U NANG BUỒNG TRỨNG

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 65 - 66)

II. MỘT SỐ BỆNH SẢN KHOA GIA SÚC

7. U NANG BUỒNG TRỨNG

7.1 Đặc điểm

Trứng phát triển và chín nhưng không rụng khỏi được buồng trứng mà tồn tại lâu ngày dưới dạng u nang. Gia súc biểu hiện động dục liên tục hoặc mất hẳn trạng thái động dục trong một thời gian. Bệnh xảy ra ở tất cả các loài gia súc nhưng thường gặp ở trâu bò.

Do quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc kém, khẩu phần ăn hàng ngày đơn điệu, kém phẩm chất. Do chế độ khai thác không hợp lý hoặc gia súc phải làm việc cày kéo quá sức, gia súc quá gầy yếu.

Rối loạn cơ năng của hệ thống thần kinh và hormon trong cơ thể, đặc biệt là hoạt động của tuyến yên bị trở ngại gây hiện tượng rối loạn chu kỳ sinh dục.

Kế phát một số bệnh: sát nhau; sảy thai; viêm nội mạc tử cung, viêm ống dẫn trứng, viêm buồng trứng

Gia súc động dục nhiều lần mà không được phối giống hoặc do kỹ thuật phối giống không kết quả.

7.3 Triệu chứng

Khi buồng trứng hình thành và tồn tại u nang noãn bào, các u nang này tiết quá nhiều Folliculin nên trạng thái động dục của con vật xuất hiện nhiều trạng thái đặc biệt. Hoạt động sinh dục rất mạnh, không theo một quy luật hay chu kỳ nhất định. Con vật biểu hiện trạng thái động dục liên tục, bỏ ăn, kêu rống, chạy nhảy trên bãi chăn, nhẩy lên lưng con khác. Lõm khum đuôi võng xuống, đuôi cong lên, mép âm môn xệ xuống, bóng láng...

Có trường hợp do các tế bào thượng bì noãn bào bị thoái hoá nên Folliculin sản sinh quá ít hoặc không được sản sinh nên gia súc mất hẳn trạng thái động dục trong môt thời gian.

Qua trực tràng phát hiện được trên bề mặt buồng trứng có các u nang lớn nhỏ khác nhau (có một, hai hoặc nhiều u nang). Những u nang này nổi rõ trên bề mặt buồng trứng. Khi xoa nhẹ lên trên mặt u nang có cảm giác mềm, không đau, bên trong tích dịch (có hiện tượng ba động).

Để có kết luận chính xác, nhất là những trường hợp u nang quá nhỏ phải tiến hành xác định trạng thái buồng trứng 3 - 4 lần, mỗi lần cách nhau 2 - 3 ngày (trâu bò) hoặc 10 - 15 ngày (ngựa). Đồng thời kết hợp chẩn đoán thông qua những triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh của gia súc.

7.4 Tiên lượng

Trường hợp nếu chỉ một buồng trứng có một u nang tương đối lớn thì điều trị có kết quả cao nhưng hay tái phát. Trường hợp có nhiều u nang nhỏ, thời gian bị bệnh lâu, tiên lượng xấu, kết quả điều trị thấp.

7.5 Điều trị

Chú ý khâu chăm sóc nuôi dưỡng, chế độ dinh dưỡng hợp lý, loại trừ ngay những bệnh ở tử cung và âm đạo.

Sử dụng các hormon sinh dục điều trị sớm để có thể đạt kết quả tốt: Chorionic gonadotropin 5000 - 10000 UI, tiêm bắp

Progesteron 50 - 100mg, tiêm bắp, 1 - 2 ngày tiêm một lần. Tiêm 5 - 7 ngày.

Phương pháp thủ thuật: thông qua trực tràng , ngón giữa và ngón trỏ giữ chặt cuống buồng trứng, dùng ngón cái ấn vỡ u nang. Sau khi u nang vỡ, tiếp tục giữ nguyên ngón cái tại chỗ từ 3 - 5 phút để cầm máu.

Trường hợp phá vỡ u nang khó khăn, cần phải xoa bóp nhẹ nhàng và cẩn thận buồng trứng, nhất là xung quanh bọc nang, ngày 1 lần, xoa bóp 3 - 4 lần sau đó mới tiến hành phá vỡ u nang.

Sau khi phá vỡ u nang có thể tiêm các loại thuốc kích thích hồi phục chức năng buồng trứng như huyết thanh ngựa chửa, benzyl gynestryl, chế phẩm của oestrogen để kích trứng chín và gia súc động dục lại.

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 65 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)