Thông qua việc đánh giá thực trạng pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng, thực tiễn thực hiện tại BIDV Phủ Diễn, do hạn chế về thời gian, về kiến thức giới hạn trong khóa luận đề tài mới chỉ đề cập đến một số khía cạnh pháp lý về thực hiện hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, trên thực tế còn nhiều vấn đề liên quan đến hợp đồng cần tiếp tục nghiên cứu mà chưa được tác giả luận giải sâu sắc. Do đó, tác giả xin đề xuất một số vấn đề cần nghiên cứu liên quan đến hợp đồng tín dụng như sau:
Một là, đăng ký giao dịch bảo đảm nhằm công khai hoá tình trạng tài
sản, xác định thứ tự ưu tiên thanh toán, bảo đảm quyền lợi của bên nhận bảo đảm trước người thứ ba. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm lại quy định cho nhiều cơ quan khác nhau căn cứ vào từng loại tài sản. Do đó, để nâng cao hiệu quả của việc đăng ký giao dịch bảo đảm thì pháp luật nước ta cần sửa đổi theo hướng cơ quan có thẩm quyền đăng ký giao dịch bảo đảm cần tập trung vào một cơ quan nhất định và được phân cấp cho nhiều chi nhánh các địa phương.
Hai là, nhằm đảm bảo cho việc xử lý tài sản được tiến hành nhanh
chóng, thu hồi vốn cho các TCTD, pháp luật hiện hành cần thay đổi theo hướng trường hợp mà các bên không thoả thuận được về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì TCTD được phép tự tiến hành bán đấu giá có sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.
Ba là, thủ tục giải quyết các tranh chấp dân sự rất rờm rà, nhiều thủ
tục, gây tốn kém về thời gian và tiền bạc cho các bên tranh chấp. Thực tế Việt Nam cho thấy, các tranh chấp phát sinh từ HĐTD chủ yếu liên quan đến vi phạm nghĩa vụ trả nợ của khách hàng, tình tiết rõ ràng. Vì vậy, theo tác giả, pháp luật cần nghiên cứu bổ sung quy định áp dụng thủ tục rút gọn đối với một số tranh chấp dân sự nói chung trong đó có tranh chấp phát sinh từ HĐTD có tình tiết rõ ràng. Điều này không chỉ giải quyết được nhiều vụ án dân sự ứ đọng mà đối với TCTD lại có khả năng thu hồi vốn nhanh, hạn chế thiệt hại.
Bốn là, tranh chấp HĐTD có nhiều các yếu tố phức tạp. Mặt khác, thiệt hại
phát sinh từ HĐTD không chỉ gây thiệt hại cho các bên chủ thể mà còn tác dộng dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế. Do đó, pháp luật cần có văn bản hướng dẫn cụ
thể thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện, tức là thời điểm mà quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị xâm hại là thời điểm nào? Hơn nữa, do tranh chấp phát sinh từ HĐTD có những nét đặc thù riêng, vì vậy, nếu thời hiệu khởi kiện là hai năm như các tranh chấp dân sự nói chung là chưa hợp lý mà cần được kéo dài
hơn.KẾT LUẬN
Ở Việt Nam, khi mà thị trường chứng khoán còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển thì hoạt động tín dụng là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. Hoạt động tín dụng, mà chủ yếu là hoạt động cho vay đã cung cấp một lượng vốn lớn cho nền kinh tế, là một trong những công cụ để thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, giảm lạm phát, thúc đẩy kinh tế phát triển. Nhận thức được tầm quan trọng này, những năm qua, pháp luật về hợp đồng tín dụng (hình thức pháp lý của hoạt động cho vay) đã được Nhà nước ta quan tâm và không ngừng hoàn thiện tạo ra một môi trường pháp lý lành mạnh, trong đó quyền tự do kinh doanh của các tổ chức tín dụng được tôn trọng, quyền được tiếp cận vốn của các thành phần kinh tế, tạo đà cho hoạt động cho vay tiếp tục phát triển.
Một hợp đồng có thể coi là khởi đầu của một phi vụ kinh doanh và nó cũng là yếu tố quyết định đến các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp sau này. Sở dĩ như vậy là trong hợp đồng thể hiện sự cam kết, ràng buộc chặt chẽ về đối tượng hợp đồng, quyền và nghĩa vụ mỗi bên. Trong cùng một thời điểm, doanh nghiệp thường phải ký kết và thực hiện nhiều hợp đồng, do đó vấn đề thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng và việc thực hiện các nội dung đó đòi hỏi phải có sự sắp xếp và quản lý một cách có hiệu quả. Trong lĩnh vực tài chính, liên quan đến nhiều con số, liên quan đến tài sản, tôi thiết nghĩ rằng, hợp đồng càng phải chặt chẽ hơn nữa, càng phải được chú trọng hơn nữa.
Trong thời gian thực tập tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam – chi nhánh Phủ Diễn, tôi đã được nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hồ sơ cho vay, từ cá nhân đến doanh nghiệp, đặc biệt điều này đã giúp tôi có cái nhìn tổng quan hơn về thực trạng lập pháp tại ngân hàng, cũng như hình dung rõ ràng hơn về quy
trình cho vay. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận về hợp đồng tín dụng và thực tiễn áp dụng tại một Công ty để đưa ra một số kiến nghị nhằm góp phần vào việc hoàn thiện pháp luật và việc áp dụng pháp luật hợp đồng nói chung trong thời gian gần đây: Ban hành những văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành các văn bản luật đó để đảm bảo sự thống nhất giữa Bộ luật Dân sự 2015 và Luật các Tổ chức tín dụng 2010, Luật thương mại 2005 từ đó hoàn thiện pháp luật về hợp đồng nói chung và hợp đồng tín dụng nói riêng, góp phần vào sự phát triển chung của nền kinh tế và tạo điều kiện thuận lợi cho đất nước hội nhập kinh tế quốc tế đạt hiệu quả cao. Mặc dù đã cố gắng hết sức nghiên cứu và tập hợp tài liệu, nhưng do kiến thức chưa được hoàn thiện nên các khuyến nghị đưa ra chỉ mang tính gợi mở, mong Quý thầy cô đóng góp ý kiến để bài khóa luận được hoàn thiện hơn.