III. Tình hình xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam vào thị trường EU
1. Kim ngạch xuất khẩu và cơ cấu hàng dệt may Việt Nam trên thị trường
1.3 Phương thức thâm nhập vào thị trường EU:
Xuất khẩu qua trung gian là con đường mà phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đã áp dụng để thâm nhập thị trường EU ở thời kỳ ban đầu mới kham phá thị trường này. Khi đó thị trường EU còn rất mới mẻ và bỡ ngỡ đối với các doanh nghiệp Việt Nam, hơn nữa lại thiếu kinh nghiệm về quan hệ kinh doanh trên thương trường nên không thiết lập được quan hệ bạn hàng trực tiếp với các đối tác EU. Do vậy, các doanh nghiệp đã phải xuất khẩu sang EU qua các bạn hàng trung gian, chủ yếu là ở châu Á. Hình thức này làm giảm đáng kể lợi nhuận của các doanh nghiệp và chỉ thích hợp trong thời kỳ đầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm ra phương thức xuất khẩu mới phù hợp hơn nhằm tăng lợi nhuận.
Xuất khẩu trực tiếp là con đường chính thâm nhập thị trường EU hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên hình thức này lại tạo ra khó khăn trong việc nắm bắt thông tin về thị trường như: thay đổi về chính sách ngoại thương, quy chế xuất khẩu … của EU có ảnh hưởng tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Ngoài hình thức trên thì đầu tư trực tiếp và liên doanh là hình thức sẽ được chú ý trong thời gian tới, trong đó liên doanh có thể dưới hình thức sử dụng giấy phép, nhãn hiệu hàng hóa, có nghĩa là hàng hóa của mình xuất sang thị trường dưới danh nghĩa của các công ty nước ngoài nổi tiếng bởi vì người tiêu dùng trong thị trường EU có thói quen sử dụng những nhãn hiệu sản phẩm nổi tiếng. Chất lượng là yếu tố quyết định mức tiêu dùng đối với
phần lớn các mặt hàng được tiêu thụ trên thị trường này chứ không phải là giá cả. Tại thời điểm này, hàng hóa Việt Nam chưa có danh tiếng nên rất khó thâm nhập vào thị trường EU, hơn nữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu do đó liên doanh dưới hình thức sử dụng giấy phép, nhãn hiệu hàng hóa, tên sản phẩm sẽ là biện pháp tối ưu để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thâm nhập vào thị trường này. Còn đối với hình thức đầu tư trực tiếp thì đây chưa phải là hướng chính để thâm nhập thị trường EU hiện tại và trong tương lai gần của các nhà doanh nghiệp Việt Nam vì hình thức này đòi hỏi nhiều vốn và hơn nữa tiềm năng kinh tế của Việt Nam còn hạn hẹp, tuy nhiên hình thức này rất cần thiết cho giai đoạn phát triển cao hơn của nền kinh tế Việt Nam.