Kinh tế thương nghiệp

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 27 - 32)

Ở Quan Lạn mặc dù kinh tế nông nghiệp không phát triển được (do hạn chế của điều kiện tự nhiên), thủ công nghiệp còn nhỏ bé, chỉ có nền kinh tế ngư nghiệp là hoạt động tương đối tấp nập và có hiệu quả, song do vị trí địa lý nằm trên con đường thuỷ ven vịnh Bắc Bộ, án ngữ con đường giao thông và buôn bán giữa Việt Nam và phía Bắc nên Quan Lạn vẫn có điều kiện để phát triển nội thương và ngoại thương, trở thành bộ phận sầm uất nhất trong thương cảng Vân Đồn.

Trên đảo Vân Hải nay thuộc xã Quan Lạn có 3 bến thuyền chính, đó là

bến Cái Làng, bến Cống Cái và bến Con Quy.

Bến Cái Làng có nhiều ưu thế khiến người ta nghĩ rằng nơi đây xưa kia là bến thuyền chính của hệ thống thương cảng Vân Đồn. Vì ngoài yếu tố nguồn nước ngọt của giếng Hệu (hay còn gọi là giếng Nàng Tiên) có thể cung cấp lượng nước thường xuyên cho khách buôn, vụng Cái Làng sâu và kín gió thuận tiện cho các thuyền buôn neo đậu lâu ngày để bốc dỡ hàng hoá.

Bến Cống Cái nằm sát chân núi Vân, nay thuộc thôn Sơn Hào tuy không được như Cái Làng nhưng cũng khá sầm uất. “Cống Cái là lạch nước rộng chừng hai trăm mét, dài 25 km, kẹp giữa hai triền đảo Cái Bàn và Quan Lạn”.[21, tr47]. Nguồn nước từ giếng Rùa Vàng tuôn ra quanh năm đủ cung cấp cho các thương khách cư trú thường xuyên.

Bến Con Quy cách vụng Cái Làng khoảng 2,5km, phía bắc đảo Hải Vân, ngang với núi Con Quy. Đây được coi là một bến tạm cho các tàu thuyền dừng chân trước khi vào bến chính.

2.2.2.1. Nội thương

Nội thương căn bản là sự buôn bán và trao đổi sản phẩm giữa Quan Lạn với các địa phương khác ở vùng hải đảo này, cũng như giữa Quan Lạn với cả nước. Chợ ở Quan Lạn không giống như chợ ở các vùng nông thôn chỉ là những bãi rộng với những dãy lều tranh, mà là những dãy nhà (của người buôn và làm nghề phục vụ) xây dựng liền hàng trên bờ thành dãy suốt dọc các bến: bến Cái Làng, bến Cống Cái…(gọi theo tiếng địa phương là dược nhà). Các dược nhà này có cấu trúc thẳng hàng cao dần lên phía trên, quay mặt về vụng. Đó là những cửa hàng buôn bán hoặc nhà kho phục vụ cho khách buôn trong thời gian neo đậu thuyền tại bến. Đây cũng là nơi mọi người trong vùng và cả những lái buôn ở nơi xa tới mua bán, trao đổi sản phẩm, hàng hoá. Các cuộc khai quật khảo cổ học đã tìm thấy những dấu tích nền nhà cổ san sát, phân bố lớp lớp từ dưới thấp lên cao tận lưng chừng núi dọc bến Cái Làng. Tại các chợ, người dân đảo Quan Lạn đem sản phẩm của mình đánh bắt được từ biển như cá, hải sâm, bào ngư, ngọc trai… tới để trao đổi hoặc bán cho cư dân các đảo khác và lấy hoặc mua về những sản phẩm cần thiết phục vụ cho đời sống như lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thủ công, các loại hoa quả, chè, lụa, đồ gốm… Cư dân ở đây không có nhiều đất để sản xuất nông nghiệp, nghề nghiệp chính của họ là đi biển đánh cá, đồng thời họ đã tham gia vào

hoạt động nội thương bằng nghề đi thuyền vận chuyển hàng hoá phục vụ cho việc trao đổi hàng hoá ở trong bến cảng và rất nhiều gia đình đã mở quán trọ phục vụ khách buôn. Vì vậy bến Cái Làng luôn tấp nập kẻ mua, người bán, thuyền bè qua lại.

Ngoài trao đổi buôn bán trong thị trường địa phương nhỏ hẹp, ở đây đã hình thành những luồng lưu thông buôn bán rộng rãi hơn với các địa phương khác trong cả nước. Các lái buôn trong đất liền đã đem lương thực, đồ gốm, hồ tiêu, đường, vàng, trầm hương, diêm tiêu.. ra vùng đảo Quan Lạn nói riêng và Vân Đồn nói chung bán cho cư dân nơi đây hoặc bán cho thương nhân nước ngoài và đưa về các mặt hàng nổi tiếng của Quan Lạn như lâm thổ sản (lim, táu, nghiến, các loại hương liệu), các loại hải sản (ngọc trai, bào ngư, hải sâm, tôm, mực..). Tại vụng Cái Làng, khảo sát thấy “hàng triệu mảnh sành sứ có niên đại khác nhau, từ Lý- Trần- Lê, nhiều nhất là thời Lý. Những lớp sành sứ này không chỉ có độ đậm đặc mà còn có độ dày chừng 0,60m”. [40, tr155]. Tiền được lưu hành một cách rộng rãi (các cuộc khai quật khảo cổ học đã phát hiện ở thương cảng Vân Đồn xưa rất nhiều tiền của Việt Nam) như Đoan Khánh thông bảo, Cảnh hưng thông bảo, Cảnh Hưng thái bảo, Cảnh Hưng tuyền bảo, Chiêu Thống thông bảo, Thái Đức thông bảo, Quang Trung thông bảo, Quang Trung đại bảo, Minh Mạng thông bảo.. [14; 167] và đóng vai trò quan trọng trong đời sống nhân dân.

Việc trao đổi hàng hóa giữa cư dân Quan Lạn với các địa phương khác trong cả nước có tác dụng thúc đẩy các hoạt động kinh tế ở đây phát triển. Do hoạt động buôn bán, trao đổi những sản phẩm của kinh tế trong vùng đã thúc đẩy người dân thu gom và đánh bắt cũng như nâng cao chất lượng lâm thổ sản, hải sản… nhằm đem bán ra bên ngoài và mua lại những đồ dùng cần thiết. Qua đó thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp phát triển thêm một bước.

2.2.2.2. Ngoại thương

Cảng Vân Đồn xưa ở giữa vùng đảo Vân Hải vừa xa đất liền vừa dễ kiểm soát lại kín gió nên suốt nhiều thế kỉ nơi đây là cảng ngoại thương quan trọng của nước ta. Đã từng là trung tâm của thương cảng cổ Vân Đồn, sầm uất và thịnh vượng ngay từ thế kỉ 11, đảo Quan Lạn là nơi cập đỗ của rất nhiều thuyền buôn đến từ khắp nơi trên thế giới. Theo lịch sử hàng hải đây được coi là vùng đất cực kỳ hiểm yếu của biển Đông. Vì thế ngay từ đầu thế kỉ 19, người Pháp đã cho xây dựng ở đây ngọn hải đăng án ngữ nhằm xác định vị trí và toạ độ cho các tàu buôn.

Về đường vận chuyển hàng hoá: Các nguồn hàng từ đất liền theo đường sông Bạch Đằng, sông Chanh ra biển rồi men theo bờ biển tới Cửa Lục. Tại Cửa Lục, các thuyền bè chuẩn bị cho chặng đường mới đi vào vùng hải đảo Vân Đồn. Các thuyền nhổ neo từ Cửa Lục đi tiếp ra bến Cống Đông- đây là trạm dừng chân thứ nhất ngoài hải đảo.

Từ Cống Đông, thuyền có thể đi vòng phía nam đảo Dao Trao rồi ngược lên hướng Đông Bắc để vào bến Cái Làng hoặc qua bến Cái Làng ngược lên bến Cống Cái (thuộc đảo Quan Lạn). Ở đây các thuyền buôn Việt Nam trao đổi hàng hoá với tàu buôn ngoại quốc và kết thúc chuyến đi, theo đường cũ chở hàng hoá về đất liền. Hoặc đi xa hơn buôn bán với vùng Châu Khâm, Châu Liêm, Châu Ung thuộc Quảng Tây của Trung Quốc. Trong trường hợp đó thì đây chỉ là một bến dừng chân. Tại Quan Lạn, các thuyền buôn sẽ lấy nước ngọt từ giếng Huệ, giếng Rùa Vàng để dự trữ.

Từ Vân Đồn, các đoàn thuyền đi buôn xa với Trung Quốc sẽ ngược sông Mang, sông Cổng Đồn theo dải nước trong dọc đảo Ba Mùn, hướng về phía tây qua cửa Mô để tránh sóng lớn rồi lại men theo các đảo Vạn Mặc, Vĩnh Thực vào bến Vạn Ninh, kết thúc hành trình trên lãnh thổ Việt Nam và tiếp tục mở đầu chặng đường đi vào nước Trung Quốc láng giềng.

Căn cứ vào các thư tịch cổ thì khách hàng đến buôn bán ở thương cảng Vân Đồn mà trung tâm là đảo Quan Lạn có Trung Quốc, Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La, Tam Phật Tề. Trong đó đối tượng buôn bán chính là Trung Quốc. Ngoài ra còn có Nhật Bản và Tây Ban Nha (các di chỉ khảo cổ tại vụng Cái Làng đã tìm thấy đồng tiền Tây Ban Nha và nhiều bát, đĩa, sứ của Nhật Bản). [19, tr229]

Hàng hoá bán ra cho khách buôn nước ngoài tại thương cảng Vân Đồn là những hàng hoá thủ công và sản phẩm thiên nhiên: ngọc trai, ngà voi, trầm hương, gỗ lim, cá, tôm, mực, sò, tơ lụa, đường, vàng sống... Riêng về đồ gốm, phần lớn là bát đĩa các loại, từ đồ men ngọc thời Lý, đồ men nâu thời Trần, cho đến đồ men cao trôn thời Lê, bên cạnh đó là những đồ gốm tráng men cao cấp của Trung Quốc và Nhật Bản.

Mặc dù sử sách không nói rõ về phương thức mua bán ở thương cảng Vân Đồn nói chung và Quan Lạn nói riêng. Song theo tư liệu khảo cổ, rất nhiều loại tiền, cả tiền Việt Nam và tiền các nước khác được tìm thấy trên các bến thuyền thuộc thương cảng, đã khẳng định việc mua bán diễn ra dưới hình thức dùng tiền để trả.

Sự khác biệt của Vân Đồn nói chung và Quan Lạn nói riêng so với các đơn vị hành chính khác là ở chỗ, cư dân chủ yếu không làm nông mà tập trung vào việc khai thác hải sản và tiến hành các hoạt động thương nghiệp. Nguồn lợi và các hoạt động giao thương quốc tế không chỉ đã góp phần khuyến khích sự tăng trưởng kinh tế trong nước mà còn mở rộng tầm kiến văn và tư duy chính trị khu vực của Đại Việt.

Sau thời kì hưng thịnh của thương cảng Vân Đồn (từ thế kỉ XII đến thế kỉ XV), hoạt động thương mại ở Quan Lạn trong nhiều thế kỉ (XVI- XVIII) không có được sự sầm uất như trước nữa. Trong thời kì Pháp thuộc, nằm trong tình hình chung của toàn tỉnh, hoạt động thương mại ở Quan Lạn chủ yếu mang tính chất trung chuyển và dịch vụ.

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 27 - 32)