từ góc nhìn châm biếm, giễu nhại
Đây cũng là một nét độc đáo của truyện ngắn Nguyễn Cát Ngạc. Tiếp nối bút pháp châm biếm giễu nhại từ hai vở kịch nối tiếng Ông Tây An Nam và
Chàng Ngốc, các truyện ngắn như Nước Trivitri, Một nhà cách mạng, Vẽ mặt văn khôi, Đánh ghen trong mồ, Hội đồng vĩ nhân... thể hiện sự tinh tế, khả năng hài hước trong tạo dựng tình huống, miêu tả ngoại hình và hành vi nhân vật. Như đoạn miêu tả dưới đây về “một nhà cách mạng”:
“Ông Văn Giang chừng năm mươi tuổi, béo phục phịch, da ngăm ngăm, trán thấp, mắt híp, lông mày rậm, một tý ria in bóng xuống bộ môi dày. Trời oi bức. Ông sai mở quạt trần vù vù, cởi áo tây tôbican vắt ghế, vén sơmi đến khuỷu tay để lộ hai cánh tay đen sì và to như bắp chuối, giơ bàn tay chổi cùn vuốt mái tóc rễ tre hoặc vẩy mồ hôi đang rỏ giọt quanh cái cổ bạnh to ngang mặt… Văn Giang vẫy một cái. Một tên bồi, quần áo trắng bốp, bưng một cái khay đặt trên bàn. Trên khay, một cốc càphê sữa, một chiếc bánh tây to, một đĩa bơ, một miếng phomát khổng lồ và mấy quả chuối. Sau khi xin phép bạn già, Văn Giang bắt đầu ăn lót dạ. Chỉ năm phút, Văn Giang nhồm nhoàm ăn hết bánh, uống hết càphê và bắt đầu ăn phomát với chuối" (Một nhà cách mạng).
Một nhà “cách mạng” hiện lên như một kẻ phàm phu tục tử, từ ngoại hình đến cử chỉ hành vi, một kẻ lấy hưởng thụ làm đầu, nhưng lại lên giọng dạy dỗ người khác về cách mạng! Cách gọi trân trọng “một nhà cách mạng” và lối miêu tả chi tiết về nhân vật để độc giả thấy rõ bản chất của y là cách mạng giả hiệu tạo ra sự tương phản làm tăng thêm tính châm biếm giễu nhại của hình tượng nhân vật.
Ở truyện ngắn Nước Trivitri, nhà văn hư cấu những câu chuyện xung quanh chế độ kiểm duyệt ở một nước có tên là Trivitri. Toà kiểm duyệt ở nước này do Bút Văn Soá làm giám đốc. Ông giám đốc dốt nát nhưng cậy quyền thế, hành hạ các báo, gây ra những tình huống dở khóc dở cười: “Báo nào chả có mục tiểu thuyết. Trước khi cho in, ông cho một đội đặc vụ của ông đi điều tra xem truyện
trong tiểu thuyết đó là thực hay hư. Đã gọi là tiểu thuyết thì thực làm sao được? Bởi thế, mục tiểu thuyết của hết thảy các báo đều bị xoá sổ”. Các báo bị kiểm duyệt nhiều quá, đấu tranh bằng nhiều cách không được, rủ nhau sang nước láng giềng Chung Nhạc Lạc viết báo bằng tiếng Tri vi tri công kích Bút Văn Soá và Thủ tướng. Hai nước mâu thuẫn nhau, dẫn đến hai phe báo chí trên thế giới mâu thuẫn với nhau rồi gây chiến, làm xảy ra… đại chiến thế giới! Rốt cuộc, nguyên nhân “chỉ vì sự khắc nghiệt thái quá của Toà kiểm duyệt nước Trivitri”. Thông qua câu chuyện hư cấu ấy, ông “chiếu” cái nhìn châm biếm sắc sảo vào chế độ kiểm duyệt đương thời.
Cũng như vậy, truyện ngắn Nước Tự do tiếp tục “công phá” chế độ kiểm duyệt. Nhà văn dựng lên một nước tên là nước Tự do, “ở dưới gầm trời Đông Nam Á, xuất hiện sau hiệp ước Genève”. Đại sứ của nước này thường khoe với thế giới rằng “nước họ có một chế độ tự do hoàn toàn”, khiến dân tứ xứ tìm đến. Và họ thấy quả là ở nước này được tự do hoàn toàn khi đánh bạc, hành lạc, bắt cóc… Khi biết đọc báo bằng tiếng Tự do, họ phát hiện ra rằng có những chân dung người chỉ có một bên râu mép, có nhiều bài báo chỉ có một nửa. Hỏi ra, mới biết nước này còn có “một quyền tự do thiêng liêng nữa, đó là tự do… kiểm duyệt!”.
Trong một truyện ngắn khác tên là Đánh ghen trong mồ, nhà văn cũng dựng lên một cảnh hài hước, nhằm chế giễu những ông chồng đa thê, những bà vợ hay ghen. Gia đình nhà giàu nọ có một ông hai bà, tiến hành xây lăng sẵn cho ba ông bà, phòng khi về bên kia thế giới. Mặc cho bà hai van xin, bà cả nhất định không cho vẽ chân dung bà hai với nhiều đồ trang sức, không cho vẽ tranh Phật ở lăng bà hai, mà chỉ cho vẽ hai cánh cửa đóng kín, để sau này linh hồn bà hai bị… cầm tù trong mồ!
Những tình huống hài hước, giễu nhại được tạo dựng một cách hợp lý, với nhiều chi tiết sắc sảo, tinh tế, làm phong phú thêm hệ thống phương tiện thẩm mỹ trong các truyện ngắn, nhất là truyện thế sự của nhà văn, và thể hiện