Nghề vận tải biển

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 34 - 37)

Bên cạnh hoạt động trao đổi buôn bán hàng hoá, Quan Lạn còn nhộn nhịp bởi hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hoá bởi đây là trạm trung

chuyển, điểm dừng của hàng hoá từ nước ngoài đưa vào nội địa và từ nội địa xuất cảng ra bên ngoài. Nghề vận tải biển ở Quan Lạn, trước Cách mạng tháng Tám có một số người giàu là chủ của những con thuyền có trọng tải lớn như Lưu Văn Tần, Bùi Văn Đạm, Vũ Thị Cát, Hoàng Văn Đĩnh... “Họ chuyên cho người làng thuê với giá 30 đồng một tháng để đi mua củi bán hoặc chở thuê. Thông thường cứ 10 người tập hợp lại với nhau thuê một thuyền gồm một thuyền trưởng cầm lái và 9 bạn thuyền”. [36, tr55]

Họ đến những vùng rừng núi đang được khai thác để mua gỗ bán cho các chủ lò than ở đất liền hoặc bán cho dân đất liền xây nhà cửa. Mỗi chuyến đi dù lãi hay lỗ mọi người cùng chịu. Nếu để hỏng thuyền mọi người cùng chịu phí tổn sửa chữa. Tại đây tính cộng đồng và hợp tác giữa những người bạn thuyền biểu hiện khá rõ nét. Còn giữa những người bạn thuyền với chủ thuyền là quan hệ thuê mướn.

Ngoài những chủ thuyền lớn, đa số những chiếc thuyền ở Quan Lạn đều là thuyền nhỏ, trọng tải từ 2 đến 10 tấn. Các chủ thuyền loại này ít cho thuê mà thường tự đem thuyền đi buôn hoặc chở thuê. Tuy nhiên mỗi chuyến họ thường mời thêm bạn thuyền cùng đi. Lãi của mỗi chuyến đi được chia đều cho mỗi thành viên sau khi đã trừ hết các khoản chi phí theo nguyên tắc người có vốn, có thuyền được hưởng một tỷ lệ riêng: Người chủ thuyền tham gia chuyến đi thì được hưởng 1,2 định suất bằng với mức mà người lái thuyền được hưởng, những người bạn thuyền được hưởng 1 phần (1 định suất). Trong quá trình vận chuyển, nếu trường vốn hoặc có người góp vốn, thì họ có thể mua hàng về bán cho dân. Sau khi trả cho những người làm công một nửa số lãi của chuyến đi, nửa còn lại chia làm 2 phần, một phần cho chủ thuyền, phần kia chi cho những người hùn vốn theo tỷ lệ vốn mà họ đã bỏ ra.

Đội thuyền buôn Quan Lạn là một trong những đội thuyền buôn chuyên nghiệp ở Quảng Ninh. Cũng giống như các đội thuyền buôn Trà Cổ, Tiền An,

đường vận chuyển của đội thuyền buôn Quan Lạn chủ yếu đi từ Hải Phòng đến Quảng Yên- Hạ Long- Mũi Chùa- Vạn Ninh- Đông Hưng và ngược lại. Dần dần tuyến đường của họ đi sâu vào phía nam như Nghệ An, Huế và ngược dòng lên vùng trung du và miền núi như Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Các mặt hàng được chuyển đi là đặc sản rừng, đặc sản biển như gỗ quý, cá mực khô, nước mắm... Về sau cùng với sự suy tàn của thương cảng Vân Đồn, hoạt động vận tải biển ở Quan Lạn cũng bị hạn chế chỉ giới hạn trong dịch vụ vận chuyển hàng hoá, hoạt động buôn bán kèm theo hầu như không có.

Chương 3

VĂN HOÁ TINH THẦN CỦA CƯ DÂN ĐẢO QUAN LẠN HUYỆN VÂN ĐỒN TỈNH QUẢNG NINH

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 34 - 37)