Về phương diện kịch bản văn học, với hai vở Chàng Ngốc và Ông Tây An Nam của Nam Xương, chúng ta có thể coi đó là “gạch nối” trong việc hoàn thiện nội dung và hình thức kịch bản, theo tinh thần kịch nói hiện đại. Nếu như các tác giả khác như Trần Tuấn Khải, Vũ Đình Long, Nguyễn Hữu Kim, Vi Huyền Đắc, Tương Huyền… dành khá nhiều thời gian và tâm sức trong việc “khớp nối” giữa các yếu tố nghệ thuật của phương Tây và với các yếu tố của sân khấu cổ truyền Việt Nam (như phong cách tự sự, hài hước của chèo cổ) để chiều lòng công chúng chưa quen với nghệ thuật kịch nói, thì trong tác phẩm của Nam Xương, sự kết hợp giữa hai dòng nghệ thuật Đông - Tây lại tỏ ra hết sức nhuần nhuyễn. Trong hài kịch Nam Xương, người đọc vừa nhận ra sự tuân thủ nghiêm nhặt các quy tắc sáng tác theo phương pháp cổ điển Châu Âu, vừa thích thú bởi phong cách hài hước, dí dỏm của nghệ thuật chèo cổ; vừa bị cuốn hút bởi tính liên tục và hấp dẫn của hành động kịch, không sa vào tiết tấu chậm chạp nặng nề với nhiều “sen” (scène - cảnh) hoặc những “lớp thừa”, vừa thoải mái nhẹ nhõm khi tiếp nhận ngôn ngữ bình dân, đời thường, không giáo huấn, triết lý… như ở một số tác phẩm cùng thời
(như Hai tối tân hôn, Cô đầu Yến của Vi Huyền Đắc, Chén thuốc độc của Vũ Đình Long…). Có được những tiến bộ hơn đồng nghiệp cùng thời là do Nam Xương, bằng niềm đam mê lớn của mình với nghệ thuật kịch nói, đã chủ động tiếp nhận và vận dụng khéo léo những nét tích cực của cả hai phong cách nghệ thuật sân khấu Đông - Tây trong sáng tác. Đơn cử như việc ông đã nhận ra một số khiếm khuyết của nghệ thuật sân khấu truyền thống, như ông đã nói: “cái tộc trưởng chữ nghĩa (doctrine patriarcale) đã in sâu vào trong óc người mình, nên khi làm văn, ngọn bút thường vẽ cho độc giả chuyện nó như thế này thì bài luân lý phải như thế này”. Vì thế, Nam Xương chủ trương khắc phục khiếm khuyết đó, mà theo cách của Châu Âu mà ông diễn đạt lại thì: “tả cho y hệt, người nào ra người ấy, xung đột nhau làm sao mà “rút” thành câu chuyện rồi luân lý tự khắc nảy ra”.
Sau thời của Nam Xương, các tác giả khác đã chuyển hẳn sang viết kịch nói theo lối mới, và trong xã hội cũng xuất hiện lớp công chúng nghệ thuật mới đã từng bước làm quen với nghệ thuật kịch nói trên sân khấu. Bởi thế, có thể khẳng định rằng, Nam Xương là một trong những tác giả tiêu biểu cho sự phát triển từ kịch hát truyền thống đến kịch nói qua sự tiếp nhận của tầng lớp nghệ sĩ “Tây học”, và việc tổ chức kịch bản theo “lối mới” trong Ông Tây An Nam và Chàng Ngốc đã đánh dấu sự hoàn thiện của quá trình tiếp nối truyền thống và hiện đại trong kịch nói Việt Nam ở thời kỳ đầu.
Đi sâu vào thế giới nghệ thuật kịch Nam Xương, chúng tôi rút ra những nét nổi bật về nghệ thuật kịch của ông như sau: