HIỆN TƯỢNG SẢY THAI

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 61 - 62)

II. MỘT SỐ BỆNH SẢN KHOA GIA SÚC

3. HIỆN TƯỢNG SẢY THAI

3.1 Đặc điểm

Trong quá trình mang thai, do một yếu tố bất kỳ nào đó, khiến cho bào thai ngừng phát triển (chết) lưu lại trong tử cung hoặc bị đẩy ra ngoài, cá biệt có trường hợp bào thai bị đẩy ra ngoài mới chết sau vài giờ.

Ở gia súc đơn thai (trâu, bò) thì sảy thai hoàn toàn có nghĩa là bào thai ngừng phát triển, có thể lưu lại trong tử cung hoặc bị đảy ra ngoài, còn ở động vật đa thai (lợn, chó) thì một số bào thai ngừng phát triển, số còn lại tiếp tục phát triển bình thường cho đến ngày sinh đẻ bình thường đó là hiện tượng sảy thai không hoàn toàn.

3.2 Nguyên nhân

Bệnh sảy thai truyền nhiễm ở bò, dê, cừu và ở lợn do trực trùng Brucella gây nên có tính chất truyền nhiễm nguy hiểm. Ở ngựa sảy thai do bệnh phó thương hàn, do Trichomonas vv...

Sảy thai do cảm lạnh, làm việc quá sức, các yếu tố làm giảm sức đề kháng.

Sảy thai do quái thai, bệnh ở nhau thai, viêm tử cung; vị trí, tư thế thai không bình thường; bệnh ở buồng trứng; chức năng sinh lý của thể vàng giảm hoặc mất sớm; bệnh ở hệ tim mạch, mất máu nhiều, viêm dạ dày - ruột, bệnh chướng hơi...

Ngoài ra, còn do tổn thương ngoại khoa, húc đá chèn ép vùng bụng. Kiểm tra âm đạo trực tràng quá thô bạo, sảy thai do tập quán (thành thói quen) và các dị tật trong tử cung.

3.3 Triệu chứng

Sảy thai sớm (ở giai đoạn đầu) không thấy có triệu chứng gì xuất hiện, tự nhiên thai và nhau thai bị đẩy ra ngoài (sảy thai hoàn toàn). Khi gần sảy thai thấy con vật ăn uống kém, có sốt nhẹ, lượng sữa giảm, chất lượng sữa thay đổi, bầu vú hơi sưng.

Con vật biểu hiện: sụt mông, âm hộ sưng, niêm mạc âm hộ xung huyết, đứng nằm không yên, có cơn co rặn, cổ tử cung mở, chảy niêm dịch, có những cục máu đông vón chảy ra từ âm đạo. Ở kỳ đầu, thai và nhau thai thường lưu lại trong tử cung và được hấp thu. Kỳ cuối, thai và nhau thai thường được đẩy ra ngoài, nếu không đẩy ra ngoài lại bị nhiễm trùng và sẽ gây viêm tử cung nặng, dễ chết.

Ở ngựa sẩy thai và sót nhau, viêm tử cung thì rất gây nguy hiểm, còn trâu bò thì ít nguy hiểm hơn.

3.5 Điều trị và cách phòng ngừa

Khi xuất hiện dấu hiệu nghi sảy thai, kiểm tra thai còn sống, cổ tử cung chưa mở thì áp dụng tích cực biện pháp phòng ngừa sảy thai, để con vật thật yên tĩnh, giữ ấm phần bụng,dùng các loại thuốc an thần, tuyệt đối không được kiểm tra âm đạovà trực tràng. Nếu một bộ phận thai đã lộ ra cổ tử cung và cổ tử cung đã mở hoàn toàn có thể điều chỉnh tư thế thai và kéo ra ngoài, phải tuân theo nguyên tắc vô trùng đẻ xử lý và cần đề phòng bệnh sảy thai truyền nhiễm có thể lây sang người.

Phòng bệnh: gia súc chửa ở kỳ cuối cần chăm sóc nuôi dưỡng và chú ý các chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn hàng ngày, cho vận động thích hợp, không sử dụng quá mức, làm việc vừa phải, cần tránh những va đập, kích thích mạnh đến sự co bóp ở thành bụng và tử cung. Khi xuất hiện triệu chứng nghi có thể sảy thai phải dùng các loại thuốc an thần, thuốc an thai có thể phòng ngừa sảy thai có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 61 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)