- Thời gian thẩm định tài chính doanh nghiệp: Chất lượng của kết quả thẩm định tài chính doanh nghiệp còn phụ thuộc vào thời gian thẩm định. Kết quả thẩm định dù có chính xác đến đâu mà thời gian thẩm định kéo dài thì cũng không được coi là có chất lượng. Nếu thời gian thẩm định kéo dài sẽ gây tốn kém cho ngân hàng, làm giảm lợi nhuận của ngân hàng. Hơn thế nữa, trong thời gian cạnh tranh ngày nay, thời gian là yếu tố vô cùng quan trọng, nếu chậm trễ sẽ mất cơ hội cho vay và làm giảm uy tín của ngân hàng.
- Chi phí thẩm định tài chính doanh nghiệp: Kết quả thẩm định tốt mà
chi phí cho nó quá lớn thì cũng không đảm bảo được chất lượng thẩm đinh. Chi phí thẩm định lớn ( xét trong điều kiện món vay cụ thể ) sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng.
- Tỷ lệ nợ quá hạn:
Tỷ lệ nợ quá hạn = Nợ quá hạn / Tổng dư nợ tín dụng
Thông qua các khoản nợ quá hạn và tỷ lệ các khoản nợ quá hạn trên tổng dư nợ, có thể đánh giá được mức độ an toàn của các khoản vay. Tỷ lệ nợ quá hạn quá lớn ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vì vậy mà ngân hàng có mức nợ quá lớn và tỷ lệ nợ quá hạn cao một phần nói lên rằng chất lượng thẩm định của doanh nghiệp thấp và ngược lại. Theo quyết định 493/2005-NHNN về phân loại nợ thì các tổ chức tín dụng, ngân hàng có thể phân ra thành năm nhóm nợ:
-Nhóm 1: (Nợ đủ tiêu chuẩn) là các khoản nợ trong hạn mà tổ chức tín dụng đánh giá là có đủ khả năng thu hồi đầy đủ cả gốc và lãi đúng thời hạn. Trường hợp khách hàng trả đầy đủ nợ gốc và lãi theo kỳ hạn đã được cơ cấu lại tối thiểu trong vòng một năm đối với các khoản nợ trung và dài hạn, ba tháng đối với các khoản nợ ngắn hạn và được tổ chức tín dụng đánh giá là có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và lãi đúng thời hạn theo thời hạn đã được cơ cấu lại, tổ chức tín dụng có thể phân loại lại khoản nợ đó vào nhóm 1.
- Nhóm 2 ( Nợ cần chú ý ): bao gồm các khoản nợ quá hạn dưới 90 ngày, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn nợ đã cơ cấu lại.
- Nhóm 3 ( Nợ dưới tiêu chuẩn ): bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 90 đến 180 ngày, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn dưới 90 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại.
- Nhóm 4 ( Nợ nghi ngờ ): bao gồm các khoản nợ quá hạn từ 181 đến 360 ngày, các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn từ 90 ngày đến 180 ngày theo thời hạn đã cơ cấu lại .
- Nhóm 5 ( Nợ có khả năng mất vốn ): bao gồm các khoản nợ quá hạn trên 360 ngày, các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý, Các khoản nợ đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ quá hạn trên 180 ngày theo thời hạn đã được cơ cấu lại.
Đối với các khoản nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5:
+ Trường hợp một khách hàng có nhiều hơn một khoản nợ với tổ chức tín dụng mà có bất kỳ khoản nợ bị chuyển sang nhóm nợ rủi ro cao hơn thì tổ chức tín dụng bắt buộc phải phân loại các khoản nợ còn lại của khách hàng đó vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro.
+ Trường hợp các khoản nợ (kể cả các khoản nợ trong hạn và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ trong hạn theo thời hạn nợ đã cơ cấu lại)
mà tổ chức tín dụng có đủ cơ sở để đánh giá là khả năng trả nợ của khách hàng bị suy giảm thì tổ chức tín dụng chủ động tự quyết định phân loại các khoản nợ đó vào các nhóm nợ rủi ro cao hơn tương ứng với mức độ rủi ro.
Các khoản nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 được xếp vào nợ xấu, nếu tỷ lệ nợ xấu của doanh nghiệp quá lớn, chứng tỏ công tác thẩm định tại ngân hàng chưa tốt, ảnh hưởng đến quyết định cho vay và cuối cùng là ảnh hưởng tới lợi nhuận.
Và cũng theo quyết định 493/2005-NHNN cũng có các tỷ lệ trích lập dự phòng đối với các khoản nợ như sau:
a) Nhóm 1: 0% b) Nhóm 2: 5% c) Nhóm 3: 20% d) Nhóm 4: 50%
đ) Nhóm 5: 100%. Riêng đối với các khoản nợ khoanh chờ Chính phủ xử lý thì được trích lập dự phòng cụ thể theo khả năng tài chính của tổ chức tín dụng.
Ngân hàng có quy định trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ, nếu tỷ lệ trích lập dự phòng đối với từng nhóm nợ lớn thì chứng tỏ các khoản nợ quá hạn của ngân hàng càng lớn, rủi ro cho ngân hàng lớn và có thể làm cho lợi nhuận giảm.
Đối với ngân hàng, đây là một chỉ tiêu rất quan trọng trong việc đánh giá chất lượng của thẩm định tài chính. Nếu như tỷ lệ nợ quá hạn trên tổng dư nợ quá lớn thì ngân hàng đang đứng trước khó khăn có thể dẫn đến phá sản. Và điều này cũng phản ánh được chất lượng thẩm định tài chính là không tốt.
- Dư nợ cuối kỳ, doanh số cho vay trong kỳ, khả năng sinh lời : Đa số các
ngân hàng thương mại đều muốn đạt doanh số cho vay ở mức cao nhưng yếu tố chất lượng của doanh số cho vay lại quan trọng hơn, là vì nó quyết
định đến sự phát triển của ngân hàng. Độ lớn của doanh số cho vay phải phù hợp với khả năng huy động vốn của ngân hàng, đảm bảo tỷ lệ an toàn khi cho vay. Các chỉ tiêu này cũng phản ánh chất lượng thẩm định tài chính doanh nghiệp của ngân hàng. Nếu dư nợ cuối kỳ tăng, doanh số cho vay lớn, tỷ lệ nợ quá hạn thấp, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng của ngân hàng cao cho thấy chất lượng thẩm định tài chính doanh nghiệp của ngân hàng là tốt. Và ngược lại, nếu dư nợ cuối kỳ không tăng, tỷ lệ nợ quá hạn cao, lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh thấp cho thấy công tác thẩm định còn nhiều hạn chế.
Kết luận: Đứng trên giác độ ngân hàng thì có rất nhiều chỉ tiêu để phản ánh chất lượng thẩm định tài chính doanh nghiệp của ngân hàng. Vì vậy khi thẩm định đòi hỏi cán bộ tín dụng phải biết kết hợp các chỉ tiêu đó. Kết quả thẩm định được gọi là tốt nếu như các nhận xét và đánh giá của các cán bộ tín dụng là chính xác và khách quan, với thời gian và chi phí thấp. Và điều này dẫn đến việc ngân hàng sẽ đưa ra các quyết định đúng đắn nhất trong hoạt động tín dụng để đảm bảo tính an toàn và tăng thu nhập cho mình.