Mỗi một quốc gia có nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động XTĐT khác nhau, do vậy cơ cấu của cơ quan thực thi chính sách XTĐT của mỗi nước cũng khác nhau. Ở Việt Nam, cơ quan thực thi chính sách XTĐT được phân ra các cấp như sau:
2.1. Cục đầu tư nước ngoài
Cục Đầu tư nước ngoài trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Nhà nước chuyên trách thực hiện nhiệm vụ XTĐT ở cấp quốc gia, thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện XTĐT, thiết lập các mối quan hệ đối tác, chủ trì chuẩn bị và tổ chức các cuộc tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài;
- Làm mối hỗ trợ các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội đầu tư và hình thành dự án đầu tư, vận động XTĐT theo các chương trình, dự án trọng điểm;
- Tham gia các chương trình hợp tác liên Chính phủ, các nhóm công tác với các nước, các tổ chức liên quan đến đàm phán, xử lý các vấn đề về đầu tư trực tiếp nước ngoài;
- Hướng dẫn và theo dõi hoạt động liên quan đến đầu tư trực tiếp nước ngoài của cán bộ do Bộ Kế hoạch và Đầu tư cử làm việc tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài hoặc tại các cơ quan của các nước, các tổ chức quốc tế.
2.2. Trung tâm Xúc tiến đầu tư ba miền và Trung tâm Xúc tiến đầu tư cấp địa phương phương
Cục Đầu tư nước ngoài phân cấp cho Trung tâm Xúc tiến đầu tư ở ba miền và các Trung tâm Xúc tiến đầu tư cấp địa phương chủ động tiến hành các chương trình xúc tiến thu hút đầu tư.
Cục Đầu tư nước ngoài được thành lập có chức năng quản lý Nhà nước về hoạt động đầu tư nước ngoài, quản lý toàn bộ quá trình cấp phép đầu tư, đồng thời là đầu mối XTĐT cả nước. Tuy nhiên, trước tình hình mới, có nhiều thay đổi trong cơ chế hoạt động của bộ máy từ trung ương tới địa phương theo đáp ứng đòi hỏi nhanh
nhạy trong nắm bắt cơ hội đầu tư. Theo đó, Cục Đầu tư nước ngoài không trực tiếp quản lý toàn bộ quá trình cấp phép đầu tư và XTĐT mà phân cấp cho các Trung tâm Xúc tiến đầu tư trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư ở ba miền Bắc – Trung – Nam và Sở Kế hoạch đầu tư các tỉnh, thành phố. Nhờ đó mà công tác quản lý cũng như XTĐT đạt hiệu quả cao hơn. Các thủ tục tinh gọn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tiết kiệm chi phí và quan trọng hơn là nắm bắt kịp thời cơ hội đầu tư. Dịch vụ hỗ trợ sau cấp phép thông qua các cơ quan địa phương cũng được tiến hành kịp thời và sâu sát hơn, đặc biệt là việc giải quyết những vướng mắc trong quá trình triển khai dự án tại địa bàn đầu tư. Công tác XTĐT được thực hiện bởi các Trung tâm XTĐT của từng vùng và từng địa phương dựa trên những đặc điểm riêng biệt về môi trường, các lĩnh vực ưu đãi cũng như các doanh nghiệp hoạt động của vùng và địa phương mình trở nên sát với thực tiễn hơn, bám sát quy hoạch đầu tư của địa phương.
2.3. Các cơ quan thực thi chính sách XTĐT khác
Giữ vai trò chủ đạo trong hoạt động XTĐT là các cơ quan Cục Đầu tư nước ngoài, các Trung tâm Xúc tiến đầu tư ba miền Bắc – Trung – Nam và các Trung tâm Xúc tiến đầu tư cấp địa phương. Tuy nhiên, hoạt động XTĐT của các cơ quan này có thể hợp với các ban ngành khác và sự hợp tác này là rất cần thiết như: Sự phối hợp giữa Cục Đầu tư nước ngoài, UBND, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư các địa phương và Ban quản lý các KCN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cơ quan đại diện ngoại giao, kinh tế của Việt Nam; Các tổ chức xúc tiến đầu tư ở trong và ngoài nước; Các Bộ ngành khác như Tổng Cục du lịch, Hiệp hội các ngành tiểu thủ công nghiệp; Hiệp hội doanh nghiệp; Các nhà đầu tư hài lòng với tình hình hiện tại; Các đại sứ, đại diện danh dự về đầu tư và các đối tác khác.