Theo đánh giá của các chuyên gia, nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng từ nay đến năm 2020 ước tính chiếm khoảng từ 10% đến 11% GDP. Trong điều kiện tài chính hiện tại thì khả năng cân đối ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển cũng có những hạn chế nhất định.
Cụ thể, tổng chi ngân sách cho đầu tư phát triển chung trong giai đoạn 2001 2010 khoảng 60 tỷ USD, chiếm khoảng 8,4% so với GDP; trong đó chi cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như: giao thông thủy lợi, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản khoảng 50%. Điều này cho thấy khả năng nguồn vốn của Chính phủ khó có thể đáp ứng hết được nhu cầu cho đầu tư cơ sở hạ tầng.
PPP hiện được coi là lời giải tốt nhất cho bài toán thiếu hụt vốn cho đầu tư CSHT ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, việc triển khai PPP còn chậm. Cân phải có những giải pháp hiệu quả để đẩy nhanh quá trình áp dụng mô hình này trong thời gian tới.
1. Triển vọng đầu tư CSHT tại Việt Nam giai đoạn tới 1.1. Hạ tầng GTVT
Giao thông vận tải là một bộ phận quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đã và đang được ưu tiên đầu tư cho phát triển với tốc độ nhanh, bền vững nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Quan điểm phát triển hạ tầng giao thông vận tải, được trình bày trong Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ Giao thông vận tải chỉ ra sự cần thiết phải phát triển hệ thống hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý ; kết hợp phát triển từng bước vững chắc với những bước đột phá đi thẳng vào hiện đại tạo nên mạng lưới hoàn chỉnh, liên hoàn, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa các vùng lãnh thổ, giữa đô thị và nông thôn trên phạm vi toàn quốc, đồng thời coi trọng công tác bảo trì, đảm bảo khai thác hiệu quả, bền vững hệ thống hạ tầng giao thông hiện có.
Hạ tầng cảng biển
Nước ta hiện có 39 cảng biển được chia thành 6 nhóm. Nhóm 1: Cảng biển phía bắc từ Quảng Ninh tới Ninh Bình. Nhóm 2: Bắc Trung bộ từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh; nhóm 3: Trung Trung bộ từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi; Nhóm 4: Nam Trung bộ từ Bình Định đến Bình Thuận; Nhóm 5: Đông Nam bộ và Nhóm 6: Đồng bằng sông Cửu Long. Các cảng biển cũng được thiết kế chuyên dụng, phân định thành 3 loại: Cảng tổng hợp quốc gia, cảng địa phương (có phạm vi hấp dẫn và chức năng phục vụ chủ yếu trong phạm vi địa phương đó) và cảng chuyên dùng (phục vụ trực tiếp cho các cơ sở công nghiệp tập trung, hàng qua cảng có tính đặc thù chuyên biệt như dầu thô, than, quặng). Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, tốc độ tăng trưởng hàng hóa và đặc biệt là hàng hóa container vận chuyển bằng đường biển đang tăng trưởng với tốc độ cực kỳ cao, trên 20%/năm trong giai đoạn 2001-2008. Tuy nhiên phân bố lượng hàng được vận chuyển qua hệ thống các cảng là không đều, tập trung chủ yếu ở khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh và TP.HCM. Trong khi đó, các cảng ở khu vực khác đang hoạt động dưới công suất do thiếu nguồn hàng hóa bốc xếp. Thêm vào đó, tốc độ nâng cấp xây mới các cảng chính lại không theo kịp tốc độ phát triển hàng hóa, dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng đối với các cảng biển.
Các cảng lớn của Việt Nam đều nằm gần các thành phố lớn và ở sâu phía trong khu vực cửa sông nơi chịu ảnh hưởng bởi sa bồi và thủy triều. Chính vì thế, các
tàu trọng tải lớn có mớn nước sâu không thể cập các hệ thống cảng này để bốc xếp hàng hóa. Diện tích chật hẹp của khu vực thành thị khiến việc mở rộng hệ thống kho bãi cũng như phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan gặp nhiều khó khăn. Phương tiện bốc dỡ và hệ thống kho hàng có năng lực hạn chế đã làm giảm tốc độ hàng hóa thông qua cảng. Hệ thống phân phối hậu cần nội địa chưa phát triển, còn nghèo nàn và hoạt động kém hiệu quả, góp phần làm tăng tổng chi phí vận tải hàng hóa. Còn ít các dịch vụ liên quan đến cảng và vận tải biển. Sức ép về đầu tư xây mới và nâng cấp hạ tầng cảng biển đang trở thành một nhu cầu phát triển cấp bách giai đoạn hiện nay.
Chiến lược phát triển chung của Bộ Giao thông Vận tải là phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, các cảng cửa ngõ quốc tế, các bến cảng nước sâu tại ba vùng kinh tế trọng điểm có khả năng tiếp nhận các tàu container thế hệ mới, các cảng tổng hợp, cảng chuyên dùng, cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cảng biển, bao gồm bến cảng, luồng vào cảng, giao thông đến cảng và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng.
Dự kiến lượng hàng thông qua toàn bộ hệ thống cảng biển tại thời điểm 2015 khoảng 500 - 600 triệu tấn/năm; năm 2020 khoảng 90 - 1.100 triệu tấn/năm và tăng lên đến 1.600 - 2.100 triệu tấn/năm vào giai đoạn 2030 (Quy hoạch phát triển vận tải biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1601/QĐ-TTg ngày 15/10/2009).
Tổng kinh phí đầu tư để phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 ước tính khoảng 360 - 440 nghìn tỷ đồng, trong đó cơ sở hạ tầng công cộng cảng biển khoảng 70 - 100 nghìn tỷ đồng, cơ sở kết cấu hạ tầng cảng biển khoảng 290 - 340 nghìn tỷ đồng.
Hạ tầng giao thông vận tải đường bộ
Từ năm 2001 đến năm 2008, vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng GTVT đạt khoảng 117.794 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cho đường bộ là 103.417 tỷ đồng, chiếm
87,79% , phần lớn là đầu tư xây dựng cơ bản các công trình hạ tầng giao thông đường bộ.
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, trên cơ sở dự báo nhu cầu vận tải, định hướng phát triển kinh tế của 3 vùng trọng điểm và chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, mạng lưới đường bộ cao tốc quốc gia dự kiến gồm 20 tuyến với chiều dài 5.830 km; trong đó đường bộ cao tốc Bắc – Nam có 2 tuyến với chiều dài 3.520km; đường bộ cao tốc khu vực phía Bắc có 6 tuyến với chiều dài 945 km; đường bộ cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên có 3 tuyến với chiều dài 265 km; đường bộ cao tốc khu vực phía Nam có 6 tuyến với chiều dài 835 km; hệ thống đường vành đai hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh có 3 tuyến với chiều dài 285 km. Tuy nhiên, để hoàn thành kế hoạch, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng dự khiến cần khoảng 765.000 tỷ đồng, tương đương 48 tỷ USD. Trong đó, dự kiến đến năm 2020, xây dựng được khoảng 2.775 km với nhu cầu vốn khoảng 430.000 tỷ đồng và sau năm 2020 xây dựng 2.955 km với nhu cầu khoảng 335.000 tỷ đồng.
Với nguồn vốn rất lớn này, Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, đây quả thực là một thách thức, bởi nguồn ngân sách trước mắt không thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Theo tính toán, vốn đầu tư hiện có chỉ có thể đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nói chung.
Bộ Giao thông & Vận tải cũng xác định rằng, việc huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống giao thông đường bộ sẽ phải kết hợp từ nhiều nguồn. Trong đó, vốn ngân sách phải đóng vai trò chủ đạo và chiếm tỷ trọng lớn. Bên cạnh đó, Nhà nước phải đẩy mạnh phương thức hợp tác Nhà nước - tư nhân để giảm bớt gánh nặng vốn ngân sách Nhà nước.
Theo Bộ Giao thông & Vận tải, trên cơ sở phân tích tổng hợp sơ bộ, ước tính khoảng 30% vốn kỳ vọng huy động từ nguồn ODA; khoảng 40% vốn huy động từ nguồn đầu tư theo mô hình hợp tác tư nhân ; khoảng 5% vốn thu hút thông qua phát
hành trái phiếu công trình; khoảng 5% vốn có thể huy động từ nguồn vay OCR (nguồn vốn thương mại), còn lại 20% là nguồn vốn từ ngân sách trong nước.
Hạ tầng giao thông vận tải đường sắt
Quy hoạch tổng thể phát triển ngành giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 của Bộ Giao thông Vận tải đã nêu lên những yêu cầu trong đầu tư hạ tầng giao thông vân tải đường sắt sau đây:
Đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông đường sắt hợp lý và thống nhất trong cả nước, có quy mô phù hợp với từng vùng lãnh thổ, hình thành những trung tâm kết nối cơ sở hạ tầng, dịch vụ vận tải đường sắt, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có và phát triển năng lực của ngành giao thông vận tải đường sắt.
Nâng cấp các tuyến đường hiện có vào cấp kỹ thuật quy định và xây dựng mới một số đoạn, tuyến, các đường nhánh nối với cảng, khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm trong cả nước và kết nối với các tuyến hiện tại; ưu tiên nâng cao năng lực và hiện đại hoá trục Bắc - Nam, trục Đông - Tây; tiến hành điện khí hoá tuyến Hà Nội - Hải Phòng để làm cơ sở phát triển sức kéo điện cho giai đoạn sau.
Đồng thời với việc xây dựng đường sắt đô thị ở thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phải tiến hành xây dựng mới và đồng bộ các nhà ga, các cơ sở sửa chữa, vận dụng đầu máy - toa xe.
Làm mới hệ thống: thông tin cáp quang, tổng đài điện tử số, tín hiệu bán tự động tiến tới tự động, ghi điện khí tập trung, dừng tầu tự động, hệ thống cảnh báo đường ngang tự động... Tham gia thị trường viễn thông chung để tận dụng hết năng lực của ngành đường sắt.
Quy hoạch sắp xếp lại để phát triển các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, phụ tùng, phụ kiện cơ khí phục vụ sửa chữa, bảo trì và làm mới cơ sở hạ tầng đường sắt.
Nâng cấp, làm mới để từng bước hoàn chỉnh hệ thống nhà ga hành khách, ga hàng hoá ở các khu vực trọng điểm; đặc biệt lưu ý các ga hành khách tại trung tâm Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa là ga trung tâm của đường sắt vừa là đầu mối trung chuyển, kết nối các loại phương tiện vận tải, đồng thời là trung tâm dịch vụ đa năng.
Giai đoạn đến 2020, hoàn thành việc nâng cấp các tuyến đường sắt để đạt cấp kỹ thuật quốc gia và khu vực, xây dựng thêm một đường để thành đường đôi và điện khí hoá các tuyến Hà Nội -Vinh, Sài Gòn - Nha Trang, tiếp tục xây dựng các tuyến đường sắt mới để tạo thành mạng đường sắt đồng bộ, hoàn chỉnh đạt tiêu chuẩn hiện đại. Trên trục Bắc - Nam, ngoài tuyến đường sắt Thống Nhất hiện có cần xây dựng thêm một tuyến đường đôi riêng biệt chạy tầu khách cao tốc Bắc - Nam khổ đường 1.435mm để giảm thời gian chạy tàu từ Hà Nội đến thành phố Hồ Chí Minh xuống dưới 10 giờ và có khả năng kết nối với đường sắt liên vận quốc tế. Tiếp tục xây dựng đường sắt vành đai, nội đô các thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn khác để tạo thành mạng lưới giao thông đô thị hoàn chỉnh và đồng bộ.
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng đường sắt từ nay đến năm 2020 ở mức 74.521 tỷ VNĐ. Để đáp ứng nhu cầu phát triển theo quy hoạch, đối với từng dự án cụ thể, ngành đường sắt được vay tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển hoặc các nguồn tín dụng khác với lãi suất phù hợp chính sách ưu đãi trong từng thời kỳ để đầu tư phát triển CSHT, đổi mới phương tiện vận tải hoặc trang thiết bị chuyên ngành, áp dụng công nghệ mới, kết hợp với việc huy động vốn theo mô hình hợp tác Nhà nước – tư nhân.
Hạ tầng giao thông vận tải hàng không
Từ nay đến 2020, hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và xây dựng mới các cảng hàng không đạt tiêu chuẩn quốc tế; tập trung đầu tư các cảng hàng không quốc tế trong khu vực Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu, triển khai đầu tư các cảng hàng không quốc tế mới với quy mô và chất lượng phục vụ ngang
tầm với các cảng hàng không quốc tế lớn trong khu vực. Đưa năng lực khai thác các cảng hàng không lên 3,0 ÷ 3,5 lần vào năm 2020.
Máy bay vận tải hành khách tầm ngắn sử dụng các loại từ 65 ÷ 80 ghế và từ 150 ÷ 200 ghế; máy bay tầm trung sử dụng các loại từ 250 ÷ 350 ghế; máy bay tầm xa sử dụng các loại trên 300 ghế. Phát triển các loại máy bay chở hàng phù hợp. Sử dụng các loại máy bay trực thăng, máy bay cánh bằng loại nhỏ chuyên dùng cho các hoạt động bay ta xi, tìm kiếm cứu nạn. Đến năm 2020 đội tầu bay quốc gia có khoảng 140 ÷150 chiếc các loại.
1.2. Hạ tầng Năng lượng – Điện Nước
Theo bản Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét triển vọng đến 2025 của Bộ Công nghiệp trình Thủ tướng Chính phủ thì tăng trưởng nhu cầu sử dụng điện dự báo từ 2006-2010 bình quân là 16%/năm, từ 2011-2015 là 11%/năm, từ 2016-2020 là 9,1%/năm và 2021-2025 là 8%/năm.
Để đáp ứng nhu cầu về điện thì tổng vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn này khoảng 79,9 tỷ USD. Trong đó, đầu tư cho nguồn điện khoảng 52 tỷ USD còn lại là cho lưới điện.
Nguồn vốn huy động gồm vốn tự có của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), vốn ngân sách và vốn vay, cùng với các dự án độc lập của các Doanh nghiệp nhà nước khác, các doanh nghiệp tư nhân trong và ngoải nước.
Tuy nhiên khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư từ nguồn vốn tự có của EVN là rất thấp; nguồn vốn ngân sách chủ yếu dùng để đền bù tái định cư. Riêng nguồn vốn vay rất hạn chế. EVN đóng góp khoảng 665.389 tỷ VNĐ (tương đương 40 tỷ USD), khoảng một nửa nhu cầu đầu tư. Các nguồn vốn vay có khả năng huy động, thu xếp hiện nay của EVN thực hiện chỉ đáp ứng được cho một số công trình đầu tư chủ yếu ở giai đoạn từ nay đến 2015.
Trong lĩnh vực cấp nước, đầu tư ước tính hiện nay 600 triệu USD/năm; con số này phải tăng lên gấp 4 lần thì Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2020, tức là vào khoảng 2,4 tỷ USD/ năm.