Tín ngưỡng dân gian

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 60 - 72)

3.2.1.1. Thờ cúng tổ tiên

Thờ cúng tổ tiên là một trong những đặc trưng đáng trọng của con người Việt Nam, ở chỗ nó là " Sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay trong mỗi gia đình làng xóm"( Phạm Văn Đồng - Văn hoá và đổi mới). Nó được coi là một tôn giáo chính thống của người Việt Nam và sức sống của dòng văn hoá phong tục này là vô tận. Cũng như cộng đồng người Việt nói chung, việc thờ cúng tổ tiên của ngư dân Quan Lạn hình thành trên cơ sở tiếp thu Nho giáo đề cao "Quyền huynh thế phụ", " lập ái tự tân thuỷ" ( Lòng yêu nước khởi đầu từ cha mẹ). Đây là một loại hình sinh hoạt tâm linh phổ biến, quan trọng mang màu sắc văn hoá Việt. Hơn nữa không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, về mặt xã hội nó là sợi dây bền chắc củng cố mối quan hệ gia đình, dòng họ trong đời sống truyền thống, là một nguồn gốc của đạo lý Việt để gây dựng tình cảm quê hương đất nước.

Mặc dù làm nghề chài lưới song do đặc điểm cư trú sống trên đất đảo nên dân chài Quan Lạn cũng giống như dân nội đồng, hầu hết mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ được đặt ở chính giữa nhà theo hướng cửa chính. Bàn thờ chia làm tam cấp với bộ ngũ bài vị. Trên bàn thờ của các gia đình ngư dân đều có treo ảnh Phật, thờ theo dòng Phái Trúc Lâm Yên Tử với ước mong nhận được sự che chở phù hộ từ các bậc cứu nhân độ thế. Dưới là các

bát nhang của 5 đời: Cặm, cụ, ông bà, cha mẹ. Vào các ngày 30, mùng 1, ngày 14, 15 âm lịch nhà nào cũng làm lễ cúng gia tiên, cầu cho gia đình khoẻ mạnh đánh được nhiều cá.

Nếu ngư dân các đảo khác do trình độ văn hoá thấp không có gia phả việc thờ cúng chỉ diễn ra trong 5 đời thì Quan Lạn là một đảo có người sinh sống lâu đời, còn giữ được các tục thờ cúng các vị tổ dòng họ. Tại các gia đình việc cúng tổ tiên diễn ra trong 5 đời, từ đời thừ 6 trở đi thì được quy về bát nhang hạ tổ hoặc thượng tổ và chuyển vào thờ trong nhà thờ họ. Mỗi dòng họ có một nhà thờ họ gọi chung là từ đường. Trong đó có những dòng họ thờ cúng trong 11 - 12 đời. Ở đảo Quan Lạn hiện nay có nhiều dòng họ như Phạm Thế, Phạm Quang , Hoàng Đình, Vũ , họ Đỗ… [42, 9]

Hàng năm các họ đều tổ chức giỗ tổ họ thường vào ngày 28 tháng Chạp hoặc mùng 4 tháng Giêng theo quy mô họ, ngành. Đại diện các gia đình đến nhà thờ cúng tế sau đó lần lượt các chi phái, các họ sắp cỗ cúng.

Ngư dân Quan Lạn không có tục thờ cúng ông Táo. Vào chiều 30 tết, các gia đình làm lễ đón gia tiên về ăn tết cùng con cháu. Mỗi gia đình làm từ 2 - 4 chiếc thuyền không mui bằng bẹ chuối. Trên mỗi thuyền cắm 6 lá cờ đuôi nheo bằng giấy xanh đỏ. Trên mặt thuyền trải một tờ giấy đỏ, đặt một dúm gạo, cắm 3 nén hương, tổ chức cúng gia tiên tiễn biệt năm cũ, đón tổ tiên. Đến mùng 4 hoặc mùng 6, tuỳ từng gia đình làm lễ hoá vàng đưa tổ tiên về thế giới bên kia.

Người dân Quan Lạn không có tục ăn tết Hàn thực mồng 3 tháng 3, mà tiến hành lễ tảo mộ vào trước tết để gia tiên đón năm mới với nhà lăng khang

trang. Nhưng hiện nay ngư dân chuyển sang tảo mộ vào tiết thanh minh.

3.2.1.2 Tín ngưỡng thờ thành hoàng

Nằm ở vị trí trung tâm của thương cảng Vân Đồn phát triển thịnh vượng nhất vào đời nhà Trần, lại là vùng gắn liền với chiến công lẫy lừng trên dòng

sông Mang mùa xuân năm 1288 của vua tôi nhà Trần. Bởi vậy ngư dân nơi đay đều cho rằng nhà Trần có công lớn vừa tạo dựng vừa bảo vệ vùng đất này, do đó thành hoàng hầu hết là các danh tướng nhà Trần.

Thành Hoàng thường được thờ ở nghè, miếu và chỉ rước ra đình khi có lễ. Song ở Quan Lạn, Thành Hoàng được thờ ở đình. Đình Quan Lạn xưa nằm ở trung tâm của đảo, đầu tiên được xây dựng ở gần bến Cái Làng. Sau được di chuyển hai lần. Ngôi đình ngày nay được xây dựng vào quãng năm 1890- 1900 theo phong cách kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Đình được xây dựng ở vị trí đắc địa phía trước nhìn ra vùng biển rất thoáng giống như thế “nhìn sông tựa núi” của đình làng Việt thông thường. Cửa đình hướng về phía đất liền. Đình gồm một bái đường nối với hậu cung bởi ba gian muống. Toàn đình có 32 cột cái, 26 cột quân chủ yếu bằng gỗ mần lái- một loại gỗ vào hàng tứ thiết. Bên ngoài đình rất bề thế thể hiện kiểu kiến trúc Việt Nam. Phía trước đắp nổi bốn chữ “Quốc thịnh dân hưng”. Bên trong được trang trí bằng nghệ thuật chạm khắc công phu. Các đầu bẩy đều chạm hình rồng với nhiều vẻ khác nhau. Một nét đặc sắc của đình Quan Lạn là kiến trúc sàn gỗ, kiểu kiến trúc này hiện nay chỉ còn ở Đình Bảng (Bắc Ninh), đình Trà Cổ (Móng Cái). Hiện nay trong đình Quan Lạn còn lưu giữ 19 thần sắc. Số sắc phong này đều thuộc thời Nguyễn, gồm các đời Thiệu Trị, Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân, Khải Định từ năm 1846 đến 1917.

Đình Quan Lạn thờ thành hoàng, các vị có công lập ấp làng. Trong sách chép về các thần của Quan Lạn có ghi "Thần thổ địa là thần có công khai phá đất đai dựng lên xã này, cũng là vị dũng mãnh chết trong chiến trận". Đáng tiếc là hiện nay không còn lưu tích gì để xác định vị thành hoàng đầu tiên của làng.

Sau đó, đình Quan Lạn thờ Trần Khánh Dư. Phó tướng Trần Khánh Dư được cử ra trấn ải miền Đông Bắc Vân Đồn. Vào tháng 2 năm 1288 quân

Nguyên đưa 500 chiến thuyền lương từ Khâm Châu sang nước ta tiếp viện cho tướng Thoát Hoan từ Lạng Sơn vào nước ta. Tướng Trần Khánh Dư trấn ải vùng Vân Đồn đã tổ chức cuộc chiến đấu tại sông Mang tiêu diệt 500 chiến thuyền và 70 vạn quân Nguyên và tướng giặc Nguyên là Trương Văn Hổ, hỗ trợ cho chiến thắng Bạch Đằng lịch sử tháng 4 năm 1288. Ngư dân Quan Lạn đã suy tôn Trần Khánh Dư là thành hoàng tại đây.

Vua Trần đã sắc phong cho phó tướng Trần Khánh Dư là Đương Cảnh Thành Hoàng đường cái cao Minh đại vương bảo an, giúp nước, che chở cho dân.

Trong sắc phong 1846 cho Trần Khánh Dư được mở đầu bằng tên "bảo an thành hoàng chi thần" và gia tăng thêm hai chữ " Chính trực".

Sắc phong số 1(3/8/1846) năm Thiệu Trị thứ 6 và sắc phong số 5 (14/9/1846) năm Thiên Trị thứ 6 ban sắc, gia tặng thêm hai chữ " Hựu Thiện".[36, tr567]

Đến năm 1850, đời Tự Đức thì gia tặng thêm 2 chữ "Đôn Ngưng". Năm 1880 cũng đời Tự Đức thì chỉ dẫn lại các mỹ từ này mà không gia tặng thêm. Năm 1887 sắc phong số 13 đời Duy Tân dẫn lại các mỹ từ " bảo an chính trực hựu thiện đôn ngưng" và gia tặng thêm 4 chữ " Dực Bảo trung hưng".[36, tr567]

Hiện nay trong đình còn có tượng Trần Khánh Dư cao 157cm trong thế ngồi ngai, hai tay đặt lên đùi. Ngoài ra ở xóm Thái Hoà còn có hai ngôi nghè thờ Trần Khánh Dư. Đây là nơi thờ chính, đến ngày hội đình thì rước bài vị Trần Khánh Dư về đình và tổ chức đua thuyền.

Cùng với Trần Khánh Dư, ba anh em nhà họ Phạm cùng được suy tôn là Thành Hoàng. Ba anh em họ Phạm là người địa phương, bộ tướng của Trần Khánh Dư đã tham gia chiến đấu dũng cảm và đã hi sinh trong trận chiến Vân Đồn (1288). Thần sắc thứ 20 viết " Sắc cho xã Quan Lạn, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên phụng thờ thần: Đặc tiến phụ tướng Thuận Hoá đạo đô thống

binh kiểm sự Phạm Công Chính; Đặc tiến Đồng Hồ miếu Hùng Dũng đại tướng quân Phạm Thuần Dụng, Quý Công rất linh ứng".[36, tr562 ]. Đây là nội dung của sắc phong Khải Định năm 1917.

Đến nay ở Quan Lạn có 3 ngôi miếu thờ 3 anh em nhà họ Phạm.

+ Miếu Đức Ông: thờ Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân Đông đô hầu dực bảo trung hưng Phạm Công Chính. Miếu nằm cạnh chùa có kiểu kiến trúc chữ công là nơi tổ chức các nghi lễ của hội.

+ Miếu Sao Ỏn: thờ anh thứ hai là Đặc tiến hùng dũng thượng tướng quân dực bảo trung hưng Phạm Quý Công.

+ Miếu Đồng Hồ: thờ anh thứ ba là đặc tiến phụ tướng Thuận hoá đại đô thống binh kiểm sự dực bảo trung hưng Phạm Thuần Dụng. [42, 2]

Hàng năm cứ 18/6 âm lịch, ngư dân trên đảo Quan Lạn mở lễ hội Vân Đồn truyền thống để tôn vinh công lao của Trần Khánh Dư và ba anh em họ Phạm.

Ngoài ra với sự ngưỡng mộ chân chính và lòng biết ơn sâu sắc ngư dân Quan Lạn rất tôn thờ những người có công. Tại xã đảo Quan Lạn hiện nay còn thờ vua Lý Anh Tông trong đình - người sáng lập ra thương cảng Vân Đồn (năm 1149) được coi là một trong những người có công đầu khai phá sáng lập đất này.

Bên cạnh đó, ngư dân nơi đây thờ Ngũ vị đại vương - Năm tước vương đời Trần là Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật, Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Tảng. Đây là những danh tướng mà tên tuổi, chiến công của họ gắn liền vùng đất phên giậu Đông Bắc của Tổ quốc. Nói về tín ngưỡng này trong bài dao của lễ hội Vân Đồn viết:

"Trên thì đông đám thờ thần Ngũ vị đại vương nhé Dưới sông hai chiếc thuyền rồng vẽ mũi chèo bơi".

Cũng trong tín ngưỡng tôn thờ người có công, ở Quan Lạn đến nay còn tồn tại hai ngôi miếu thờ "Trần triều hiển thánh" đó là miếu con Quy và miếu

bên Sông Mang. Đây là hai trên tổng số ba ngôi miếu ở Quảng Ninh thờ “Trần triều hiển thánh” (1 miếu ở Gián Khẩu (Hòn Gai) và 2 miếu ở Quan Lạn, ngoài ra không thấy ở nơi nào khác ở Quảng Ninh). Tại trận chiến Vân Đồn năm 1288, quân ta cùng bị tổn thất nhiều, quân của hai bên “máu chảy đỏ nước, xương chất đầy sông”. Để ghi nhớ công ơn những người đã chiến đấu dũng cảm, hy sinh trong chiến trận, ngư dân nơi đây đã rước vong tất cả tướng sĩ ,binh lính chết trong trận này vào miếu để thờ cúng. [42, 4]

Như vậy có thể nói trong hệ thống tín ngưỡng của ngư dân Quan Lạn nổi bật lên vai trò thờ cúng các nhân thần. Họ tôn vinh những con người thực có tên tuổi trong lịch sử chứ không phải chỉ là hư vô. Hay nói cách khác tín ngưỡng của ngư dân Quan Lạn không mê tín song rất tâm linh.

3.2.1.3. Sùng bái tự nhiên

Theo K. Marx. "Con người tạo thần thánh theo mô thức xã hội của chính con người". Tín ngưỡng thờ thần nói chung của văn hoá Việt Nam bắt nguồn từ hoạt động mưu sống của con người khi trình độ sản xuất thấp kém có lúc thành công, khi thất bại, họ không giải thích được nên kính phục sợ hãi những lực lượng vô hình như thần Nông, thần núi… hoặc do ngưỡng mộ sự thần kì của con người.

Việc thờ thần được chia làm 3 cấp: Thờ thần gia đình xóm ngõ, thờ thần làng ấp, thờ thần của một nước, một dân tộc.

Tuy nhiên thần thánh chỉ sống trong biểu tượng là các con người của dân tộc tạo ra thần thánh ấy. Tức là các vị thần không có tính phổ quát nhưng lại bền vững với từng dân tộc. "Lĩnh vực chi phối của các vị thần đó không vượt khỏi biên giới của lãnh thổ dân tộc mà các vị thần ấy phải bảo vệ và ngoài biên giới đó thì do các vị thần khác tiến hành sự thống trị, không ai tranh giành được. Tất cả các vị thần ấy chỉ có thể tiếp tục tồn tại trong trí tưởng tượng chừng nào dân tộc tạo ra các vị thấn ấy còn tồn tại. Khi dân tộc đó tiêu vong thì các vị thần ấy cũng tiêu vong theo" [8, tr445 - 446].

Ở Quan Lạn do đặc điểm địa hình cư trú, do đặc trưng nghề nghiệp nên tín ngưỡng thờ thần khá phong phú.

+ Thờ Thuỷ thần:

Thuỷ thần có nghĩa là thần sông nước. Những ngư dân vùng Quan Lạn thường xuyên phải ra khơi vào lộng gió bão tố luôn là sức mạnh thần bí. Mặt khác nghề đánh cá biển thu hoạch thất thường đầy tính may rủi, cho nên người dân càng trông chờ vào thần linh. Do đó việc thờ thuỷ thần ở đây rất được coi trọng.

Thuỷ thần được thờ tại Quan Lạn mang tính chất biển hơn là sông với danh hiệu "Đại càn quốc gia Nam Hải tứ vị tôn thần" hay còn gọi là tứ vị

thánh nương. Theo sách “Việt Điện u linh”,” Lĩnh Nam chính quái” và theo

truyền thuyết còn kể lại trong ngư dân Quan Lạn hiện nay thì tứ vị thánh nương là thái hậu họ Dương và ba công chúa con vua Tống Đế Bình. Cuối niên hiệu Trùng Hưng ( 1278 - 1279) quân Tống bị quân Mông Cổ đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống đem gia quyến và bề tôi lên thuyền trốn ra biển. Bị đuổi gấp, vua tôi phải nhảy xuống biển tự tử- xác của thái hậu và ba cô công chúa trôi vào cửa Cờn, được dân chài chôn cất dựng miếu thờ gọi là Đền Cờn. Miếu tương truyền rất thiêng thường phù hộ cho người đi biển. Cho nên dân chài dọc bờ biển nước ta nói chung và dân Quan Lạn nói riêng đều lập miếu thờ.

Tại đình Quan Lạn hiện nay còn lưu giữ sắc phong của vua Minh Mệnh gia tặng cho tứ vị thượng đẳng thần danh hiệu "Đại càn quốc gia Nam Hải hàm hoằng quang đại chí đức". Sau đó vua Thiệu Trị sắc phong thêm hai chữ "Phổ báo" vào năm 1846. [7; 562]

Ngoài việc thờ tứ vị thánh nương, trong đình Quan Lạn còn thờ cả Dương Không Lộ - ông tổ của nghề đúc đồng ở nước ta. Nhưng ở Quan Lạn lại có ý nghĩa là vị thần của nghề chài lưới. Sắc phong Thiệu Trị 1846 phong thần cho Không Lộ Giác Hải, gia tặng " Thành xung Tuệ Trùng Tĩnh"[36, tr562]

+ Thờ Sơn Thần:

Ngư dân Quan Lạn tôn thờ thần Cao Sơn. Theo truyền thuyết Cao Sơn là một trong 50 người con trai của Lạc Long Quân theo cha lên núi. Thần Cao Sơn giỏi thuốc, thường hiện thân làm thầy lang chữa bệnh đậu mùa cho nhân dân. Lúc sinh thời có hiệu là Tế giang cư sĩ. Nhân dân Quan Lạn thờ Cao Sơn trong miếu ở xóm Thái Hoà gọi là Cao Sơn thần miếu.

Đối với ngư dân Quan Lạn, Cao Sơn là một vị thần rất linh ứng, " Thần tối cao chi thượng, ngồi cao trông xa, cứu bệnh cứu hoả… cứu dân độ thế, trừ tà ác quỷ, trừ tại côn đồ".[42, 3].

Một điều đặc trưng ở Quan Lạn trong việc thờ Sơn Thần là có sự hoà quyện giữa thiên thần và nhân thần. Tại miếu, bên cạnh Cao Sơn còn thờ ông tổ dòng họ Đỗ Tấn Thân, đã nhập vào làm một phù hộ cho con cháu " làm ăn xa vắng, đi xa về gần…".

Với địa hình đất đảo Quan Lạn được che chắn bởi 8 dãy núi ( Phía trước 5 dãy, phía sau 3 dãy), hơn nữa ngư dân nơi đây lại có một ngư trường kín gió được bao bọc bởi các dãy núi để làm ăn sinh sống thuận lợi, do đó ngư dân Quan Lạn rất tôn thờ thần Cao Sơn. Đầu năm trước khi ra biển ngư dân đảo Quan Lạn đều bình an, mưa thuận gió hoà. Đồ cúng lễ tại Cao Sơn thần miếu thường có những hình thuyền chèo bằng vàng mã có quân có tướng, vừa mang ý nghĩa cúng tế cho Cao Sơn, thế mạng cho dân chài, vừa kỉ niệm chiến thắng Vân Đồn Lịch sử tháng 2 năm 1288. [42, 4]

+ Tín ngưỡng thờ mẫu:

Tại chùa Linh Quang trên đảo Quan Lạn, điện thờ mẫu cũng được bày trí theo sơ đồ chung sau:

- Điện thờ mẫu được bày trí theo quan niệm tả nam, hữu nữ từ trong nhìn

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 60 - 72)