Ảnh hưởng của phương pháp sáng tác kịch nói cổ điển và luật “ba duy nhất” trong truyện ngắn

Một phần của tài liệu Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc (ở hai thể loại Kịch bản văn học và truyện ngắn).pdf (Trang 94 - 96)

“ba duy nhất” trong truyện ngắn

Bên cạnh những truyện ngắn có lối kết cấu cổ điển đã phân tích ở tiểu mục trên, còn có những truyện ngắn chịu ảnh hưởng của phương pháp sáng tác kịch nói cổ điển làm phong phú thêm nghệ thuật truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc.

Có thể thấy ảnh hưởng của phương pháp sáng tác kịch nói cổ điển và luật “ba duy nhất” trong truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc khá rõ, khiến cho nhiều truyện ngắn của ông mang dáng vẻ một vở kịch ngắn, và có thể dễ dàng chuyển thể sang kịch ngắn. Nhân vật trong truyện ngắn của ông thường được xây dựng với tính cách duy nhất, theo nguyên tắc bất biến, thể hiện trong lát cắt hành động của nhân vật, tại một thời điểm, một hoàn cảnh nào đó. Ông sử dụng thủ pháp nghệ thuật “lát cắt hành động” trong mối quan hệ với không gian, thời gian nghệ thuật. Lát cắt ấy là một hành động trung tâm, có diễn biến gắn liền với sự vận động của nhân vật. Với ông, “lát cắt” ấy không chỉ là một phiến đoạn thông thường, mà có khả năng giúp người đọc hồi suy về quá khứ, đồng thời lại gợi mở các liên tưởng về tương lai.

Trong truyện Bụi phồn hoa, tác giả lựa chọn không gian truyện là căn nhà sang trọng của Thanh Mai, thời điểm xảy ra sự việc là lúc cô đang chuẩn bị quần áo, trang sức lộng lẫy để chờ người chồng “giỏi giang” của mình về nhà đón để cùng đi dự tiệc. Ngay lúc ấy, một người bạn chồng xuất hiện, vô tình tiết lộ cho cô sự thật kinh hoàng về thủ đoạn làm giàu của người chồng. Trong khoảnh khắc ấy, Thanh Mai đã nhận ra sự thật ấy, đã thay đổi nhận thức và hành động. Đỉnh điểm của hành động là “nàng ngả dần tấm thân để tránh cái mặt đó, nhưng không sao tránh được, nàng ẩy nó ra, rồi bỗng như

chiếc nên thân”. Kết thúc truyện là một hành động tất yếu: Thanh Mai bỏ đi, nhất quyết xa rời chốn phồn hoa bụi bặm; cho thấy cuộc đời nhân vật đã thay đổi. Không gian nghệ thuật của truyện cũng thay đổi chuyển từ căn phòng lộng lẫy với những đồ đạc sang trọng ra ngoài con đường gió bụi, nhưng như lời của nhân vật, “Bụi này tuy làm bẩn quần áo, nhưng không đáng sợ bằng bụi phồn hoa, làm bẩn cả tâm hồn”.

Ngôi đất công khanh, câu chuyện lại được bắt đầu từ một cuộc “ngả bàn đèn” của nhân vật phụ là cụ Ký trong “một căn buồng liền với phòng khách”, dùng để hút thuốc phiện. Nhân vật “tôi” - người kể chuyện thứ nhất đang trò chuyện với cụ Ký - người kể chuyện thứ hai - thì xuất hiện nhân vật chính, một ông già “chạc 60 tuổi, gầy đét, mắt ốc nhồi, môi sám sịt, mặc bộ quần áo nâu rách, đội khăn lượt màu nước dưa sồng sộc bước nào, chắp tay vái cụ Ký tới gần đất”. Sau khi mắng nhiếc và ném gói sảm cho nhân vật này, rồi xua đi như xua tà, cụ Ký mới kể lại câu chuyện đáng ghê tởm mà nhân vật chính gây ra và chịu hậu quả. Dòng suy tưởng về quá khứ mở ra một không gian khác, thời gian khác, xen vào không gian thời gian hiện tại, làm cho câu chuyện đa chiều hơn. Kết thúc câu chuyện, là không gian thực tại với lời bình thể hiện thái độ của cụ Ký: “Một người vì lợi danh, đang tâm chôn sống mẹ, ai mà không tởm!”

Ở một truyện ngắn khác là Giao lương sơn, tác giả chọn không gian là đỉnh núi Giao lương sơn, vào thời điểm nhân vật “tôi” - người kể chuyện thứ nhất - trên đường lên núi, thì suýt ngã xuống một cái rãnh lớn “sâu tới ba thước, nằm ngang đường đi, vắt từ sườn núi bên này, sang sườn núi bên kia”. Hỏi người thổ dân dẫn đường, thì anh ta trả lời rằng, “đây là vết dao của Cao Biền chém cổ rồng”. Và người thổ dân - trong vai người kể chuyện thứ hai - bắt đầu kể về một cuộc chiến bi hùng xảy ra trên đất này từ thời nhà Đường giữa người bản xứ và quân Tàu; kết cục của nó là việc Cao Biền dùng phép thuật làm đứt cổ rồng, cắt đứt long mạch khiến cho đối phương thua cuộc, vùng đất này cũng hết vượng khí.

Phù hợp với thủ pháp “lát cắt hành động”, Nguyễn Cát Ngạc sử dụng kết cấu thời gian theo lối hiện tại - quá khứ - hiện tại trong xây dựng tác phẩm, mà trung tâm (nói cách khác là điểm xuất phát của tác phẩm) thường là một hành động nào đó trong hiện tại. Nghiên cứu các truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc, chúng tôi thấy ông khá chắc tay trong việc thiết lập quá trình hành động của nhân vật, đẩy quá trình ấy đến đỉnh điểm và ở đó, bước ngoặt của số phận nhân vật sẽ diễn ra như một điều tất yếu. Những truyện ngắn: Bụi phồn hoa, Một nhà cách mạng, Vô liêm sỉ, Một tấm lòng vàng, Nước Trivitri, Đánh ghen trong mồ, Hai lần ly biệt, Tình quê, Yêu nghệ thuật,… và nhiều truyện khác nữa đều sử dụng thủ pháp này.

Phải chăng vì thế có thể nói rằng nghệ thuật kịch nói và những ảnh hưởng của luật “ba duy nhất” làm cho truyện ngắn của Nguyễn Cát Ngạc hấp dẫn người đọc về sự kiện, về logich của hành động hơn là diễn biến của chiều sâu tâm lý nhân vật?

Một phần của tài liệu Bước đầu nghiên cứu sự nghiệp văn chương của Nam Xương - Nguyễn Cát Ngạc (ở hai thể loại Kịch bản văn học và truyện ngắn).pdf (Trang 94 - 96)