Tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương trong sự vận động của tiểu thuyết Việt Nam đương đạ

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 28 - 33)

Nam đương đại

Đại hội Đảng khóa VI (năm 1986) đã mở ra một cánh cửa mới cho văn học nghệ thuật nói chung. Tiểu thuyết Việt Nam đứng trước những nhu cầu “đổi mới tư duy tiểu thuyết”, bắt đầu có những vận động nhất định về cả đề tài, chủ đề lẫn phương thức biểu hiện. Chiến tranh qua đi nhưng nó vẫn để lại những dư âm trong tiềm thức của những người vừa bước qua chiến tranh, trong đó các nhà văn từng cầm súng, do vậy những tác phẩm mang chủ đề lịch sử (tự sự lịch sử) vẫn chiếm

đa số, các nhà văn viết về tàn dư của chiến tranh mang tính chất chiêm nghiệm và “nhận thức lại thực tại” như: Bến không chồng (Dương Hướng), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), Khúc bi tráng cuối cùng (Chu Lai), Thời xa vắng (Lê Lựu)…

Đây cũng được coi là những tiểu thuyết có những bước cách tân về nội dung lẫn nghệ thuật biểu hiện. Bên cạnh những tác phẩm viết về chiến tranh, các tiểu thuyết về đời tư thế sự ngày càng chiếm tỉ lệ lớn. Những tác phẩm như: Nước mắt đỏ

(Trần Huy Quang); Gặp gỡ cuối năm; Cha và con và… (Nguyễn Khải); Đất trắng (Nguyễn Trọng Oánh), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Ăn mày

dĩ vãng (Chu Lai); Thiên sứ (Phạm Thị Hoài), Bến không chồng (Dương

Hướng), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Tấm ván phóng dao (Mạc Can)… Những tác phẩm này tập trung

khai thác tâm lí con người ở cả chiều thuận và chiều nghịch của nó, một hướng tiếp cận và khai thác sâu hơn vào cái đời thường của cuộc sống cá nhân. Chủ đề cuộc sống hiện đại cũng được khai thác nhiều trong các tiểu thuyết Mười lẻ một đêm (Hồ Anh Thái); Chinatown; Pari 11 tháng (Thuận)…

Hòa mình vào dòng chảy nhiều chi nhánh của văn học đương đại, Nguyễn Bình Phương vừa tiếp nối những mạch ngầm vừa tuôn chảy theo các dòng chi lưu mới để tạo ra những nét cách tân của riêng mình. Những bước đi đầu tiên bước vào làng văn của Nguyễn Bình Phương là lĩnh vực thơ ca. Những tập thơ đầu tay như: Khách của trần gian (1986), Xa thân (1997), Lam chướng (1992)… Ngoài ra anh còn viết một số tiểu luận và truyện ngắn, nhưng có lẽ thành công và tạo được nhiều dấu ấn hơn cả vẫn là ở thể loại tiểu thuyết. Hoàng Nguyên Vũ đã nhận xét về tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương “là những mảnh ghép tạo nên xã hội Việt Nam đương đại” [59]. Chính những mảnh ghép đó góp phần tạo ra những dấu ấn đặc sắc trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.

Tiểu thuyết đầu tay Bả giời được viết khi anh còn rất trẻ, tác phẩm đánh

dấu sự chuyển biến của một nhà thơ bước sang thể nghiệm ở thể loại tiểu thuyết nên chưa thực sự thu hút được chú ý của dư luận, nội dung phản ánh còn đơn giản và chưa đủ sức nặng. Tuy vậy, yếu tố đặc sắc của tác phẩm chính là việc nhà văn sử dụng màu sắc kì ảo xen lẫn với cuộc sống trần tục. Điều này đã tạo tiền đề để Nguyễn Bình Phương tiếp tục khai thác yếu tố kì ảo và coi đó là chất liệu xây dựng cốt truyện, kết cấu cho các tiểu thuyết sau của mình. Có thể nói, việc dùng yếu tố kì ảo như một thủ pháp nghệ thuật ít nhiều tạo nên giá trị nghệ thuật trong tiểu thuyết của nhà văn.

Khắc phục những nhược điểm và phát huy những điểm thành công của Bả

giời, Vào cõi là tiểu thuyết tiếp theo của Nguyễn Bình Phương. Đây là cuốn tiểu

thuyết có một sự thể nghiệm mới, đan lồng truyện trong truyện. Đó là hai tuyến truyện song song, tuy không quá đan bện vào nhau nhưng giữa chúng ít nhiều có mối liên hệ nhất định. Tuấn cùng với những suy nghĩ mỏi mòn, buồn nản, thất vọng về cuộc sống thường nhật là trung tâm của tuyến truyện thứ nhất; tuyến truyện thứ hai kể về hai chị em Vang và Vọng. Ở mỗi câu chuyện đều được soi chiếu bởi thế giới nghệ thuật đặc sắc. Chính vì vậy, mặc dù Vào cõi được chia làm hai tuyến nhân vật khác nhau nhưng nó không rời rạc mà có sự cuốn hút nhất định, tạo ra những tiếng vang ban đầu cho tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương.

Đến Những đứa trẻ chết già, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đã bước

sang một tầm cao mới. Vẫn là lối kết hợp hai mạch truyện đan cài trong cùng một tác phẩm nhưng tác giả sử dụng yếu tố kì ảo đậm đặc. Dường như cái thực và cái ảo cứ đan cài vào nhau, xoắn kép nhau khi rời rạc, tách bạch thành hai thế giới, lúc lại gắn kết mật thiết và hòa trộn làm một đã tạo ra kết cấu rất đặc sắc của tác phẩm, điều này giúp Những đứa trẻ chết già gây được tiếng vang lớn đối với dư luận.

Đến Người đi vắng, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương đánh dấu sự chuyển biến ở hướng tiếp cận lịch sử, nhưng chất liệu lịch sử mang đậm chất huyền ảo này không “choán” hết nội dung của tác phẩm mà chỉ là những nét “điểm xuyết”, đan xen với cuộc sống đời thực đang diễn ra hàng ngày. Đó là đề tài lịch sử về hình ảnh công chúa Diên Bình (thế kỉ XII), là câu chuyện về Lưu Nhân Chú (thế kỉ XV) và cuộc binh biến của Đội Cấn ở Thái Nguyên đầu thế kỉ XX được đan cài song song với cuộc sống của những con người thời hiện đại như Thắng, Sơn, Khẩn, Hùng, Cương… Hai mạch truyện tưởng chừng không ăn nhập nhưng lại cùng nhau tạo nên một cuốn tiểu thuyết khá đặc sắc. Nguyễn Bình Phương đã khéo lồng hai mạch truyện ấy vào trong một không khí u mê của huyền thoại. Nỗi cô đơn, bất định về cuộc sống của những con người hiện đại được tác giả đặt trong cốt truyện pha trộn giữa cái thực và ảo, giữa quá khứ xa xăm và hiện thực tồn tại ngay trong cuộc sống thường ngày.

Dường như mỗi tiểu thuyết của Nguyễn Bình Phương đều mang đến một luồng gió mới cho nền tiểu thuyết đương đại. Trí nhớ suy tàn được coi là một

thành công mới của Nguyễn Bình Phương. Tác phẩm làm nhòe đi ranh giới giữa tiểu thuyết với các thể loại khác bởi có sự kết hợp đặc trưng tiểu thuyết với dạng nhật kí, nhưng lại mang đậm chất thơ ở chỗ tác phẩm là những dòng kí ức trôi miên man của nhân vật “em”. Chính vì thế mà cốt truyện Trí nhớ suy tàn được

xây dựng theo dạng phân rã, đó là suy tư của cô gái đang chiêm nghiệm về mối tình đã qua và mối tình hiện tại.

Đến Thoạt kì thủy, tác giả lại làm nhòe mờ ranh giới giữa tiểu thuyết và

kịch, khiến Thoạt kì thủy ít nhiều nhuốm màu sắc điện ảnh. Điều đó được thể hiện qua bố cục của tác phẩm bao gồm ba phần: A (tiểu sử của các nhân vật, trong đó có nhân vật chính, cũng có nhận vật phụ, thậm chí là rất phụ xuất hiện mờ nhạt trong tác phẩm); B: Phần nội dung chính bao gồm hai mạch truyện khá rời rạc, đó là câu chuyện về con cú bị bắn rụng trên sông Cái và câu chuyện về nhân vật điên loạn – Tính cùng vợ là Hiền và những người xung quanh; C: Phụ chú (gồm truyện ngắn Và cỏ của nhân vật Phùng cùng rất nhiều giấc mơ của Tính và Hiền ở những thời điểm khác nhau, được ghi cụ thể ngày, tháng). Tác phẩm ngập tràn các nhân vật người điên cùng những thứ ngôn ngữ, hành động đặc trưng của họ, gợi tả một thế giới của những người điên… Đằng sau những hình tượng nhân vật đó, “phần chìm” của tác phẩm chính là những góc khuất của con người trong xã hội hiện đại. Tiểu thuyết cuối cùng (tính đến thời điểm này) của Nguyễn Bình Phương chính là tác phẩm có cái tên rất ngắn và lạ: Ngồi. Tác giả tiếp tục có sự thể nghiệm mới, không đặt hai thế giới thực và ảo song song và có phần tách biệt nữa, thay vào đó là đặt cùng một nhân vật trải nghiệm ở cả hai thế giới. Khẩn là nhân vật tiêu biểu, anh được sống ở cả thế giới hiện tồn và thế giới kí ức mang đậm chất tâm thức, hai thế giới đó tác động lẫn nhau và soi chiếu vào nhau. Kết cấu đồng hiện đặc sắc này khiến mạch truyện diễn ra logic và gắn kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên màu sắc kì ảo vẫn được vận dụng một cách triệt để khiến tác phẩm cũng nhuốm màu sắc phi lí.

Như vậy, với 7 cuốn tiểu thuyết từ Bả giời đến Ngồi, Nguyễn Bình Phương đã hòa mình vào nền văn học đương đại với nhiều tên tuổi quen thuộc. Hòa nhập vào nền văn học đó không có nghĩa là hòa tan, Nguyễn Bình Phương vẫn tạo nên được những nét đặc sắc, mới mẻ về cả nội dung lẫn nghệ thuật biểu hiện, khiến

Nguyễn Bình Phương là một cá nhân nổi bật không bị lẫn vào bất kì nhà văn nào trước đó và cùng thời.

Chương 2

Một phần của tài liệu Thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết nguyễn bình phương luận văn ths văn học 60 22 32 pdf (Trang 28 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(100 trang)