Không ai có thể phủ nhận được những ưu điểm của hệ thống ERP mang lại cho doanh nghiệp. Như đã trình bày ở chương 1, lợi ích của ERP đối với doanh nghiệp là rất lớn. Doanh nghiệp ứng dụng ERP vào doanh nghiệp đã đạt được những lợi ích rất lớn, cắt giảm chi phí, quản lý doanh nghiệp chặt chẽ hơn, nâng cao hiệu quả hoạt động… Những tác động đó không chỉ trong ngắn hạn còn có hiệu quả lâu dài. Bên cạnh đó, ứng dụng ERP giúp nâng cao trình độ quản lý, tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời buổi hội nhập hiện nay.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã triển khai thành công và việc ứng dụng ERP mang lại cho doanh nghiệp nhiều lợi ích trước mắt và cả về lâu dài như Savimex, Giấy Sài Gòn, Gạch Đồng Tâm, VinaMilk,…
Năm 2004, Công ty Savimex (SAV) đầu tư trọn gói bộ sản phẩm ERP bộ E-Business Suite Special Edition của Oracle dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và lớn tại Đông Nam Á do Trung tâm dịch vụ ERP FPT làm nhà tư vấn triển khai. Để việc triển khai đạt hiệu quả, SAV cũng kiên quyết không áp đặt theo quy trình cũ mà cải tổ quy trình quản lý sản xuất theo phương pháp của ERP, phù hợp với xu thế hội nhập. Trong thời gian đầu triển khai, việc này gây ra nhiều xáo trộn và khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng sau đó, khi doanh nghiệp đã thích ứng được, ERP bắt đầu phát huy tác dụng của mình, doanh nghiệp đạt được những hiệu quả nhất định.
Tổng kết 3 quý đầu thử nghiệm ERP tại hai nhà máy Satimex và SaviWoodtex thuộc
SAV, năng suất lao động tăng khoảng 10%, kết quả kinh doanh Satimex tăng 28% và SaviWoodtex 46%. Từ những kết quả đó, SAV đã triển khai rộng rãi ra toàn công ty. Trong 2 tháng đầu tiên, SAV đã ứng dụng hoàn toàn hệ thống vào việc quản lý thủ công ở bộ phận mua hàng và quản lý kho. Các thông tin tình hình sản xuất kinh doanh, các khoản công nợ, tiến độ hợp đồng mua bán hàng, nhu cầu vật tư, tính toán giá thành sản phẩm... được cập nhật nhanh chóng và những người lãnh đạo công ty có thể theo dõi kịp thời. Nhờ vậy, ERP cho phép SAV quản lý việc giao hàng đúng hạn và giúp giảm chi phí tồn kho. Bên cạnh đó, SAV còn đạt được các kết quả khác: SAV sở hữu
được quy trình quản lý tối ưu, nâng cao hiệu quả, tiết giảm đáng kể chi phí cũng như nâng cao trình độ và ý thức lao động của nhân viên. Bên cạnh đó, sử dụng ERP giúp cho SAV cung cấp thông tin tài chính nhanh chóng và minh bạch cho cổ đông khi công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Chỉ số Zscore của công ty tăng lên đáng kể, từ 3,753 năm 2005 lên 5,707 năm 2006 và duy trì ở mức cao trên 4,92 trong giai đoạn 2007 đến 2010.
Đối với trường hợp của công ty Giấy Sài Gòn (GSG) dự án ERP được bắt đầu từ giữa năm 2006 và nghiệm thu vào cuối năm 2007. Dự án giúp tin học hóa toàn bộ các quy trình quản lý kinh doanh của GSG, như mua hàng, bán hàng, kế toán tài chính, quản lý kho, sản xuất và ứng dụng cho toàn bộ văn phòng, chi nhánh của GSG, bao gồm Văn phòng GSG TP HCM, tổng kho, Nhà máy sản xuất khu công nghiệp Mỹ Xuân và chi nhánh Hà Nội. Ứng dụng ERP đã giúp cho GSG đạt được những kết quả khả quan: năm 2007 tăng trưởng doanh thu 102% so với năm 2006, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt mức 64%/năm trong vòng 6 năm. Trong khi đó GSG tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng: dự án xây dựng nhà máy mới với vốn đầu tư 1.750 tỷ đồng, tổng công suất dự kiến vào năm 2009 được nâng khoảng 330000 tấn/ năm, tăng hơn gấp 3 lần so với hiện nay. Tổng số lao động tăng lên 20% trong năm 2007, hệ phân phối lên đến 45.000 điểm bán lẻ. Nguồn: saigonpaper.com
Với trường hợp của FPT, FPT chọn giải pháp Solomon cho hệ thống ERP của mình. Trước tiên, FPT triển khai ERP tới bộ phận kinh doanh. Sau đó ERP được áp dụng cho hệ thống sản xuất và lắp ráp máy tính FPT-Elead, các bộ phận quản lý như: Quản trị nhân sự và tiền lương, quản lý cổ đông, quản lý hệ thống chất lượng, quản lý bảo hành, quản lý đơn đặt hàng và giao nhận hàng xuất nhập khẩu. Cuối cùng FPT tự xây dựng một hệ thống báo cáo với hơn 400 báo cáo mẫu phục vụ công tác quản lý và hỗ trợ ra quyết định, triển khai cho cả tập đoàn gồm tổng công ty và các đơn vị thành viên.
Với sự ứng dụng ERP đó, FPT đã đạt được những kết quả tốt: Quá trình kiểm soát tài chính, hàng tồn kho, công nợ được cải thiện nhiều. Đồng thời các đơn hàng, số liệu
công ty được cung cấp nhanh chóng và chính xác. Việc lập kế hoạch kinh doanh và ra quyết định cũng được hỗ trợ nhiều. Sau khi áp dụng phân hệ quản lý sản xuất cho hệ thống sản xuất lắp ráp máy tính, tỷ lệ giao hàng đúng hạn trong 6 tháng đầu năm 2004 là 94,9% (tăng 18,5% so với năm 2003); số ngày trung bình tồn linh kiện lắp ráp là 43% (giảm 25% so với năm 2003). Và một hiệu quả quan trọng của việc ứng dụng ERP là thay đổi thói quen làm việc, cách thức điều hành và ra quyết định trong công ty.