I. SINH LÝ SINH DỤC GIA SÚC
3. SINH LÝ SINH DỤC CÁI
3.1 Cấu tạo trứng
Trứng là một loại tế bào lớn, có cấu tạo: giữa chứa nhân có n nhiễm sắc thể, bao xung quanh nhân là lớp noãn hoàng, rồi đến lớp màng trong suốt. Tiếp đến là lớp màng phóng xạ gồm các tế bào biểu mô xếp thành nhiều lớp theo cách bố trí phóng xạ. Ngoài cùng là lớp tế bào hạt.
3.2 Sự chín, rụng trứng và sự hình thành thể vàng
Dưới tác dụng của hormon FSH của tuyến yên, tế bào hạt xung quanh bao noãn phân chia nhiều, làm khối lượng bao noãn tăng lên, đồng thời LH kích thích tế bào hạt tiết oestrogen và dịch. Lượng dịch nhiều làm thể tích bao noãn tăng và nổi lên trên bề mặt của buồng trứng đó là các bao noãn chín.
LH của tuyến yên tăng tiết có tác dụng hoạt hoá enzim phân giải protein, làm phân giải vách bao noãn, do đó vách bao noãn vỡ ra, trứng chín rơi khỏi mặt buồng trứng gọi là sự rụng trứng.
Ngoài tác dụng của hormon, sự rụng trứng còn chịu ảnh hưởng của động tác giao phối. Thỏ và mèo chỉ sau khi giao phối mới rụng trứng.
Sau khi trứng rụng, tại đó tạo ra một xoang, từ ngày thứ nhất đến ngày thứ tư xoang chứa máu gọi là thể huyết, từ ngày thứ 5 trở đi thì trở thành thể vàng.
Nếu trứng được thụ tinh thì thể vàng sẽ tồn tại gần hết thời gian có chửa làm cho các trứng khác không chín, gia súc ngừng động dục cho tới sau khi đẻ hoặc sau khi cai sữa.
Nếu trứng không được thụ tinh thể vàng chỉ tồn tại 3 - 15 ngày, sau đó sẽ teo đi, gọi là thể vàng sinh lý. Nếu thể vàng không bị teo đi sẽ chuyển thành trạng thái bệnh lý, gia súc không có trứng chín rụng, không có biểu hiện động dục.
3.3 Chu kỳ tính
Khi gia súc thành thục về tính thì cơ thể con cái, đặc biệt là cơ quan sinh dục có biến đổi kèm theo sự rụng trứng.
Sự phát triển của trứng dưới sự điều tiết của hormon thuỳ trước tuyến yên làm cho trứng chín và rụng một cách có chu kỳ và biểu hiện bằng những triệu chứng động dục theo chu kỳ, được gọi là chu kỳ tính.
Thời gian một chu kỳ được tính từ lần rụng trứng trước đến lần rụng trứng sau. Trâu trung bình 28 ngày; bò, ngựa, lợn: 21 ngày.
Các giai đoạn của chu kỳ tính:
Giai đoạn trước động dục: là giai đoạn từ khi thể vàng tiêu huỷ đến lần động dục tiếp theo, chuẩn bị điều kiện cho đường sinh dục cái và trứng để tiếp nhận tinh trùng đón trứng rụng và thụ tinh. Màng nhầy tử cung, âm đạo tăng sinh, mạch quản tăng cung cấp nhiều máu. Tử cung, âm đạo, âm hộ bắt đầu xung huyết. Các tuyến sinh dục phụ tiết dịch nhầy loãng làm trơn đường sinh dục.
Giai đoạn động dục: gồm 3 thời kỳ: hưng phấn, chịu đực và hết chịu đực. Lượng oestogen tiết ra đạt mức cao nhất (gấp đôi bình thường) gây hưng phấn mạnh mẽ toàn thân. Các đặc điểm của giai đoạn này:
Biểu hiện của cơ quan sinh dục: âm hộ xung huyết, tấy sưng lên, chuyển từ màu hồng nhạt sang màu hồng đỏ, càng gần tới thời điểm rụng trứng thì âm hộ càng thẫm màu, chuyển sang màu mận chín. Tử cung hé mở rồi mở rộng. Âm đạo tiết niêm dịch nhiều chuyển từ trong suốt và loãng sang đặc, keo dính có tác dụng làm trơn đường sinh dục và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn
Biểu hiện thần kinh: con vật hưng phấn, ít ăn hoặc bỏ ăn, bồn chồn không yên tĩnh hoặc kêu rít phá chuồng, nhảy lên lưng con khác. Lúc đầu chưa cho con đực nhảy, sau đó mới chịu đực, mắt đờ đẫn đứng yên cho con đực nhảy
Trứng rụng: ở lợn sau khi động dục 24 - 30 giờ thì trứng rụng và thời gian trứng rụng kéo dài 10 - 15 giờ, vì vậy nên phối giống 2 lần cho lợn sẽ cho hiệu quả thụ thai cao. Ở bò, sau khi hết chịu đực 6 - 10 giờ thì rụng trứng.
Sau khi trứng rụng mà được thụ tinh thì chuyển sang thời kỳ chửa, nếu không thì sẽ chuyển sang giai đoạn sau động dục.
Giai đoạn sau động dục: bắt đầu sau khi kết thúc động dục và kéo dài vài ngày. Thể vàng hình thành tiết prostaglandin ức chế tuyến yên tiết oestogen, do đó làm giảm hưng phấn thần kinh, sự tăng sinh tiết dịch của tử cung dừng lại. Con cái không muốn gần con đực, không cho con khác nhảy. Gia súc dần trở lại bình thường.
Giai đoạn yên tĩnh: là giai đoạn dài nhất, thường bắt đầu từ ngày thứ tư sau khi rụng trứng và không thụ tinh và kết thúc khi thể vàng tiêu huỷ. Gia súc không có biểu hiện về hành vi tính dục. Đây là giai đoạn nghỉ ngơi, yên tĩnh để khôi phục lại cấu tạo chức năng cũng như năng lượng cho chu kỳ tiếp theo.
3.4. Tuổi thành thục về tính và thể vóc của gia súc
3.4.1 Tuổi thành thục về tính
Tuổi thành thục về tính là tuổi mà gia súc bắt đầu có khả năng sinh sản được, khi đó các cơ quan sinh dục đã phát triển hoàn thiện, con vật xuất hiện phản xạ sinh dục, gia súc cái bắt đầu động dục, gia súc đực bắt đầu có hiện tượng xuất tinh. Tuổi thành thục về tính phụ thuộc vào nhiều yếu tố: chế độ nuôi dưỡng, khí hậu thời tiết, giống, loài, tính biệt. Con cái bao giờ cũng thành thục về tính sớm hơn con đực.
Tuổi thành thục về tính của một số loài gia súc
Loài gia súc cái Tuổi Loài gia súc đực Tuổi
Ngựa 12 - 18 tháng Ngựa 18 - 24 tháng
Trâu 8 - 12 tháng Trâu 18 - 28 tháng
Bò 1,5 - 2 năm Bò 2 - 2,5 năm
Lợn 6 - 8 tháng Lợn 8 - 10 tháng
Chó 8 - 10 tháng Chó 10 - 12 tháng
3.4.2. Tuổi thành thục về thể vóc
Tuổi thành thục về thể vóc là tuổi mà các cơ quan bộ phận trong cơ thể gia súc đã phát triển hoàn chỉnh và khi đó chiều dài thân của gia súc không tăng được nữa. Tuổi thành thục về thể vóc bao giờ cũng muộn hơn tuổi thành thục về tính.
Tuổi thành thục về thể vóc của một số loài gia súc
Loài gia súc cái Tuổi Loài gia súc đực Tuổi
Ngựa 36 tháng Ngựa 48 tháng Trâu 30 - 36 tháng Trâu 36 - 40 tháng Bò sữa 18 tháng Bò sữa 24 - 30 tháng Bò cày 20 - 24 tháng Bò cày 24 - 30 tháng Lợn 8 - 10 tháng Lợn 10 - 12 tháng Chó 11 - 13 tháng Chó 13 - 15 tháng
Dê, cừu 8 - 10 tháng Dê, cừu 10 - 12 tháng
Để đảm bảo khả năng sinh sản cho gia súc không nên cho phối giống ngay sau khi gia súc vừa mới thành thục mà nên cho phối giống lần đầu vào thời điểm trước khi thành thục về thể vóc. Trong thực tế ở gia súc cái thường bỏ qua lần động dục đầu tiên. Đây là đặc điểm cần chú ý, trong chăn nuôi không nên cho gia súc sinh sản sớm vì:
Đối với con cái: nếu cho phối giống sớm thì cơ thể mẹ chưa thành thục về thể vóc sẽ có ảnh hưởng xấu như: trong thời gian có chửa có sự phân tán chất dinh dưỡng ưu tiên cho sự phát triển của bào thai, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của cơ thể mẹ, do đó sự phát triển của bào thai cũng bị ảnh hưởng. Kết quả mẹ yếu, con nhỏ. Mặt khác khung xương chậu của mẹ chưa phát triển hoàn toàn, nhỏ hẹp làm con vật đẻ khó.
Đối với con đực: nếu sử dụng lấy tinh hoặc cho nhảy sớm, tinh hoàn sẽ bị suy yếu chức năng, chất lượng tinh trùng kém, ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai. Mặt khác, tuổi sử dụng đực giống bị hạn chế.