dè dặt khó khăn, hay nằm, ít đứng lên, thích gặm nền chuồng, tường. Sau đó nằm xuống và không đứng dậy được. Cũng có trường hợp vật đang đi lại bình thường, đột nhiên hét lên rồi nằm xuống, mất hoàn toàn khả năng vận động.
Khi nằm xuống trong thời gian đầu con vật còn tự trở mình được, các hoạt động về hô hấp tuần hoàn, tiêu hoá còn diễn ra bình thường; một thời gian sau kế phát viêm phổi, chướng bụng đầy hơi, thối loét da thịt do nằm lâu... Hậu quả của bệnh thường dẫn đến đẻ khó do khung xoang chậu bị biến dạng.
1.4 Chẩn đoán
Chủ yếu dựa vào các triệu chứng điển hình của bệnh, khả năng vận động, phản xạ thần kinh ngoại biên mức độ trầm trọng so với sự tiến triển của bệnh.
1.5 Điều trị
Chăm sóc nuôi dưỡng: đệm lót chuồng nuôi bằng rơm cỏ khô sạch, nền chuồng khô, thường xuyên trở mình cho con vật.
Bổ sung vitamin và khoáng vào khẩu phần thức ăn. Cho thêm củ quả tươi, rau xanh, bột xương, bột thịt, bột cá, dầu cá, tận dụng cua ốc, vỏ sò .v.v...
Bổ sung khoáng- đạm bằng cách ninh (hầm) xương trâu bò lợn lấy nước chiết trộn vào thức ăn cho ăn trong thời gian bị bệnh.
Có thể dùng CaCl2 (tiêm tĩnh mạch), Ravit Fort, Polycal tiêm bắp hoặc tĩnh mạch. Dùng các loại dầu nóng như cồn long não, rượu gừng... xoa bóp
Chú ý:
Đối với bệnh bại liệt trước khi đẻ, không dùng strychnin để điều trị vì dễ gây hiện tượng sảy thai; đồng thời trong quá trình điều trị nếu phải dùng kháng sinh thì không nên dùng Gentamycin vì đây là loại kháng sinh tác động rất mạnh tới đường niệu, dễ gây xảy thai.
Bệnh bại liệt sau khi đẻ có triệu chứng tương tự như bại liệt trước khi đẻ, về phương pháp điều trị cũng giống nhau nhưng có thể dùng strychnin để điều trị.
1.6 Phòng bệnh
Bệnh này thường gặp nhất là nuôi gia súc cái sinh sản như lợn nái, bò sữa cao sản, ít khi gặp ở trâu bò sinh sản kết hợp với cày kéo.
Khâu chăm sóc nuôi dưỡng cần đảm bảo khẩu phần thức ăn hàng ngày, bổ sung hàm lượng khoáng và vitamine, đặc biệt là giai đoạn có chửa kỳ cuối, kỳ cho con bú, thời gian khai thác sữa ở tháng cao điểm nhất. Chú ý cho gia súc vận động thích hợp kể cả trước khi đẻ, giúp cho con vật sinh đẻ một cách dễ dàng, tăng cường trương lực của cơ.