1.3.3.1. Các nhân tố chủ quan
Chính sách của Ngân hàng gồm có chính sách cho vay, chính sách marketing, chính sách khách hàng.
Chính sách cho vay: là các văn bản hướng dẫn hoạt động cho vay của Ngân hàng, chỉ rõ đối tượng cho vay, thứ tự ưu tiên, thủ tục cần thiết, phương thức cho vay, phương tiện giám sát hoạt động cho vay.
o Chính sách lãi suất: lãi suất hấp dẫn sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí đầu vào cho doanh nghiệp do đó thu hút nhiều DNNQD đến vay vốn Ngân hàng. Khi cho vay với lãi suất thấp Ngân hàng còn thực hiện cạnh tranh thông qua lãi suất nhằm giữ chân khách hàng cũ, thu hút khách hàng mới. Như vậy Ngân hàng sẽ thực hiện được mục tiêu mở rộng cho vay của mình. Tuy nhiên, lãi suất giảm có giới hạn, nó không phải là công cụ cạnh tranh hữu hiệu.
o Phương thức cho vay: Phương thức cho vay càng đa dạng càng phù hợp với nhu cầu và khả năng hoàn trả của các doanh nghiệp. Đây cũng là một nhân tố để thu hút những khách hàng mới.
o Thủ tục vay vốn: là những giấy tờ pháp lí cần thiết để doanh nghiệp có thể nhận được nguồn tài trợ từ Ngân hàng. Thủ tục càng đơn giản, ít rườm rà phức tạp thì khách hàng dễ đáp ứng được, lôi kéo nhiều khách hàng đến với Ngân hàng hơn.
o Quy trình cho vay: là tổng hợp các bước thực hiện cho vay một đối tượng khách hàng. Việc xây dựng quy trình cho vay hợp lí góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay, giảm thiểu rủi ro và nâng cao lợi nhuận.
Vậy cần có một chính sách cho vay đúng đắn để thu hút khách hàng vay vốn mà vẫn đảm bảo mang lại thu nhập cho Ngân hàng.
Chính sách marketing: Ngân hàng thực hiện quảng bá hình ảnh, sản phẩm của mình về những ưu thế vượt trội nhằm thoả mãn tốt nhất nhu cầu về vốn cũng như các dịch vụ khác của Ngân hàng đối với DNNQD bằng các chính sách, biện pháp như: Marketing trực tiếp, quảng cáo, thông qua phương tiện thông tin đại chúng, khuyến mãi, PR…Trong đó quan trọng nhất là chất lượng mỗi giao dịch với khách hàng. Hiệu quả của chính sách Marketing có ảnh hưởng rất lớn tới sự an toàn, lợi nhuận, sức mạnh trong cạnh tranh của mỗi Ngân hàng.
Chính sách khách hàng: là một phần trong tổng thể Marketing Ngân hàng để tiếp cận khách hàng một cách có hiệu quả hơn. Ngân hàng thực hiện một số ưu đãi đối với khách hàng truyền thống có uy tín cao đồng thời mở rộng quan hệ khách hàng. Mở rộng quan hệ khách hàng có nghĩa là tìm cách thu hút khách hàng mới, giữ và mở rộng
quan hệ tín dụng với khách hàng cũ, nâng cao uy tín của Ngân hàng trong lòng khách hàng. Ngân hàng cũng cần phải quan tâm tới ý kiến đóng góp, phản hồi của khách hàng. Hiệu quả của chính sách khách hàng là tăng số lượng khách hàng vay với tăng số lượng và chất lượng khoản vay.
Quy mô và khả năng huy động vốn của Ngân hàng
Quy mô vốn của NHTM ảnh hưởng lớn tới khả năng mở rộng cho vay đối với DNNQD. Ngân hàng có quy mô vốn lớn thì việc mở rộng cho vay đối với DNNQD sẽ dễ dàng. Ngược lại, quy mô vốn nhỏ thì Ngân hàng sẽ khó đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của DNNQD.
Quy mô vốn của NHTM phụ thuộc vào vốn tự có và khả năng huy động vốn của Ngân hàng. Vốn tự có của NHTM có vai trò rất quan trọng thể hiện khả năng tài chính, tiềm lực của Ngân hàng, là tấm đệm phòng chống rủi ro. Vốn tự có lớn, Ngân hàng dễ dàng thực hiện mục tiêu mở rộng cho vay. Tuy nhiên vốn tự có chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng nguồn vốn của Ngân hàng, vì vậy khả năng huy động vốn quyết định đến quy mô vốn của Ngân hàng lớn hay nhỏ. Kết quả huy động vốn của Ngân hàng cho thấy Ngân hàng có thể sẵn sàng đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp về giá trị và thời hạn khoản vay đến mức nào. Nếu khả năng huy động của Ngân hàng tốt thì quy mô vốn lưu động của Ngân hàng lớn, Ngân hàng sẽ mở rộng tín dụng cho các DNNQD vay nhiều hơn. Còn nếu khả năng huy động vốn hạn chế thì quy mô vốn huy động hạn hẹp, Ngân hàng buộc phải thắt chặt cho vay. Ngoài ra, còn phải xét đến khả năng chuyển đổi kỳ hạn của nguồn vốn và khả năng thanh khoản của Ngân hàng. Ngân hàng luôn phải tìm cách nâng cao khả năng huy động vốn để đủ nguồn vốn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vay của DNNQD, thực hiện mở rộng cho vay đối với doanh nghiệp.
Con người là một yếu tố rất quan trọng, trình độ nghiệp vụ và thái độ ứng xử của nhân viên Ngân hàng là yếu tố tạo nên sự khác biệt, sức mạnh cạnh tranh giữa các Ngân hàng. Nhân viên Ngân hàng là đại diện cho hình ảnh của Ngân hàng dưới con mắt của khách hàng. Chất lượng dịch vụ Ngân hàng cung cấp thể hiện qua hiệu quả của mỗi giao dịch giữa nhân viên Ngân hàng với khách hàng. Thái độ phục vụ của nhân viên Ngân hàng phải tạo dựng được ấn tượng đối với khách hàng. Một đội ngũ cán bộ nhân viên chuyên nghiệp, trình độ chuyên môn giỏi, phục vụ khách hàng chu đáo, nhiệt tình sẽ làm hài lòng khách hàng tạo sự thoải mái, tin cậy, lôi kéo khách hàng. Do đó, để thu hút ngày càng nhiều DNNQD đến với Ngân hàng thì vấn để chất lượng nguồn nhân lực cần phải được chú trọng và nâng cao.
Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng
NHTM có mạng lưới hoạt động rộng khắp tạo điều kiện thuận lợi cho các DNNQD vay vốn thì việc mở rộng cho vay đối tượng này đạt hiệu quả hơn. Các doanh nghiệp nhỏ, vị trí không thuận lợi khó đến giao dịch với Ngân hàng. Nếu Ngân hàng có nhiều Chi nhánh, quầy giao dịch sẽ tiếp cận được nhiều đối tượng khách hàng, mở rộng hoạt động cho vay DNNQD ở nhiều phạm vi khác nhau.
Công nghệ thông tin của NHTM
Công nghệ Ngân hàng phải phù hợp với trình độ của nền kinh tế, phải đồng bộ trong toàn hệ thống. Phát triển công nghệ thông tin tốc độ cao sẽ tạo ra những kênh huy động mới, tiếp cận những đối tượng khách hàng mới, thuận tiện trong việc trao đổi, giao dịch giữa Ngân hàng với khách hàng và giữa các Ngân hàng với nhau. Phân tích, xử lý các nghiệp vụ phát sinh theo quy trình công nghệ của Ngân hàng nhằm đảm bảo an toàn cho khách hàng và đảm bảo quá trình hoạt động của các Ngân hàng có liên quan. Thông tin càng cập nhật, đầy đủ, chính xác thì khả năng phòng ngừa rủi ro càng lớn, chất
lượng tín dụng càng được nâng cao tạo bước đệm để mở rộng cho vay các doanh nghiệp.
Các nhân tố chủ quan khác
Bên cạnh các nhân tố trên, các nhân tố chủ quan khác như: địa điểm đặt trụ sở, Chi nhánh của Ngân hàng; thị trường nơi Ngân hàng hoạt động; uy tín của Ngân hàng; chất lượng sản phẩm của Ngân hàng... đều ảnh hưởng tới khả năng thu hút khách hàng, từ đó ảnh hưởng tới việc mở rộng cho vay đối với các DNNQD của Ngân hàng.
1.3.3.2. Các nhân tố khách quan
Từ phía DNNQD
Ta xem xét các yếu tố ảnh hưởng tới khả năng vay vốn của DNNQD tại Ngân hàng
- Nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp: để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh các DNNQD đều cần đến nguồn tín dụng Ngân hàng. Nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tạo ra cầu về vốn vay. Cầu về vốn vay lớn sẽ đòi hỏi tăng cung về vốn vay để đáp ứng đủ cầu. khi đó Ngân hàng cần đưa ra chính sách mở rộng cho vay đối với đối tượng này.
- Khả năng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Do khả năng sinh lời và rủi ro tiềm năng của khách hàng sẽ quyết định tính an toàn và sinh lợi của hoạt động cho vay. Nên nếu doanh nghiệp có tiềm lực tài chính cao, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, phương án sản xuất kinh doanh có tính khả thi cao Ngân hàng sẽ cảm thấy tin tưởng dễ dàng cho doanh nghiệp vay vốn. Còn nếu tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 3 năm liên tiếp gần nhất không thu được lợi nhuận thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ nếu Ngân hàng cho vay. Vậy
khả năng tài chính và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quyết định đến việc Ngân hàng cho vay hay không và ảnh hưởng đến quá trình mở rộng cho vay đối với DNNQD.
- Uy tín của doanh nghiệp: được xác định dựa vào vị thế hay chỗ đứng mà doanh nghiệp đã tạo dựng được trên thương trường và mối quan hệ tín dụng với Ngân hàng. Khi cho vay uy tín là quan trọng nhưng không thể đo lường được, nó được ngầm định là một loại “TSĐB” cho khoản vay. Doanh nghiệp nào có uy tín lớn thì dễ dàng được vay hơn, giá trị khoản vay cao hơn so với những doanh nghiệp uy tín thấp, mới thành lập, chưa có tên tuổi; những doanh nghiệp này khi vay thường phải có TSĐB.
- TSĐB: những bắt buộc về TSĐB đối với khoản tiền vay là một trong những công cụ cần thiết để hạn chế rủi ro, làm giảm bớt hậu quả của lựa chọn đối nghịch do nó có thể giảm bớt tổn thất của người cho vay trong trường hợp người vay không trả được nợ. Nếu người vay không đủ khả năng hoàn trả các khoản tiền vay, NHTM có thể phát mại TSĐB để bù đắp tổn thất do món vay gây ra. TSĐB phải thoả mãn 2 điều kiện là có giá trị ổn định trên thị trường; dễ thanh khoản, dễ bán đi. Tuy nhiên, tại các Ngân hàng hiện nay các DNNQD chỉ được vay tối đa 70% giá trị TSĐB - điều này quá khắt khe, nhiều khi trở thành trở ngại lớn để DNNQD tiếp cận với nguồn vốn Ngân hàng vì đối tượng này đang rất cần vốn để mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh.
Các nhân tố vĩ mô
- Môi trường kinh tế - chính trị: Ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm với những biến động của thị trường. Môi trường kinh tế - chính trị thay đổi tác động tới hoạt động của Ngân hàng. Nền kinh tế phát triển mạnh mẽ, chính trị
ổn định giúp các DNNQD tiêu thụ nhiều hàng hoá, dịch vụ, thúc đẩy mở rộng sản xuất, tăng vốn, lao động làm cho hoạt động cho vay của Ngân hàng sôi động hơn. Còn khi nền kinh tế suy thoái, lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ giá hối đoái thay đổi theo chiều hướng bất lợi thì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng xấu tới hoạt động kinh doanh tiển tệ của NHTM.
- Chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước: Các hoạt động của NHTM đều phải phù hợp với chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, nhằm thực hiện mục tiêu của chính sách này. Khi Nhà nước có chính sách ưu tiên, khuyến khích hỗ trợ phát triển DNNQD thì tạo điều kiện để Ngân hàng mở rộng cho vay đối với DNNQD.
- Môi trường pháp lý: Ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của cả doanh nghiệp và Ngân hàng. Môi trường pháp lý lành mạnh, công bằng sẽ đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp và hệ thống Ngân hàng diễn ra suôn sẻ, có hiệu quả. Nhà nước cần hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, đầy đủ, thống nhất các văn bản pháp luật ban hành. Môi trường pháp lý có thể khuyến khích hay hạn chế sự phát triển của khu vực DNNQD, từ đó làm tăng hay giảm khả năng rộng cho vay của NHTM.
- Môi trường xã hội: Các yếu tố xã hội như nguồn nhân lực, trình độ quản lý, yếu tố đạo đức, nhu cầu của khách hàng đều ảnh hưởng đến quá trình tìm hiểu, phân tích đánh giá và xủ lý thông tin khách hàng để Ngân hàng có thể đưa ra kết luận cho vay đúng đắn, đề phòng và hạn chế rủi ro có thể xảy ra.
- Đối thủ cạnh tranh: Nền kinh tế thị trường ngày càng phát triển thì sự cạnh tranh giữa các NHTM ngày càng gay gắt. Khi quyết định mở rộng cho vay DNNQD Ngân hàng cần xem xét đến yếu tố đối thủ cạnh tranh về sản phẩm dịch vụ, chiến lược kinh doanh của họ để từ đó đưa ra chính sách kinh
doanh hợp lý. Ngân hàng cần tạo sự khác biệt về sản phẩm dịch vụ của mình, nâng cao chất lượng từng giao dịch cụ thể với khách hàng.
- Môi trường tự nhiên: Bao gồm các yếu tố khí hậu, năng lượng, nguyên nhiên liệu trong tự nhiên…tác động lớn tới các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp…Các điều kiện tự nhiên thay đổi sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của các thành viên, của các khách hàng vay vốn. Việc nghiên cứu môi trường tự nhiên giúp các Ngân hàng dự báo những rủi ro nhất định do điều kiện tự nhiên gây ra, đưa ra các giải pháp xử lý kịp thời.
Chương 2: Thực trạng mở rộng cho vay Doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở Chi nhánh NHNo&PTNT Đông Hà Nội