Thực trạng trong quy định pháp luật điều chỉnh về giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng

Một phần của tài liệu Bài Khóa Luận đề tài “Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng – Thực tiễn thực hiện tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam” (Trang 32 - 38)

2.2.1. Về giao kết hợp đồng tín dụng

Pháp luật của Việt Nam, đặc biệt là BLDS 2015 và Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng 2010 đã có quy định về giao kết HĐTD, tạo cơ sở pháp lý để các chủ thể thực hiện. Qua tìm hiểu thực tế giải quyết các vụ việc tranh chấp về HĐTD về các Tòa án cho thấy các bên chủ yếu tranh chấp về các quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng; còn tranh chấp trong quá trình giao kết hợp đồng rất ít.

• Về hình thức của đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng

Hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là bằng văn bản. Pháp luật không quy định cụ thể về hình thức của đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết HĐTD. Theo Khoản 4 Điều 400 BLDS 2015 có quy định: “Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản”. Theo quy định này có thể hiểu là: Đề nghị giao kết và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng với hình thức bằng văn bản bắt buộc phải có chữ ký của các bên được hay không? Trên thực tế, đối với những hợp đồng giao kết bằng văn bản thường phải có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của các bên; Đối với chủ thể giao kết HĐTD là tổ chức, pháp nhân thì đề nghị giao kết, chấp nhận đề nghị giao kết HĐTD thường có chữ kí, có đóng dấu.

Như vậy, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng với hình thức văn bản có đầy đủ các nội dung của hợp đồng và nội dung của hợp đồng nhưng không có chữ ký, hoặc có chữ ký nhưng không đóng dấu đối với pháp nhân, hoặc không có chữ ký nhưng có điểm chỉ ... thì có giá trị pháp lý ràng buộc các bên hay không cũng cần phải được quy định cụ thể để đảm bảo quyền lợi cho các chủ thể, hạn chế các tranh chấp có thể phát sinh.

• Về thời hạn trả lời chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng tín dụng

Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết HĐTD quy định chưa đảm bảo tính thống nhất. Khoản 1 Điều 394 BLDS 2015 có quy định: “1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện

trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.”

Trong trường hợp gửi qua đường bưu điện thì bên đề nghị giao kết sẽ nhận được chấp nhận giao kết chậm hơn so với ngày đã ấn định trong thỏa thuận tuy nhiên theo dấu bưu điện thì vẫn hợp lệ. Đây là điểm quy định không thống nhất của khoản 1 Điều 394 BLDS 2015, khi đồng thời quy định việc trả lời chấp nhận có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đã được ấn định – tức là khi trả lời chấp nhận được gửi đi đã có hiệu lực lại vừa quy định bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì lời chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời – tức là trả lời chấp nhận đề nghị có hiệu lực và được công nhận khi bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời trong thời hạn ấn định.

• Về đối tượng của hợp đồng tín dụng

Điều 19 Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng (do NHNN ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31//12-/2001) quy định những đối tượng không được giao kết HĐTD với TCTD còn cứng nhắc. Trong nhiều trường hợp, cán bộ ngân hàng, thành viên và người nhà thành viên Hội đồng quản trị, ban kiểm toán, Tổng giám đốc… nếu có tài sản thuộc quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp và muốn dùng những tài sản này để cầm cố, thế chấp tại chính ngân hàng mà họ đang trực tiếp quản lý và công tác thì việc cho vay đối với những đối tượng này không có gì mất an toàn, miễn là là họ không sử dụng vốn vay một cách phạm pháp. Hiện nay pháp luật lại cấm TCTD giao kết HĐTD với những đối tượng này trong khi họ hoàn toàn có khả năng trả nợ là điều bất hợp lý và không công bằng. Quy định này đã loại bỏ một bộ phận không nhỏ những khách hàng tiềm năng của các TCTD.

2.2.2. Về thực hiện hợp đồng tín dụng

• Về lãi suất trong hợp đồng tín dụng

Lãi suất trong HĐTD là một trong những yếu tố quan trọng nhất mà các TCTD sử dụng để cạnh tranh trong hoạt động kinh doanh. Bên cạnh những yếu tố như uy tín, chất lượng phục vụ hay vị trí địa lí thuận lợi thì lãi suất là mối quan tâm đầu tiên của khách hàng gửi tiền cũng như khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn.

Mức lãi suất cho vay thấp là công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng vay vốn, tăng thu nhập cho TCTD.

Việc thỏa thuận lãi suất trong HĐTD luôn chịu sự chi phối của chính sách nhà nước. Qua nhiều thời kì, NHNN đã đưa ra một số chính sách điều hành lãi suất cho vay trong hoạt động tín dụng. Những chính sách này đã tác động đến lãi suất cho vay của các TCTD và là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến những tranh chấp về lãi suất đã từng xảy ra hoặc có thể phát sinh. Tranh chấp về lãi suất ít khi là nội dung chính của một vụ việc, mà thông thường chỉ khi khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ và vụ việc được đưa ra giải quyết tại cơ quan chức năng, những bất đồng quan điểm quanh vấn đề lãi suất mới phát sinh. Nhìn chung, các dạng tranh chấp về lãi suất có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng là:

- TCTD hoặc người đi vay yêu cầu điều chỉnh lãi suất khi HĐTD quy định lãi suất cố định và thời hạn vay vẫn còn.

- Tranh chấp về mức lãi suất trong hợp đồng và cách tính lãi trong hạn.

- Tranh chấp về lãi suất nợ quá hạn và cách tính lãi đối với khoản nợ quá hạn.

Mặc dù NHNN đã quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng VND: “TCTD ấn định lãi suất huy động vốn bằng VND (lãi suất tiền gửi, lãi suất giấy tờ có giá) của các tổ chức (trừ các TCTD) và cá nhân bao gồm cả khoản chi khuyến mại dưới mọi hình thức không vượt quá 14%/năm. Riêng các quỹ tín dụng nhân dân cơ sở ấn định mức lãi suất huy động vốn bằng VND không vượt quá 14,5%/năm”. NHNN kỳ vọng quy định này sẽ giúp thì trường tiền tệ đi vào ổn định. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, nhiều ngân hàng thương mại bắt đầu “lách luật” bằng cách đưa ra một loạt các hình thức khuyến mại cho khách hàng gửi tiền. Việc này đã khiến mức lãi suất huy động tăng cao, có thời điểm lên đến 17.5% đến 18%. Với lãi suất huy động như vậy thì ngân hàng sẽ buộc phải cho vay ở mức 21% – 22%/năm mới tồn tại được. Điều này đã gây áp lực cho doanh nghiệp, cho các cá nhân vay vốn. Với một mức lãi suất cao như vậy, họ sẽ rất khó khăn trong việc phát triển sản xuất, dẫn đến tình trạng nợ xấu của ngân hàng tăng nhanh. Điều này quay ngược lại ảnh hưởng trực tiếp tới các ngân hàng và chính những cá nhân, tổ chức gửi tiền vào ngân hàng.

Hầu hết các TCTD vẫn thoả thuận trong HĐTD về lãi suất quá hạn bằng 150%/năm lãi suất cho vay trong hạn đối với chính HĐTD đó. Mức lãi suất quá hạn không quá 150%/năm của khoản vay này là do NHNN quy định dựa trên cơ sở BLDS năm 1995 giao cho NHNN quy định mức lãi suất quá hạn. Nhưng từ năm 2016 trở đi, nếu vẫn áp dụng mức lãi suất quá hạn này là không đúng pháp luật, vì BLDS năm 2015 quy định mức lãi suất quá hạn được “xác định bằng 50%

mức lãi suất giới hạn quy định tại khoản 1 Điều này tại thời điểm trả nợ.” (Điều

468 khoản 2). Hai quy định này có sự chênh lệch rất đáng kể, nhất là trong thời kỳ lãi suất có sự biến động lớn.

Điều khoản về lãi suất trong HĐTD là điều khoản vô cùng quan trọng. Thông thường để hạn chế rủi ro lãi suất, TCTD không thỏa thuận lãi suất cố định với hợp đồng trung – dài hạn mà quy định trong HĐTD lãi suất cho vay tính bằng lãi suất tiền gửi cộng một biên độ và thay đổi định kì. Trong một số hợp đồng vay ngắn hạn, lãi suất cho vay được thỏa thuận là lãi suất cố định trong suốt thời gian vay. Khi thị trường có những biến động khiến TCTD phải nâng lãi suất huy động để thu hút nguồn vốn trong dân cư, việc cho vay với lãi suất thấp hơn (ở những HĐTD kí kết từ trước đó nhưng vẫn trong quá trình giải ngân) so với lãi suất huy động hiện tại sẽ khiến TCTD mất đi một phần lợi nhuận. Vì vậy, không ít TCTD đã yêu cầu khách hàng chấp nhận tăng lãi suất cho vay mới tiếp tục giải ngân. Đây chính là tình trạng xảy ra rất nhiều trong thời gian giữa năm 2008 khi áp dụng chính sách điều hành lãi suất “thắt chặt” của NHNN, lãi suất huy động và lãi suất cho vay được đẩy lên rất cao. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở đơn lẻ một TCTD nào hay đối với một đối tượng cụ thể nào, chính vì thế đã có những tác động to lớn đối với người dân tham gia vào quan hệ tín dụng. .

Với việc áp dụng lãi suất trần cho vay bằng 20%/năm lãi suất của khoản vay và việc NHNN đẩy mạnh lãi suất cơ bản lên đến 14%/năm theo Quyết định số 1317/QĐ-NHNN ngày 10/6/2008, chính sách này đã ngăn chặn đà bùng nổ lạm phát, làm chậm lại hoạt động cho vay của hệ thống ngân hàng và thu hút nguồn vốn nhàn rỗi trong dân cư. Bên cạnh đó, chính sách này vẫn có mặt trái nhất định, khi làm cho TCTD phải đối mặt với tình trạng nợ quá hạn gia tăng. Khách hàng hoặc không có khả năng trả nợ hoặc có tiền cũng không muốn trả, vì mức lãi suất

cho vay cũ chỉ tối đa 12%/năm, nếu bị phạt nợ quá hạn vẫn thấp hơn lãi suất cho vay mới, thêm vào đó, trả nợ xong lại khó vay vốn trở lại bởi lãi suất đã rất cao. Nếu TCTD khởi kiện ra tòa án, phát mãi tài sản bảo đảm cũng rất khó khăn, trải qua nhiều thủ tục, thời gian xử lí được tài sản kéo dài trở nên khó thu hồi vốn. Chính vì thế, trong khoảng thời gian lãi suất tăng cao, số lượng các vụ tranh chấp liên quan đến việc khách hàng không trả nợ gia tăng nhanh chóng, và một trong những vấn đề thường bị kháng cáo, kháng nghị lên cơ quan phúc thẩm là cơ chế áp dụng lãi suất nợ quá hạn và tính nợ quá hạn.

• Về định giá tài sản bảo đảm và các biện pháp bảo đảm trong hợp đồng tín dụng Hiện nay dù đã có Pháp lệnh về giá ngày 26/04/2007 nhưng vẫn chưa có những tiêu chuẩn định giá thống nhất, phù hợp với thực tiễn. Mặt khác, nhiều loại tài sản bị thay đổi tính chất lý hóa trong quá trình sử dụng, dẫn đến sự tăng lên hay giảm xuống về mặt giá trị, bị hư hỏng, thất thoát. Do vậy khi xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi vốn, ngân hàng thương mại thường gặp nhiều trở ngại trong việc định giá tài sản, nhất là định giá quyền sử dụng đất. Bởi trong thực tế, hoạt động định giá quyền sử dụng đất diễn ra rất lộn xộn và những diễn biến về giá trị của loại tài sản này không phản án được giá trị đích thực của nó.

So với BLDS 1995 thì BLDS 2015 quy định về biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo hình thức bảo lãnh có sự khác biệt như sau: Bảo lãnh theo quy định của BLDS 1995 có thể gắn liền với tài sản cầm cố, thế chấp nhưng biện pháp bảo lãnh theo BLDS 2015 thì không cần gắn liền với việc cầm cố, thế chấp tài sản. Hiện nay vẫn còn nhiều ý kiến nhầm lẫn về khái niệm bảo lãnh và thế chấp tài sản của người thứ ba do BLDS 2015 không quy định một cách rõ ràng rằng biện pháp bảo lãnh là biện pháp đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự không cần kèm theo việc thế chấp hoặc cầm cố một tài sản cụ thể tại thời điểm thiết lập giao dịch bảo lãnh, dễ gây hiểu nhầm giữa hai biện pháp này vì vậy rất dễ dẫn đến hiện tượng “lách luật” trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 4 Điều 72 Nghị định 163/NĐ-CP ngày 29/12/2006 về giao dịch bảo đảm thì “Việc bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng theo quy định tại Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai, quy định tại khoản 5 Điều 32, khoản 4

Điều 33, khoản 4 Điều 34, khoản 4 Điều 35 và khoản 1 Điều 36 Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng và các văn bản hướng dẫn thi hành được chuyển thành việc thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng của người thứ ba.” Ngoài ra, khoản 1 Điều 31 Nghị định 84/2007/NĐ-CP quy định: “Bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quy định của Luật đất đai được hiểu là thế chấp quyền sử dụng đất cho người thứ ba vay vốn theo quy định của Bộ luật Dân sự (sau đây gọi chung là thế chấp bằng quyền sử dụng đất).” Như vậy, trong trường hợp một người muốn dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự cho một người khác đối với người cho vay thì các bên sẽ ký kết hợp đồng thế chấp nhưng theo quy định của Pháp luật hiện hành thì trong trường hợp này các bên phải ký kết hợp đồng bảo lãnh. Rõ ràng quy định của pháp luật còn chưa cụ thể dẫn đến sự hiểu sai lệch, mơ hồ.

• Về sự vô hiệu của hợp đồng tín dụng

Một giao dịch HĐTD sẽ đương nhiên vô hiệu hoặc có thể bị coi là vô hiệu khi giao dịch đó không thoả mãn đầy đủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định. Do việc vi phạm các điều kiện có hiệu lực có thể phương hại đến lợi ích chung của xã hội hoặc lợi ích riêng của các bên giao dịch nên sự tuyên bố HĐTD vô hiệu cũng cần phải được cân nhắc. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

- HĐTD vô hiệu toàn bộ: HĐTD được các bên ký kết nhưng mục đích, nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội, hoặc HĐTD được xác lập một cách giả tạo để che dấu một giao dịch khác. Hợp đồng bị vô hiệu, các bên không có cơ hội khắc phục các thiếu sót để làm cho hợp đồng tíndụng có hiệu lực trở lại.

- HĐTD vô hiệu một phần: những HĐTD được các bên ký kết chỉ vi phạm các điều kiện thủ tục như: thiếu dấu của pháp nhân, không ghi đầy đủ các yếu tố liên quan đến tư cách của các bên; hình thức của hợp đồng không phù hợp với quy định của pháp luật…Trong trường hợp này các bên có thể khắc phục những nguyên nhân làm cho HĐTD vô hiệu; để trên cơ sở đó khiến cho HĐTD có hiệu lực trở lại. Nếu quá thời hạn cho phép mà các bên không khắc phục được những nguyên

nhân làm cho hợp đồng vô hiệu thì bên có quyền lợi bị xâm hại có quyền yêu cầu

Một phần của tài liệu Bài Khóa Luận đề tài “Pháp luật về giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng – Thực tiễn thực hiện tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam” (Trang 32 - 38)