Nhiễm trùng ngoại khoa

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 33 - 34)

I. ĐẠI CƯƠNG VỀ BỆNH NGOẠI KHOA GIA SÚC

2. Nhiễm trùng ngoại khoa

2.1. Khái niệm

Vi sinh vật gây bệnh chủ động hoặc bị động xâm nhập vào tổ chức cơ thể gia súc, trong quá trình sinh sống và phát triển chúng sản sinh ra độc tố gây những biến đổi về bệnh lý cho tổ chức ở cục bộ và toàn thân gọi là nhiễm trùng ngoại khoa.

2.2. Các loại nhiễm trùng

2.2.1. Nhiễm trùng hóa mủ

Thường do các vi khuẩn hóa mủ, tụ cầu trùng (staphylococcus), liên cầu trùng (streptylococcus), song cầu trùng (diplococcus), vi khuẩn sống trong đường ruột gia súc (E.coli, Salmonella..) gây nên. Có hai thể nhiễm trùng hóa mủ

- Nhiễm trùng hóa mủ cục bộ : nhiễm trùng xuất hiện trong ba ngày đầu sau khi gia súc bị tổn thương. Quá trình làm mủ bắt đầu ở xung quanh vách vết thương, nó không lan rộng mà chỉ giới hạn ở phần tổ chức bị tổn thương, bị hoại tử. Da xung quanh vết thương hơi ửng đỏ, có hiện tượng thấm nhiễm và đau, khi ấn tay vào mép vết thương thì có mủ chảy ra. Mủ có màu trắng sữa hoặc vàng chanh, mùi tanh.

- Nhiễm trùng mủ toàn thân (nhiễm trùng huyết) : là do sự tác động qua lại rất phức tạp giữa vi sinh vật gây bệnh và cơ thể gia súc. Nó thường xảy ra đối với những vết thương có diện tích rộng, nhiều tổ chức bị dập nát, các vết thương xuyên thủng màng ngực, màng bụng, gãy xương hở... Đối với những vết thương thuộc loại này nếu không xử lý kịp thời và đúng phương pháp thì dễ dẫn đến nhiễm trùng toàn thân.

Gia súc bị nhiễm trùng toàn thân thường có trạng thái mệt mỏi, kiệt sức. Con vật sốt thất thường, khi nhiệt độ cơ thể giảm thường toát mồ hôi. Da nhợt nhạt, trên các niêm mạc (mắt, âm đạo) thường xuất hiện các chấm xuất huyết. Gia súc ăn uống kém hoặc bỏ ăn hoàn toàn, nôn mửa nhiều lần, lưỡi khô và bẩn. Tim đập nhanh, gia súc bị thiếu máu, số lượng bạch cầu tăng, gia súc bị ỉa chảy dai dẳng.

Tại vết thương hiện tượng hoại tử chiếm ưu thế, mủ chảy ra nhiều, quá trình hồi phục của tổ chức chậm. Nếu không can thiệp kịp thời gia súc sẽ chết do kiệt sức vì trúng độc.

2.2.2. Nhiễm trùng thối rữa

Loại nhiễm trùng này do các nhóm vi khuẩn gây thối rữa như : Clostridium spogenes ; Clostridium putrificum, Bacillus pyocianous, Bacillus coli và nhiều loại khác gây nên.

Nếu trong vết thương hiện tượng viêm hóa mủ ở mức vừa phải, tổ chức hoại tử không nhiều lắm và sức đề kháng của gia súc không bị suy giảm nghiêm trọng thì những vi khuẩn này có khả năng đóng vai trò làm sạch vết thương. Vì những vi khuẩn này sản sinh ra men dung giải protein của những tế bào tổ chức bị chết, làm cho những tế bào hoại tử tan rữa biến thành nước trôi ra khỏi vết thương, vết thương được dọn sạch những tế bào tổ chức bị hoại tử, tạo điều kiện thuận lợi cho tế bào tổ chức tái sinh.

Trong thực tế, vi khuẩn gây thối rữa thường phát sinh ở những vết thương nhiều tổ chức hoại tử có diện tích rộng, thường phối hợp với vi khuẩn hóa mủ và vi khuẩn yếm khí. Do vậy, tình trạng của bênh súc càng xấu đi, con vật có biểu hiện triệu chứng toàn thân (sốt cao, các hiện tượng nhiễm độc tăng lên, cơ thể bị mất nước, rối loạn dinh dưỡng, run cơ) vết thương có mùi hôi rất khó chịu. Trong vết thương có những ổ hoại tử mới và chúng bị phân hủy, các hạch lâm ba cạnh vết thương bị sưng to. Da vùng gần vết thương có vết thâm tím như bị nhiễm trùng yếm khí

2.2.3 Nhiễm trùng yếm khí

Nhiễm trùng yếm khí là loại nhiễm trùng cực kỳ nguy hiểm, dễ dẫn đến nhiễm trùng huyết gây tử vong cho gia súc. Nhiễm trùng yếm khí là một quá trình rối loạn dinh dưỡng và rối loạn thần kinh nặng do sự tác động của vi sinh vật yếm khí, trên cơ sở sức đề kháng toàn thân và cục bộ của gia súc bị suy giảm nghiêm trọng.

Tại cục bộ vết thương khô, ít chất phân tiết, cơ bị lồi ra, lúc đầu có màu đỏ thẫm sau chuyển sang màu xám (màu thịt luộc). Trong vết thương những quá trình hồi phục hầu như không có. Ở thể nhiễm trùng yếm khí đơn thuần, vết thương không có mủ. Chỉ khi có nhiễm trùng thối rữa kết hợp mới xuất hiện mùi hôi thối rất khó chịu. Da xung quanh vết thương bị phù, bóng loáng, nhợt nhạt, lưới tĩnh mạch dãn rộng. Trong trường hợp song song với hiện tượng hoại tử, các mô phù rõ rệt và tăng nhanh. Có trường hợp ngay sau khi mới nhiễm trùng, hiện tượng sinh hơi xuất hiện rất rõ, ấn tay vào da quanh vết thương phát ra tiếng lạo xạo, trong mủ có lẫn bọt khí. Mủ có màu máu cá.

Một phần của tài liệu Bài giảng Bệnh nội ngoại sản khoa gia súc (Trang 33 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(69 trang)