4.4.1.1 Điểm mạnh
Dân số Quận Ô Môn khá dồi dào về số lượng - số người trong độ tuổi lao động năm 2005 chiếm trên 61% dân số của quận, tuy chủ yếu là lao động phổ thông nhưng lại được đánh giá cao là nhiệt tình, cần cù, năng động, hiếu học,… nhưng hiện nay trình độ chuyên môn còn thấp, nếu được đào tạo liên tục 10 -15 năm, sẽ là một lực lượng nồng cốt cho công cuộc phát triển quận.
Được sự quan tâm chỉ đạo của các ngành chức năng, các đoàn thể của quận cũng như cơ quan thành phố về:
+ Tích cực ủng hộ người lao động, tạo điều kiện thuận lợi về xét duyệt thủ tục hành chính khi xin việc, cũng như tuyên truyền thông tin nhu cầu tuyển lao động của các công ty trong khu vực cho người lao động nắm bắt cơ hội việc làm.
+ Giáo dục đào tạo thế hệ trẻ - thành phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực trong tương lai, Ô Môn có đội ngũ giáo viên ở các cấp học cơ bản đã được chuẩn hoá, do đó chất lượng giáo dục và kết quả học tập được nâng lên rõ rệt, học sinh giỏi ngày càng tăng, học sinh nghĩ học và lưu ban giảm dần.
+ Trên địa bàn quận có trường dạy nghề Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Bộ đào tạo 12 ngành nghề cho các quận, huyện
Địa bàn quân Ô Môn là quận ven TPCT, bắt đầu phát triển công nghiệp. Kể từ khi lên quận, Ô Môn có nhiều điều kiện hơn trong việc đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng phúc lợi, các khu công nghiệp tập trung, hệ thống đô thị và trung tâm thương mại - dịch vụ. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư trong lẫn ngoài nước, và thu hút tài năng đến lập nghiệp. Do đó, Ô Môn có cơ hội tập trung cao hơn cho phát triển công nghiệp, tạo sức bật mới cho phát triển toàn diện và bền vững kinh tế xã hội, trong đó ưu tiên là giải quyết lao động việc làm cho người dân trên địa bàn quận khi có các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn.
4.4.1.2 Điểm yếu
Tư tưởng của người lao động chỉ thích học những ngành nghề sau khi tốt nghiệp là đi làm nhân viên nhà nước, không thích học những nghề lao động chân tay. Công tác giáo dục đào tạo, định hướng cho lực lượng lao động và giới trẻ vẫn còn nhiều bất cập, từ đó dẫn đến người lao động chậm hoà đồng với đời sống xã hội, thiếu tác phong làm việc công nghiệp, một số lao động thì lại xem công việc họ đang làm chỉ là tạm bợ, nên vào làm không tập trung học việc mà chỉ chú trọng đến thu nhập và sẵn sàng bỏ việc khi có việc làm khác có thu nhập khá hơn. Hiện nay, các phường chưa có kế hoạch theo dõi đánh giá hiệu quả của lao động việc làm, chưa có khảo sát thực tế về việc làm và thu nhập của lao động tại các công ty, xí nghiệp, mà chỉ thống kê số lượng lao động được tuyển dụng và theo dõi tình hình việc làm và thu nhập qua việc phản ảnh của 1 số ít người đi làm hoặc báo đài.
Đa số lao động chưa qua trường lớp chính quy, đại bộ phận trình độ thấp, thiếu trình độ chuyên môn, kỹ thuật và quản lý, chủ yếu xuất phát từ nghề nông. Chính vì vậy nhiều lao động đã không khả năng đáp ứng yêu cầu của công việc cũng như của nhà tuyển dụng. Đào tạo ngành nghề thời gian ngắn (2 tháng), chất lượng đào tạo và tay nghề của người được đào tạo yếu, người lao động không tự tin để làm và nếu có làm cũng được thuê với mức lương thấp. Bên cạnh đó việc đào tạo ngành nghề chưa gắn với đầu ra (nơi tuyển dụng), từ đó người lao động không muốn tham gia học vì thế số lượng học nghề của người lao động trong quận là rất ít. Hiện tại địa phương chưa có định hướng chiến lược đào tạo nghề trong thời gian tới. Công tác đào tạo nghề trên địa bàn quận thiếu tính liên kết giữa các đơn vị dạy nghề do đó đầu tư về công tác này thiếu chiều sâu, chất lượng đào tạo thấp, vừa thừa nhưng lại vừa thiếu, không có chiến lược phát triển hiệu quả và bền vững. Mặt khác, các đơn vị dạy nghề, người học nghề và các đơn vị sử dụng lao động vẫn chưa gặp nhau nên trong thực tế công tác dạy nghề gặp các khó khăn sau: người học nghề không tìm được việc làm, người học nghề xong không muốn đi làm hoặc nhiều lớp dạy nghề không chiêu sinh được học viên mặc dù nhà nước đã hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ kinh phí đào tạo.
Mặc dù công tác vận động tuyên truyền về lao động, việc làm cho người lao động có sự quan tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể, nhưng khi thực hiện vẫn còn yếu, bên cạnh đó chưa có sự quan tâm của người lao động. Kết quả là nhận thức của người lao động về việc làm chưa cao, họ còn khá bỡ ngỡ và xa lạ. Người lao động cũng còn tư tưởng an phận ít chịu đi làm xa.
Về mặt quản lý, ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn do phòng kinh tế quản lý. Do quận không phải là cấp trực tiếp quản lý sản xuất kinh doanh và nhiệm vụ của phòng rộng, bao quát, việc phân công chuyên ngành không ổn định khiến ngành thiếu sự tác động và hỗ trợ tích cực từ phía trên. Do đó, ngành nghề của quận chưa có định hướng rõ ràng, chưa có quy hoạch đầu tư và còn mang tính tự phát, có ảnh hưởng nhất định đến tăng trưởng và thu hút lực lượng chung của quận. Chương trình khuyến công chưa đủ mạnh, thông tin yếu, xúc tiến đầu tư ít, công tác vận động và hỗ trợ tư nhân trong và ngoài quận đầu tư vào công nghiệp chưa thành hình.
4.4.1.3 Cơ hội
Trên địa bàn quận đã được xây khu công nghiệp Trà Nóc 2 ở phường Phước Thới với diện tích quy hoạch là 165 ha, có thể mở rộng thêm 90 ha. Hiện nay đã có một số dự án đang triển khai như nhà máy nhiệt điện, nhà máy xi măng, nhà máy ép dầu cám, nhà máy sản xuất ô tô,…. Hạ tầng cơ sở đang phát triển, đây sẽ là cơ hội tốt để thu hút và có nhiều cơ hội việc làm cho người lao động tại địa bàn. Nhu cầu lao động của các xí nghiệp ngày càng nhiều.
Hiện nay quận có các dự án: dạy nghề cho người lao động ở nông thôn, dạy nghề cho cán bộ, cho bộ đội phục viên xuất ngũ,…. Các đề án này sẽ góp phần đào tạo nghề cho người lao động, giúp họ tìm được việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đồng thời nó góp phần lớn cho việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực có trình độ CMKT và tay nghề ngày càng cao.
4.4.1.4 Đe doạ
Vấn đề đáng quan tâm là sức khoẻ người lao động ngày càng bị đe doạ, khả năng mắc bệnh nghề nghiệp của công nhân dẫn đến nghỉ việc, đặc biệt vấn đề ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm không khí ở các khu công nghiệp tập trung cũng như nơi làm việc của công nhân. Người lao động khi bị bệnh hoặc lớn tuổi (thường từ 35 tuổi trở lên) thì khả năng mất việc cao và ít có khả năng xin việc mới, do các công ty tuyển dụng chỉ tuyển dụng lao động trẻ và đa số những công ty trên địa bàn là những công ty thâm dụng lao động, người lao động sử dụng lao động chân tay là chủ yếu. Do đó, nếu không có các giải pháp đồng bộ thì tương lai lực lượng dân số trên 35 tuổi và người lao động thất nghiệp do bị bệnh và bị các công ty sa thải là gánh nặng cho gia đình gây lãng phí và tốn kém cho xã hội. Khu vực Phước Thới do vị trí nằm sát phường Bình Thuỷ và khu dân cư Trà Nóc 2, đang có khuynh hướng phát triển dân cư rất nhanh, lực lượng lao động tập trung vào khu vực này ngày càng nhiều, nếu không có những giải pháp quản lý đồng bộ và hiệu quả sẽ phát sinh ra những khu dân cư “ổ chuột”, tình trạng ô nhiễm, bệnh tật gia
tăng, tệ nạn xã hội phát triển, an ninh trật tự không đảm bảo,..., làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng lao động, mỹ quan cũng như phát triển kinh tế của khu vực.
Lực lượng lao động của quận chủ yếu là lao động phổ thông có trình độ tay nghề thấp, so với khu vực khác và địa bàn lân cận, trong khi đó nhu cầu lao động ngày càng cao về chất lượng. Quận Ô Môn là nơi được TP Cần Thơ quy hoạch xây dựng khu công nghiệp chất lượng cao, tiếp cận thông tin khoa học về nông nghiệp của vùng ĐBSCL, Trung tâm giống TP Cần Thơ, do đó có khả năng ứng dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật để phục vụ cho ĐBSCL. Tuy nhiên nếu lực lượng lao động trên địa bàn không đủ trình độ chuyên môn tay nghề để đáp ứng với sự tiến bộ kỹ thuật cao, thì tương lai phải nhường chỗ cho lực lượng lao động tri thức ở các nơi khác.
Trình độ dân trí thấp do chỉ thấy cái lợi trước mắt “nghỉ học để đi làm cho công ty xí nghiệp để có thu nhập”, ý thức của người lao động kém, ứng xử tuỳ tiện nhất là đối với các lao động xuất phát từ nông thôn, bên cạnh đó người lao động phần lớn chỉ quan tâm vào thu nhập mà ít quan tâm đến việc nâng cao tay nghề, chính vì vậy trình độ tay nghề không được nâng cao và sẵn sàng thay đổi việc nếu công việc khác có thu nhập khá hơn. Tình trạng lao động bỏ việc giữa chừng dẫn đến các doanh nghiệp luôn phải đối phó với tình trạng thiếu lao động nhưng vào lúc cao điểm… từ đó người lao động mất lòng tin đối với công ty.