Quy trình cho vay theo dự án tại chi nhánh

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án tại ngân hàng công thương chi nhánh Ba Đình (Trang 39 - 41)

1. 3.2 Các chỉ tiêu phản ánh chất lượng thẩm định tài chính dự án của ngân hàng

2.2.1.Quy trình cho vay theo dự án tại chi nhánh

Tại chi nhánh NHCT Ba Đình, quy trình cho vay theo dự án tuân thủ theo quy định của NHCT Việt Nam. Quy trình cho vay theo dự án trải qua các bước sau:

* Tiếp cận khách hàng, hướng dẫn lập và tiếp nhân hồ sơ dự án.

Sau khi nhận được giấy đề nghị vay vốn của doanh nghiệp, cán bộ tín dụng tiếp cận với khách hàng, xem xét đối tượng khách hàng, cùng khách hàng lựa chọn dự án. Nếu thấy dự án có triển vọng phát triển, cán bộ thẩm định hướng dẫn doanh nghiệp lập hồ sơ dự án. Hồ sơ được doanh nghiệp lập và gửi đến ngân hàng trong đó bao gồm đầy đủ những thông tin cần thiết về doanh nghiệp và dự án đầu tư cần vay vốn ngân hàng. Đây là cơ sở cho ngân hàng thẩm định dự án. Cán bộ tín dụng phải ký nhận ngày nhận hồ sơ.

* Thẩm định dự án.

Cán bộ thẩm định sau khi nhận được hồ sơ dự án sẽ tiến hành thẩm định. Kết quả thẩm định được trình lên trưởng phòng kinh doanh dưới dạng tờ trình thẩm định trong đó nêu rõ giấy đề nghị vay vốn, tính pháp lý, tư cách pháp nhân, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vay

vốn, tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ dự án: Phân tích hiệu quả của dự án về các mặt kinh tế, tài chính, thị trường, kỹ thuật... Kết luận có cho vay hay không, nếu cho vay thì mức lãi suất cho vay, thời hạn cho vay, thời hạn trả nợ, điều kiện đảm bảo tiền vay phải được ghi rõ trên tờ trình thẩm định.

Trưởng phòng kinh doanh ghi ý kiến và đề xuất của mình rồi trình lên giám đốc xem. Giám đốc sau khi xem xét kỹ hồ sơ dự án và tờ trình thẩm định của cán bộ thẩm định sẽ ký và ghi rõ ý kiến của mình là cho vay hay không cho vay. Nếu giám đốc thấy có nhiều điểm chưa hợp lý trong dự án thì có thể lập ra tổ tái thẩm định (ít nhất là hai người) để thẩm định lại dự án. Ngoài ra, giám đốc còn xem xét có thuộc phạm vi uỷ quyền, nếu đúng thì phải trình lên NHCTVN xem xét phê duyệt.

* Lập và ký hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn.

Nếu đã có quyết định cho vay của giám đốc hoặc văn bản uỷ quyền của NHCTVN, cán bộ tín dụng tiến hành lập và ký hợp đồng tín dụng, khế ước vay vốn. Hợp đồng tín dụng được lập thành 4 bản gửi cho: NHCTVN, doanh nghiệp vay vốn, phòng kế toán, phòng kinh doanh. Khế ước nhận nợ được lập theo từng hợp đồng đã ký gồm 3 bản do phòng kế toán ( bản chính), phòng kinh doanh và khách hàng giữ.

* Phát vốn vay.

Việc phát vốn vay được tuân thủ theo quy định, có thể phát theo tiến độ thực hiện hay khối lượng xây lắp hoàn thành. Cán bộ tín sau khi phát tiền vay phải kiểm tra các giấy tờ sau: Giấy phép hành nghề của đơn vị nhận thầu, biên bản nghiệm thu khối lượng, chất lượng của phần đã hoàn thành và thanh toán, bảng kê phiếu giá thanh toán, giấy bảo lãnh và thực hiện hợp đồng nếu có. Kiểm tra việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích hay không, kiểm tra tính hợp lệ của các giấy tờ thanh toán, lịch rút vốn phù hợp.

Cán bộ thẩm định mở sổ theo dõi nợ gốc, lãi phải thu, thời điểm thu theo hợp đồng đã ký. Định kỳ, cán bộ thẩm định thống kê khế ước đến hạn trả nợ, gửi phiếu báo nhắc nợ đến đơn vị vay vốn trước thời điểm phải thu ít nhất 5 ngày. Kế toán tự động lập chứng từ trích tài khoản tiền gửi của đơn vị để thu nợ nếu đến hạn trả nợ đơn vị không trả được nợ hoặc không được gia hạn nợ ( vì ngân hàng buộc doanh nghiệp mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng có số dư đủ khả năng trả nợ) . Kết thúc hợp đồng tín dụng: nợ thu hết, lãi vay tất toán, chi nhánh thanh lý hợp đồng tín dụng.

Một phần của tài liệu Nâng cao chất lượng thẩm định tài chính dự án tại ngân hàng công thương chi nhánh Ba Đình (Trang 39 - 41)