Giọng điệu triết lý, tranh biện

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn ma văn kháng thời kỳ đổi mới (Trang 94)

Đọc những truyện ngắn gần đây của Ma Văn Kháng, người đọc còn nhận thấy một giọng điệu nổi bật trong các tác phẩm của ông là giọng triết lý, tranh biện. Nhà văn suy ngẫm về thế thái nhân tình và thể hiện quan điểm cách nhìn của mình dưới dạng những triết lý có tính khái quát cao.

Nói về giọng điệu triết lý trong truyện ngắn Ma Văn Kháng, nhà nghiên cứu Lã Nguyên nhận xét: “Mang chiều sâu của triết luận nhân bản về đời sống, nội dung xã hội của tác phẩm Ma Văn Kháng bao giờ cũng vượt ra ngoài ý nghĩa đề tài, chất liệu”.

Giọng điệu triết lý, tranh biện là một trong những nét đổi mới từ sau 1975 của các nhà văn hiện đại nói chung. Lúc này, nhà văn đối mặt với nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân sinh thế sự. Giọng độc thoại bị lấn dần bởi giọng đối thoại, tranh biện về những vấn đề của đời sống. Với Nguyễn Khải, những vấn đề nhân sinh thế sự như ý nghĩa cuộc đời, sự lựa chọn cách sống, kế mưu sinh, vấn đề lương tâm, đạo đức thường được luận bàn trao đổi. Trong một số truyện Hai ông già ở Đồng Tháp Mười, Cái thời lãng mạn, Chúng tôi và bọn hắn, Anh hùng bĩ vận …, mỗi nhân vật được nhà văn quan niệm như một ý thức. Mỗi phát ngôn của họ đại diện cho một ý thức riêng không phụ thuộc vào ý thức của tác giả.

Giọng điệu triết lý, tranh biện của Ma Văn Kháng mang nét đặc sắc riêng. Đọc Ma Văn Kháng thấy xuyên suốt những trang văn một triết luận đời sống hết sức nhất quán. Triết luận ấy lấy tình người, tính người và sự hồn nhiên làm mẫu số để nhà văn trò chuyện về con người và cuộc đời.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 92

Từ những câu chuyện của cuộc sống thường ngày, nhà văn chiêm nghiệm triết lý luận bàn để chủ đề được mở rộng và nâng vấn đề lên tầm khái quát. Trong truyện Trăng soi sân nhỏ, bằng giọng điệu triết lý, nhà văn đã thể hiện quan điểm của mình về văn chương: “Văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể ở chiều sâu tâm hồn, chứ đâu phải là đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật” [25,tr. 442]. Nhà văn đòi hỏi người viết văn phải đi sâu khai thác đời sống nội tâm của con người chứ không phải chỉ miêu tả đơn thuần những sự việc hàng ngày bày ra trước mắt.

Những triết lý của Ma Văn Kháng về cuộc đời, về sức sống của con người được ông gửi gắm rải rác trong các trang truyện. Thông qua nhân vật ông Thại, nhà văn triết lý về bản chất của con người trong truyện Tóc huyền màu bạc trắng: “Người là con vật lý trí và rất uyển chuyển. Nó biết sống cả

trong những hoàn cảnh khủng khiếp nhất” [25,tr.415].

Trong truyện Anh thợ chữa khóa, nhà văn đi sâu trần thuật công việc của những người làm nghề bán hàng rong để rồi khái quát một quy luật vĩnh hằng, tự nhiên trong công cuộc mưu sinh của con người. “Mưu sinh, tự lo toan hóa ra là cuộc sống khởi thủy, vĩnh hằng, là dòng sông tuôn chảy dồi dào, phù hợp với cái hăm hở vốn có của con người. Phải sống. Phải lăn lưng vào cuộc sống. Phải chịu thương chịu khó. Phải chăm bới đất nhặt cỏ. Phục vụ người, ta lại được phục vụ lại, ấy là cái vòng tròn tự nhiên của đời sống”.

[25,tr.504]. Hay trước hành động, cách ứng xử bất ngờ giữa chị Thoan và vợ anh Thiều, nhà văn nhận xét, bàn luận, triết lý về lẽ tự nhiên trong đời sống con người: “Tự nhiên bao giờ cũng cao hơn luân lý, nó có sẵn lời giải đáp

khác hẳn kịch bản do con người dàn dựng lên” [25,tr.517].

Có khi từ những mâu thuẫn trong gia đình, nhà văn khái quát thành quan niệm về bản năng tự vệ của con người: “Cuộc sống chưa bao giờ dễ dãi xét cả tiến trình dài dằng dặc. Ước muốn bao giờ cũng cao hơn trạng thái hiện thực và sự sinh tồn, tâm lý tự vệ thường trực của sinh vật là nhân tố

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 93 quan trọng để duy trì những tập tính tối tăm, đời sống do vậy là một kết cấu có cả cái tốt lẫn cái xấu” [25,tr.431].

Trong truyện Một chiều giông gió, nhà văn triết lý về thiên chức của người phụ nữ: “Vả chăng làm mẹ làm vợ là một hạnh phúc tuyệt vời, nhưng cũng là một khổ ải nhân thế người phụ nữ phải đơn độc gánh vác suốt một đời người rồi!”.

Từ hình ảnh xinh đẹp của Nhiên (Nhiên - Nghệ sỹ múa) tác giả thể hiện quan niệm về cái đẹp: “Cái đẹp là sự thật ở góc độ rõ ràng, và hơn nữa, cái đẹp là cái gây rung động thẩm mỹ sâu xa vô hạn và tự nhiên. Giống như thơ là sự biểu hiện thuần túy của tâm linh, thơ ít bị thiên kiến gò bó, vì vậy thơ chiếm vị trí cao nhất trong các bộ môn nghệ thuật về vẻ đẹp hồn nhiên”.

[25,tr.650].

Từ cuộc đời của ông Thiềng (Ngày đẹp trời) - quan trắc viên khí tượng, Ma Văn Kháng đã đi tới một nhận thức mang tính chiêm nghiệm đầy triết lý: “Dưới bầu trời, trên mặt đất này, cuộc sống vẻ như ổn thỏa nhưng còn bao điều gieo neo vất vả, bất thường”. “Chẳng bao giờ hết may rủi trong

cuộc sống của con người”. Trong Đường ngoằn ngoèo nguy hiểm, Thiết -

người lái xe với cả một quãng đời đẹp đẽ nhưng chỉ một sơ xuất nhỏ đã dẫn anh đến một lỗi lầm nghiêm trọng, anh đau xót nhận ra rằng: “Đời người thật có bao giờ được như ý. Chẳng sao mà có thể lường trước được mọi biến cố”.

Truyện ngắn Ma Văn Kháng từ sau 1975 có nhiều nét đổi mới. Viết về đề tài đời tư thế sự, giọng điệu trần thuật trong các tác phẩm không còn là giọng đơn thanh mà là giọng đa thanh. Nhà văn và nhân vật tranh biện cùng độc giả về con người, về cuộc đời, về thế sự nhân sinh.

Trong khi đối thoại, tranh luận, các nhân vật của Ma Văn Kháng thường bộc lộ trực tiếp quan niệm, chính kiến của mình về vấn đề mà nhà văn quan tâm. Vì thế những vấn đề đem ra đối thoại, tranh biện thường được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 94

Thanh minh trời trong sáng kể về những anh chị em trong một gia đình đi tảo mộ. Trong những câu chuyện phiếm trên đường đi của họ, nhà văn đã khéo gài vào các lời đối thoại của các nhân vật những quan niệm nhân sinh sâu sắc. Khi nói về cuộc sống sinh hoạt của giai cấp phong kiến quý tộc trong phim Hồng lâu mộng, nhân vật chị cả bộc lộ quan niệm của mình về cái ăn, cái mặc, về nhu cầu ước muốn chính đáng được sống sung sướng của con người: “Học ăn cũng phải năm đời còn học mặc cho thanh lịch cũng phải mười đời”, “cái lý ở đâu lại không cho người ta làm giàu”.

Bằng cái nhìn nhân hậu, nhà văn đối thoại, tranh biện về tình yêu thương ở con người: “Ấy thế, cuộc sống nói cho cùng, tồn tại lâu dài được chẳng phải là nhờ ở sự hiệp nhất con người trong tình yêu thương, trong sự

rộng lượng tha thứ đó sao!” [25,tr.568]. Hay “Lòng nhân từ xưa nay chẳng

đã bao hàm trong nó cả sự tha thứ? Và cuộc đời này còn có là nó nữa không

nếu thiếu vắng sự độ lượng, khoan hòa?” [25,tr.574].

Suy cho cùng những lời đối thoại, tranh biện được thể hiện qua lời của nhân vật nhưng thực chất đó là lời đối thoại của nhà văn với bạn đọc về cuộc đời.

Có thể nói rằng, Ma Văn Kháng là nhà văn có ngòi bút sắc sảo, tinh tế. Ông có tài mổ xẻ, phanh phui, phát hiện chiều sâu tính cách và tâm hồn nhân vật. Những lý lẽ, triết lý trong truyện ngắn của ông có thể được thể hiện trực tiếp qua phát ngôn của người trần thuật cũng có khi thể hiện gián tiếp qua nhân vật. Tất cả những triết lý ấy đều là sự tổng kết của cả một quá trình nhà văn tìm tòi, phát hiện, chiêm nghiệm, đúc kết từ cuộc sống. Nó là sản phẩm của một trái tim đầy tâm huyết với con người và cuộc đời. Có lẽ chính bởi thế mà tác phẩm của Ma Văn Kháng thường có tính đa nghĩa, tầm khái quát, chất triết lý sâu rộng và sức hấp dẫn lôi cuốn riêng.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 95 3.1.2.4. Giọng điệu trào lộng trang nghiêm

Giọng điệu hài hước, trào lộng làm nên nét hấp dẫn riêng của truyện ngắn Ma Văn Kháng. Tác phẩm của ông thường đan xen những cuộc đối thoại giàu kịch tính để tạo chất khôi hài. Tác giả sử dụng ngôn từ được chắt lọc từ lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân, lúc trang trọng, lúc đôn hậu, lúc thân mật suồng sã. Giọng điệu hài hước của ông không cường điệu, sắc bén như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan mà hóm hỉnh, dí dỏm, thâm thúy.

Với truyện ngắn Những người đàn bà, “Ma Văn Kháng là nhà văn đầu tiên viết được những truyện ngắn khoái hoạt về lòng ái dục của con

người” [37]. Trong những cuộc đối thoại của những người đàn bà ở khu tập

thể, ta thấy có sự đậm đặc của chất giọng hài hước, dí dỏm:

“ - Hề hề. Tao hãi rét lắm. Lên giường là tao vớ cái chăn quấn chặt như cái kén. Tao lấy độc trị độc, cho lão ăn hành răm. Lão khọm già yếu, sức không kéo nổi cái chăn tao quấn!

- Nhà cháu dạo này cũng yếu lắm.

- Này, một trăm con lợn cùng chung cỗ lòng nhé” [25,tr.480].

Nhà văn đã không ngần ngại e dè khi viết về những câu chuyện ái dục. Với giọng điệu hài hước, trào lộng, ông đã viết về những vấn đề thầm kín ấy một cách rất tự nhiên. Qua đó người đọc nhận thấy rằng hóa ra còn có một dòng sông tình thầm thào chảy dưới cuộc sống lộ thiên nhìn thấy, nó thầm chảy nhưng dào dạt vô cùng.

Cũng có khi, nhà văn mượn giọng điệu trào lộng trang nghiêm để chế giễu lối sống hành lạc. Có thể thấy rõ điều này qua truyện Ngẫu sự, Anh cả tôi - người sung sướng.

Nhà văn miêu tả cảnh sống của ông Chính và bà Thu Hoài - người vợ cũ của ông Chính bằng một giọng hài hước, khinh khỉnh. Từ cái nhìn của nhân vật tôi, nhà văn đã tả người tình của bà Thu Hoài (Anh cả tôi - người

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 96

sung sướng): “Bà chị dâu cũ của tôi và một gã trai trắng trẻo, cao một mét bảy mươi ba phân, mặt lạnh lùng, ria mép lún phún, đặc sệt giọng quê. Gã bỏ nghề thông dịch vì lý do giọng không chuẩn chứ không phải nói tiếng Ba Lan mới hay làm sao, như bà chị dâu cũ của tôi ca ngợi hồi nào. Gã ở nhà tập kèn Clarinet vì phát hiện ra trong bộ ngực lép như gián của mình có một lượng khí lớn hơn người. Hai đứa con của vợ gã chỉ thoát khỏi cực hình khi gã mỏi mồm quá, và sực nhớ đã đến giờ đem xe đạp đi đón vợ ở nhà hát về”

[16,tr.154].

“Đài các giả, phong lưu mượn, cái mặt ấy, cái sức học ấy chỉ đủ để gã lừa mị đàn bà con gái nhẹ dạ và ăn bám họ thôi. Lúc này, gã đã thành tên ăn bám bà Thu Hoài rồi. Mà ăn bám bà Thu Hoài tức là ăn bám ông anh tôi. Ông anh tôi tận tụy gánh cái gánh nặng nuôi một nữ diễn viên đang toan về già bao một gã trai tơ để thỏa dục tình - một cái mốt đang thịnh hành - không một lời phàn nàn, ca thán, chứ đừng nói là dè bỉu, khinh miệt” [16,tr.157]. Bằng giọng điệu hài hước nhẹ nhàng, nhà văn chế giễu đả kích những kiểu người vụ lợi, ích kỷ, trơ trẽn. Có điều, ông phê phán mà không hề lên gân, không hề hô khẩu hiệu. Lời văn của ông cứ bình thản nhẹ nhàng mà ý vị, sâu sắc.

Có lúc tiếng cười được vang lên với những âm sắc khác nhau, trào lộng mà trang nghiêm, cười để nhận thức đời sống. Có thể dẫn ra một đoạn trong truyện Ngẫu sự: “Lần đầu tiên nàng nhận ra cuộc sống dưới dạng nguyên bản chẳng giống mấy tí với kịch bản sân khấu quen thuộc xưa kia của nàng (…) Còn thiếu gì chuyện - ông B con rể ông A, ông A quen ông Y uy quyền lớn, nên đáng lẽ ông B phải tù chung thân mà hóa ra được đi tham quan nước Pháp! Bà L vốn chỉ là một o du kích chữ nghĩa không đầy cái lá mít, nhưng vì được các ông lớn để ý, nên đã lên hàm bà lớn. Tướng K bị bắt tội tham nhũng vừa “hạ cánh an toàn”, xây một tòa lầu ba tầng gắn gia huy có chữ “Mộng đẹp” và cưới một ca sỹ bằng tuổi con gái út mình” [25,tr.331]. Giọng điệu

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 97

của đoạn văn trên như giỡn đùa bỡn cợt nhưng lại chứa đựng bao vấn đề của đời sống. Với cách sử dụng giọng điệu hài hước, nhà văn nêu lên những vấn đề quan trọng của xã hội. Bởi thế mà câu văn vừa có chất trào lộng vừa phảng phất nét trang nghiêm.

Giọng điệu trào lộng, trang nghiêm tuy không phải là giọng chủ âm nhưng nó góp phần tạo nên một phong cách nghệ thuật riêng của Ma Văn Kháng. Đó là phong vị hài hước rất có duyên thấm trong lời văn của ông, đọc là không thể quên. Giọng hài hước, trào lộng của Ma Văn Kháng không dễ gì hiểu ngay được, người đọc phải có thời gian tìm hiểu mới nhận ra ý nghĩa sâu xa của nó, bởi thông qua tiếng cười nhà văn thường đề cập đến những vấn đề có ý nghĩa nhân sinh sâu sắc.

3.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới mới

3.2.1. Khái niệm ngôn ngữ trần thuật

Văn học là nghệ thuật ngôn từ. Nhà văn sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện để xây dựng hình tượng nghệ thuật. Vì vậy ngôn ngữ có vai trò quan trọng tạo nên tính đặc sắc của một tác phẩm văn học, đồng thời cũng góp phẩn làm nên nét cá tính riêng trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả.

Theo Từ điển thuật ngữ văn học: “Ngôn ngữ người trần thuật là phần lời văn độc thoại thể hiện quan điểm tác giả hay quan điểm người kể chuyện

đối với cuộc sống được miêu tả” [6,tr.148].

Ngôn ngữ người trần thuật chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu cá tính của tác giả.

Ngôn ngữ trần thuật có vai trò quan trọng trong việc xây dựng hình tượng tác phẩm, thể hiện tư tưởng nội dung của tác phẩm. Bởi vậy, trong sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn luôn quan tâm lựa chọn ngôn ngữ trần thuật để tạo lập một phong cách ngôn ngữ riêng cho các tác phẩm của mình.

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu – Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 98

3.2.2. Ngôn ngữ trần thuật trong truyện ngắn Ma Văn Kháng thời kỳ đổi mới mới

Ngôn ngữ là chất liệu cơ bản của văn học. Ngôn ngữ văn học bao giờ cũng mang tính nghệ thuật cao bởi nó có nguồn gốc từ ngôn ngữ nhân dân được nhà văn chọn lọc, gia công gọt rũa với ý thức làm cho ngôn ngữ mang giá trị văn chương. Trong quá trình sáng tạo nghệ thuật, mỗi nhà văn đều lựa chọn sử dụng ngôn ngữ để xây dựng nên tác phẩm của mình. Vì vậy mỗi nhà văn thường có một phong cách ngôn ngữ riêng. Chính ngôn ngữ là một trong những yếu tố đặc trưng thể hiện cá tính, phong cách, tài năng của nhà văn.

Một phần của tài liệu Nghệ thuật trần thuật trong truyện ngắn ma văn kháng thời kỳ đổi mới (Trang 94)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)