Những biến đổi ngày nay

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 57 - 59)

Văn hoá phong tục của ngư dân Quan Lạn được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của cộng đồng. Bên cạnh tính phổ biến và ổn định, văn hoá phong tục cũng vận động và phát triển không ngừng cho phù hợp với thời đại mới, điều kiện mới.

Một phần do hoàn cảnh chiến tranh trước đó, một phần do điều kiện đời sống nâng cao, thêm vào đó là sự xuất hiện của nhiều loại hình sinh hoạt văn hoá mới đã làm cho việc cưới xin được đơn giản hoá nhiều. Đám cưới ngày nay chỉ giữ lại những nghi thức chính căn bản như dạm ngõ, ăn hỏi, lễ cưới song cũng được sơ giản rất nhiều về mặt thủ tục. Việc thách cưới, tiền cheo hay việc nhà trai đem hiện vật cho tiệc cưới của nhà gái chỉ mang tính chất tượng trưng thể hiện sự đền đáp của chàng rể đối với công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ cô gái, chứ không nặng nề như trước. Thời gian thử thách từ sau lễ ăn hỏi đến lễ cưới chính thức rút ngắn, thường được cử hành ngày sau khi ăn hỏi, chứ không còn kéo dài trong 2 - 3 năm như trước.

Tục hát cưới qua ba lần mở ngõ và hát mua hoa, bán hoa, mua chim không còn phổ biến nữa. Vào những năm 50, kiểu hát có đĩa hoa nhà trai nhà

gái lần lượt xướng hoạ chỉ thấy ở vùng đảo Vân Đồn nhất là ở cộng đồng dân chài. Đến nay, loại hình nghệ thuật dân gian này bị đẩy vào quên lãng, chỉ có một số cụ già xưa là “cây hát”, “thợ hát” mới có thể hát được những bài hát cưới theo lối giao duyên này. Theo chủ trương xây dựng đời sống mới gắn liền với quá trình tôn trọng và phát huy các vốn cũ trong thời đại mới, trong những năm gần đây, Sở văn hoá thông tin tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều dự án khôi phục lại đám cưới truyền thống của ngư dân Quan Lạn, phục hồi lại tục hát cưới cũng như các điệu hò biển, hát giao duyên của ngư dân dưới góc độ văn hoá phi vật thể.

Ngược lại tính cộng đồng trong tang lễ của ngư dân Quan Lạn lại được duy trì khá bền vững. Lo tang lễ cho người quá cố được coi là trách nhiệm là “cái nợ đồng nần” của tất cả mọi người trong xóm khi trong xóm có tang lễ, mọi người đều tự giác tham gia hộ tang theo sự điều động của trưởng xóm hoặc ban tổ chức lễ tang. Sau khi hoàn tất việc tang lễ, chủ nhà bắt buộc phải mời cơm mọi người trong xóm. Nhà nào khá giả phải mời làng xóm dự cả đám cỗ ba ngày. Dù trong nhiều đợt cải lương hương chính, làng cố gắng xoá bỏ lệ này nhưng đến nay lệ mời xóm đến ăn vẫn tồn tại gây nhiều tốn kém cho các gia đình, mặc dù thành phần mời cỗ và mức độ tổ chức cỗ có giảm.

Tính tiến bộ và tích cực trong tang lễ của ngư dân Quan Lạn ngày càng được phát huy cùng với xu hướng xây dựng nếp sống văn hoá. Đó là việc tuyệt đối không sử dụng thầy cúng trong cử hành tang lễ, đơn giản hoá các thủ tục rườm rà. Song do quan niệm tâm linh và sinh hoạt gắn liền với biển, do đó ngư dân rất chú trọng đến những đám tang của người chết đuối, thủ tục có phần nhiều hơn, phức tạp hơn. Song cũng được giản lược, ngư dân đã thay hình người giả trong quan tài gỗ bằng thi hài vàng mã rồi hoá vàng thay cho việc đem chôn lập mộ giả.

Cũng sự thăng trầm biến thiên của lịch sử, các lễ hội truyền thống của ngư dân Quan Lạn cũng có lúc bị gián đoạn mai một. Ngày nay, lễ hội cầu gió

phần nào đã được đơn giản hoá về nghi thức và tổ chức. Ngư dân đã không còn đắp các ngôi sao bằng đất, hình ảnh người con gái cũng được bỏ đi, chủ yếu chỉ giữ lại các nghi lễ tế vào ngày 15 tháng 3, nghi lễ tế được giao cho những người cao tuổi trên đảo - những người biết Nho học, tinh thông phong thuỷ cùng ban văn hoá xã đảm nhiệm. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình đều cử người đến dự lễ, đem theo lễ vật để tỏ lòng thành kính sự biết ơn. Sau lễ tế, một số thuyền đã được phân công trước, giong buồm lên hướng Bắc vừa mô tả hình ảnh Lý Long Tường ra đi, vừa đi đánh bắt với hy vọng có sự may mắn bất ngờ như gió Tây Nam xuất hiện giữa tháng 3. Những năm gần đây, phần hội Vân Đồn trở nên phong phú và hấp dẫn hơn với nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hoá thể thao như: bóng chuyền, đánh vật, kéo co, cờ người, thi người đẹp làng Vân, tiếng hát làng Vân hoặc mời đoàn chèo về trình diễn đoạn chèo “thế trận Vân Đồn.” [32, tr108].

Song hiện nay với sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp việc phục hồi và phát huy giá trị trong lễ hội của Quan Lạn được thực hiện với kết quả cao. Các lễ hội đặc biệt là lễ hội chèo bơi Quan Lạn được khôi phục với quy mô ngày càng lớn. Nó không chỉ là một hoạt động văn hoá cộng đồng của ngư dân, mà còn là nguồn lực to lớn góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Như vậy phong tục cũng mang tính hai mặt: mặt tích cực tiến bộ và mặt lỗi thời lạc hậu. Sự biến đổi trong phong tục ngày nay của ngư dân Quan Lạn cũng nằm trong quy luật chung của sự vận động văn hoá, dưới quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước đó là phát huy tính tiến bộ phù hợp với nhu cầu điều kiện cuộc sống, loại bỏ dần mặt lỗi thời lạc hậu, hình thành nền văn hoá mới tiên tiến.

Một phần của tài liệu Văn hoá đảo Quan Lạn huyện Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh trong lịch sử (Trang 57 - 59)