BỆNH SÁT NHAU

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 62 - 63)

II. MỘT SỐ BỆNH SẢN KHOA GIA SÚC

4. BỆNH SÁT NHAU

4.1 Đặc điểm

Trong quá trình sinh đẻ bình thường, sau khi sổ thai một thời gian nhất định, tuỳ từng loài gia súc (trâu bò: 4 - 6 giờ và không quá 12 giờ; ngựa 20 - 60 phút; lợn từ 10 - 60 phút sau khi sổ bào thai cuối cùng; dê cừu từ 30 phút đến 2 giờ), nhau thai con sẽ được đẩy ra ngoài. Nếu quá thời gian trên mà nhau thai con không được đẩy ra khỏi cơ thể mẹ thì gọi là bệnh sát nhau.

4.2 Nguyên nhân

Do sau khi đẻ xong sức rặn của con mẹ quá yếu, con mẹ kiệt sức, không còn đủ sức để rặn đẩy nhau thai con ra ngoài

Do nhau thai mẹ và nhau thai con dính chặt vào nhau, thường thấy trong các trường hợp viêm màng thai.

Riêng ở trâu bò do cấu tạo núm nhau mẹ và núm nhau con liên kết với nhau theo hình thức cài răng lược rất chặt chẽ nên chỉ cần một nguyên nhân nào đó làm giảm sức rặn của con mẹ sẽ dẫn đến sát nhau.

Sát nhau còn thấy ở bệnh sảy thai truyền nhiễm, viêm niêm mạc tử cung, cổ tử cung đóng quá sớm.

4.3 Triệu chứng

Quá thời gian quy định mà vẫn không thấy nhau thai được đẩy ra ngoài, ở trâu bò chỉ thấy cuống nhau treo lòng thòng ở mép âm môn, con vật thỉnh thoảng lại cong lưng, cong đuôi lên để rặn. Nếu để lâu không can thiệp, nhau thai sẽ bị phân huỷ, vi khuẩn xâm nhập gây viêm tử cung. Lúc này con vật sẽ có những triệu chứng cục bộ và toàn thân: sốt cao, chướng bụng đầy hơi, ngừng tiết sữa, từ cơ quan sinh dục luôn thải ra ngoài một hỗn dịch có mùi hôi thối khó chịu.

Đối với lợn: bệnh ít xảy ra hơn trâu bò. Lợn bị sát nhau thường có trạng thái không yên tĩnh, hơi đau đớn, nhiệt độ tăng, lợn thích uống nước, thỉnh thoảng rặn, từ cơ quan sinh dục luôn thải ra một hỗn dịch màu nâu.

4.4 Tiên lượng

Có thể kế phát viêm niêm mạc âm đạo và hoại tử, bại huyết do viêm niêm mạc tử cung và viêm tử cung, viêm thận, viêm bàng quang. Sau chuyển sang bại huyết, con vật gầy sút nhanh, can thiệp kịp thời thì chuyển biến tốt, nếu quá muộn kết quả ít, hoặc không có hiệu quả.

4.5 Điều trị

Mục đích điều trị là phải lấy hết nhau ra, tăng cường co bóp tử cung, phòng kế phát các bệnh khác. Có hai phương pháp điều trị

Phương pháp bảo tồn

Rửa sạch bộ phận sinh dục bên ngoài bằng các dung dịch sát trùng nhẹ. Dùng dụng cụ thú y cắt bỏ những phần lòng thòng ở phía ngoài mép âm môn.

Tiêm dưới da oxytocin 6 - 8ml cho gia súc lớn; 2 - 3ml cho gia súc nhỏ để kích thích tử cung co bóp, đẩy nhau thai con ra ngoài. Đồng thời hàng ngày tiến hành thụt rửa cơ quan sinh dục bằng dung dịch sát trùng ở nồng độ thích hợp. Sau khi thụt rửa, kích thích cho các dung dịch sát trùng ra ngoài hết rồi đưa kháng sinh vào.

Chú ý: phương pháp này chỉ sử dụng được cho lợn, còn trâu bò chỉ áp dụng được trước 24 giờ.

Phương pháp bóc nhau Chuẩn bị

Gia súc được cố định chắc chắn đứng trong giá, ở nơi thoáng mát. Dùng xà phòng, bàn chải, nước sạch rửa phần thân sau từ âm hộ trở xuống. Rửa sạch bộ phận sinh dục ngoài bằng cách dung dịch sát trùng nhẹ. Thụt vào tử cung 3 - 4 lít nước ấm pha muối nồng độ 3%.

Người bóc nhau: cắt móng tay, mài nhẵn, rửa sạch lau khô và sát trùng cồn 700 và cồn Iode 5% nhất là ở các kẽ móng tay, dùng vaseline, parafine bôi trơn để cho vào âm đạo – tử cung được dễ dàng.

Thao tác

Dùng tay trái nắm phần cuống nhau thò ra cửa âm đạo, tay phải từ từ nhẹ nhàng cho vào âm đạo, cổ tử cung rồi tử cung. Cuống nhau và nhau được nằm trong lòng bàn tay phải, ngón trỏ và ngón giữa kẹp núm nhau mẹ, ngón cái xoa nhẹ lên trên bề mặt núm nhau mẹ để lật núm nhau con ra. Làm lần lượt từ trên xuống dưới, từ trước ra sau. Thao tác nhẹ nhàng và từ từ tách từng núm nhau một, vừa tách núm nhau vừa kéo cuống nhau bằng tay trái, cứ như vậy cho đến khi bóc tách và kéo hết nhau ra ngoài, chú ý tránh tổn thương núm nhau mẹ và niêm mạc tử cung để hạn chế chảy máu.

Sau khi bóc tách và lấy được nhau ra dùng thuốc tím, hoặc acide boric thụt rửa 1-2 lần. Kích thích cho các dung dịch sát trùng ra ngoài hết và tiêm kháng sinh đề phòng viêm nhiễm; tiêm trợ sức, trợ lực.

Cùng với hai phương pháp bóc tách và bảo tồn nhau thai người ta còn có thể tiêm oxytoxine, ergotamin, CaCl2, một số thuốc trợ sức, khi sát nhau quá lâu nhau thai bắt đầu phân huỷ trong tử cung, có mùi khó chịu, để chống bại huyết. Có thể tiêm nước sinh lý dung dịch glucose đẳng trương, ưu trương vào tĩnh mạch.

Chú ý: khi bóc nhau phải phân biệt:

Núm nhau mẹ và núm nhau con: núm nhau mẹ dày, hình nấm có chân đế (kẹp tay được), núm nhau con mỏng không có chân đế ( không kẹp tay được)

Chỗ bóc rồi và chỗ chưa bóc: chỗ bóc rồi sờ vào ráp như sờ vào cằm râu, chỗ chưa bóc sờ vào nhẵn bóng.

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 62 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)