Các kiến nghị đối với Ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Quản trị tài sản nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Trang 33 - 35)

Để ổn định kinh tế vĩ mô, vai trò của NHNN là rất quan trọng. NHNN điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, đi kèm theo đó là việc hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách hướng theo chuẩn mực quốc tế và đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các NHTM hoạt động trong nền kinh tế thị trường.

Hệ thống NH Việt Nam có tính chất không đồng đều cả về quy mô và khả năng quản trị rủi ro. Vì vậy chính sách điều hành có ảnh hưởng quan trọng đến hoạt động của NHTM. Một trong những cơ chế chính sách điều hành hoạt động của ngành NH được cho là có ảnh hưởng lớn nhất gần đây là Thông tư 13/2010/TT-NHNN. Thông tư tập trung thay đổi một số nội dung chính gồm: tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động, cấu phần bảo lãnh trong tổng mức cấp tín dụng, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn của TCTD, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước và khoản vay của TCTD khác có thời hạn từ ba tháng trở lên trong nguồn vốn huy động, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR, hệ số rủi ro đối với các khoản vay đầu tư chứng khoán và kinh doanh bất động sản. Trong đó quy định mới đối với chỉ số CAR là 9% thay vì 8% là hết sức quan trọng, tăng vốn tạo tiềm lực mạnh hơn cho hệ thống NH có khả năng hạn chế và chống đỡ với rủi ro. Một trong những biện pháp nhằm đảm bảo khả năng tăng vốn cải thiện hệ số CAR cũng như tăng cường tính minh bạch trong hoạt động quản tri rủi ro, NHNN nên yêu cầu tất cả các NHTM niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và nhanh chóng cổ phần hóa các NHTM quốc doanh còn lại, tạo điều kiện cho các NHTM thực hiện huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán. Sự ra đời của thông tư này đi kèm với nhiều tranh cãi. Tuy nhiên thông tư 13 và sửa đổi là

thông tư 19/2010/TT-NHNN nhìn chung là cần thiết cho hệ thống NH an toàn khi hoạt động. Trong thời gian tới, NHNN cần đẩy mạnh công tác hoàn thiện các văn bản quy định về các tỷ lệ đảm bảo trong hoạt động kinh doanh của các TCTD theo hướng đáp ứng dần các tiêu chuẩn của Basel. NHNN cần sử dụng hiệu quả các công cụ lãi suất trong điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát mặt bằng lãi suất thị trường và tỷ lệ tăng trưởng ở mức hợp lý, tránh tình trạng tăng trưởng nóng dẫn đến các hệ lụy như lạm phát, thanh khoản, tỷ giá. Chính sách tiền tệ phải đảm bảo ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo an toàn hệ thống, cũng như an toàn hệ thống thanh toán, góp phần ổn định tăng trưởng, hạn chế lạm phát. NHNN cần có chính sách phù hợp đảm bảo phát huy hơn nữa vai trò hiệp hội NH, tổ chức các cuộc họp giữa các NH nhằm chia sẻ kinh nghiệm cũng như mô hình quản trị TSN nhằm kiểm soát các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của NH. NHNN cần hoàn thiện và ban hành hệ thống chính sách, quy định về quản trị TSN, quản trị rủi ro lãi suất theo chuẩn mực Basel. Trong đó quy định rõ về thẩm quyền của tổ chức cũng như xây dựng chuẩn mực cụ thể làm cơ sở phân tích rủi ro. Thiết nghĩ việc ban hành luật giám sát rủi ro hoạt động của hệ thống NH do NHNN nắm quyền thi hành là cần thiết, tránh khả năng chồng chéo giữa các quy định, tạo nên sự thống nhất trong giám sát rủi ro hoạt động kinh doanh NH. Theo đó các nội dungcần thiết phải được nêu trong quy định của luật giám sát như: cụ thể hóa các yêu cầu của cơ quan này đối với NHTM về mức độ đủ vốn bù đắp rủi ro; hệ thống báo cáo nội bộ và báo cáo cung cấp cho NHNN; quy định mô hình đo lường rủi ro; các tham số định lượng, chiến lược hạn chế rủi ro.; quy định rõ quy trình tác nghiệp giữa các bộ phận liên quan đến hoạt động quản trị TSN bằng văn bản, trong đó nêu rõ trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của từng bộ phận trong quy trình (Hội đồng quản trị, ban Tổng giám đốc, Ủy ban ALCO, Ban kiểm tra kiểm soát nội bộ, bộ phận quản trị TSN, các bộ phận khác liên quan trong quá trình tác nghiệp). Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, theo đó tự do hoá tài chính là yêu cầu tất yếu, và các nghiệp vụ tài chính phái sinh là sản phẩm tất yếu của sự phát triển ngày càng sâu rộng và đa dạng của thị trường tài chính. Với bối cảnh trên, các nhà lập chính sách về phát triển thị trường tài chính nhanh chóng xây dựng và đề xuất hệ thống chính sách khuyến khích phát triển thị trường các công cụ tài chính phái sinh bên cạnh các thị trường tiền tệ, thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán. NHNN tạo điều kiện thuận lợi cho các NH sử dụng công cụ phái sinh trong phòng ngừa rủi ro hoạt

động kinh doanh NH, nhằm hạn chế đến mức cao nhất có thể những tác động tiêu cực từ thị trường, giúp bảo toàn giá trị vốn của NH. Theo đó, các văn bản pháp lý cần mở đường và minh bạch hoá về các nội dung cấu thành và hoạt động của thị trường phái sinh này như: hàng hoá, giá cả, người mua, người bán, cơ chế thanh toán, quyền, nghĩa vụ các bên và sự bảo vệ của luật pháp đối với các bên tham gia trong thị trường này.

Một phần của tài liệu Quản trị tài sản nợ Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Trang 33 - 35)