Thế giới người điên vốn là một địa hạt ít người khai phá, bởi người điên luôn là một dấu hỏi chấm chưa có lời giải đáp. Vì sao họ lại bị điên? Những người điên suy nghĩ những gì? Nguyễn Bình Phương tiếp cận với thế giới người điên và mở ra cánh cửa để độc giả đi vào khám phá những tâm lí phức tạp, chằng chéo trong tâm thức của những con người vốn được coi là “không bình thường” trong xã hội.
Không gian sống của nhân vật trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương là một hiện thực huyền ảo. Xóm Soi, núi Hột, núi Rùng, ao Lang, bãi Nghiền Sàng, sông Linh Nham… thường hiện lên hoang vu, mờ ảo. Nhân vật sống chung với những thứ quái đản, kì quặc, và điều tất yếu sẽ ảnh hưởng đến tâm thức của họ. Điều đó lí giải vì sao nhân vật người điên xuất hiện nhiều trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương, nó cứ trở đi trở lại đầy ám ảnh.
Ngay từ tác phẩm đầu tay Bả giời, Tượng - con trai lão Mộc vốn là một
họa sĩ mới về làng Phan vẽ thực tế, trong con mắt dân làng, cụ thể là bà Châu Cải, Tượng là một bóng ma, là yêu quái hóa thân từ con gà Đĩ đực. Đến Vào cõi, nhân vật mụ Đông điên xuất hiện như hóa thân của những bóng ma, ngày đi khắp nơi, đêm về lại ngủ giữa bãi tha ma của làng, và đặc biệt trong “giọng nói Đông điên có tiếng gió của núi Rùng” [29; tr.68]… Bước sang Những đứa trẻ chết già, nhân vật cụ Trường không điên thì hấp, biệt danh Trường hấp gắn với ông ngay từ khi còn trẻ, rồi cả nhân vật Quản hấp, nhân vật ông điên (Ngồi) hay nhân vật hai ông già điên canh gốc cây điệp trong Trí nhớ suy tàn… Đến Thoạt kì thủy, Nguyễn
Bình Phương không chỉ trao cho người điên vai trò nhân vật trung tâm – Tính, mà nhà văn còn xây dựng đám đông điên với lão điên, cô gái thổ điên, người điên khác, mụ điên, thằng điên mới. Trong đó tác giả khắc họa điển hình nhân vật Tính, một kẻ điên được thể hiện sinh động ở những nét ngoại hình cũng như nội tâm bên trong.
Trong Người đi vắng, không có nhân vật nào có những biểu hiện điên loạn, nhưng người đọc lại bắt gặp Cương, sau tai nạn của Hoàn lại có những dấu hiệu dở điên, dở dại (Ngay cả trong trường ca Khách của trần gian, Nguyễn Bình
Phương cũng nhiều lần nhắc đến bà điên, thằng bạn điên…). Hầu hết các nhân vật điên chủ yếu là nhân vật phụ, chỉ duy nhất Tính được xây dựng như một nhân vật trung tâm, giúp nhà văn truyền tải nội dung tư tưởng trong tiểu thuyết Thoạt kì thủy. Có thể nói Tính là nhân vật nổi bật nhất trong thế giới tiểu thuyết Nguyễn
Bình Phương, Tính được miêu tả cả ngoại hình, ngôn ngữ và hành động. Ngoại hình thì giống như người nguyên thủy, ngôn ngữ và hành động thì mang đậm chất điên, Tính sợ và bị ám ảnh mạnh mẽ từ ánh trăng, thích giết kiến, công cống, thích nhìn thấy máu chảy, lửa cháy… Tưởng chừng như Tính hiền lành, vô hại, nhưng khi cơn điên chế ngự, Tính có thể hành động giết chết ông Khoa khi nhầm tưởng ánh sáng lóe lên trên cây thánh giá ông Khoa đeo trên cổ là ánh trăng, đó cũng là hành động tự vệ bản năng của một kẻ điên loạn, không bình thường.
Có thể thấy Nguyễn Bình Phương đã dụng công tìm hiểu để xây dựng hình tượng người điên khá sâu sắc từ ngoại hình đến hành động, ngôn ngữ. Trừ những đám đông người điên xuất hiện mờ nhạt, còn lại các nhân vật điên khác đều có vai trò nhất định trong tác phẩm và mỗi nhân vật được khắc họa sinh động bằng những đường nét khác nhau cả về ngoại hình lẫn hành động: “Con mắt còn lại của Đông điên về đêm đỏ đòng đọc như mắt cáo. Làng đồn rằng mụ ngủ, bao giờ lưỡi cũng thè ra, rơi tận mép chiếu thâm xịt… Ăn trên mả, ngủ trên mả nên Đông điên đi nhẹ bẫng như không hề bén đất. Mụ thiêng vô cùng” [29; tr.20].
Nhân vật người điên không chỉ mang hình dạng kì quái mà họ còn ẩn chứa một khả năng tiềm ẩn rất đáng sợ, như Đông điên có thể tiên đoán chính xác những điều sắp xảy ra. Mặc dù người ta khó có thể kiểm chứng xem những tiên đoán này đúng đến đâu nhưng cách nói đầy ma quái làm cho họ trở nên bí hiểm như khi nói với Vọng: “Chị mày ngủ với ma vương, nó chôn con ở gốc cây roi, về ngay đi” [29; tr.123], hay khi nói với Tuấn: “Hiền lành thành thú, nghịch phản là người. Cụ giống tôi, máu đen đây này i hi hi!. Đông điên há miệng khoạc ra một cục huyết đen đậm. Tuấn rùng mình trong tiếng cười khằng khặc của mụ” [29; tr.123]. Dường như họ điên nhưng lại có một năng lực nào đó siêu nhiên có thể nhìn xuyên thấu cuộc sống, thế nên người dân trong làng vừa có chút sợ hãi, vừa có chút xa lánh đối với những nhân vật này. Ở những nhân vật điên, Nguyễn Bình Phương có sự kết hợp giữa cái không bình thường của tâm lí và cái kì ảo của tâm linh. Tác giả đã sử dụng thành công thủ pháp kỳ ảo để khắc họa rõ nét và sinh
động pha lẫn chút ma quái hình tượng những nhân vật người điên trong tiểu thuyết của mình.
Nhưng không phải người điên nào cũng dị dạng và quái đản, trong Trí nhớ
suy tàn, hai ông già điên hiền lành, họ không có chút gì gọi là bí ẩn, đáng sợ nên
không có khả năng làm hại người khác. Mức độ điên của họ cũng nhẹ hơn, bởi hai người đàn ông đó còn biết yêu. Họ cùng yêu một người đàn bà mặt rỗ hoa và đều không lấy được. Dường như hòa vào không khí rất thơ của tiểu thuyết này, hai người điên như một khoảng lặng lắng lại của một bài thơ.
Nhìn chung, thế giới người điên trong sáng tác của Nguyễn Bình Phương khá đa dạng, có nhân vật đáng sợ, có nhân vật hiện lên hiền lành, tạo cảm giác gần gũi đối với độc giả. Điều đó phần nào cho thấy nghệ thuật khắc họa nhân vật người điên khá đa dạng của Nguyễn Bình Phương.
Xuất phát từ một quan niệm rất thú vị, Nguyễn Bình Phương đã đưa hình ảnh người điên xâm nhập vào không gian tiểu thuyết và trở thành yếu tố không thể thiếu trong không gian ấy. Trả lời báo chí, tác giả cho rằng: “Thế giới người điên là những bí ẩn mà những người tỉnh táo không thể thâm nhập. Tôi cho rằng người điên chứa trong họ một phần rất lớn phẩm chất của nghệ thuật. Họ làm cho thế giới con người đột nhiên sâu thẳm, làm choáng váng đời sống vốn tỉnh táo của chúng ta. Ai cũng có một người điên trong chính mình, vấn đề ở chỗ người điên ấy mạnh hay yếu, đậm hay nhạt mà thôi” [58].