Một trong những yếu tố có thể nói là quan trọng nhất để thực hiện thắng lợi mục tiêu của ngành dệt may thành phố đề ra là vấn đề nguồn nhân lực. Lao động trong ngành dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các ngành công nghiệp chế biến TPHCM, chiếm 12.6% năm 2002, tăng lên 13.1% năm 2007. Dưới đây xin được đề cập tới ba khía cạnh của yếu tố nguồn nhân lực là quy mô lao động, trình độ lao động, năng suất lao động và thu nhập.
(1) Quy mô lao động
Bảng 2.6: Quy mô lao động trong 50 doanh nghiệp dệt may TPHCM được điều tra
34%
8%
58% Dưới 1000 lao động Từ 1000-5000 Trên 5000 lao động
Phần lớn các doanh nghiệp có số lao động dưới 1.000 lao động (chiếm 58%), số doanh nghiệp có lao động từ 1.000 đến 5.000 người chiếm 34%, số doanh nghiệp có lao động lớn hơn 5.000 người chỉ có 4, chiếm 8% (công ty May Việt Tiến, tổng công ty dệt may Gia Định, công ty Dệt Phong Phú, công ty Nhà Bè). Quy mô lao động này cũng tỉ lệ thuận với quy mô công ty. Theo điều tra cá nhân từ 50 doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc loại nhỏ (lao động dưới 1.000 người) chiếm 52%, doanh nghiệp thuộc loại vừa (lao động từ 1.000-5.000 người) chiếm 30%, doanh nghiệp thuộc loại lớn (lao động trên 5.000 người) chiếm 18%. Lao động được phân theo loại hình doanh nghiệp như bảng sau:
Bảng 2.7: Lao động sản xuất ngành may phân theo ngành kinh tế ở TPHCM
Đvt: người
Lao động 2003 2004 2005 2006
Cơ sở công nghiệp nhà nước 27.182 28.354 26.208 26.085
Cơ sở hợp tác xã 507 741 588 679
Cơ sở tư nhân 76.017 98.965 128.841 100.798
Cơ sở cá thể 34.584 39.486 46.285 51.215
Cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài 59.270 69.742 78.708 86.742
Nguồn: Cục thống kê TPHCM
Qua bảng ta thấy, lao động trong các doanh nghiệp may có sự biến động rõ nét. Lao động trong khu vực nhà nước đang có xu hướng giảm dần, lao động trong khu vực tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Nhưng nhìn chung, lao động ngành may tăng nhanh và tập trung chủ yếu ở khu vực kinh tế tư nhân, sau đó là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài. Hai loại hình này đang thu hút 2/3 lao động của toàn ngành dệt may thành phố. Các doanh nghiệp này có
khuynh hướng đầu tư cho việc thu hút lao động chứ không có khuynh hướng đầu tư mạnh cho hoạt động đào tạo.
(2) Trình độ lao động
Đánh giá thực trạng trình độ lao động ngành may TPHCM, một số lãnh đạo các doanh nghiệp may thừa nhận: sở dĩ trình độ lao động ngành may hiện nay thấp là do không có sự đồng bộ giữa công tác đào tạo và thực tế đặt ra cho doanh nghiệp. Sự phát triển của ngành may thiếu sự hoạch định chi tiết ở cấp quốc gia cũng như cấp thành phố. Từ đó dẫn đến sự mất cân đối trầm trọng giữa việc các doanh nghiệp cần đông về số lượng, cao về chất lượng nguồn nhân lực nhưng các doanh nghiệp còn rất ít quan tâm tới vấn đề đào tạo. Về trình độ lao động hiện nay, ngành may có 4% lao động có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học, 7,3% có trình độ trung cấp, kỹ thuật viên và 85,2% là công nhân trong đó 6,3% công nhân có tay nghề bậc 5 trở lên.
Do đó, thực trạng trình độ lao động ngành may TPHCM đang đặt ra một thách thức rất lớn và gay gắt về nguồn nhân lực chất lượng cao –yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại và phát triển của các doanh nghiệp TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
(3) Năng suất lao động và thu nhập
Năng suất lao động của các doanh nghiệp may Việt Nam và TPHCM hiện nay khá thấp. Theo thống kê của hiệp hội dệt may Việt Nam, năng suất lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn còn thấp hơn 30%-50% so với mức bình quân của doanh nghiệp các nước trong khu vực. Có 90% doanh nghiệp vẫn còn xa lạ với ba chữ ERP (hệ thống quản lý tích hợp nguồn lực)…Rất ít các công ty may đạt năng suất trên 450 USD/công nhân/tháng. Số lượng xí nghiệp có năng suất 500- 600USD/công nhân/tháng lại càng hiếm, phổ biến ở mức 200-300USD/tháng.
Một trong những nguyên nhân lý giải cho mức năng suất thấp này là do trình độ tay nghề của công nhân may thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn TPHCM chênh lệch rất lớn. Đa số lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân có thâm niên làm việc ngắn, có trình độ bậc thợ bình quân chỉ 2/7 hoặc 3/7.
Về thu nhập, do ảnh hưởng của năng suất lao động cho nên thu nhập của công nhân may ở các thành phần kinh tế khác nhau là rất khác nhau. Lao động thuộc các doanh nghiệp may thuộc thành phần kinh tế quốc doanh có tay nghề khá cao và đồng đều, năng suất bình quân đạt 7,5-8usd/ngày, thu nhập bình quân tăng từ 1,3 triệu đồng/tháng năm 2003 lên 2,0 triệu đồng/tháng năm 2007. Ngược lại, trong các doanh nghiệp may tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, thu nhập chỉ ở mức từ 0,8-1,5 triệu đồng/người/tháng. Tình trạng tăng ca quá mức ở các doanh nghiệp này là thường xuyên do sức ép về tiến độ giao hàng của khách rất căng thẳng.