Tài nguyên thiên nhiên

Một phần của tài liệu Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động tại thành phố Cần Thơ, trường hợp nghiên cứu ở quận Ô MÔN (Trang 31 - 35)

3.2.2.1 Khí hậu, thời tiết

Quận Ô Môn có các đặc điểm chung về khí hậu thời tiết với TP Cần Thơ: - Nền nhiệt dồi dào, biên độ nhiệt ngày đêm nhỏ.

- Các chỉ tiêu khí hậu (quang năng, vũ lượng, gió, bốc hơi, ẩm độ không khí…) phân hoá thành hai mùa tương phản: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 trùng với gió mùa Đông Bắc.

3.2.2.2 Chế độ thuỷ văn

Quận Ô Môn có mật độ dòng chảy rất dày với tổng chiều dài 495 km, mật độ 3,95 km/km2, tuy nhiên các sông rạch chính chỉ có tổng chiều dài 74 km, mật độ 0,59 km/ km2.

Dòng chảy chính trên địa bàn là sông Hậu, chảy qua 15,4 km chiều dài địa bàn quận, nằm trong khu vực trung chuyển giữa nguồn và triều, trong đó tính chất nguồn chiếm ưu thế; lưu lượng nước trong thời kỳ đỉnh lũ ứng với tần suất 50% vào khoảng 12.800m3/s. Các kênh rạch nội đồng chia ra làm 2 hệ thống:

- Hệ thống kênh rạch ảnh hưởng lũ là chính: bao gồm kênh Ô Môn - Thị Đội là tuyến kênh chính chuyển nước từ sông Hậu về biển Tây và các kênh rạch phía Tây, mật độ trung bình (2,02 km/km2).

- Hệ thống các kênh rạch ảnh hưởng triều là chính: bao gồm các kênh rạch phía Đông trục Ô Môn - Thị Đội, mật độ cao (4,15 km/km2).

Vào mùa lũ (tháng 7 – tháng 11), địa bàn quận Ô Môn chịu ảnh hưởng của dòng lũ từ sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên. Độ ngập giảm dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam; khu vực gần sông Hậu ngập sâu nhưng thời gian ngập ngắn nhờ tác động của triều; khu vực ảnh hưởng triều trong nội địa ngập nông và lên xuống theo triều. Tuỳ vào biến động hàng năm của lũ, khu vực ngập sâu (>80cm) chiếm 26 – 35% diện tích, còn lại là khu vực ngập trung bình (30 – 80cm).

3.2.2.3 Địa mạo, địa hình, địa chất

Theo kết quả chương trình điều tra tổng hợp vùng ĐBSCL, quận Ô Môn nằm trong vùng đồng lũ nửa mở, bao gồm 2 dạng địa mạo.

- Đồng lũ cửa mở chịu ảnh hưởng lũ trực tiếp hàng năm.

- Đồng bằng châu thổ chịu ảnh hưởng triều là chính cùng với một số tác động tương tác của lũ cuối vụ.

Cao trình phổ biến từ +0,8 – 1,0 m, có khuynh hướng thấp dần từ Đông Bắc sang Tây Nam.

3.2.2.4 Thổ nhưỡng

Trên địa bàn quận Ô Môn có hai nhóm đất chính: nhóm đất phù sa (chiếm 99% diện tích tự nhiên) và nhóm đất phèn (chiếm 1,0% diện tích tự nhiên)

Nhìn chung đất có thành phần cơ giới nặng, mùn và đạm từ khá đến giàu, lân và kali trung bình, ít hoặc không có độc tố, có ưu thế trong thâm canh lúa và có thể lên liếp để phát triển kinh tế vườn, các loại cây trồng cạn.

3.2.2.5 Tài nguyên khoáng sản

Tài nguyên khoáng sản trên địa bàn quận Ô Môn, không dồi dào, chỉ bao gồm một số sét có khả năng làm gạch ngói, sét dẻo.

Nước ngầm tầng Pleistocene, Poliocen, Miocen có cung lượng khá dồi dào, chất lượng tốt.

Tóm lại, về điều kiện tự nhiên, địa bàn quận Ô Môn có những lợi thế sau:

- Tài nguyên đất đai khá đa dạng với hầu hết là nhóm đất phù sa có độ phì từ khá đến cao, phổ thích nghi khá rộng.

- Nguồn nước mặt ngọt quanh năm; phần phía Đông kênh Ô Môn - Thị Đội có khả năng tưới tiêu theo triều.

- Địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho việc bố trí hệ thống canh tác nông nghiệp theo hướng đa dạng hoá cây trồng và vật nuôi. Đặc biệt dãy đất cao ven sông Hậu thuận lợi cho việc bố trí các công trình xây dựng cơ bản theo hướng đô thị hoá và công nghiệp hoá.

- Mạng lưới sông rạch khá phát triển, thuận lợi cho giao thông thuỷ.

- Tài nguyên nước ngầm tuy không phong phú nhưng vẫn có thể khai thác hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, điều kiện tự nhiên tại địa bàn cũng có một số hạn chế sau:

- Địa bàn bị ảnh hưởng lũ hàng năm, trong đó có khoảng gần 35% diện tích ngập ngắn hạn trên 80 cm vào những năm lũ lớn, có tác động đến sản xuất khu vực I, các cơ sở hạ tầng, dân cư và đô thị. Vào mùa khô, cột nước bơm khu vực ven sông Hậu khá cao.

- Độ chia cắt địa hình do sông rạch nội đồng rất lớn gây trở ngại giao thông bộ, các đặc điểm địa chất công trình kém, có tác động đến các công trình xây dựng cơ bản.

- Tài nguyên sinh vật đang có khuynh hướng giảm sút.

3.2.2.6 Phân vùng

Trên phương diện phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, có thể phân vùng tổng hợp quận Ô Môn theo chế độ thuỷ văn như sau:

- Vùng lũ: diện tích 6.850 ha, chiếm 60,9% diện tích tự nhiên (không kể sông rạch), chịu ảnh hưởng lũ, chia làm 2 tiểu vùng: Tiểu vùng chịu ảnh hưởng lũ là chính và tiểu vùng chịu ảnh hưởng lũ yếu dần.

- Vùng triều diện tích 4.390 ha, chiếm 39,1% diện tích tự nhiên, chịu ảnh hưởng ưu thế của triều, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với lúa và kinh tế vườn, tình hình đô thị hoá kém, dân cư phân tán.

3.2.2.7 Hiện trạng sử dụng đất

Tổng diện tích tự nhiên của quận Ô Môn năm 2005 là 12.540 ha, trong đó:

Nhóm đất nông nghiệp

Diện tích đất nông nghiệp chiếm 8.795 ha (70% diện tích tự nhiên), gần như toàn bộ là đất dành cho trồng trọt gồm: đất trồng cây hằng năm (66% diện tích đất trồng trọt) chủ yếu là đất canh tác lúa và lúa màu; đất trồng cây lâu năm (2.900 ha) phân bố chủ yếu tại khu vực thổ canh và ven sông Hậu; đất có mặt nước nuôi trồng thuỷ sản (khoảng 90 ha); đất lâm nghiệp có khoảng 1 ha rừng tự nhiên.

Nhóm đất phi nông nghiệp

- Đất chuyên dùng chiếm 1.847 ha (14,7% diện tích tự nhiên) với 1.152 ha đất xây dựng.

- Đất giao thông chiếm 161 ha, bình quân/người rất thấp (15m2) so với chuẩn đô thị.

- Đất thuỷ lợi và mặt nước chuyên dùng: chiếm 442 ha, tỷ lệ diện tích đất thuỷ lợi/đất nông nghiệp là 5%.

- Các loại đất chuyên dùng khác chiếm 92 ha. - Đất ở chiếm 590 ha, bình quân 45 m2/người.

Đất chưa sử dụng, sông rạch: chiếm 1.308 ha (10,4% diện tích tự nhiên), trong đó đất và mặt nước chưa sử dụng 7 ha, sông rạch 1.301 ha.

Một phần của tài liệu Thực trạng chuyển dịch cơ cấu lao động tại thành phố Cần Thơ, trường hợp nghiên cứu ở quận Ô MÔN (Trang 31 - 35)