Vốn hỗ trợ từ chương trình tạo việc làm.

Một phần của tài liệu Tạo lập và sử dụng vốn cho người nghèo, thực trạng - giải pháp (Trang 46 - 48)

Vốn hỗ trợ cho chương trình tạo việc làm có tác động rất lớn để thực hiện mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở nước ta hiện nay. Mặc dù nó có thể tác động trực tiếp hoặc gián tiếp. Tuy nhiên thực trạng cho thấy nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm chưa được khai thác tối đa, xét cả về phương diện huy động lẫn phương thức sử dụng. Đặc biệt tính không thống nhất trong cung ứng vốn (tài trợ, cấp phát...) đã tạo ra sự phức tạp trong quản lý nguồn vốn này nói riêng và gây lộn xộn trên thị trường tài chính, tín dụng nói chung. Để khắc phục những hạn chế này, hơn nữa tạo ra nguồn vốn đáp ứng cao hơn để thực hiện chương trình tạo việc làm, tôi xin đề xuất một số giải pháp sau:

Một là: Tất cả các nguồn vốn cho tạo việc làm đều phải thương mại hoá để sinh lời và tăng trưởng nó thông qua kênh tín dụng. Những khoản cấp pháp dưới mọi hình thức của ngân hàng Nhà nước (cả Trung ương và địa phương) bao cấp cho các trung tâm đào tạo việc làm, trung tâm xúc tiến việc làm, các tổ chức khác đảm nhận công tác tạo việc làm phải được chuyển về quỹ quốc gia giải quyết việc làm để cho vay.

Hai là: các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng cần quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện khẩn trương việc xét duyệt dự án, đáp ứng kịp thời yêu cầu vốn của dự án, sử dụng hiệu quả nguồn vốn hiện có đồng thời cần nâng cao chất lượng xét duyệt, lựa chọn các dự án có tính khả thi cao, đảm bảo hiệu quả vốn và khả năng thu hồi.

Ba là: Về vấn đề xử lý các dự án nợ quá hạn và phát mại tài sản thế chấp hiện nay đang là một khó khăn trong quá trình thực hiện tại các

đơn vị cơ sở. Để giải quyết khâu này cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự tham gia tích cực của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Từ đó mới có thể nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người vay, đồng vốn mới thực sự phát huy hiệu quả và được bảo toàn.

Bốn là: Nguồn vốn từ ''quỹ cho vay ưu đãi việc làm ở đô thị'' quỹ ưu đãi cho sinh viên nghèo vay được lập ở hệ thống ngân hàng Công thương Việt Nam cần được mở rộng ra hệ thống ngân hàng ngoại thương Việt Nam và ngân hàng cổ phần đô thị. Để thống nhất quản lý, tránh cho vay chồng chéo nên uỷ thác cho ngân hàng công thương Việt Nam thực hiện.

Năm là: Nguồn vốn cho vay tạo việc làm từ kênh ngân hàng hay kênh ngân sách Nhà nước (qua kho bạc Nhà nước) đều áp dụng thống nhất một mức lãi suất và quy định bằng lãi suất cho vay hộ nghèo của ngân hàng phục vụ người nghèo. Nếu không như vậy sẽ phát sinh sự suy bì giữa những người nghèo, người thiếu việc làm và điều tất yếu là nguồn vốn sẽ chạy từ kênh này sang kênh nọ một cách tuỳ tiện, tiêu cực sẽ phát sinh.

Sáu là: Theo số liệu của Bộ lao động thương binh và xã hội đến nay cả nước có hàng trăm trung tâm đào tạo việc làm và xúc tiến việc làm (gọi chung là chung tâm xúc tiến việc làm). Ngoài 61 trung tâm xúc tiến việc làm do Sở lao động thương binh và xã hội, các địa phương quản lý còn có các trung tâm của đoàn thể quân đội, các quận huyện và có cả tư nhân. Mục tiêu của các trung tâm xúc tiến việc làm là dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm là chiếc cầu nối giữa người cần việc, việc cần người. Nguồn vốn hoạt động của trung tâm xúc tiến việc làm được hình thành rất đa dạng bao gồm: vốn tự có, vốn ngân sách cấp, vốn huy động bằng vay ngân hàng, vay từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm, và thu học phí và phí xin việc làm.

Những năm qua, hệ thống trung tâm xúc tiến việc làm đã đào tạo và giới thiệu việc làm cho hàng chục vạn người, đó là thành tích không ai có quyền phủ nhận. Song vấn đề đáng nói ở đây, qua khảo sát thực tế vẫn chưa có giải pháp quản lý hệ thống trung tâm này vào hoạt động có tổ chức, giải quyết vốn cho nó đủ mạnh để thực sự trở thành ''điểm hẹn'' của thị trường lao động. Quả thực vốn huy động từ nhiều kênh, thậm chí quy định thu học phí, phí xin việc một cách tuỳ tiện để dùng làm nguồn vốn hoạt động, vấn đề tạo nghề không gắn trách nhiệm tạo việc đã biến một số trung tâm thành nơi môi giới và kinh doanh việc làm... Từ thực trạng phân tích trên tôi xin đề xuất cách giải quyết trên các khía cạnh sau:

- Mỗi trung tâm được vay vốn tạo việc làm vào một kênh là kho bạc Nhà nước.

- Mức thu học phí, phí xin việc phải thông nhất trong cả nước và khả năng đóng góp của người thiếu việc làm.

- Nhà nước cần chuyển nguồn tài trợ cho các trung tâm xúc tiến việc làm vào quỹ quốc gia tạo việc làm.

Bảy là: Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chính sách cho vay vốn quỹ quốc gia giải quyết việc làm, phải làm cho người dân hiểu rõ, mục đích, ý nghĩa của việc cho vay vốn, đồng thời xác định rõ trách nhiệm phải tạo việc làm và nghĩa vụ hoàn trả vốn và lãi tiền vay người dân phải nắm được các điều kiện, thủ tục vay vốn để chủ động lập và triển khai thực hiện dự án.

Một phần của tài liệu Tạo lập và sử dụng vốn cho người nghèo, thực trạng - giải pháp (Trang 46 - 48)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w