7. Cấu trúc của luận văn
3.1.3. Tự truyện trong hành trình văn xuôi Tô Hoài
Giáo sư Phong Lê từng nhận xét: “Hồi ức và tự truyện - đó là một mảng viết đặc sắc, nếu không nói là đặc sắc nhất của Tô Hoài, nơi một bộ nhớ tuyệt vời và một tuổi thọ khoẻ mạnh và minh mẫn”[34,tr.61].
Đọc Cỏ dại rồi đọc Tự truyện ta thấy Tô Hoài viết rất hay về mình, đó là một sự nối kết liền mạch. Từ thời thơ ấu, đến tuổi trưởng thành, tất cả đã tạo nên vóc dáng nhà văn Tô Hoài. Từ cuộc đời của nhà văn mà ta có thể hiểu đời, hiểu người, và hơn nữa là hiểu cả một thời đã qua, mà nhà văn đã sống. Tiềm năng giàu có này ở Tô Hoài ta thấy được bộc lộ rõ rệt nhất ở Tự
truyện. Viết về tuổi thơ ở tuổi 20 trong Cỏ dại, rồi cũng lại viết về tuổi thanh
niên ở tuổi 50 trong Tự truyện… Rồi ở tuổi già ông lại mở rộng kho hồi ức để giới thiệu cho bạn đọc những nhà văn nổi tiếng - những người cùng thời, cùng chung nghề nghiệp trong cuốn Cát bụi chân ai và Chiều chiều. Tác phẩm cứ đều đặn ra đời, vẫn cùng trên một nguồn mạch, mà người đọc chẳng thấy Tô Hoài vơi đi chút nào trong trí nhớ bền bỉ của mình. “Một quá khứ luôn luôn được ông cho dồn vào hiện tại, được hiện tại hoá; nhưng vẫn trong trang phục của quá khứ”. Không chỉ cái nhìn sắc nét mà cái tình vẫn đầy đủ mọi cung bậc như thủa nào.
Với Tự truyện, Cát bụi chân ai, rồi Chiều chiều và Cái áo tế, người đọc luôn bị cuốn hút bởi những gì mới mẻ không trùng lặp, không mờ nhạt, kém sút. Đó là một cảm hứng nhất quán. Một trí nhớ tuyệt vời. Một sức sống không chút vơi cạn. Những hồi ức, những kỷ niệm của cả một đời người bao giờ cũng in đậm trong trí nhớ của Tô Hoài. Theo ông: “Một việc, một người,
một nhận xét ở bất cứ quãng sống nào trong đời khi đạt tới mức thật tha thiết thì có sức nhập vào, sức thúc đẩy (hoặc sức dằn vặt ta) cho ta những suy nghĩ
liên tiếp - nghĩa là những mầm mống của sự sáng tạo”[24]. Những mầm
mống của sự sáng tạo ấy phải được cất lên từ “hơi thở, từ mồ hôi và máu của
cuộc sống” [24]. Xuất phát từ quan niệm đó, Tô Hoài đã viết tự truyện về
mình. Với Tự truyện, Tô Hoài dựng lên cả một bầu không khí thời đại với những diễn biến vui buồn, những băn khoăn trăn trở, những khao khát náo nức, những gửi gắm lớn lao… Đọc hồi ức đó, ta thấy cả những dòng tâm sự của nhân vật về mình: về những điều đã và chưa thực hiện được, cũng thấy được cả những hồi ức tuổi thơ nhọc nhằn vất vả, thấy được cả quá trình khám phá và nhận thức về con người và xã hội… Từ một Cu Bưởi cõng em rong chơi trong làng chỉ mong lớn lên làm anh thợ dệt cửi như những đứa trẻ khác trong làng, Tô Hoài tiếp tục mở rộng bức tranh sống đến tuổi học đường của Cu Bưởi trong Mùa hạ đến, mùa xuân đi, rồi Cu Bưởi “ngày sau” lại thành người viết văn, thành nhà văn tài năng viết lại những hình ảnh tuổi thơ của mình. Cũng như Những ngày thơ ấu của Nguyên Hồng hay Sống nhờ của Mạnh Phú Tư, Tô Hoài cũng góp được một áng văn hay và cảm động là Cỏ dại. Từ Cỏ dại được gom chung và chùm Tự truyện tạo nên một chỉnh thể hồi ức trong cuộc đời nhà văn.
Cỏ dại giúp chúng ta hiểu một cách sinh động những gì đã tạo nên tâm hồn cũng như những nét đặc sắc trong phẩm chất nhà văn. Tác giả kể lại một cách xúc động về “Những ngày thơ ấu nó leo hoang trong đám cỏ bên lề
đường đi. Cái giống cỏ dại, cỏ không tên, rườm rà, chen khít bò ngẩn ngơ trong mấy khoảng đất rác rưởi”. Những ngày sống êm đềm ở quê ngoại với mẹ, với ông ngoại trong căn nhà gạch cổ, với mảnh vườn bé tẹo sum suê cây quả mà chú bé Sen khéo tổ chức thành một “Sở bách thú” hấp dẫn. Hình ảnh của những người thân bên ngoại và bên nội lần lượt hiện về: người ông lặng lẽ, hay rượu; người mẹ hiền lành đảm đang; đứa em gái lanh lợi, láu lỉnh, không may bị bệnh sởi chết sớm; người cha vì mất việc phải bỏ nhà, phiêu bạt vào Nam kỳ kiếm ăn; bà Ba - bà cụ thân sinh ra “mẹ già” của tác giả - sống hắt hiu như cái bóng nhưng hết lòng yêu quý đứa cháu hờ. Tác giả kể lại những kỷ niệm khó quên của đời học sinh, những ngày đầu đi học ở trường làng thật khủng khiếp và buồn cười; hơn hai năm trời ra Hà Nội với người bạn thân của bố, tiếng là trọ học, nhưng cả ngày quần quật làm đủ thứ việc linh tinh của một cửa hàng tạp hoá: dọn hàng, đánh giày, cọ chai, lau xe, phụ thổi cơm, rửa bát. . .
Thông qua những hồi ức sinh động, Tô Hoài đã miêu tả xã hội vùng ngoại thành Hà Nội với những phong tục và những con người của nó, đã ghi nhận cảnh đời ngày một lam lũ, bần hàn của người nông dân và cuộc sống quẩn quanh, mòn mỏi của lớp thị dân nghèo.
Sau Cỏ dại là tập Tự truyện viết xong năm 1973, in năm 1976, tái bản lần thứ hai năm 1984. Kể về cuộc sống của người thợ mỏ thủ công vùng ngoại ô Hà Nội, kể về những gian truân, vất vả trên con đường đi tìm “miếng cơm manh áo”, đi tìm lý tưởng, lẽ sống của người thanh niên trong xã hội cũ. Với giọng điệu trầm buồn, tác giả kể lại chuyện mình, chuyện gia đình, làng quê và xa hơn nữa đó chính là hình ảnh cuộc sống ngột ngạt bế tắc những năm trước Cách mạng ở vùng quê của tác giả.
Với Cỏ dại và Tự truyện, người đọc thấy tác giả không chỉ tái hiện lại cuộc đời của chính mình mà còn tái hiện cả bức tranh đời sống, bức tranh sinh
hoạt trong môi trường sống của cá nhân nhà văn. Một không khí u buồn, đen tối đè nặng trong tác phẩm thông qua giọng điệu trần thuật, thông qua sự việc và con người hiện ra qua trang sách. Tác giả không đi vào phản ánh những mâu thuẫn giai cấp dữ dội, quyết liệt song người ta thấy được tất cả sự buồn chán về một kiếp người, buồn về sự bần cùng, bế tắc. Đâu đó trong tác phẩm cũng le lói một chút hy vọng và niềm tin. Hình ảnh tác giả trong những ngày lang thang kiếm sống ở trường đời là xã hội: hết bán giầy ở hiệu giầy Bata đến làm kế toán sổ sách giấy tờ cho hãng, rồi những ngày thất nghiệp lang thang vất vưởng, thậm chí cả đến mức đi ăn mày ở cửa chùa để kiếm “miếng cơm manh áo”, những ngày phiêu bạt ra Hải Phòng… Tác giả đã kể lại hết sức chân thực cuộc đời, cảnh ngộ của mình và của những nhân vật khác… Người đọc hồi hộp dõi theo cả một quá trình khôn lớn, trưởng thành của nhân vật Tôi, quá trình nhận thức, khám phá xã hội, quá trình hình thành nhân cách của Cu Bưởi - hình bóng của Tô Hoài sau này. Nhân vật tôi như một sợi dây xâu chuỗi biết bao cảnh đời số phận. Quá trình hình thành nhân cách của Cu Bưởi cũng vậy. Bắt đầu từ những ngày tháng đến trường, chứng kiến những cảnh đời bất công vô lý, ngoài xã hội, rồi lớn hơn một chút cậu bé nhận thấy rằng những người nghèo khổ sống quanh ta mặc dù sống trong đen tối song “vẫn biết mơ ước”và “khi hiểu được nguyên nhân do những thảm hại của họ, nhiều người trong chúng tôi đã vứt đi cái hào hoa, ngông nghênh đó, thấy ra mình đương ở đâu và phải làm gì cho đáng là con người”[19]. Kể từ đó nhà văn đã bước vào cuộc đời với ý thức “phải làm gì cho đáng là con người”. Tác giả đã tham gia hoạt động văn hoá Cứu quốc, đã viết những tác phẩm với ý thức “miêu tả xã hội đau khổ”. Như vậy, khi viết về mình, tác giả đã miêu tả không phải như một cái gì đó hoàn tất và cố định mà như một nhân cách biến chuyển, đổi thay, được hình thành qua quá trình dạy dỗ.
Nếu như chất truyện đậm đà trong Cỏ dại, Tự truyện thì chất truyện trong Cát bụi chân ai giảm đi, song chất hồi ký tăng lên. Tác giả ít đi vào những cảnh đời và số phận song bù lại người ta thấy đậm chất hồi ký trong việc khai thác đời tư các nhà văn. Những mẩu chuyện nho nhỏ đầy thú vị (Chuyện Nguyên Hồng bắt bồ với mấy con mẹ hàng xén bị vợ đánh ghen, chuyện Xuân Diệu phàm ăn bị Tào Tháo đuổi, chuyện Nguyễn Tuân tự huyễn hoặc mình với cái máy chữ… ) Những vui buồn của cuộc chỉnh huấn năm 1958 được phản ánh rất rõ: “Các cơ quan Hội Nhà văn và nhiều công tác bị lũng đoạn… Tư tưởng Nhân văn và Giai phẩm vẫn tồn tại, vẫn làm lệch lạc chúng tôi… Ngổn ngang tâm sự và tâm trạng, chua chát mỉa mai lại hài hước… Đến lượt ai cũng cứ suốt buổi ngồi chịu trận nghe nói xa xả, vi vút… Tôi dự các cuộc chỉnh huấn đã nhiều, có người lo quá, cảm thông không chợp mắt, như ở báo Cứu Quốc, một cậu bé còn trẻ, đã vào rừng thắt cổ”[22,tr.473].
Mưa gió của cuộc chỉnh huấn đã tác động đến bao người. Dưới ngòi bút của Tô Hoài, cuộc sống với tất cả những sắc thái thẩm mỹ đa dạng của nó lần lượt hiện lên: có cả cái bi, cái cao cả và cái thấp hèn, cái đẹp, cái xấu lẫn lộn. Tất cả như những sợi chỉ óng ánh nhiều mầu sắc pha trộn với nhau, tạo nên tấm thảm cuộc đời.
Đọc Cỏ dại rồi đọc Tự truyện, Cát bụi chân ai ta thấy dường như có sự pha trộn giữa hồi ký với tự truyện. Đọc những tác phẩm này, ta phải “ngạc nhiên không hiểu sao người ta có thể viết hay đến thế về mình, để qua mình mà hiểu người, hiểu đời, hơn thế, hiểu cả một thời”[32].