Cuộc sống hiện đại ngày nay khiến con người bị cuốn vào guồng quay của xã hội hiện đại năng động nhưng lại khiến cho con người luôn thường trực trạng thái cô đơn. Phải chăng có một nghịch lý là xã hội càng phát triển, cơ hội giao tiếp với thế giới bên ngoài càng rộng lớn, con người lại càng cảm thấy cô đơn hơn. Cô đơn vốn là một trạng thái tinh thần của con người, nó xuất hiện khi con người không nhận được sự đồng cảm, sẻ chia của đồng loại. Nhà triết học Đan Mạch Seron Kierkegaard cho rằng: “mỗi con người là một hiện sinh độc đáo… mỗi con người là một vũ trụ đóng kín không ai hiểu nổi và cũng không thể tự thông báo cái nội tâm phức tạp của mình cho bất cứ ai” [42; tr.257]. Mỗi con người vốn là một thế giới kì bí nhưng trong xã hội hiện đại do chạy theo giá trị đồng tiền khiến con người dường như ngày càng ưa sống nội tâm, thích chiêm nghiệm, suy ngẫm về những vấn đề đời tư thế sự. Trong chừng mực nào đó, họ cảm nhận rõ rệt nỗi cô đơn và sự bất lực của mình trước dòng chảy của đời sống. Cô đơn trở thành một tâm thức đặc thù của con người hiện đại. Văn chương hậu hiện đại đã kịp thời nắm bắt được chiều sâu phức tạp của nỗi cô đơn, biến nỗi cô đơn đó là tâm thức chung mang tính đặc thù của con người.
Hòa mình cùng với dòng văn chương đương đại, Nguyễn Bình Phương cũng có sự quan tâm đặc biệt đến trạng thái tâm lí của con người. Cô đơn trở thành chủ đề lớn và có một sắc thái riêng trong tiểu thuyết của anh. Cô đơn là bản chất chủ yếu của con người hiện đại và cũng là một tiêu chí để đánh dấu sự tồn tại đích thực của con người. Những nhân vật cô đơn thường bị lạc lõng ngay giữa cộng đồng mình đang sống, họ không tìm thấy tiếng nói chung của đồng loại, dẫn đến có những ẩn ức từ thẳm sâu tâm hồn.
Trong tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, người đọc dễ dàng bắt gặp hàng loạt những nhân vật luôn trong trạng thái cô đơn ở các dạng thức và cung bậc khác nhau. Trong Vào cõi, Vang luôn rơi vào trong trạng thái cô đơn, lạc loài ngay giữa ngôi làng quê nơi cô sinh ra và lớn lên. Những dòng tâm sự của Vang dành cho Vọng cho thấy nỗi cô đơn đến cùng cực trong con người có một tâm hồn yếu đuối: “Vọng à, chị không yêu anh ta, nhưng ai đó cứ đẩy chị vào vùng mê hoặc này. Bây giờ chị trở thành hư hỏng lắm rồi (…). Chị sắp gào lên đây này, chị gào tên em cho tất cả những ngôi sao nghe thấy. Nhưng chị chẳng bao giờ dám gào. Chị sợ rằng cái khoảng tím vô vọng lại trở về và ý nghĩ mất em sẽ ám ảnh chị mất” [29; tr.73]. Vang không yêu Loạng nhưng lại có thai với anh ta, điều đó lí giải sự cô đơn, yếu đuối cần người sẻ chia và thấu hiểu lòng mình dù chỉ trong giây lát. Mặc dù nhận thức rõ nét điều đó nhưng Vang không hề ân hận trước hành động của mình. Thủy (Bả giời) lại rơi vào trạng thái cô đơn khác, Thủy và Tượng yêu nhau chân thành nhưng lại gặp trở ngại từ người bác vốn có hiềm khích, thù hằn với bố của Tượng, đôi tình nhân yêu đương lén lút, khiến Thủy đôi khi không vượt qua được rào cản đó và rơi vào trạng thái tự kỉ, cô đơn. Sự cô đơn lạc lõng đạt đến đỉnh cao khi cuối tác phẩm, Thủy được biết Tượng chính là người anh cùng cha khác mẹ và mối quan hệ loạn luân của đôi bạn trẻ đã đưa Thủy vào trạng thái cô đơn đến hoảng loạn khi nhận ra cuộc sống quá nghiệt ngã với bản thân mình. Có lẽ, phải đến Thoạt kì thủy, qua nhân vật Hiền, hình tượng con người cô đơn mới được thể hiện một cách sinh động và rõ nét. Đang được sống yên bình, Hiền đột ngột phải hứng chịu một loạt bất hạnh từ chính tội ác trong vô thức của Tính: nhà cháy rụi, cha chết cháy, mẹ buồn phiền và cũng chết theo cha không lâu sau đó. Hiền thực sự đau đớn trước những mất mát quá lớn cả về vật chất lẫn tinh thần, cô trở nên trơ trọi đúng nghĩa, một thân một mình, may là còn có được sự cưu mang
cùng tình yêu thương của bà Liên. Hiền lấy Tính cũng là để đền áp ân huệ mà gia đình bà Liên dành cho mình, nhưng sống bên cạnh một người chồng điên loạn, bất bình thường lại không làm tròn trách nhiệm sinh lí của một người chồng khiến Hiền nhận thấy cuộc sống tẻ nhạt trôi đi trong đơn điệu. Hiền bị giày vò giằng xé giữa một bên là sự nghiệt ngã của số phận với một bên là khát vọng được làm vợ, làm mẹ. Giữa xã hội xô bồ, hỗn loạn, Hiền giống như một bông hoa rừng thơm ngát nhưng bơ vơ lạc lõng giữa chốn đời thực. Sống giữa bầy người không thể cảm thông, chia sẻ nỗi cô đơn nên Hiền chỉ có cách tâm sự với ông Phùng: “Cháu chả biết trông cậy vào ai cả... Cháu tin số cháu khổ lắm” [33; tr.61] hoặc than thở với người mẹ đã khuất của mình: “Chẳng lẽ con lại khổ thế hả mẹ?” [33; tr.71]. Nhận thức được nỗi cô đơn, dằn vặt vây bủa trong lòng, nhiều lúc Hiền muốn đạp đổ cuộc sống bế tắc đó bằng hành động giết chết Tính, nhưng rồi cô đành bó tay bất lực vì không đủ dũng cảm: “Hiền giơ dao, nhằm vào lưng chồng định đâm, đúng lúc ấy chớp lại nhoằng lên. Người Tính nổi rõ, xanh lét, kì quái. Hiền buông dao, lê đến cửa sổ...” [33; tr.102].
Nếu như trong Thoạt kì thủy, người đọc chỉ thấy nổi bật lên tâm thức cô
đơn trong hoàn cảnh éo le của Hiền thì đến Người đi vắng hàng loạt những con người cô đơn xuất hiện. Dường như, cốt truyện Người đi vắng là sự cấu thành của những con người cô đơn, họ vẫn gặp gỡ và trao đổi nhưng bên sâu trong tâm hồn, họ cảm thấy lạc lõng hơn bao giờ hết. Người đọc dễ dàng nhận thấy trong tác phẩm, cô đơn là một thứ định mệnh nghiệt ngã và khủng khiếp đối với con người. Hầu hết các nhân vật trong Người đi vắng đều bị bao bọc bởi nỗi cô đơn. Đầu tiên là nhân vật Thắng, đại diện của những người đàn ông cô đơn. Là chồng Hoàn nhưng anh không thể tìm được tiếng nói chung với vợ, ngay cả những khi gần gũi vợ chồng cũng không giúp Thắng có cảm giác thân mật: “Có lúc Thắng tưởng là đã hiểu được Hoàn nhưng cuối cùng anh nhận ra rằng không phải thế, Hoàn là một tảng đá khép kín không có cửa, chính vì điều đó mà thời gian gần đây vợ chồng Thắng xa lạ với nhau” [31; tr.98]. Càng về sau Thắng càng cảm thấy hoài nghi cuộc sống, anh luôn có linh cảm những điều bất trắc sẽ xảy đến một sớm một chiều, tâm trạng ngổn ngang, rối bời là thế nhưng Thắng không thể giãi bày lòng mình cùng ai, khi xung quanh, mỗi người đều bị cuốn vào một thú vui riêng mà không chút quan tâm đến dòng suy nghĩ bấn loạn đang ngự trị trong tâm hồn
Thắng, đó là ông bố vợ ham mê cây cảnh, một cậu em trai hời hợt, sốc nổi, một cô em gái đam mê truyện tranh hơn cuộc sống thực. Cuối cùng Thắng tìm đến với Thư như tìm đến một sự đồng cảm để sẻ chia nỗi lòng. Thắng vẫn tiếp tục sống trong vô vọng và cô đơn, có lúc anh giật mình thảng thốt khi nhận ra: “Anh không nhớ nổi bao nhiêu năm qua cơ quan anh đã làm gì và bản thân mình đã làm gì. Mọi việc cứ đều đặn trôi cùng thời gian, u mê, vô nghĩa” [31; tr.378]. Bên cạnh Thắng, Hoàn cũng mang trong mình nỗi cô đơn, day dứt, dường như nỗi cô đơn đã theo đuổi Hoàn từ tấm bé: “Con bé cô đơn tuyệt vọng, xung quanh nó không một ai, không một sự dìu dắt” [31; tr.132]. Khi lớn lên, Hoàn tiếp tục bị nỗi cô đơn giày xéo mà cả chồng và người tình cũng không sao khỏa lấp được, có chăng chỉ là trong chốc lát để rồi lại đẩy Hoàn rơi vào trạng thái cô đơn vốn có. Chính trong khoảnh khắc cô đơn bất chợt, Hoàn quyết định rời nơi ở của Cương rồi dẫn đến tai nạn thương tâm. Sau tai nạn, Hoàn càng cô đơn hơn, bởi những nỗi lòng đó, Hoàn không thể san sẻ cùng ai, nỗi cô đơn cứ miên man trong vô thức. Tác phẩm còn tạo dựng hàng loạt những con người mang trạng thái lạc lõng, cô đơn khác, mỗi nhân vật tồn tại trong mình một cung bậc cô đơn riêng, như Kỷ chỉ quanh quẩn bên ngôi nhà mình, Kỷ sinh ra trong không khí ảm đạm và ngột ngạt của gia đình: “Anh lặng lẽ và cần mẫn với trách nhiệm chăm sóc bố và ông” [31; tr.268]. Bản thân Kỷ cũng không ý thức được nỗi cô đơn của mình bởi anh đã quen sống chung với nó, cũng có lúc anh muốn phá tan không gian sống chật hẹp để hòa nhập nhiều hơn với thế giới bên ngoài, nhưng rồi Kỷ đành bất lực, chấp nhận nỗi cô đơn và coi đó là một phần không thể đổi thay của cuộc đời mình. Sơn cũng có những dạng thức cô đơn nhất định, Sơn tìm đến những thú vui đàng điếm với Hà, thích ngắm nhìn và sở hữu bộ dàn compac, chính sở thích quái gở này dẫn đến cái chết của nhân vật ở cuối tác phẩm. Còn Yến phủ đầy nỗi cô đơn, trống vắng bằng những cuốn tiểu thuyết diễm tình rẻ tiền và nhạt nhẽo, bằng mùi cồn nồng nặc…
Đến tiểu thuyết Ngồi, nhà văn vẫn tìm hiểu dạng thức cô đơn của con
người nhưng đối tượng là những người lính trở về từ chiến tranh. Đó là Hoàng Lân và người thương binh cùng khu tập thể với Khẩn. Chính cuộc sống thời bình lại khiến họ trở nên cô đơn, lạc lõng, họ góp phần mang lại hòa bình nhưng lại không thể hòa nhập vào cuộc sống đó. Nói cách khác, họ là những người thắng trận trong thời chiến nhưng lại bại trận ngay giữa cuộc sống không bom đạn. Nỗi cô đơn đó
bắt nguồn chủ yếu từ cảnh ngộ chung có vợ ngoại tình và mỗi người tìm đến lối thoát để giải tỏa nỗi cô đơn của mình, Hoàng Lân tìm đến rượu, đến hội họa để mua vui trong chốc lát, còn người thương binh kia lại hành động tiêu cực: giết vợ và bỏ trốn. Dường như nỗi cô đơn ấy vẫn cứ thường trực trong họ, họ càng tìm cách phá giải thì nỗi cô đơn càng vây bủa, xiết chặt khiến họ không thể vùng vẫy.
Trạng thức cô đơn, lạc lõng luôn thường trực trong mỗi con người. Con người cô đơn, lạc loài không phải là mới nhưng ở Nguyễn Bình Phương hình ảnh con người cô đơn, lạc loài mang hơi thở của con người hiện đại, một xã hội thiếu tính liên kết, rã đám, nhốn nháo, xô bồ, bất trắc. Nguyễn Bình Phương đã có những thành công nhất định khi xây dựng những con người cô đơn với nhiều cung bậc cảm xúc và nội tâm khác nhau. Tuy nhiên, làm nổi bật con người cô đơn, lạc lõng không với mục đích khắc sâu những khoảng trống trong mỗi con người mà sâu xa hơn, tác giả muốn cảnh tỉnh con người hãy xóa nhòa đi những tâm lí cô đơn tiêu cực bằng cách soi xét lại các mối quan hệ giữa mình với những người xung quanh, để nỗi cơ đơn không còn là những bi kịch không lối thoát trong cuộc sống thường nhật.