Việt Nam xuất khẩu đến tỷ lệ 60% GDP, vì vậy khi nền kinh tế thế giới suy thoái, nhập khẩu co rút lại, tất nhiên là tác động đến lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng đấy là tác động từ bên ngoài. Phần khác là tác động từ bên trong do một chính sách kìm chế lạm phát dựa trên phân tích lạm phát là do “cầu kéo”, nên đã ban hành một chính sách tiền tệ siết chặt tín dụng, với một mức lãi suất quá cao, khiến cho DN không thể tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, hàng loạt DN lớn nhỏ đã phải ngừng hoạt động, giải thể, sa thải nhân công.
Với kim ngạch xuất khẩu bị co lại, nếu nhà nước không có biện pháp điều tiết cắt giảm nhập khẩu, thì cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong năm 2009 sẽ trở nên vô cùng khó khăn.
Lượng FDI năm 2008 tuy được đăng ký rất cao, nhưng mức độ giải ngân còn tuỳ thuộc nơi khả năng dàn xếp vốn vay của các nhà đầu tư. Với thị trường tài chính thế giới lâm vào tình trạng khủng hoảng, chưa thấy tia ánh sáng của phục hồi, thì khó kỳ vọng vào một tốc độ giải ngân bình thường hay nhanh chóng.
Thị trường chứng khoán trong năm 2009 sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Trong nửa năm đầu không tránh khỏi tiếp tục bị tuột dốc, chưa có chuyên gia nào có thể khẳng định đáy cuối cùng là ở mức nào. Nửa năm sau, hướng đi lên hay đi xuống còn tùy thuộc tác dụng của các biện pháp giải nguy và hỗ trợ phát triển, và tình hình kinh tế thế giới.
Thị trường bất động sản hiện nay đang bị đóng băng. Chẳng những thế mà vì bất động sản không bán được mà nợ ngân hàng thì không thể trì hoãn, lái buôn phải bán những tài sản khác, kể cả cố phiếu, cổ phần để trả nợ. Tóm lại, lái buôn đã kiệt sức, thị trường bất động sản đầu cơ phải bị xì xệp, hoặc bong bóng sẽ phải vỡ. Nếu Việt Nam không khéo kịp thời xử lý cuộc khủng hoảng nhà đất, hậu quả sẽ khó lường. Tài sản cầm cố không còn giá trị như ban đầu thẩm định, lại không có thị trường thứ cấp, tức là không có người mua mặc dù giá đã xuống đến sàn. Ngân hàng xiết nợ, nhưng không bán được thì sẽ mất thanh khoản, và mất cả khả năng thanh toán, đưa đến đổ vỡ hàng loạt, như đã xảy ra với trái phiếu phái sinh bất động sản ở Mỹ hay các nước châu Âu.
Ba kịch bản kinh tế Việt Nam 2009.
Lạc quan: tăng trưởng 6,5%, lạm phát dưới 10%, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi từ 2010.
Trung tính: tăng trưởng 5,5%, lạm phát khoảng 6-8%, kinh tế sẽ bắt đầu phục hồi từ 2011.
Xấu: tăng trưởng khoảng 4,5%, lạm phát trên 10%, kinh tế đình đốn.