Kinh tế lâm nghiệp

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 33 - 34)

Đảo Quan Lạn có nguồn tài nguyên rừng và đất rừng rất lớn: rừng có nhiều loại gỗ quý như lim, táu mặt quỷ, nghiến, lát hoa đặc biệt có loài gỗ quý chưa thấy ghi trong danh mục thực vật ở các sách đã xuất bản nhưng đã quen thuộc trong đời sống là gỗ mần lái. Bên cạnh đó, còn có nhiều loại thú quý (như khỉ lông vàng, tắc kè, công…), nhiều cây thuốc quý (đằng đằng, ngũ bì gia..). Vào thời kì văn hoá Soi Nhụ và văn hoá Hạ long, nơi đây là những dải rừng nguyên sinh cây cối ngút ngàn, rừng bao trùm các đảo thuộc Vân Đồn nói chung và Quan Lạn nói riêng. Sự phong phú về tài nguyên “tiền rừng, bạc biển” Quan Lạn đã trở thành hai nguồn lợi chính trong đời sống của cư dân nơi đây.

Do đó hoạt động khai thác lâm sản tương đối phát triển. Dân cư khai phá đất đai ở những nơi bằng phẳng, gần nguồn nước lập lên các điểm tụ cư trên đảo. Rừng lùi dần nhường chỗ cho xóm làng. Hoạt động lâm nghiệp đã đóng góp nguồn hàng đáng kể trong lưu thông hàng hoá trên thị trường nội địa cũng như trao đổi buôn bán với bên ngoài. Từ rất sớm, lâm sản đã được khai thác để đem đi trao đổi buôn bán, nhất là từ khi có sự hưng thịnh của thương cảng Vân Đồn, nhiều sản vật rừng là mặt hàng có sức hấp dẫn mạnh đối với khách buôn các nước, đến mức các triều đình phong kiến đã phải quan tâm quản lý bảo vệ rừng. Năm 1013, Lý Thái Tổ quy định các sưu thuế về sản vật núi rừng. Năm 1656, nhà Lê quy định thuế lâm sản. Đồng thời, nhà Lê có luật cấm buôn bán sản vật quý khai thác từ rừng. “Nếu đem gỗ lim, vàng sống, vỏ quế, ngọc trai, ngà voi bán cho tàu buôn các nước thì xử biếm ba tư”. [7, tr116 ]. Năm 1720, chúa Trịnh Cương quy định thể lệ vận chuyển lâm thổ sản nhất định phải có giấy phép.

Từ vùng rừng núi, cư dân khai thác gỗ, tre, nứa để làm nhà, đóng thuyền, đan buồm, làm củi đun trong sinh hoạt hàng ngày hoặc thông qua hoạt động vận tải biển đem gỗ bán cho các chủ lò than ở đất liền hoặc bán cho dân đất liền xây nhà cửa. Thu hái các cây thuốc, đánh bắt các loài thú đem đi trao đổi buôn bán, mua về các mặt hàng cần thiết khác cho đời sống. Cư dân đã được sử dụng gỗ mần lái làm cột đình Quan Lạn. Đây là thứ lâm sản đặc hữu mà không nơi nào khác có được. Hàng trăm năm nay, ngôi đình nơi đầu sóng ngọn gió vẫn bền vững. Xưa thiếu sắt, ngư dân còn dùng chạc cây mần lái làm mỏ neo thuyền. Cùng với các loài hải sản, nguồn lâm sản quý khai thác được cũng là những sản vật địa phương có giá trị dâng tiến cho triều đình phong kiến.

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 33 - 34)