Tóm tắt các kịch bản của Nam Xƣơng

Một phần của tài liệu Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc (ở hai thể loại Kịch bản văn học và truyện ngắn).pdf (Trang 27 - 32)

Như đã trình bày ở chương I, đến nay qua khảo sát của chúng tôi, Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc còn để lại hai tác phẩm được lưu giữ tại Thư viện Quốc gia Hà Nội là: Chàng Ngốc (hài kịch năm hồi), Ông Tây An Nam (hài kịch ba hồi). Trong di cảo ông còn các kịch bản: Tây Thi (bi kịch năm hồi tám cảnh), Văn Chủng (bi kịch năm hồi), Tội ăn cắp (kịch vui), Thuốc tê Ô Cấp

(kịch vui).

Chúng tôi xin lần lượt tóm tắt lại các vở kịch trên để tiện cho việc nghiên cứu.

Chàng Ngốc (viết năm 1930) là câu chuyện xảy ra trong một gia đình làm nghề buôn bán nhỏ. Chuyện xoay quanh sự kiện Sỉn ông - người bố - một người keo kiệt, bủn xỉn, và tham của, thấy Ngốc sinh là một thanh niên có của nên ưng thuận gả con gái như ông nói với Sỉn bà “gả cho cậu ấm Ngốc lấy mấy nghìn chơi”. Nhưng cô Cỏn, một cô gái tân thời, có nhan sắc và học thức, không chấp nhận sự gả bán này. Cô đã có người yêu là Tình sinh, một sinh viên cao đẳng. Vì thế, cô quyết liệt bảo vệ tình yêu của mình. Để làm mối cho cô Cỏn với Ngốc sinh, Sỉn ông nhờ cậy Tư Sùng, một bà mối khôn khéo và rất thực dụng. Tư Sùng xui Ngốc sinh nói dối để gia đình Sỉn ông tin cậu là người học hành tử tế, lại là con nhà tri huyện rất giàu có. Nhưng sự dối trá về việc học hành và gia thế của Ngốc sinh đã bị cô Cỏn bóc mẽ. Mặc dù vậy, Sỉn vẫn nhất định gả con gái cho Ngốc. Tình sinh và cô Cỏn lập mưu để hoãn cưới bằng cách cô Cỏn giả câm còn Tình sinh nhờ Tư Sùng thuyết phục Sỉn ông gả con gái cho mình. Tư Sùng thấy việc mai mối cho Ngốc sinh đã khó khăn hơn, nên quay sang nhận lời Tình sinh, nhưng đòi

Tình sinh đưa tiền trước. Tình sinh bí quá, vay bạn bè không được, tình cờ gặp Ngốc sinh, thấy Ngốc sinh tỏ ra thân thiết, liền kể hết mưu của mình rồi vay tiền đưa cho Tư Sùng. Phát hiện được mưu của Tình sinh, Ngốc sinh vội vàng mang tiền đến trước, giục Sỉn ông cho đón dâu ngay. Tình sinh định đưa cô Cỏn đi trốn, nhưng bị gia đình Sùng ông phát hiện. Hai ông bà chửi mắng cô Cỏn thậm tệ. Nhưng cuối cùng, chính Ngốc sinh ngộ ra, nhường lại cô Cỏn cho Tình sinh.

Ông Tây An Nam (viết năm 1931) là câu chuyện xảy ra trong gia đình Cưu ông. Cưu ông là người ưa danh giá, cho con là Lân sang Pháp học, đỗ cử nhân. Nhưng cử Lân nhập làng Tây, quay lại khinh bỉ dân tộc mình. Cử Lân về nước, mẹ là Cưu bà ra đón, y không thèm nhận bà mẹ bản xứ quê mùa, liền vu cho bà là kẻ cắp, gọi cẩm cho vào bóp. Y thuê khách sạn ở vì ghê sợ sinh hoạt của người An Nam. Về thăm nhà, y chỉ nói tiếng Pháp, bắt gã hầu phiên dịch ra tiếng Việt. Y sỉ mắng, nhục mạ mọi người, kể cả cha mẹ mình. Y nói với cụ Huấn, một người họ hàng xa với Cưu bà rằng “Ma patrie est la France, je suis Francais” (Tổ quốc tôi là Đại Pháp, tôi là người Đại Pháp). Cha mẹ mời ăn cơm y không ăn, mời uống nước y cũng không uống, vì sợ mùi An Nam. Nhưng đến khi gặp Kim Ninh, con gái cụ Huấn, một cô gái tân thời rất đẹp, thì y đem lòng mê mẩn. Y tìm cách trò chuyện với Kim Ninh, nhưng Kim Ninh nhất định không chịu nói tiếng Pháp nên y buộc phải nói tiếng Việt. Y giãi bày với Kim Ninh là: “Em ạ, anh xưa nay rất là hiểu rõ cái văn minh Âu tây…vậy muốn cho người ta quý mình, trọng đãi mình, trước hết ta không làm người Việt Nam nữa ”. Y dọn về nhà ở, lấy lòng cha mẹ và cụ Huấn để qua đó vận động họ tác thành cho mình và Kim Ninh. Nhưng Kim Ninh đã có người yêu là Tham Tứ, lại khinh thường thói vong bản của cử Lân nên nhất mực từ chối. Trước mặt mọi người, Kim Ninh làm cho cử Lân phải bộc lộ sự vong bản của y. Bị bẽ mặt, cử Lân trở lại nguyên hình là kẻ “Tây

hoá”, khinh thường dân tộc mình. Y hùng hổ quát đầy tớ: “Theo tao sang Pháp mà làm người Âu châu!”.

Tây Thi (không rõ năm sáng tác) viết theo dã sử Trung Quốc. Chuyện lấy không gian ở cả nước Việt và nước Ngô. Để trả thù Ngô Phù Sai đã từng hành hạ mình, Việt vương Câu Tiễn nghe theo kế mỹ nhân của tướng quốc Văn Chủng, cho tìm con gái đẹp ở nước Việt cống nộp cho vua Ngô nhằm làm mê hoặc vua Ngô, để nước Việt thừa cơ mang quân sang báo thù. Phạm Lãi là tướng quốc giỏi của Việt vương Câu Tiễn được cử đi khắp nước tuyển người đẹp. Đến làng dệt lụa Trữ La, Phạm Lãi gặp Tây Thi. Anh hùng gặp mỹ nhân nên hai người đem lòng yêu nhau. Nhưng vì nghiệp lớn, Phạm Lãi đành mang Tây Thi cũng một người đẹp nữa là Trịnh Đán về cung. Sau một năm tập luyện hát múa, Tây Thi và Trịnh Đán được ra mắt Việt vương Câu Tiễn. Thấy Tây Thi quá đẹp, Câu Tiễn định giữ lại làm thiếp, nhưng Văn Chủng và Phạm Lãi can ngăn, nên đành từ bỏ ý định đó, sai Phạm Lãi đưa hai nàng đi cống Ngô. Nhờ sự ủng hộ của Trịnh Đán, Phạm Lãi và Tây Thi được gần gũi nhau suốt chặng đường dài sang Ngô. Khi được đưa vào làm phi tần của Phù Sai, Tây Thi làm cho Phù Sai mê mẩn, quên cả việc triều chính. Tướng quốc nước Ngô là Ngũ Viên thấy trước nguy cơ mất nước nên hết lòng can gián Phù Sai. Tây Thi thấy thế, sợ mưu không thành, vờ đòi đi tự tử. Phù Sai liền hạ lệnh cho Ngũ Viên phải chết. Thừa thế, Câu Tiễn đem quân sang đánh Ngô. Quân Việt đã vào trong thành mà Phù Sai vẫn ở đài Cô Tô, xem Tây Thi và cung nữ múa hát. Tây Thi bỏ trốn xuống thuyền, lúc đó Phù Sai mới nhận ra Tây Thi lừa dối mình, bèn đuổi theo chém Tây Thi. Phạm Lãi giao đấu và giết được Phù Sai, nhưng cũng bị Phù Sai chém trọng thương. Vở kịch kết thúc ở cảnh Tây Thi nói lời vĩnh biệt và Phạm Lãi cũng ngã gục xuống.

Văn Chủng ( hay Tục Tây Thi, chưa rõ năm sáng tác ) như là phần tiếp theo của Tây Thi - Phạm Lãi. Bối cảnh của vở kịch là sau khi Việt vương Câu Tiễn đã lấy được nước Ngô, tưởng Phạm Lãi đã chết khi giao tranh với Phù

Sai trên đài Cô Tô, nên Câu Tiễn cho gọi Văn Chủng từ nước Việt sang, giao cho Văn Chủng dùng kế sách bình định nước Ngô, và lập đàn tế Phạm Lãi cùng Tây Thi, Trịnh Đán. Văn Chủng đang cho người lập đàn tế thì Phạm Lãi xuất hiện. Phạm Lãi khuyên Văn Chủng nên sớm rút khỏi trướng Câu Tiễn, kẻo Câu Tiễn sẽ giết hại, vì theo Phạm Lãi, Câu Tiễn là người “chỉ có thể gần khi gian nan, không thể ở gần khi giầu thịnh”. Văn Chủng không tin lời Phạm Lãi, lại còn dùng kế giữ chân Phạm Lãi ở lại để phò giúp Câu Tiễn. Nhân lúc Việt hậu là vợ Việt vương Câu Tiễn nổi lòng ghen, tìm giết Tây Thi vì sợ Tây Thi sẽ làm cho Việt vương mê đắm, Phạm Lãi bèn dùng mưu giải thoát cho Tây Thi, rồi đem Tây Thi trốn đi xa. Đến Đào thôn, Phạm Lãi cùng Tây Thi dừng lại, Phạm Lãi cải tên là Đào Chu công, lập Đào gia trang để ẩn tránh. Văn Chủng cho võ tướng là Mạnh Phong đem ba nghìn quân tìm đến tận nơi, bao vây Đào gia trang. Được biết Văn Chủng đã được Câu Tiễn điều về trấn giữ ở kinh đô Việt, Phạm Lãi liền nói cho Mạnh Phong biết là Văn Chủng đang gặp nguy hiểm, khuyên Mạnh Phong bỏ quân lại, về ngay kinh đô Việt để bảo vệ Văn Chủng. Mạnh Phong về đến nơi thì Văn Chủng đã bị Câu Tiễn hạ lệnh tự xử, con là Văn Kính đã bị Câu Tiễn đem đi. Mạnh Phong đau đớn cho người đi báo tin và giải vây cho Phạm Lãi, còn mình tìm đường đi cứu con Văn Chủng.

Thuốc tê Ô Cấp là vở kịch vui ngắn, bối cảnh là Phòng kiểm duyệt của Hội Khai trí ở Hà Nội.Văn sĩ Hồng Hà đến lấy bản thảo một vở kịch xin kiểm duyệt, nhưng văn sĩ kiêm nhân viên kiểm duyệt Tua Rua chưa duyệt. Tua Rua lên tiếng chê bai vở kịch của Hồng Hà và khoe khoang vở kịch do mình viết. Hồng Hà bực lắm, phàn nàn với một văn sĩ là Sài Thành, cũng đến lấy lại bản thảo. Sài Thành lên tiếng phản ứng, liền bị Tua Rua giở thói độc đoán ra, từ chối không kiểm duyệt. Hai văn sĩ đang than thở với nhau thì Mai Hương, chủ một nhà xuất bản đến. Mai Hương nịnh Tua Rua văn hay, viết được tác phẩm

xuất sắc, liền được Tua Rua cấp dấu kiểm duyệt ngay. Mai Hương chìa bản thảo cho hai văn sỹ kia xem và kết luận về Tua Rua:

“Tự ái, Tiền, Tiên, ba giáo điều cùng một chữ T đứng đầu cả, tức là Tê- ô-cuyp. Đối với hạng này chỉ có Tê-ô-cuyp là một linh đan tuyệt nghiệm để muốn bắt họ phê sách thì phê!”

Nhưng người tuỳ phái của Tua Rua nghe lỏm được cuộc đối thoại này, lại nghe không ra mấy chữ Tê-ô-cuyp nên kêu ầm lên là mấy văn sĩ định đánh “Thuốc Tê Ô Cấp” để hại chủ mình, nên tự cho mình là “thuốc Giải tê Bà Rịa” để cứu chủ, rồi giằng bản thảo của Mai Hương chạy mất.

Tội ăn cắp (kịch vui, viết năm 1955) viết về một chuyện xảy ra trong gia đình thầy Cầu.Thầy đang ngồi viết thì cô Tú Anh (vợ thầy) đuổi đánh vú Ba, hai người chạy vào phòng viết của thầy. Cô vừa đuổi vừa chửi làm vú Ba không kịp thanh minh. Và cô còn một mực đòi chồng đuổi vú Ba ra khỏi nhà. Ông chồng hạ lệnh đuổi ngay dù chưa rõ lý do, làm cho người vú em phải lủi thủi vào thu xếp quần áo để chuẩn bị ra đi. Lúc đó, cô chủ Tú Anh mới nói rõ với thầy Cầu là vú Ba mắc tội ăn cắp mật ong chuyên dùng để đắp mặt của cô. Người vú thanh minh lại là vì em bé đòi ăn mật ong nên vú lấy cho em ăn. Vừa lúc đó, có người mang đến cho cô chủ chai thuốc đắp mặt mới. Thầy Cầu không đuổi người vú em nữa.

Trên đây là 6 kịch bản mà chúng tôi sưu tầm được. Theo gia đình Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc cho biết, ông còn có hai kịch bản: Nói khoác (hài kịch một hồi) và Đại gia văn sĩ (hài kịch năm hồi), nhưng hiện chưa tìm thấy). Với 6 kịch bản trên, ở phương diện loại hình xung đột, có thể chia làm 2 loại : hài kịch có 4 vở (Chàng Ngốc, Ông Tây An Nam, Thuốc tê Ô Cấp, Tội ăn cắp), bi kịch có 2 vở (Tây Thi Văn Chủng).

Một phần của tài liệu Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc (ở hai thể loại Kịch bản văn học và truyện ngắn).pdf (Trang 27 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)