KHẢO SÁT CÁC THÀNH TỐ CHỈ BỘ PHẬN CƠ THỂ NGƯỜI TRONG CA DAO NGƯỜI VIỆT
2.1. Nhóm từ ngữ chỉ bộ phận cơ thể người.
Bộ phận cơ thể người bao gồm nhiều bộ phận khác nhau, chúng là một phần của cơ thể được hình thành từ nhiều loại mô, thực hiện các chức năng sinh lí nhất định. Theo thống kê trong danh mục giải phẫu cơ thể người thuộc tiêu chuẩn quốc tế (1998) thì có khoảng 7500 bộ phận cơ thể người khác nhau.
Tên gọi của các bộ phận cơ thể được tạo ra bằng việc sử dụng các đơn vị từ vựng có sẵn trong ngôn ngữ, từ những yếu tố có sẵn ấy sáng tạo nên những tên gọi mới . Bên cạnh đó, một bộ phận quan trọng nữa là vay mượn từ ngôn ngữ khác.
Trong cuốn “Tìm hiểu đặc trưng văn hóa – dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của người Việt ( trong sự so sánh với những dân tộc khác ), Nguyễn Đức Tồn đã chỉ ra số lượng cơ thể người trong tiếng Việt chia cắt định danh là 289 với 397 tên gọi. Tên gọi của các bộ phận cơ thể này không phải từ thuần việt mà chủ yếu vay mượn: Từ tiếng Hán ( hay còn gọi là từ ngữ Hán – Việt) chiếm tới 98% số từ vay mượn trong tiếng Việt ( 132/ 134); ngôn ngữ Ấn – Âu chiếm số lượng không đáng kể khoảng 2% số từ vay mượn trong tiếng Việt ( 2/ 134).
So với những ngôn ngữ khác, cụ thể là tiếng Nga, ta thấy số lượng tên gọi thuần Việt của các bộ phận cơ thể người ít hơn so với các từ thuần Nga. Bởi bức tranh ngôn ngữ về thế giới của người Việt thường có nhiều ô trống hay vết trắng, phạm trù hóa hiện thực khách quan qua các bộ phận cơ thể của người Việt thường ít chi tiết. Và để bổ sung, lấp đầy những ô trống ấy, người
Việt ta đã tìm cách vay mượn những ngôn ngữ khác, sự vay mượn này dựa trên khoảng cách, tiếp giáp về địa lí hay sự tương đồng về lịch sử, văn hóa, sự tương đồng về loại hình giữa hai ngôn ngữ mà từ đó ta có hai bộ phận mượn quan trọng là tiếng Hán và mượn từ gốc Ấn –Âu. Đặc biệt, vay mượn từ tiếng Hán, cùng quá trình lịch sử phát triển của tiếng Việt, nhiều từ gốc Hán đã được Việt hóa, nhiều bộ phận cơ thể đã có tên gọi đúp.
“ Thí dụ: nhãn cầu - cầu mắt; lưỡng quyền – gò má; não thất – buồng não. Trong những trường hợp khác, các biến thể thuần Việt đã hoàn toàn thắng thế, còn những tên gọi Hán – Việt hoàn toàn bi lùi vào vốn từ cổ. Chẳng hạn: dây thanh – thanh đới ( cũ ); ruột non – tiểu tràng ( cũ ), màng trinh – xử nữ mạc ( cũ ), ruột thừa – manh tràng ( cũ ) v.v…” [34, tr.158]
Nói đến ngữ nghĩa của các tên gọi chỉ bộ phận cơ thể người thì trong tiếng Việt có khoảng 4,5% tên gọi là những từ ngữ có nghĩa gốc, vốn không phải là những tên gọi chỉ bộ phận cơ thể người hay còn được gọi là thứ sinh ( 18/397 ). Các tên gọi thứ sinh ấy phải nhờ vào quá trình cải danh dựa trên sự giống nhau về hình thức ( chiếm 83%, 15/18 ).
“ Hổ khẩu: 1. Miệng cọp; 2. Kẽ giữa ngón tay cái và ngón tay trỏ…
Bắp: 1. Bộ phận có hình thuôn (…) ở một số vật. Bắp cày : 2. Bắp thịt ( nói tắt )” [29, tr.59]
Ngoài ra các tên gọi thứ sinh còn dựa trên cơ sở chuyển dịch ý nghĩa theo sự giống nhau về vị trí ( chiếm 11 %, 2/18 ).
“Thí dụ: cánh: Bộ phận để bay của chim, dơi (…) thnahf đôi đối xứng với nhau ở hai bên thân mình (…); 2. Bộ phận của cơ thể người từ vai đến cổ tay ở hai bên thân mình (…)…” [34, tr.159 ]
Để tạo ra những tên gọi mới, người Việt thường dựa trên cơ sở chọn đặc trưng “đập vào mắt” để định danh chúng và tập trung trước hết và hình thức và vị trí của các đối tượng. Điều đó cũng được thể hiện rõ trong cách
thức biểu thị bộ phận cơ thể con người.
Qua thống kê của Nguyễn Đức Tồn với 211 đối tượng là tên gọi các bộ phận cơ thể người, ta sẽ thấy nét độc đáo trong việc chọn đặc trưng làm cơ sở định danh. Những đặc trưng định danh đã được sử dụng trong trường từ vựng – ngữ nghĩa được xếp theo thứ tự từ cao đến thấp. Đặc trưng chiếm số lượng nhiều nhất là đặc trưng về hình thức, được chọn làm cơ sở cho tên gọi tiếng Việt ( chiếm 52%, 110/221 ). Đặc trưng chiếm số lượng nhiều thứ hai là đặc trưng về vị trí với 46/221, chiếm 22%. Tiếp theo đến công dụng, chức năng đây là đặc trưng mang dấu hiệu khu biệt với 20/221, chiếm 9%. Xếp liên tiếp nhau là đặc trưng vật lí ( chiếm 6,6% với 15/221), đặc trưng về kích thước ( chiếm 6,1% với 13/221) và những đặc trưng tản mạn khác như màu sắc, cấu tạo, hành vi,… ( chiếm 3,7% với 8/221). Đặc trưng hình thức là đặc trưng đứng đầu, có giá trị trong sự định danh gọi tên các bộ phận cơ thể người. Người Việt luôn nhận diện, gọi tên các bộ phận cơ thể thông qua những thuộc tính, hình thức bên ngoài để vật chất hóa trong chính cấu trúc của tiếng Việt, phạm trù hóa các đối tượng qua việc sử dụng các loại từ ( chủ yếu là từ thực hoặc từ hư ).
Ta thường phân loại các tên gọi bộ phận cơ thể thông qua thị giác cùng với việc sử dụng từ loại khác nhau tùy theo từng góc độ nhìn nhận.
“Vì thế, cùng một bộ phận cơ thể có thể được gọi tên theo cách khác nhau tùy thuộc vào sự nhấn mạnh đặc điểm hình thức nào của nó. Chẳng hạn, chúng ta hãy lấy lại thí dụ: phổi – có thể được gọi là lá phổi ( khi đó nhấn mạnh hình thức dẹp của các bộ phận nằm ở hai bên cuống phổi) và động thời vừa được gọi là buồng phổi ( trong trường hợp này phổi được nhìn nhận từ góc độ hình thức tổng thể là một tập hợp gồm hai hoặc nhiều cái cùng loại xếp thành chùm giống như kiểu buồng chuối, buồng cau, v.v …). Tương tự, người Việt có thể gọi tim là quả tim, trái tim hoặc con tim… Như vậy, khác
với người Nga, người Việt đã không chỉ gọi tên sự vật, đối tượng mà còn “khắc họa” đồng thời đặc điểm hình thức rất cụ thể của chúng… , một hiện tượng rất trừ tượng như tình cảm của con người vốn được biểu hiện một cách tổng thể bằng từ lòng cũng được người Việt vật thể hóa, hình dung có một hình thù nhất định như một vật có mặt phẳng mỏng, dài và rất đáng nâng niu, trân trọng: tấm lòng, tấm lòng son, v.v…
Ngoài ra, cùng một bộ phận cơ thể người, tùy theo hình thù cụ thể mà người Việt định danh bằng những tên gọi khác nhau đầy hình tượng: vú – vú bánh dầy, vú bầu, vú chũm cau, vú mướp; mắt – mắt bồ câu, mắt lươn ( ti hí mắt lươn), mắt lá răm v.v…; chân – chân chữ bát, chân vòng kiềng, chân bàn cuốc, v.v…” [34, tr.165]
Đối với trường từ vựng ngữ nghĩa tên gọi bộ phận cơ thể người thuộc “nhóm chức năng”, cấu trúc của trường này được xây dựng theo bộ phận chỉnh thể gồm siêu nghĩa chỉ “vị trí”, “chức năng”, “tính sở thuộc” (người , động vật, hoặc cả hai). Các nghĩa ngoại vi còn lại là gồm “cấu trúc”, “kích thước”, “hình thức”, “thuộc tính vật lý”, “thời gian”, “màu sắc”. Theo Nguyễn Đức Tồn từ việc phân tích, thống kê các định nghĩa từ điển thì tên gọi bộ phận cơ thể người có thể chia thành hai trường nhỏ: trường tên gọi bộ phận cơ thể người đúng nghĩa của từ, tức chỉ tên bộ phận lớn (ví dụ : đầu, tay, tai, mắt, tim, ruột...) và trường tên gọi theo khu vực, vị trí trên cơ thể người (ví dụ: lỗ chân lông, huyết…)
Đặc điểm định danh về tên gọi bộ phận cơ thể người bị chi phối bởi loại hình ngôn ngữ đơn lập của tiếng Việt. Cách định danh theo lối phân tích này đóng vai trò chủ đạo trong tiếng việt, có gần 37.8% (150/397), những tên gọi bộ phận cơ thể người được xây dựng theo lối tạo từ ghép, chẳng hạn: tâm thất, lưỡng quyền, đồng tử, nhãn cầu...
dụng một tổ hợp âm tiết biểu thị đặc trưng nào đó được chọn lựa từ trong số các đặc trưng của bộ phận cơ thể người chỉ chiếm gần 27% (108/397) trong trường từ vựng ngữ nghĩa tiếng việt, chẳng hạn: thóp, sọ, gáy, tay, chân...
Kiểu định danh theo kiểu đặc trưng ngữ hoá một cụm từ trong tiếng việt chiếm 29% (117/397). Ví du: tròng trắng, màng lưới, răng hàm, ngón trỏ, bàn tay...
Như vậy xét từ phương tiện cấu tạo từ, trong trường từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt bộ phận cơ thể người định danh theo lối tạo từ ghép là chủ yếu.
Tóm lại, từ chỉ bộ phận cơ thể người là lớp từ được sử dụng rộng rãi trong giao tiếp, phát ngôn, lớp từ này có cấu trúc nghĩa phong phú, cấu tạo đa dạng, sử dụng từ chỉ bộ phận cơ thể là một nhu cầu tất yếu để con người bộc lộ hiểu biết về chính bản thân mình về thế giới. Bên cạnh đó còn thể hiện ý nghĩa mà tác giả dân gian muốn gửi gắm vào trong ca dao.