- Nguyễn Cát Ngạc
Về nghệ thuật truyện ngắn của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà nhận xét: “những truyện ngắn được viết khá công phu, được tổ chức theo lối kịch bản, có thắt nút cởi nút, đặc biệt tác giả thường khai thác một cách tinh tế những tình huống có khả năng khắc họa hình ảnh lố bịch của những kẻ bán nước hại dân... Về thời gian, để cho chuyện kể có logich và thủ pháp cài đặt tình huống được tự nhiên, truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc thường chọn lối hồi ức hoặc dựng tình huống theo cách kể một câu chuyện được lưu truyền trong xã hội. Lối viết này giúp người đọc dễ theo dõi câu chuyện, tạo ra sự hấp dẫn và bài học về lòng yêu nước được chuyển tải đến người đọc một cách giản dị, có sức thuyết phục”.[14]
Chúng tôi tán đồng với nhận xét của nhà phê bình văn học Nguyễn Hoà. Là người nắm vững các nguyên tắc sáng tạo của nghệ thuật kịch nói, có lẽ khi viết truyện ngắn, Nguyễn Cát Ngạc đã khai thác, vận dụng những ưu thế của kịch nói cho sáng tác truyện ngắn. Vì vậy, truyện ngắn của ông thường được tổ chức theo lối kịch bản, chú trọng đến cốt truyện và hành động của nhân vật nhiều hơn là khai thác thế giới nội tâm của nhân vật. Lời văn nghệ thuật vì thế cũng ít được chau chuốt theo lối hoa mỹ, mà thường được diễn đạt gọn gàng, súc tích. Theo chúng tôi, tính hấp dẫn của truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc nằm ở cốt truyện và các tình huống mà qua đó nhân vật bộc lộ tư tưởng, tính cách của mình. Các truyện ngắn của ông theo chúng tôi là thành công hơn cả như
Một nhà cách mạng, Ngôi đất công khanh, Trên chòi Khâm Thiên là những truyện tiêu biểu cho lối viết này.
Bên cạnh những đặc trưng nghệ thuật được Nguyễn Hoà phát hiện ở trên, theo chúng tôi, truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc còn có những nét đặc trưng khác nữa.
3.3.1.Nghệ thuật kết cấu truyện theo kiểu truyền thống và xây dựng nhân vật theo lối “tỏ chí”.
Ở nghệ thuật tổ chức truyện, ông thường sử dụng lối kết cấu truyền thống. Kết cấu bề mặt của các tác phẩm được tổ chức chủ yếu theo lối kết cấu tuyến tính (theo trục thời gian), có 21/ 37 truyện ngắn kết cấu theo lối này. Ở bề sâu, kết cấu hình tượng nhân vật theo lối song tuyến chính - tà, thiện - ác, chính diện - phản diện.
Hầu hết truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc đều có được tổ chức theo kiểu thắt nút - mở nút, khi “nút” đã được “gỡ” thì mọi chuyện đều được giải quyết theo hướng “có hậu”, tức là kết thúc theo theo kiểu cổ tích. Những kẻ gian ác thường phải trả giá, người ở hiền sẽ gặp lành. Chưa kể những truyện ngắn khai thác cốt truyện đã mang sẵn lối “kết thúc có hậu” trong dã sử, như
Lưu bình – Dương Lễ, Hoàng Trừu, thì trong truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc có 8 truyện tiêu biểu cho lối kết thúc này: Một nạn nhân, Ngôi đất công khanh, Bụi phồn hoa, Vàng, Kiếp bình bồng, Một tấm lòng vàng, Có chí thì nên, Tái hợp, Chữ Quý, Vô liêm sỉ. Lối tổ chức truyện theo kiểu truyền thống cho thấy sự nhất quán về tư duy sáng tác của ông: dùng văn chương để “tỏ chí”, gửi gắm tinh thần cách mạng, lòng yêu nước, trung thành với các giá trị truyền thống của dân tộc. Ít tìm được truyện ngắn nào đi “chệch” lối đi truyền thống này.
Tương ứng với tinh thần này, nghệ thuật xây dựng nhân vật của Nguyễn Cát Ngạc cũng theo lối “tỏ chí”. Nguyễn Cát Ngạc thường sử dụng nhân vật để nói thay suy nghĩ của mình, nhân vật là người phát ngôn tư tưởng của tác giả, vì vậy ông thường xây dựng các nhân vật loại hình, mà ít xây dựng các nhân vật tính cách. Thủ pháp này ảnh hưởng thi pháp cổ điển, bắt nguồn từ quan niệm truyền thống về văn chương là “văn dĩ tải đạo”, cùng với mục đích rất rõ của tác giả là dùng văn chương để truyền bá tri thức, tư tưởng tiên tiến, tinh thần cách mạng của mình, góp phần giác ngộ công chúng. Vì vậy, trong
các truyện ngắn của ông, Nguyễn Cát Ngạc thường tìm cách đưa thông điệp đến người đọc thông qua suy nghĩ, lời nói của một nhân vật nào đó.
Thông qua lời nhân vật Dorothy Lan, nhà văn đưa ra quan niệm và thái độ về thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật: “Thưởng thức nghệ thuật mà để ý đến lợi riêng thì không sao nhận được vẻ đẹp. Xây dựng nghệ thuật mà cốt cho thu hoạch lợi riêng cũng chỉ di tới một kết qủa xấu xa” (Yêu nghệ thuật). Thông điệp này là sự công phá mạnh mẽ vào những kẻ lợi dụng nghệ thuật để mưu danh lợi, đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh những ai tiếp nhận, thưởng thức nghệ thuật mà lại bắt đầu từ những yếu tố ngoài nghệ thuật.
Thông qua lời nhân vật Thanh Mai, tác giả thể hiện thái độ phê phán xã hội đương thời đang nhiễm bẩn bởi lối sống phồn hoa:
“Một cơn gió tung cát, làm bẩn cả áo Thanh Mai, chị bạn nói: - Ta hãy vào trong quán kia kẻo bụi bẩn cả.
- Có gió mát, hãy cứ đi, chị ạ. Bụi này tuy làm bẩn quần áo, nhưng không đáng sợ bằng bụi phồn hoa, làm bẩn cả tâm hồn” (Bụi phồn hoa).
Hoặc tác giả lên án những kẻ hám danh lợi mà làm chuyện thất đức qua lời cụ Ký: “Hẳn bây giờ ông không lấy làm lạ thấy tôi xua hắn như xua tà! Một người vì lợi danh, đang tâm chôn sống mẹ, ai mà không tởm!” (Ngôi đất công khanh).
Còn đây là lời trăng trối của Tâm, người thiếu phụ không giữ được lòng trinh bạch trong một xã hội đầy ly loạn, nhưng cũng là thông điệp mà tác giả gửi tới người đọc nhằm cảnh tỉnh về trách nhiệm đối với thế hệ tương lai: “Không biết tự hào về mẹ, chúng sẽ không biết tự hào về cha ông, về nòi giống, về tổ tiên, về lịch sử. Thù ghét xã hội, chúng có thể làm hại dân, hại nước mà không đau lòng. Chúng sẽ sống trong vô danh dự” (Một nạn nhân).
Việc dựng chuyện theo lối truyền thống và sử dụng nhân vật làm “người phát ngôn” của tác giả đã giúp ông thực hiện được dụng ý của mình, chuyển
làm này dễ dẫn đến tình trạng tác giả ít chú ý xây dựng tính cách và chiều sâu nội tâm của nhân vật. Điều này phần nào đã trở thành hạn chế trong nhiều truyện ngắn hiện thực của Nguyễn Cát Ngạc, ngoại trừ một số truyện như Một nhà cách mạng, Ngôi đất công khanh, Trên chòi Khâm Thiên…
Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc cũng thường nói rõ lý do ra đời của tác phẩm, bằng những lời “thưa trước” với người đọc, biến tác phẩm thành một kiểu chứng minh cho luận đề. Nhà văn thường bộc lộ rõ ý đồ của mình (nói cách khác là chủ đề - tư tưởng tác phẩm) trong phần nhập đề, dẫn chuyện. Ở nhiều truyện ngắn của ông, phần nhập đề khá dài, thường là nêu ra một nhận xét khái quát nào đó, và nội dung chuyện là minh chứng cho nhận xét ấy. Ví dụ:
“Chiến tranh đã gây ra bao nhiêu cảnh eo le. Nhưng mắt dân Hà - thành nào biết là éo le! Quen nhìn những cảnh đó hàng ngày, nhất là khi chúng lại được bao phủ bằng một nước sơn văn minh bóng nhoáng, người ta cho đó chỉ là những cảnh tầm thường.
Những cảnh đó nhiều khi có những kết thúc bi thảm. Phải được chứng kiến những điều bi thảm đó, mới hiểu được đạo đức của người Việt Nam vẫn mạnh, có khi chồm dậy một cách bất ngờ, ngay trong số các người mà ta tưởng chỉ biết sống điên cuồng cho vật dục.
Một chứng cớ là câu chuyện kể sau đây của một thiếu phụ rất mới đã dung nạp được hết các phong thói tân kỳ mới nhập cảng...” (Một nạn nhân).
So với nhiều nhà văn xuất sắc cùng thời như Nam Cao, Nguyễn Công Hoan, Thạch Lam về mặt thi pháp truyện ngắn thì Nguyễn Cát Ngạc chậm thay đổi. Có lẽ bởi vì ông không phải người viết văn chuyên nghiệp. Mặt khác, theo cách nhập đề, diễn giải khá nhiều, cách viết dung dị của tác giả, và qua bút tích để lại cho thấy truyện của ông chủ yếu viết để in báo, chúng tôi suy đoán rằng: đối tượng ông hướng tới có lẽ là tầng lớp công chúng bình dân. Vì vậy cách viết theo “lối cũ” ở đa số truyện của ông là điều dễ hiểu, bởi nó gần gũi với xu hướng tiếp nhận văn chương theo lối “tả thực” và giúp
người đọc bình dân thuận tiện hơn trong khi tiếp nhận ý nghĩa tư tưởng - thẩm mỹ của tác phẩm.