Những ảnh hưởng của tam giáo trong đời sống ngư dân Quan

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 72 - 75)

Du nhập vào nước ta trong những thời điểm khác nhau, bằng các con đường khác nhau, song đến thời Lý 3 tôn giáo: Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo cùng tồn tại được triều đình thừa nhận, tôn trọng trong giáo dục và thi cử. Lịch sử gọi là thời kì “ Tam giáo đồng nguyên ”.

Quan Lạn nằm trong thương cảng Vân Đồn được nhà Lý thành lập năm 1149. Đến đây đã chịu sự quản lí của triều đình phong kiến, cùng với sự giao lưu văn hoá với bên ngoài qua đường biển, đã làm tư tưởng tam giáo dần được du nhập vào Quan Lạn.

- Đạo giáo xâm nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỉ thứ II, đã tìm thấy những tín ngưỡng tương đồng sẵn có từ lâu, nên đã nhanh chóng thâm nhập hoà quyện với tín ngưỡng dân gian đến mức không còn ranh giới. Trên cơ sở của thuyết vô vi, đạo giáo đến với ngư dân Quan Lạn tạo nên tư tưởng dân chủ, lối sống phóng khoáng, gần gũi với tự nhiên và hết sức giản dị- giản dị trong lễ nghi tâm linh, giản dị trong sinh hoạt.

- Nho giáo được nhà nước phong kiến tiếp nhận về khai thác những yếu tố thế mạnh của nó cho việc tổ chức và quản lí đất nước. Song đến với Quan Lạn, trong điều kiện xa đất liền, việc quản lí của triều đình còn hạn chế, cuộc sống ngư nghiệp tương đối tự do thì Nho giáo có ảnh hưởng về văn hoá hơn là thống trị: đó là tình yêu thương con người trong cộng đồng, đề cao chữ hiếu trung quân gắn liền với ái quốc. Cũng do điều kiện đó, Nho giáo ở Quan Lạn có tính mềm dẻo hơn biểu hiện ở tư tưởng bình đẳng nam-nữ, tư tưởng tự do yêu đương. [42,1]

- Phật giáo: xuất hiện ở Quảng Yên rất sớm, đến thời Lý nhất là thời nhà Trần đạo Phật cực thịnh ở vùng đất này và Yên Tử, Quỳnh Lâm đã trở thành trung tâm Phật giáo của toàn quốc. Người dân Quan Lạn rất sùng bài đạo Phật, và hầu hết theo dòng thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông lập ra trên cơ sở dung hợp tư tưởng Phật với triết lí sống tìm về thiên nhiên của lão Trang. Nhu cầu về tín ngưỡng được giải quyết bằng việc lập chùa chiền, dựng bia tạc tượng. Chùa Linh Quang tại Quan Lạn là một ngôi chùa nổi tiếng. Chùa nằm bên cạnh đình Quan Lạn. Chùa có tên chữ là Linh Quang tự. Chùa khi mới xây dựng là nhà tranh vách đất sau đến thời Trần được tu sửa

lại. Chùa có kiến trúc giản dị theo lối kiến trúc chung của chùa làng thời Trần. Nền nhà được tôn cao hơn mặt đất 80 phân. Mặt nền hình chữ nhật gần như vuông. Nền được vỉa bằng gạch. Chùa có 1 gian hai chái với 4 cột cái thấp to và 12 cột quân tương ứng, có 2 bờ vì để đỡ 2 mái chính và 2 mái bên. Ngoài cùng là tam quan sau đến bái đường và hậu cung. Trong chùa trên các đầu xà, đầu trụ, có chạm khắc hoa lá, chủ yếu là hoa sen. Tường xung quanh xây bằng gạch.[3; ]

Cách bày trí Phật điện, việc thờ cúng trong chùa Linh Quang thể hiện rõ tư tưởng Tam giáo trong văn hoá tinh thần của ngư dân Quan Lạn.

Phía trước chùa đặt tượng bà Quan Âm để thể hiện lòng sùng phật - một lối thượng thần mang siêu lực vô lượng đem đến nguồn hạnh phúc cho đời. Nơi thờ chính của chùa được chia làm ba gian. Gian giữa phật điện được xây cao hơn. Trên cùng đặt ngang hàng ba bức tượng ở giữa là Phật bà bên trái là Lão tử, bên phải là Khổng Tử. Bên dưới là tượng vua Trần Nhân Tông - người sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm và vua Lý Anh Tông người lập ra thương cảng Vân Đồn. Gian bên phải thờ cấp cô độc - người cấp đất xây chùa.[42, 10]

Gian bên trái thờ mẫu Tam Phủ, Tứ Phủ là sự hoà quyện giữa đạo giáo với tín ngưỡng dân gian.

Ngoài ra chùa còn thờ cụ Hậu - một bà lão ở Quan Lạn không chồng con, sinh thời hiền lành phúc đức, chăm chỉ làm ăn để dành được một số tiền của lớn. Trước khi chết đã dành toàn bộ số tài sản của mình cho nhà chùa. Dân làng đã tạc tượng cụ và thờ trong chùa. Bức tượng cụ Hậu là một bức tượng dân gian khá đặc sắc được lưu giữ trong chùa.

Chùa còn thờ sư tăng Trần Huyền Trang (thời Đường - Trung Quốc). Bức tượng mô tả Trần Huyền Trang trong thế đứng, mặc áo cà sa, tay cầm trượng. Chùa cũng thờ Quan Công (quan Vân Trường). Trong chùa còn đặt nhiều bát nhang cho các linh hồn vong linh đã khuất.

Qua cách bày trí trên ta thấy được sự tiếp xúc giữa tín ngưỡng truyền thống với các tôn giáo ngoại lai biểu hiện trong lối kiến trúc phổ biến của chùa chiền Việt Nam đó là “tiền Phật hậu Thần” tức là thờ trong chùa các thần, các thánh, các vị thần thành hoàng làng, thổ địa... hay việc thờ Mẫu trong thần điện... đồng thời thấy rõ sự dung hợp của 3 tôn giáo ngoại lai.

Trước đây chùa Linh Quang là trung tâm văn hoá của làng. Hầu hết các sinh hoạt văn hoá đều diễn ra ở chùa. Ngày nay, chùa vẫn được còn là chốn linh thiêng. Người dân đến chùa để cầu may, để ngư dân ra biển an toàn, mưa thuận gió hoà, để làm lễ ra binh đầu năm hay đơn thuần là để du ngoạn. Hiện nay chùa còn lưu giữ được đầy đủ hệ thống tượng Phật có giá trị điêu khắc mang đậm phong cách thời Nguyễn, các bức hoành phi, câu đối, sắc phong của vua Thành Thái (1889) phong cho mẫu Liễu Hạnh.

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 72 - 75)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)