356. Một số Thành viên lưu ý rằng Việt Nam hiện đang sử dụng các công cụ bảo hộ như cấm nhập khẩu, hạn ngạch, cơ chế cấp phép tùy ý và các hạn chế định lượng khác để điều chỉnh hoạt động nhập khẩu nông sản và Hiệp định về Nông nghiệp của WTO cấm sử dụng các hạn chế định lượng để điều chỉnh các hoạt động nhập khẩu đó. Một Thành viên đặc biệt lưu ý rằng Việt Nam đang sử dụng cơ chế cấp phép tuỳ ý để hạn chế nhập khẩu các sản phẩm sữa, trứng, ngô, thuốc lá, muối, bông và đường, và đề nghị Việt Nam loại bỏ tất cả các biện pháp không phù hợp với các quy định của WTO đó muộn nhất là vào thời điểm gia nhập. Ngoài ra, các hạn chế về nhập khẩu gạo dường như vi phạm các Hiệp định của WTO về Nông nghiệp và Thủ tục Cấp phép Nhập khẩu và cũng không thể biện minh được theo các qui định của Điều XI của Hiệp định GATT năm 1994. Đối với vấn đề Việt Nam cấm nhập khẩu thuốc lá điếu vì lý do sức khỏe, các Thành viên nhắc nhở Việt Nam rằng Điều III và Điều XX của Hiệp định GATT cấm sử dụng những biện pháp này nếu Việt Nam cho phép sản xuất, buôn bán và phân phối thuốc lá ở trong nước (xem thêm phần “Các biện pháp định lượng hạn chế nhập khẩu”) Các Thành viên yêu cầu Vịêt Nam xác định theo dòng thuế các nông sản nhập khẩu đang chịu điều chỉnh của các biện pháp phi thuế quan và tiến hành loại bỏ các biện pháp này trước khi gia nhập WTO. Nếu cần thiết, Việt Nam cần sủ dụng các biện pháp phù hợp với WTO và đảm bảo rằng các sản phẩm nhập khẩu được đối xử giống như các hàng hóa được sản xuất trong nước ngay cả khi Việt Nam có chính sách bảo đảm sức khỏe con người. Các Thành viên kêu gọi Việt Nam duy trì chế độ bảo hộ chỉ bằng công cụ duy nhất là thuế quan hơn là sử dụng hạn ngạch thuế quan và cung cấp thông tin nếu có về đối xử khác biệt về phân bổ giấy phép giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân trong phân bổ giấy phép. Một số Thành viên lưu ý Việt Nam đang tìm cách áp dụng biện pháp tự vệ đặc biệt (SSG) khi cần
thiết. Các Thành viên này cho rằng SSG là một biện pháp quá độ của một số Thành viên được gắn với các cam kết của Vòng Urugoay và vì thế không được áp dụng cho các nước đang gia nhập. Các Thành viên đề nghị Việt Nam cam kết không áp dụng tự vệ đặc biệt.
357. Đại diện Việt Nam trả lời Việt Nam sẽ cân nhắc áp dụng thuế thay vì sử dụng các biện pháp hạn chế định lượng. Kể từ khi gia nhập WTO, Việt Nam có kế hoạch bãi bỏ hạn chế định lượng hoặc các hạn chế nhập khẩu khác với bất kỳ nông sản nào, trừ những biện pháp được phép theo qui định của WTO. Đại diện Việt Nam lưu ý rằng tất cả các hạn chế nhập khẩu dưới dạng cấp phép tùy ý, trừ hạn chế áp dụng cho đường, đã được loại bỏ theo Quyết định số 46/2001/QD-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 91/2003/QD-TTg ngày 9/5/2003 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 187/2003/QD-TTg ngày 15/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Đường nhập khẩu phải có giấy phép tuỳ ý với mức thuế 30% đối với đường thô và 40% đối với đường tinh luyện, tuy nhiên Việt Nam cam kết sẽ thay thế cơ chế cấp phép tuỳ ý bằng cơ chế TRQ kể từ ngày gia nhập (xem đoạn 167). Đường nằm trong Danh sách các Nông sản Nhạy cảm của Việt Nam trong khuôn khổ CEPT/AFTA và do vậy thuế quan đối với đường sẽ không được giảm trong thời gian trước mắt. Đại diện Việt Nam cho biết thêm rằng Việt Nam áp dụng biện pháp quản lý chuyên ngành dưới dạng cấp phép nhập khẩu tự động đối với một số sản phẩm. Việt Nam không áp dụng bất kỳ hạn ngạch nào cũng như bất kỳ hình thức hạn chế số lượng nào khác đối với việc nhập khẩu gạo. Đối với biện pháp cấm nhập khẩu thuốc lá và xì gà, biện pháp cấm này sẽ phải được loại bỏ kể từ thời điểm gia nhập. Việt Nam không có ý định phát triển ngành công nghiệp thuốc lá, nhưng các cơ sở chế biến hiện nay được tận dụng vì lợi ích của nông dân trồng thuốc lá. Luật pháp của Việt Nam không thiên vị các công ty nhà nước, gây thiệt hại cho khu vực tư nhân. Đại diện Việt Nam bổ sung rằng tất cả các khoản phụ thu đối với hàng nhập khẩu đã được loại bỏ vào tháng 12 năm 2004. Do đó, các khoản phụ thu đối với hàng nhập khẩu trên cơ sở khác biệt về giá giữa giá trong nước và giá quốc tế đã không được thu nữa.
358. Năm 1996, mức thuế bình quân đơn giản đối với nông sản nhập khẩu là 17,7% (tài liệu WT/ACC/VNM/3); năm 2004, mức thuế này là 27,1%. Sở dĩ, mức thuế tăng là do việc Việt Nam điều chỉnh biểu thuế theo Biểu hài hoà thuế quan ASEAN, việc chuyển các hàng rào phi thuế thành thuế quan và việc đưa các loại thuế và phí khác (ODCs) vào các dòng thuế.
Đại diện Việt Nam khẳng định kể từ ngày gia nhập, Việt Nam sẽ áp dụng việc bảo vệ hàng nông sản tại biên giới theo cách phù hợp với các Hiệp định của WTO, đặc biệt là Điều 4 của Hiệp định Nông nghiệp. Xuất khẩu
360. Đại diện Việt Nam cho biết Việt Nam áp dụng hạn chế xuất khẩu hoặc quản lý xuất khẩu đối với các sản phẩm được liệt kê trong Bảng 18 (xem mục “Các hạn chế xuất khẩu” để thảo luận về các biện pháp này). Đại diện Việt Nam lưu ý rằng hạn ngạch xuất khẩu gạo đã được bãi bỏ theo Quyết định số 46/2001/QD-TTg ngày 4/4/2001 của Thủ tướng Chính phủ và hiện nay Việt Nam không áp dụng bất kỳ hạn chế xuất khẩu nào đối với gạo. Kể từ năm 1998, quyền xuất khẩu gạo, trước đó chỉ dành cho các doanh nghiệp Nhà nước, đã được mở rộng cho tất cả các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi hình thức sở hữu. Tuy nhiên, quyền của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn bị hạn chế. Việt Nam đề nghị giành cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài quyền xuất khẩu gạo đầy đủ kể từ ngày 1/1/2011 (xem mục “Quyền kinh doanh” và “Hạn chế xuất khẩu”).
361. Một Thành viên lưu ý rằng các doanh nghiệp nhà nước thu mua chủ yếu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam và chiếm tỷ trọng xuất khẩu lớn, như 60% với gạo, 70% với cà phê và 90% với cao su. Các Thành viên yêu cầu Việt Nam cung cấp các thông tin về giá thu mua nông sản mà các doanh nghiệp nhà nước áp đặt và mối quan hệ giữa các doanh nghiệp nhà nước và Quỹ Bình ổn Giá và chức năng của Quỹ này.
362. Đại diện Việt Nam trả lời rằng giá thu mua nông sản xuất khẩu được quyết định bởi chính các doanh nghiệp theo điều kiện thị trường. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo phương thức giống như tất cả các doanh nghiệp kinh doanh khác. Các doanh nghiệp đều bình đẳng đối với Quỹ Bình ổn Giá, không phân biệt hình thức sở hữu. Quỹ Bình ổn Giá đã được thành lập vào năm 1993 theo Quyết định 151/ TTg nhằm điều tiết và bình ổn giá cả trong nước. Nguồn của Quỹ này có được từ nhập khẩu và xuất khẩu, khoản chênh lệch giữa giá nội địa và giá nước ngoài, và lợi nhuận ngoài dự tính của các nhà sản xuất hoạt động trong các điều kiện thuận lợi. Tháng 10/1999, Quỹ Bình ổn Giá đã được thay thế bởi Quỹ Xúc tiến Xuất khẩu. Mục đích của Quỹ Xúc tiến Xuất khẩu do Bộ Tài chính quản lý là giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng xuất khẩu (chủ yếu là nông sản) đối phó với những biến động bất lợi về giá cả trên thị trường quốc tế nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh và thúc đẩy xuất khẩu. Quỹ được tài trợ bởi các khoản phụ thu đối với hàng nhập khẩu và xuất khẩu và các nguồn được Ngân sách Nhà nước cấp hàng năm. Tuy nhiên, do hầu hết các khoản phụ thu đã bị loại bỏ, nên nguồn tài trợ của Quỹ này đã bị giảm dần.
363. Lúc đầu, đại diện Việt Nam cho biết Việt Nam không cấp bất kỳ hỗ trợ xuất khẩu nào dưới dạng cấp trực tiếp từ ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, từ năm 1998, Việt Nam đã bắt đầu cấp hỗ trợ xuất khẩu trực tiếp từ ngân sách. Các khoản hỗ trợ này dưới dạng hỗ trợ lãi suất, thưởng xuất khẩu, hỗ trợ để bù đắp lỗ cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, thịt lợn và cà phê, và hỗ trợ xuất khẩu rau và hoa quả.
364. Một số Thành viên quan ngại rằng Việt Nam đã áp dụng và duy trì trợ cấp xuất khẩu đối với nông sản. Các Thành viên này đề nghị Việt Nam không trợ cấp xuất khẩu nông sản đối với bất kỳ sản phẩm nào kể từ thời điểm gia nhập WTO. Các Thành viên này yêu cầu Việt Nam cung cấp chi tiết về các bước mà Việt Nam sẽ tiến hành để bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu. Một Thành viên yêu cầu Việt Nam cung cấp thông tin về thưởng xuất khẩu đối với các sản phẩm bao gồm gạo, cà phê, rau đóng hộp, quả đóng hộp và thịt lợn vào năm 2001.
365. Đại diện Việt Nam trả lời rằng thưởng dựa vào thành tích xuất khẩu đã được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, cà phê, thịt lợn, rau và quả đóng hộp trong năm 2001 theo Quyết định số 65/2001/QĐ-BTC ngày 29/6/2001 của Bộ Tài chính. Chương trình Thưởng xuất khẩu đã được tiếp tục vào năm 2002 và mở rộng sang áp dụng cho thịt bò; thịt gia cầm; rau và hoa quả khô và tái chế; chè; lạc; hạt tiêu và hạt điều (Quyết định số 63/2002/QĐ-BTC ngày 21/05/2002). Thông tin chi tiết về trợ cấp trên từng đơn vị được cung cấp trong tài liệu WT/ACC/VNM/13/Add.2, p.20-22. Đại diện Việt Nam bổ sung rằng trong giai đoạn 1999-2001, nông dân Việt Nam đã phải đối mặt với những điều kiện vô cùng khó khăn do giá cả hàng hoá dao động mạnh; do đó Chính phủ Việt Nam đã phải hỗ trợ, bao gồm cả trợ cấp xuất khẩu để bình ổn sản xuất và thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, gần đây Chính phủ Việt Nam đã điều chỉnh các biện pháp này cho phù hợp với các quy định của WTO hơn. Hỗ trợ đã được chuyển sang các hoạt động xúc tiến thương mại và cơ chế thưởng xuất khẩu đã được điều chỉnh vào năm 2003-2004. Hiện nay, thưởng xuất khẩu dựa vào số tăng kim ngạch hàng năm chứ không phải kim ngạch xuất khẩu. Đại diện Việt Nam cho rằng mức trợ cấp xuất khẩu của Việt Nam là rất nhỏ và không gây tác động bóp méo thương mại quốc tế lớn.
366. Đại diện Việt Nam đồng ý rằng, kể từ thời điểm gia nhập, Việt Nam sẽ cam kết trợ cấp xuất khẩu ở mức 0 trong Bảng Cam kết hàng hoá và sẽ không duy trì hoặc áp dụng bất kỳ trợ cấp xuất khẩu nào đối với nông sản, mà không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của Việt Nam phát sinh từ các quy định hiện hành của WTO. Ban Công tác ghi nhận cam kết này.
367. Đại diện của Việt Nam cho biết phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn là một ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ Việt Nam. Các ngân hàng thương mại được khuyến khích cho các dự án nông nghiệp và nông dân vay vốn theo các điều khoản thương mại thông thường. Những khoản vay với lãi suất thấp có thể được dành cho các hộ nông dân nghèo; dùng để phát triển nông nghiệp miền núi, hải đảo, hoặc vùng dân tộc thiểu số; và để trợ giúp các vùng bị thiên tai… Việt Nam không khuyến khích chuyển đổi đất trồng lúa để trồng các loại cây khác vì lý do đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Tuy nhiên, gần đây Chính phủ cho phép và hỗ trợ đa dạng hoá sản phẩm nông nghiệp, chuyển từ lúa gạo sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi tôm trên các vùng đất mà năng suất lúa gạo không ổn định hoặc thấp. Ngoài các vùng trồng lúa mà chính phủ đầu tư trọng yếu vào mạng lưới tưới tiêu, nông dân được quyền tự do lựa chọn mặt hàng nông sản.
368. Đại diện của Việt Nam đã cung cấp thông tin về hỗ trợ trong nước và trợ cấp xuất khẩu trong nông nghiệp trong giai đoạn 1999-2001 tại tài liệu WT/ACC/SPEC/VNM/3 ngày 5/11/2002, được chỉnh sửa lần cuối tháng 8/2006 (ƯT/ACC/SPEC/VNM/3/Rev.7). Khi tính lượng hỗ trợ cộng gộp, Việt Nam áp dụng mức tối thiểu 10%. Đại diện lưu ý rằng phần lớn các biện pháp hỗ trợ của Việt Nam được coi là chính sách “Hộp Xanh”. Cam kết của Việt Nam về hỗ trợ trong nước đối với nông nghiệp được thể hiện trong Bảng cam kết hàng hoá được đính kèm theo Nghị định thư gia nhập của Việt Nam.
369. Khi được hỏi về những chính sách cụ thể trợ cấp cho ngành đường, đại diện của Việt Nam cho biết mía đường được trồng chủ yếu ở những vùng nghèo và có điều kiện không thuận lợi, ví dụ vùng trung du, vùng duyên hải miền Trung, cao nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của các chính sách về khuyến khích phát triển ngành công nghiệp mía đường là nhằm cải thiện điều kiện kinh tế và tạo việc làm ở những vùng khó khăn. Trước đây, đường được sản xuất chủ yếu từ các xưởng đường gia đình, với chất lượng thấp, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Từ năm 1995, chính phủ Việt Nam đã sử dụng các khoản tín dụng trong nước và nước ngoài, khuyến khích đầu tư trực tiếp nước ngoài để xây dựng các nhà máy tinh luyện đường. Tuy nhiên, các nhà máy mới không thể hoạt động với công suất tối đa, gây nên tình trạng sản lượng thấp, giá cao và cuối cùng dẫn đến bảo hộ nhập khẩu.
370. Một Thành viên yêu cầu có thông tin chi tiết về các biện pháp cụ thể được áp dụng để hỗ trợ ngành cà phê của Việt nam, bao gồm các chính sách về thuế và tín dụng, các chương trình hỗ trợ phát triển và trợ cấp xuất khẩu. Các Thành viên đề nghị Việt Nam xác nhận rằng ngành cà phê của mình hiện nay hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
371. Đại diện của Việt Nam trả lời rằng theo các thoả thuận hợp tác ký năm 1983 giữa các nước XHCN trước đây, Việt Nam đã nhận được một khoản vay trị giá 30 triệu rúp chuyển đổi dưới dạng hàng hoá như phân bón, máy kéo, sản phẩm xăng dầu, xe tải v.v... Khoản vay này được giải ngân năm 1991, cho phép Việt Nam trồng cà phê trên diện tích 24.500 héc ta. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia hai dự án hợp tác là: (i) chương trình hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao năng lực nghiên cứu của ngành cà phê; và (ii) một dự án trị giá 700 tỷ đồng để trồng bổ sung 40.000 ha cà phê arabica ở miền Bắc Việt Nam. Một dự án 400 tỉ đồng cho cà phê arabica được cấp thông qua khoản vay từ một cơ quan phát triển nước ngoài. Theo quan điểm của đại diện Việt Nam, ngành cà phê đang hoạt động theo các nguyên tắc thị trường. Trong năm 2000 và 2001, Việt nam đã mua 150 nghìn tấn (tương đương 20% của sản xuất trong nước) để dự trữ tạm thời. Tuy nhiên, kế hoạch này bị phá sản và do đó phần dự trữ này được xuất khẩu và chịu lỗ. Giá cà phê của Việt Nam thấp phản ánh năng suất cao của ngành cà phê trong nước, do đất màu mỡ và điều kiện khí hậu thuận lợi. Giá cà phê của Việt Nam bị ảnh