A + từ so sánh B
1.2.1. Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa
Văn hóa và ngôn ngữ từ lâu đã có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng lẫn nhau. Việc đi vào tìm hiểu khái niệm của từng thuật ngữ sẽ giúp ta thấy rõ về mối quan hệ này.
Văn hóa là một thuật ngữ vốn được hiểu theo 2 nghĩa cơ bản, nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa hẹp ở đây, văn hóa được hiểu theo cách thông dụng là chỉ trình độ học thức, chỉ lối sống (nếp sống văn hóa) hay chỉ trình độ văn minh của một giai đoạn nào đó. Theo góc độ nghiên cứu ngôn ngữ học thì văn hóa được hiểu theo nghĩa rộng. Và ở nghĩa rộng này lại có nhiều định nghĩa khác nhau. Trước tiên, cụm từ văn hóa xuất phát từ tiếng Latin Cultus. Trong cuốn “ Tìm hiểu đặc trưng văn hóa dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt ( trong sự so sánh với dân tộc khác)”, Nguyễn Đức Tồn đã nhận định rằng: “Văn hóa là hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội.” [34, tr. 34]
Theo UNESCO : “Văn hóa là tổng thể các sống động hoạt động và sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỉ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và thị hiếu- những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Định nghĩa này đi vào nhấn mạnh quá trình hoạt động của con người cả trong quá khứ và hiện tại, tức là cả tiến trình lịch sử của mỗi dân tộc. Mà tiến trình lịch sử ấy của mỗi dân tộc là không giống nhau, chính điều ấy tạo nên nét đặc trưng, đặc thù và bản sắc riêng cho mỗi dân tộc.
Hay theo định nghĩa của Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới phát minh và sáng tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Cũng mang nét tương đồng so với định nghĩa trên là nhấn mạnh vào quá trình hoạt động của con người , nhưng ở định nghĩa về văn hóa của Hồ Chí Minh lại mở rộng ở ý “ Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống”, tức những hoạt động này đều phục vụ cho mục đích chủ yếu của cuộc sống, cơ bản là để sống, mỗi cá thể người đều phát triển một cách toàn diện. Và để đạt được điều ấy, những hoạt động sống đó phải có sự đúc kết kinh nghiệm trở thành chuẩn mực để con người áp dụng phục vụ cho cuộc sống, nghĩa là phải được lặp đi lặp lại, điều chỉnh sao cho thật phù hợp với điều kiện sống của từng thời kì, lựa chọn và chắt lọc tạo nên những giá trị về vật chất và tinh thần. Cứ như thế, tích lũy dần trở thành thói quen, tập quán được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ đời này sang đời khác tạo nên bản sắc riêng của dân tộc.
Có hàng trăm định nghĩa về văn hóa khác nhau nhưng chung quy ta có thể hiểu văn hóa được con người tạo ra trong suốt quá trình tồn tại và phát triển với sản phẩm là tổng thể những giá trị về vật chất và tinh thần, bao gồm
văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đã nói đến văn hóa thì phải có giá trị, những giá trị ấy phải do con người sáng tạo ra trong cả một quá trình lịch sử liên tục tạo thành một hệ thống chặt chẽ. Từ đó, văn hóa mang trong mình những đặc trưng riêng biệt là tính hệ thống, tính giá trị, tính nhân sinh và tính lịch sử.
Ở tính hệ thống, những sự kiện, hiện tượng của một nền văn hóa đều có mối liên hệ chặt chẽ với nhau thể hiện dấu ấn của từng thời kì, từng giai đoạn lịch sử. Khi nghiên cứu văn hóa với tư cách là một khoa học lí luận ta không chỉ trả lời được câu hỏi “Cái gì?” mà còn có thể trả lời cho những câu hỏi “Tại sao?”, “Như thế nào?”. Nhờ việc đào sâu trong tính hệ thống, văn hóa đã thực hiện được chức năng tổ chức xã hội, vừa làm tăng độ ổn định ,vừa cung cấp những phương tiện, tư liệu cần thiết để phục vụ cho từng mục đích của xã hội. Dẫn theo Trần Ngọc Thêm trong cuốn “Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam” :
“Nhờ đi vào bề sâu, tìm những mối liên hệ có tính bản chất giữa các sự kiện, văn hóa học sẽ cho phép ta, chẳng hạn, nếu biết được một dân tộc sống ở đâu, ăn như thế nào, có thể nói được rằng dân tộc đó mặc và ở ra sao, suy nghĩ và ứng xử như thế nào… Từ đó, người đọc có thể suy ngẫm và lí giải các tư liệu văn hóa mà anh ta bắt gặp”. [38, tr. 22].
Tiếp theo, đặc trưng quan trọng thứ hai đó chính là tính giá trị. Giá trị ở đây tức là thước đo cho chuẩn mực của xã hội, con người, bao gồm giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Xét về mặt thời gian, văn hóa sẽ mang giá trị vĩnh cửu và giá trị nhất thời. Giá trị văn hóa ở mỗi thời kì, mỗi giai đoạn sẽ khác nhau. Ta chia thành hai khía cạnh: đồng đại và lịch đại.
Về mặt đồng đại, những hiện tượng không mang lợi ích lâu dài cho con người, cộng đồng thì không thể xem là văn hóa (phi giá trị). Và muốn biết hiện tượng, sự vật ấy có thuộc phạm trù văn hóa hay không ta dựa vào mối tương quan giữa mức độ giá trị và phi giá trị của chúng.
Về mặt lịch đại, vào những thời điểm lịch sử khác nhau dù cùng một hiện tượng nhưng vẫn có thể có hoặc không có giá trị. Giá trị ấy phụ thuộc vào chuẩn mực văn hóa của từng giai đoạn khác nhau. Từ đó, biến giá trị văn hóa có chức năng điều chỉnh xã hội tạo trạng thái cân bằng để tồn tại và phát triển. Đồng thời, văn hóa mang tính định hướng các chuẩn mực, điều chỉnh các ứng xử của con người.
Đặc trưng thứ ba của văn hóa là tính nhân sinh. Đặc trưng này thể hiện rõ nét dấu ấn sáng tạo của con người, trở thành công cụ giao tiếp quan trọng. Sự tác động ấy có thể mang tính vật chất hoặc mang tính tinh thần. Hay ta nói văn hóa lúc này mang chức năng giao tiếp, nếu ngôn ngữ là hình thức giao tiếp thì văn hóa chính là nội dung giao tiếp.
Đặc trưng cuối cùng của văn hóa đó chính là tính lịch sử. Có thể nói tính lịch sử thể hiện rõ truyền thống văn hóa của mỗi dân tộc, bởi nó hình thành trong một quá trình và tích lũy qua nhiều thế hệ, tạo nên một bề dày văn hóa mang chiều sâu cả về không gian và thời gian.
“Tính lịch sử của văn hóa được duy trì bằng truyền thống văn hóa. Truyền thống ( truyền= chuyển giao, thống= nối tiếp) là cơ chế tích lũy và truyền đạt kinh nghiệm qua không gian và thời gian trong cộng động. Truyền thống văn hóa là những giá trị tương đối ổn định (những kinh nghiệm tập thể) thể hiện dưới những khuôn mẫu xã hội được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian và được cố định hóa dưới dạng ngôn ngữ, phong tục, tập quán, nghi lễ, luật pháp, dư luận…” [38, tr. 26].
Lúc này, văn hóa mang chức năng giáo dục. Văn hóa thực hiện chức năng giáo dục bằng những giá trị ổn định, tức là những truyền thống đã sẵn có từ lâu, bên cạnh đó văn hóa còn thực hiện chức năng này bằng những giá trị đang hình thành để tạo thành hệ thống chuẩn mực mà con người muốn hướng tới. Giá trị văn hóa được xem là chuẩn mực nếu biết kế thừa và phát huy
những truyền thống đã có để tạo nên một nền văn hóa hoàn chỉnh. Chính vì điều đó, văn hóa còn mang thêm chức năng phái sinh là đảm bảo tính kế tục của lịch sử. “… văn hóa là một thứ gien xã hội di truyền phẩm chất con người lại cho các thế hệ mai sau”. [38, tr. 27].
Văn hóa mang nhiệm vụ chứa đựng quốc hồn, bản sắc truyền thống của mỗi đất nước, mỗi quốc gia. Những đặc trưng ấy đều mang tính khu biệt và tính bền vững tạo thành bản sắc văn hóa riêng giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác, cộng đồng này với cộng đồng khác. Đó là nền tảng thúc đẩy cho sự phát triển của mỗi dân tộc. Phương tiện quan trọng dùng để lưu giữ và truyền tải những đặc trưng văn hóa đó chính là ngôn ngữ. Nếu như văn hóa được xem là một tổng thể những tín hiệu do con người sáng tạo thì ngôn ngữ chính là hệ thống tín hiệu đó, là công cụ của tư duy, của giao tiếp xã hội, được xem như một bộ bách khoa toàn thư ghi lại toàn bộ những sự kiện, hiện tượng, hoạt động của con người, giúp ta có thể nhận diện được tổng thể thế giới, nhân sinh quan của một dân tộc mà ta đi vào tìm hiểu.
Như cách nói của nhân vật Ha- men trong tác phẩm “Buổi học cuối cùng”: “ Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác nào họ nắm được chìa khóa thoát khỏi chốn lao tù”. Hay như cách nói của người da đỏ Mexi: “Sẽ chẳng hay ho gì nếu để tiếng Mexi biến mất. Đó là văn hoá của chúng ta, một nền văn hoá mà chúng ta thừa hưởng của tổ tiên. Nếu ngôn ngữ này biến mất chúng ta chẳng có gì của quá khứ nữa và con em chúng ta chẳng thể nhận ra nhau” (Tạp chí Người đưa tin UNESCO, số 4, tháng 05/2000, trang 20). Ngôn ngữ đã trở thành một trong những thành tố đặc trưng của bất kì một nền văn hóa nào, viêc xem xét ngôn ngữ thương hai hướng “hướng nội” và “hướng ngoại” giúp phân biệt được văn hóa của từng dân tộc, tách biệt nền văn hóa giữa dân tộc này với dân tộc khác.
Nói như Ferdinand de Saussure: “Trong một chừng mực khá quan trọng, chính ngôn ngữ làm nên dân tộc”; M. Kheydegger: “Ngôn ngữ đã chứa đựng trong mình toàn bộ di sản văn hoá của các thế hệ trước, xác định hành vi của những con người hiện tại, trong một mức độ nào đó, ngôn ngữ còn làm tiền đề cho con người trong tương lai, có nghĩa chính ngôn ngữ sản sinh và sáng tạo ra con người”. Với chức năng là công cụ giao tiếp, công cụ để tư duy ngôn ngữ giúp con người thu nhận những sự hiểu biết được đúc kết qua nhiều thế hệ, tích lũy và hệ thống hóa , điều đó khiến ngôn ngữ trở thành tấm gương thực sự của nền văn hóa. Ngôn ngữ là yếu tố văn hóa quan trọng mang đậm nét sắc thái của mỗi dân tộc. Như vậy, ngôn ngữ và văn hóa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu Ngôn ngữ là phương tiện truyền tải, lưu giữ và phản ánh bộ mặt văn hóa đặc trưng của dân tộc thì văn hóa ảnh hưởng tới sự phát triển của các ngôn ngữ dân tộc.