“Khuynh hướng tiếp cận cuộc sống và con người là sự lý giải, cắt nghĩa, sự cảm thấu con người đã được hóa thân thành các phương tiện, biện pháp thể hiện con người trong văn học, tạo nên giá trị thẩm mĩ cho các hình tượng văn học” [59]. Hay nói cách khác, khuynh hướng tiếp cận cuộc sống và con người có thể hiểu là một khái niệm được dùng để chỉ xu hướng của nhà văn nghiêng về khai thác một hay một vài bình diện nào đó của cuộc sống và con người. “Khuynh hướng tiếp cận cuộc sống và con người” sẽ cho chúng ta biết nhà văn có sự thích thú và thái độ quan tâm đặc biệt đến vấn đề gì, tới phương diện nào của đời sống con người. Như vậy, có thể thấy, khuynh hướng tiếp cận cuộc sống và con người trong văn học chính là sự lí giải, khám phá con người, tức là cách nhìn, cách cảm thụ của nhà văn về con người, những nhận xét, đánh giá về nó, nhưng sự cảm thấu, sự “lí giải”, đánh giá đó đã chuyển hóa thành các nguyên tắc, phương tiện, biện pháp… thể hiện con người trong văn học, nó phải tạo nên giá trị nghệ thuật – thẩm mĩ cho nhân vật. Với khuynh hướng tiếp cận này, chúng ta có thể khẳng định nhân vật là hình thức cơ bản để miêu tả con người trong văn học.
Trong văn học Việt Nam hiện đại, khuynh hướng tiếp cận con người của các nhà văn chủ yếu là những con người theo kiểu sử thi (nhất là trong tiểu thuyết) là do văn học giai đoạn này phát triển trong hoàn cảnh đặc biệt khi mà cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ tiếp nối nhau. Do đó nó bị chi phối và chịu tác động không nhỏ bởi những quy luật bất thường của hiện thực thời chiến. Con người cộng đồng, con người dân tộc, con người theo kiểu sử thi gắn liền với giai cấp và đạo lý. Con người mang đậm chất sử thi có sự vận động và phát triển theo những biến cố cách mạng dân tộc là một đóng góp không nhỏ ở quan niệm nghệ thuật và phương diện tiếp cận con người của văn học giai đoạn này. Đến giai đoạn sau năm 1975, khuynh hướng tiếp cận cuộc sống và con người đã có sự biến chuyển tìm hiểu về cuộc sống và con người ở đời tư thế sự. Đến giai đoạn văn học
đương đại, các nhà văn lại tiếp cận con người trong xã hội mới, đó là những con người đa trị, con người sống bản năng, tự nhiên và con người tâm linh… Tuy vậy, mỗi nhà văn lại có cách tiếp cận cuộc sống và con người theo cách của riêng mình. Có thể lấy ví dụ về một vài khuynh hướng tiếp cận cuộc sống và con người của các nhà văn nổi tiếng, chẳng hạn như Nam Cao có sở trường khai thác những mâu thuẫn giằng xé trong nội tâm con người; Vũ Trọng Phụng nhìn thấy những con người lố bịch đáng cười trong xã hội Âu hóa những năm 30 của thế kỉ XX; Nguyễn Mình Châu đi tìm “hạt ngọc ẩn giấu bên trong tâm hồn con người”; Hồ Anh Thái thấy được sự tha hóa nhân cách, dẫn đến sự trơ lì, lạnh lùng của con người với chính đồng loại; Nguyễn Huy Thiệp nhìn thấy sự rời rạc của con người trong xã hội mình, con người trong sáng tác của ông bị cuốn vào đồng tiền nên thấy rõ được những mặt xấu xa của con người khi đặt mình vào trong xã hội kim tiền; trong tiểu thuyết Tạ Duy Anh, người đọc dễ dàng nhận ra sự thật nghiệt ngã về con người độc ác phi nhân tính được phơi bày, bởi nhà văn tiếp cận con người đặt trong guồng quay xô bồ của xã hội hiện đại và nhận thấy những mặt phi nhân tính, sự hoài nghi, sợ hãi rồi cả cảm thức cô đơn, lạc loài của con người để từ đó gióng một hồi chuông cảnh báo về sự tha hóa đạo đức cũng như nhân cách của con người trong xã hội hiện đại.