Đối với người di cư:
Khi đến một vùng đất mới họ gặp phải rất nhiều khó khăn; về chỗ ở, hộ khẩu, điện nước, thay đổi môi trường sống…Khoảng 65% người di cư trả lời rằng họ gặp khó khăn trong vấn đề nhà ở. Tỷ lệ người di cư đến Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh sống trong các ngôi nhà ổ chuột, bến xe, công viên hoặc một túp liều dựng lên từ chỗ đất bỏ hoang… là cao nhất. Họ cố gắng chọn chỗ ở rẻ nhất để tiết kiệm chi phí. Chính vì vậy, những ngôi nhà này có độ an toàn không cao, người di cư luôn gặp phải các mối nguy hiểm: Trộm cắp, nghiện hút…
Vấn đề thứ hai là hộ khẩu, việc đăng ký hộ khẩu rất quan trọng đối với những người di cư đến Tây Nguyên, vì nó giúp dân nhập cư tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, tín dụng, y tế một cách dễ dàng. Chỉ có khoảng 12% dân di cư là được đăng ký hộ khẩu. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do một phần người di cư không quan tâm đến chuyện này, họ có ý định về quê sinh sống; một phần do họ “không thuộc diện đăng ký”, đây chính là nguyên nhân cơ bản. Để thuộc diện đăng ký thì người di cư phải có đủ 03 điều kiện, thứ nhất có giấy phép tại nơi chuyển đi, thứ hai có việc làm ổn định tại nơi ở mới, thứ ba có nhà ở tại nơi ở mới. Điều kiện thứ ba là điều kiện khó thực hiện nhất, vì đa phần di cư là người nghèo lấy đâu ra tiền mà mua nhà. Tuy vậy, năm 2007 vừa qua chính phủ đã ban hành một quyết định mới đối với người nhập cư, chỉ cần có giấy xác nhận của cơ quan đang công tác trên một năm và có sự bảo lãnh của chủ nhà đang ở thì người di dân có thể đăng ký hộ khẩu.
Dân đô thị thường có nhiều thành kiến với dân nhập cư và người lao động di cư từ nông thôn. Họ thường phải đối mặt với thái độ cố chấp và phân biệt đối sử của người thành phố. Họ bị coi là những kẻ “không có giáo dục”, không có tay nghề hoặc thậm chí là “không văn minh”, không biết gì về các thông lệ pháp luật, vệ sinh và quan trọng nhất họ bị coi là những kẻ có tiềm tàng trở thành tội phạm. Cũng không phủ nhận rằng điều này cũng đúng với một số đối tượng.
Đối với nơi nhập cư:
Khó khăn lớn nhất mà người di dân tự do gây ra đó là vấn đề quản lý nguồn di cư này. Thứ nhất, luồng di chuyển nông thôn- nông thôn, trong những năm 90 số người di cư đến Tây Nguyên tăng rất cao. Sự xuất hiện của dân di cư tự do đã gây xáo trộn nhiều vùng định cư của người dân sở tại. Người đến trước khoanh chiếm đất đai rồi bán lại làm giàu. Số hộ không biết làm ăn thì bán đất, di cư đến nơi khác tiếp tục phá rừng để làm nương rẫy. Gây nên tình trạng chặt phá rừng ồ ạt, ảnh hưởng xấu đến môi trường. Chỉ tính riêng Đắc Lắc diện tích rừng bị chặt phá trong thời gian 5 năm từ 1991- 1996 là 13.515,6 ha. Tình trạng nhập cư ồ ạt còn gây ra sự quá tải về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ xã hội vượt quá khả năng đáp ứng của địa phương.
Thứ hai, di chuyển tự do ra thành phố, lực lượng lao động này đã làm phức tạp thêm việc đảm bảo trật tự trị an. Đặc biệt số lao động ở các tụ điểm, các “chợ lao động”, họ chờ việc, ăn ngủ qua đêm, sinh hoạt hết sức tuỳ tiện và không cố định, làm mất mỹ quan thành phố, gây nên nhiều lộn xộn trên địa bàn. Ngoài ra họ còn không thông thạo luật lệ giao thông đường phố, không nắm vững những quy định hiện hành nên nhiều trường hợp gây ách tắc giao thông, hoặc thậm chí là tai nạn. Phần lớn, người di cư vào thành phố không có nghề nghiệp chuyên môn, không có nơi ở cố định, họ lang thang, di chuyển thường xuyên đến khắp nơi trong thành phố để tìm việc và làm việc. Họ dễ dàng mắc các tệ nạn xã hội và tội phạm. Đặc
biệt là trẻ em lang thang là đối tượng dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội nhất.
Đối với nơi xuất cư:
Người di cư tự do chuyển đi không khai báo tạm vắng cho chính quyền địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý dân cư và trật tự an ninh xã hội. Những người có sức khoẻ, trẻ đều di cư đi làm ăn xa, trong làng chỉ còn lại bà già, trẻ em, phụ nữ gây khó khăn trong công tác đoàn, các hoạt động văn hoá thể thao. Điều này đôi khi còn gây ra một sự phát triển không lành mạnh về tâm lý.
Kết luận: Với những tác động tích cực, tiêu cực mà vấn đề di dân mang lại thì việc khuyến khích hoặc kìm hãm nguồn di dân này phải được xem xét đáng giá trên góc độ vĩ mô và phải được tiến hành một cách cụ thể: Nơi nào nên hay không nên khuyến khích người di dân đến? Cần có những chính sách gì để quản lý hiệu quả nguồn di dân này?... Điều này đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền trong phạm vi cả nước.
Chương 3: