270. Đại diện của Việt Nam cho biết chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam đang hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhà nước tập trung vào tái thiết, nâng cấp và xây dựng cơ sở hạ tầng như cung cấp điện, nước, đường sá, sân bay, cảng biển, và phương tiện bưu chính viễn thông. Hầu hết các ngành sản xuất của Việt Nam đều đang ở giai đoạn phát triển ban đầu và thường bị ảnh hưởng bởi khả năng cạnh tranh thấp. Chẳng hạn như ngành sản xuất giấy được coi là có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, sản phẩm nghèo nàn, chất lượng thấp và chi phí sản xuất cao. Nhưng ngành giấy lại có vai trò rất quan trọng đối với đời sống của người nông dân, những người cung cấp nguyên liệu thô cho các nhà máy giấy. Vì thế, ngành giấy được bảo hộ bằng thuế nhập khẩu cao và các biện pháp quản lý nhập khẩu.
271. Đại diện Việt Nam đã nộp cho Ban Thư ký bản Thông báo về Trợ cấp công nghiệp, kể cả trợ cấp xuất khẩu, cho giai đoạn 1996-1998 tại tài liệu WT/ACC/VNM/13, được cập nhật cho giai đoạn 1999-2000 tại tài liệu WT/ACC/VNM/13/Add.1, cho giai đoạn 2001-2002 tại tài liệu WT/ACC/VNM/13/Add.2. Việt Nam cũng đã nộp một bản thông báo mới cho gia đoạn 2003-2004 trong tài liệu WT/ACC/VNM/42/Rev.1.
272. Theo bản thông báo cho giai đoạn 2003-2004, Việt Nam áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi dựa trên tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm xe môtô hai bánh và linh kiện xe máy; áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi dựa trên tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm cơ-điện-điện lạnh và các linh kiện máy móc; hỗ trợ thực hiện các dự án sản xuất các sản phẩm công nghiệp ưu tiên; khuyến khích đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hàng xuất khẩu; các loại hình khuyến khích đầu tư khác đối với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; dành ưu đãi vay vốn hỗ trợ phát triển sản xuất hàng xuất khẩu; dành ưu đãi vay vốn hỗ trợ đầu tư dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm; các hỗ trợ vốn vay phát triển khác; hỗ trợ phát triển ngành dệt may; thúc đẩy xuất khẩu; hỗ trợ xúc tiến thương mại; hỗ trợ các sản phẩm cơ khí; hỗ trợ ngành công nghiệp đóng tàu; hỗ trợ phát triển thương mại ở vũng núi, hải đảo và vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn vì những lý do khách quan; khuyến khích đầu tư để phát triển khoa học và công nghệ. Hai chương trình khác dành cho các doanh nghiệp trong nước sử dụng nhiều lao động và các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ chưa được đưa vào bản thông báo vì những ưu đãi theo các chương trình này không mang tính cụ thể đối với ngành hoặc doanh nghiệp. Trợ cấp cấp phát theo chương trình dành cho các doanh nghiệp trong nước sử dụng nhiều lao động bao gồm việc miễn giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, và miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp mở rộng. Chương trình này chủ yếu nhằm tạo việc làm và cải thiện thu nhập và điều kiện sống của nhân dân. Các biện pháp ưu đãi theo chương trình này hoàn toàn gắn với số lượng người lao động. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sử dụng nhiều lao động nữ được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Các doanh nghiệp
này cũng có thể khấu trừ chi phí liên quan tới việc làm của lao động nữ từ thu nhập chịu thuế.
273. Đại diện Việt Nam lưu ý rằng hầu hết các chương trình trợ cấp đều là miễn hoặc ưu đãi về thuế (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuê đất, sử dụng đất, thu nhập cá nhân...) nghĩa là không thu cho ngân sách. Do hệ thống quản lý dữ liệu và thống kê của Việt Nam hoạt động chưa đủ hiệu quả để có thể đánh giá được số tiền miễn giảm nên không thể cung cấp số liệu về tổng số tiền trợ cấp trên mỗi đơn vị trong các chương trình đã được liệt kê. Tuy nhiên, theo đánh giá thì mỗi chương trình chỉ cung cấp một khoản trợ cấp không đáng kể. Đại diện Việt Nam đã cung cấp thông tin về ưu đãi đầu tư trong giai đoạn 1996-2003 theo loại hình doanh nghiệp, số lượng dự án đầu tư và lĩnh vực đầu tư được hưởng lợi từ ưu đãi đầu tư từ năm 2001 đến 2003 tại Bảng 20 (a), (b) và (c). Các ưu đãi về thuế được nêu rõ trong giấy phép đầu tư, điều đó có nghĩa là Chính phủ bảo đảm có ưu đãi. Không có thời hạn tiêu chuẩn nào áp dụng đối với giấy phép đầu tư. Cả các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và trong nước, bao gồm các liên doanh và doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đều có thể được hưởng ưu đãi trên cơ sở bình đẳng như được đề cập trong Chương trình IV, V, VI và VII của tài liệu WT/ACC/VNM/42/Rev.1. Đại diện Việt Nam khẳng định tất cả các hình thức trợ cấp trực tiếp dành cho doanh nghiệp nhà nước cũng dành cho doanh nghiệp tư nhân. Đại diện còn lưu ý thêm rằng Luật đầu tư Việt Nam năm 2005 có hiệu lực từ ngày 1/7/2006 đã xoá bỏ việc cấp các trợ cấp bị cấm để khuyến khích đầu tư; khuyến khích đầu tư một cách bình đẳng đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Luậ đầu tư cũng quy định rằng nếu các quy định của một hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên khác với các quy định của Luật đầu tư thì các quy định của hiệp định quốc tế sẽ được áp dụng.
274. Khi được hỏi về sự khác biệt giữa thuế sử dụng đất và thuế thuê đất, đại diện Việt Nam giải thích rằng thuế sử dụng đất là khoản thuế mà Chính phủ thu hàng năm cho việc sử dụng đất được Chính phủ giao cho các tổ chức hoặc cá nhân một cách dài hạn nhằm mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp, cư trú, xây dựng hoặc thương mại. Thuế thuê đất là khoản thuế hàng năm được thu cho việc sử dụng đất được giao trên cơ sở hợp đồng thuê đất. Các tiêu chí để được miễn hoặc giảm thuế thuê đất và thuế sử dụng đất được thể hiện trong Bản báo cáo về trợ cấp công nghiệp của Việt Nam (WT/ACC/VNM/13/Add.2).
275. Để trả lời câu hỏi liên quan đến chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu cho các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất hoặc lắp ráp phẩm cơ khí, điện và điện tử và/hoặc chi tiết của các sản phẩm này dựa trên tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm, đại diện Việt Nam lưu ý rằng chương trình này là một phần trong chiến lược công nghiệp hoá tổng thể của Việt Nam, mặc dù đại diện Việt Nam thừa nhận rằng chương trình này chỉ có lợi trong giai đoạn phát triển của các ngành này. Đại diện cho biết rằng Quyết định số 43/2006/QD-BTC ngày 29/8/2006 đã xoá bỏ chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm cơ khí, điện, điện lạnh và các chi tiết máy đi kèm kể từ ngày 1/10/2006. Đại diện của Việt Nam cũng khẳng định chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu đối với xe môtô hai bánh và các linh kiện đã không còn được áp dụng kể từ ngày 1/1/2003.
276. Khi được đề nghị cung cấp thông tin về các chương trình trợ cấp xuất khẩu của Việt Nam, đại diện Việt Nam cho biết Việt Nam đã thành lập Quỹ Xúc tiến Xuất khẩu nhằm hỗ trợ, khuyến khích và thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam. Trợ cấp được cung cấp theo hình thức hỗ trợ lãi suất (hoàn trả toàn bộ hay một phần lãi suất phát sinh đối với các khoản vay ngân hàng thông thường); hỗ trợ tài chính trực tiếp, đặc biệt đối với các nhà xuất khẩu lần đầu tiên, hàng xuất khẩu vào các thị trường mới hay hàng hoá chịu biến động giá lớn; và thưởng xuất khẩu. Tổng chi từ Quỹ Xúc tiến Xuất khẩu đạt tới 193 tỉ đồng năm 2004. Khi được đề nghị định nghĩa khái niệm “hỗ trợ tài chính” và “thưởng xuất khẩu”, đại diện Việt Nam cho biết hỗ trợ tài chính bao gồm tất cả các loại lợi ích tài chính và cả hỗ trợ tài chính và thưởng xuất khẩu đều có thể được coi là các khoản hỗ trợ.
277. Đại diện của Việt Nam cho biết Quỹ Xúc tiến Xuất khẩu cũng đang hỗ trợ các doanh nghiệp chi phí dành cho các hoạt động xúc tiến thương mại như tham gia các hội chợ và triển lãm thương mại, tìm hiểu thị trường, phí tư vấn và mở các trung tâm xúc tiến thương mại và các văn phòng đại diện ở nước ngoài từ đầu năm 2001. Các khoản chi từ Quỹ này được quyết định trên cơ sở giá trị xuất khẩu (0,1-0,2% một năm) nhưng hỗ trợ không thể vượt quá 50% đến 70% chi phí thực của doanh nghiệp dành cho các hoạt động như vậy. Đại diện cho biết Quyết định số 279/2005/QD-TTg đã xây dựng một chương trình xúc tiến thương mại mới cho giai đoạn 2006-2010 và khẳng định rằng chương trình mới này sẽ được áp dụng phù hợp với các quy định của WTO.
278. Quỹ Hỗ trợ Phát triển được thành lập năm 1999 nhằm hỗ trợ việc triển khai các dự án kinh tế quan trọng và phát triển các khu vực khó khăn. Hiện nay, Quỹ đang cấp tín dụng đầu tư ưu đãi nhằm phát triển xuất khẩu; tín dụng phát triển ưu đãi nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá của hàng hóa; và các tín dụng đầu tư ưu đãi khác vì mục tiêu phát triển. Đại diện Việt Nam cung cấp số liệu thống kê về việc cho vay thông qua Quỹ Hỗ trợ Phát triển trong các năm 2003 và 2004 trong Phụ lục 1 của tài liệu WT/ACC/VNM/39. Đại diện cũng khẳng định rằng, như đã nêu tại tài liệu WT/ACC/VNM/42/Rev.1, Việt Nam sẽ dỡ bỏ các yếu tố bị cấm trong hai chương trình đầu bằng cách xoá bỏ các yêu cầu về xuất khẩu hoặc vị trí địa lý nếu phù hợp trước ngày gia nhập WTO.
279. Đại diện Việt Nam cho biết thêm một trong số các biện pháp khuyến khích đầu tư là Việt Nam đã áp dụng việc miễn thuế trong vòng 5 năm đối với việc nhập khẩu nguyên liệu thô của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất khẩu ít nhất 80% sản phẩm của họ, hoặc 50% đối với hàng nông, lâm hay thuỷ sản. Đầu tư trong các dự án như vậy được “đặc biệt khuyến khích” theo Nghị định 24/2000/ND-CP. Ngoài ra, mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi (10, 15 hay 20% so với mức thuế chuẩn 28%) và miễm hoặc giảm thuế tới 9 năm có thể được dành cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tuy theo tỉ lệ xuất khẩu hay lĩnh vực đầu tư của họ. Những hình thức khuyến khích đầu tư và thời hạn khuyến khích được nêu cụ thể trong giấy phép đầu tư. Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được phép mua sắm hàng hoá không thể tự sản xuất được tại thị trường trong nước để chế biến xuất khẩu hoặc xuất khẩu không qua chế biến (trừ các sản phẩm nêu trong danh mục bị cấm buôn bán với mục đích xuất khẩu hoặc hàng xuất khẩu có điều kiện).
280. Các biện pháp khuyến khích đầu tư đối vói các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng hoá xuất khẩu bao gồm miễn thuế nhập khẩu khi nhập khẩu thiết bị, máy móc và các phương tiện vận tải chuyên dùng được sử dụng khi thiết lập tài sản cố định của doanh nghiệp. Tài sản cố định được sử dụng trong quá trình sản xuất, chế biến hoặc lắp ráp hàng xuất khẩu bị khấu hao nhanh (trong nửa thời gian thông thường). Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phần mềm và cơ khí được hưởng lợi nhờ việc miễn thuế đối với việc xuất khẩu các sản phẩm của họ.
281. Đại diện cho biết thêm Việt Nam đã sử dụng một cơ chế hoàn thuế nhằm hoàn thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm được nhập khẩu và sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu. Một Thành viên nhận xét rằng khối lượng các sản phẩm vào lãnh thổ Việt Nam theo thoả thuận hoàn thuế không nên được coi là một phần của, hay liên quan tới bất kỳ cơ chế hạn ngach thuế quan (TRQ) nào và đề nghị Việt Nam làm rõ mối liên hệ giữa cơ chế hoàn thuế và các thoả thuận TRQ của Việt Nam. Đại diện Việt Nam lưu ý rằng thương nhân có thể xin hạn ngạch thuế quan hoặc nhập khẩu trực tiếp hàng hoá sử dụng để sản xuất hàng xuất khẩu, cả hai trường hợp đều có lợi nhờ cơ chế hoàn thuế. Đại diện cũng khẳng định rằng kể từ ngày gia nhập, Việt Nam sẽ áp dụng việc miễn giảm thuế và cơ chế hoàn thuế đúng theo quy định của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng, đặc biệt Phụ luc I và II của Hiệp định, phù hợp với các cam kết theo các đoạn 286 và 288. Ban công tác ghi nhận cam kết này.
282. Trả lời câu hỏi về chương trình hỗ trợ cho công nghiệp đóng tàu, đại diện của Việt Nam nói rằng các ưu đãi được áp dụng theo chương trình không phụ thuộc vào việc xuất khẩu tàu. Vì vậy, ưu đãi sẽ được dành cho cả các tàu được xuất khẩu và các tàu đăng ký trong nước. Năm 2003, 4 con tàu đã được xuất khẩu và 12 chiếc khác được đăng ký trong nước. Năm 2004, tất cả số tàu (21 chiếc) đều được đăng ký trong nước.
283. Một số thành viên lưu ý rằng Việt Nam coi mình là nước đang phát triển có thu nhập thấp và được phép duy trì trợ cấp xuất khẩu theo Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp Đối kháng (SCM). Một thành viên bày tỏ sự ủng hộ việc Việt Nam trợ cấp theo Phụ lục VII của Hiệp định về Trợ cấp và các Biện pháp đối kháng, do mức GDP theo đầu người của Việt Nam thấp (ít hơn 1.000 USD). Tuy nhiên. một thành viên khác lưu ý rằng Điều 27.2 (a) của Hiệp định là cụ thể dành cho các nước đang phát triển được đề cập trong Phụ lục VII của Hiệp định SCM và đây không phải là danh sách các nước tự đề cử hay mở rộng. Hơn nữa, các điều khoản của Điều 27.4 của Hiệp định, dành cho các nước đang phát triển có thị phần nhỏ trong thương mại xuất khẩu thế giới, sẽ không được áp dụng cho Việt Nam. Trong khi sẵn sàng linh hoạt khi xem xét Việt Nam sẽ loại bỏ dần trợ cấp xuất khẩu như thế nào, thành viên này cho rằng sau khi gia nhập Việt Nam không nên viện dẫn các điều khoản cho phép việc sử dụng các trợ cấp bị cấm. Hơn nữa, do Việt Nam sẽ gia nhập WTO sau khi các nước đang phát triển kết thúc giai đoạn cắt giảm dần trợ cấp xuất khẩu, Việt Nam nên loại bỏ dần các chương trình trợ cấp xuất khẩu của mình ngay sau khi gia nhập.
284. Các thành viên nhận xét rằng Điều 32 của Luật Đầu tư năm 2005, khi quy định mọi hoạt động đầu tư vào các khu chế xuất đều có thể được nhận ưu đãi, đã mang hàm ý rằng tất cả các hình thức khuyến khích đầu tư liệt kê trong Phần 2 của Luật đều có thể được dành cho các hoạt động xuất khẩu và như vậy bị coi là các hình thức trợ cấp bị cấm theo Điều 3 của Hiệp định SCM của WTO. Các thành viên này yêu cầu Việt Nam giải thích Việt Nam sẽ làm thế nào để dung hòa quy định này với hy vọng xoá bỏ tất cả các hình thức trợ cấp bị cấm sau khi gia nhập WTO. Một thành viên nhận xét rằng các nội dung của Quỹ Bình ổn Giá được duy trì trong Quỹ Xúc tiến Xuất khẩu, nghĩa là các loại phụ phí