Tài nguyên du lịch nhân văn.

Một phần của tài liệu Phương hướng và giải pháp phát triển bền vững du lịch biển Hải Phòng (Trang 35 - 38)

Bên cạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên, các yếu tố nhân văn giàu bản sác văn hoá dân tộc của vùng biển Hải Phòng cũng có ý nghĩa to lớn đối với du lịch biển chu thể là:

- Các di tích lịch sử văn hoá.

Hải Phòng còn giữ được rất nhiều di tích lịch sử văn hoá, nhiều đền, chùa, lăng miếu và các sinh hoạt văn hoá dân tộc ở từng làng xã. Hiện nay Hải Phòng có 162 di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia và cấp thành phố. Trong số đó có 62 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 27 di tích được xếp hạng cấp thành phố tập trung ở 7 quận huyên ven biển, chiếm 54,94% tổng số.

Các di tích lịch sử này có giá trị rất lớn đối với du lịch, hợp lại thành bộ sưu tập quý giá trong kho tàng di sản văn hoá Việt Nam. Nhiều di vật bên trong một số

di tích vẫn được bảo quản nguyên vẹn. Nhiều công trình kiến trúc như : Đền Nghè, Chùa Hàng, Chùa Vẽ, Núi Voi, Đền Ngô Quyền, Đền Trần Quốc Bảo, Đền Nguyễn Bỉnh Khiêm được duy trì bảo tồn tốt. Tuy nhiên hiện nay nhiều di tích đang bị xuống cấp, bị lấn chiếm, hoặc bị huỷ hoại. Nếu chúng ta tiếp tục khôi phục và giữ gìn nó để phát triển tuyến du lịch văn hoá biển Hải Phòng thì chắc chắn sẽ có nhiều người ngưỡng mộ và thu hút được một số lượng khách du lịch lớn hơn đến khu vực này.

- Lễ hội:

Lễ hội truyền thống là loại hình sinh hoạt văn hoá, sản phẩm tinh thần của người dân được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử. Lễ hội là sự kiện thể hiện truyền thống quý báu đó của cộng đồng, tôn vinh những hình tượng thiêng, được định danh là những vị "Thần" -những người có thật trong lịch sử dân tộc hay huyền thoại. Hình tượng các vị thần linh đã hội tụ những phẩm chất cao đẹp của con người. Đó là những anh hùng chống giặc ngoại xâm; những người chống chọi với thiên tai, trừ ác thú; những người chữa bệnh cứu người; những nhân vật truyền thuyết đã chi phối cuộc sống nơi trần gian, giúp con người hướng thiện, giữ gìn cuộc sống hạnh phúc....Lễ hội là sự kiện tưởng nhớ, tỏ lòng tri ân công đức của cá vị thần đối với cộng đồng, dân tộc.

Lễ hội là dịp con người được trở về nguồn, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người. Lẽ hội cũng là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của dân tộc theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí...Lễ hội là dịp con người được giải toả, dãi bầy phiền muộn, lo âu với thần linh, mong đợi thần giúp đỡ, chở che vượt qua những thử thách đến với ngày mai tươi sáng hơn.

Cũng giống như các vùng khác trên cả nước, lễ hội của người dân vùng biển Hải Phòng thường tập trung vào những tháng đầu năm sau tết cổ truyền và thường gắn liền với sản xuất và các hoạt động văn hoá dân gian. Nhìn chung, lễ hội của con người dân vùng biển Hải Phòng giống như lễ hội người kinh ở khu vực khác. Đến đây, du khách sẽ được tiếp xúc với nền văn hoá dân tộc độc đáo của vùng biển Hải Phòng, sẽ được sống lại những ngày tháng hào hùng của lịch sử dân tộc. Các lễ hội của người dân vùng biển Hải Phòng rất đa dạng và phong phú, thu hút nhiều khách du lịch như: Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn; lễ hội đền Trạng; lễ hội xuống biển; hội du xuân ở Thuỷ Nguyên; hội đình Dư Hàng; hội đền Phò Mã (đền Dẹo); hội đền Nghè; Lễ hội hát đúm Thuỷ Nguyên; lễ hội pháo đất Vĩnh Bảo; hội đua thuyền truyền thống trên biển (đảo Cát Hải); hội đền An Lư; múa rối cạn và múa rối nước....Trong đó đặc trưng nhất là lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Đây là một trong những lễ hội được chọn là tiêu biểu của toàn quốc trong chương trình hành động quốc gia. Lễ hội diễn ra trong 2 ngày (từ 8 đến 9/8 âm lịch). Lễ nghi thật trang trọng, có lọng che, kiệu rước thần, phường bát âm.... Mở đầu trận đấu là màn múa cờ tưng bừng của mấy chục nam nữ thanh niên khoẻ. Sau tiếng loa từng cặp trâu vào sói chọi. Có nhiều cặp trâu thi đấu chúng xông vào nhau, dùng sức mạnh để húc, để ghì, khoá sừng nhau. Con nào bỏ chạy là thua. Trâu thắng vào chung kết ngày mùng9 tháng 8 âm lịch, trâu nào giành được giải nhất được rước về đình trong tiếng reo hò, hân hoan của cộng đồng. Trâu thắng hay trâu thua đều bị làm thịt để cúng thần linh và được chia sẻ cho mọi người là "lộc".

- Các tài nguyên nhân văn khác:

Các tài nguyên nhân văn khác như: các ngành nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật ẩm thực, ca múa nhạc.... cũng tạo nên sự hấp dẫn du khách bốn phương. Hải Phòng hiện có hơn 30 làng nghề, trong đó có 17 làng nghề truyền thống, hoạt động trên nhiều lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, cơ khí, đúc đồng, đúc gang, làm đồ thờ tự và tạc tượng. Những ngành nghề truyền thống ở đây khá đa dạng và có khả năng

khai thác phục vụ du lịch không chỉ như là các mặt hàng lưu niệm mà còn có giá trị về mặt cội nguồn văn hoá như tổ chức cho du khách tham quan các làng nghề kết hợp tham dự những lễ hội và di tích có liên quan đến các vị tổ nghề truyền thống. Hải Phòng có những vùng chợ quê từ lâu nổi tiếng bởi những đặc trưng được gìn giữ và lưu truyền nhiều thế hệ. Mỗi chợ quê đều có những nét đẹp riêng, thể hiện phong tục tập quán địa phương, mang đậm bản sắc văn hoá miền biển Hải Phòng. Những ngày giáp tết, chợ tết lại càng phong phú hơn.

Một phần của tài liệu Phương hướng và giải pháp phát triển bền vững du lịch biển Hải Phòng (Trang 35 - 38)