Ngôn ngữ mang đậm dấu ấn miền núi

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân (Trang 112 - 116)

6. Cấu trúc luận văn

3.3.1. Ngôn ngữ mang đậm dấu ấn miền núi

Ngôn ngữ là một tiêu chí quan trọng để phân biệt tộc người này với tộc người khác, vùng này với vùng khác. Nó còn là một “kênh” quan trọng để truyền tải giá trị văn hóa qua các thế hệ. Đọc văn xuôi Triều Ân chúng ta sẽ nhận thấy dấu ấn miền núi thông qua hệ thống ngôn ngữ được nhà văn sử dụng.

Với hệ thống từ ngữ chỉ địa danh xuất hiện trong các tác phẩm, độc giả như được đặt chân lên mảnh đất địa đầu tổ quốc từ những tên bản làng, xã, huyện. Những địa danh Đông Có, Đô Liang, bản Khon, bản Luộc, Nai Chơi, Nà Lẹng, Cốc Cai, Nà Cải, Quang Minh, Bắc Hợp, Mai Phong, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Hòa An, Ba Bể… không chỉ mang đậm dấu ấn văn hóa miền núi trong cách đặt tên làng bản mà còn gợi lên những vùng đất còn hoang sơ, xa xôi bí ẩn. Những địa danh ấy đã tạo nên một không gian nghệ thuật rộng lớn; đồng thời góp phần tăng thêm tính chân thực cho nội dung hiện thực được phản ánh trong tác phẩm.

Nhà nghiên cứu văn học Lâm Tiến đã từng nhận xét: “các nhà văn dân tộc thiểu số thường đi sâu vào lối phô diễn của dân tộc mình, nên họ đem lại cho tác phẩm văn học một màu sắc dân tộc đích thực” [55, tr.40]. Triều Ân không nằm ngoài số đó nên trong ngôn ngữ miêu tả, ông đã đặc biệt chú ý và khai thác cách nói so sánh rất gần gũi, giản dị, mang những nét đặc trưng văn hóa của người miền núi. Đó là những hình ảnh so sánh rất gợi hình liên tưởng từ chính những sự vật gắn bó với cuộc sống của đồng bào dân tộc. Miêu tả ngoại hình nhân vật, nhà văn dùng hình ảnh cây

trúc, núi cao, con bò mộng, con công …: “Tuổi thì cao nhưng bà khỏe. Khi đi đứng lưng vẫn thẳng, dáng điệu thướt tha như cây trúc vờn gió. Khi ngồi, trông bà như tòa núi cao”, “Chồng trước cho bà một con trai quý như con bò mộng là Piao … chồng thứ hai, cho bà được một con gái đẹp như chim công là Đông” [12, tr.360]. Miêu tả tiếng cười, ông so sánh với tiếng ngựa: “Trời lại phú cho anh tiếng cười như tiếng ngựa, khi thì hờ hờ, khi thì hí hí” [8, tr.180]. Với người dân tộc miền núi, hình ảnh gần gũi, quen thuộc là cây trúc, ngọn núi, con bò … Bằng cách so sánh đó nhà văn vừa tạo nên cái quen thuộc vừa đưa ra một trường thẩm mĩ mang đậm dấu ấn riêng. Khi nhận xét về tính cách nhân vật, Triều Ân cũng dùng những hình ảnh so sánh gần gũi: “tính tình bà khắt khe hẹp như lỗ kim” [12, tr.360]. Để diễn tả nỗi khổ đau, hoạn nạn của người dân, tác giả còn dùng cách so sánh mở rộng: “ Bờ ruộng bậc thang thường gẫy chỗ bờ hẹp. Ở đời cũng thế, nhà đã hiếm con lại gặp rủi ro” [13, tr.494]. Nếu muốn diễn đạt tình thế bế tắc, bị dồn nén của nhân vật, tác giả dùng ngôn ngữ so sánh của phường săn: “Lìn thấy mình như một con nai bị xua đuổi tứ phía” [17, tr.608],

“Lương như con mồi bị săn đuổi, bị lùa vào lối có tròng dăng bẫy” [17, tr.610]. Để chỉ cảm giác xa lạ của con người trước những môi trường sống mới, Triều Ân cũng dùng nghệ thuật so sánh. Vốn quen sống trên triền núi cao của bản người Dao nay được về sống ở thị xã với người cha đẻ mới tìm được, “Lìn như con nai rừng lạc xuống cánh đồng ăn cỏ lạ” [17, tr.668]. Còn Dưỡng lại là một chàng trai làng Tày ở vùng thấp lần đầu tiên đến làng người Dao ở vùng cao nên “Dưỡng về đây khác nào như con nai rừng lạc bước vào bản” [17, tr.791]. Với Ngọc Lan, ngày đầu tiên về làm dâu một gia đình khác dân tộc mình, đã vậy mẹ chồng lại ghê gớm, cổ hủ, nên cô cảm thấy “trơ trọi như con mồi đang bị săn đuổi giữa rừng xa mà không quen nơi ẩn náu” [12, tr.364]. Ngay cả khi miêu tả nhịp sống hỗn loạn của

thời kinh tế thị trường nơi phố thị, Triều Ân cũng sử dụng thủ pháp so sánh có hình ảnh quen thuộc của đồng bào dân tộc: “Các khách ăn hàng trông thấy xe Trà Lĩnh qua cầu vội chạy theo ào ào như đàn ong bay đuổi theo ong chúa” [17, tr.801]. Có thể nói thủ pháp so sánh có hình ảnh mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người miền núi xuất hiện dày đặc trong các trang văn của Triều Ân. Việc sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh gợi hình như vậy sẽ phù hợp với nếp cảm, nếp nghĩ của người dân miền núi; đồng thời làm toát lên bản sắc dân tộc của người vùng cao.

Bên cạnh việc sử sụng ngôn từ theo lối so sánh có hình ảnh quen thuộc, gần gũi với nếp cảm, nếp nghĩ của người dân miền núi, Triều Ân còn thường dùng các câu thành ngữ, tục ngữ cách nói vần vè. Bởi người dân tộc rất ưa so sánh, ví von sự vật, sự việc qua những câu thành ngữ, tục ngữ được đúc kết từ xa xưa. Người Tày có câu “Chiêng cón lạp lăng” (tháng giêng trước tháng chạp sau) để ám chỉ những đôi trai gái yêu nhau, chưa cưới xin mà đã có thai. Trong truyện của mình, Triều Ân đã vận dụng câu tục ngữ ấy: “Bởi bạn bè rủ rê, bởi sự giáo dục của gia đình không đầy đủ, nên cậu ta đã đi lạc đường, đi nhầm vào con đường chông gai bụi rậm, đã để tháng giêng đi trước tháng chạp” [17, tr.687]. Nhận xét, đánh giá tính cách con người, nhà văn cũng sử dụng tục ngữ tiếng Tày “Dẫm cứt trâu thì dại, dẫm phân ngựa sẽ khôn” [8, tr.180] để biểu đạt. Đó là khi nói tới trường hợp anh Bảy trong truyện ngắn Eng Bải. Người ta nhận xét Bảy “hai má dài như mặt ngựa không đeo hàm thiếc. Trời lại phú cho anh tiếng cười như tiếng ngựa … Ai nghe anh cười cũng đoán được anh là người láu cá, quảng giao, lém lỉnh; mặt đần nhưng ẩn chứa bên trong khuôn mặt ấy là cái tính toán thu vén”. Điều đấy là hiển nhiên, bởi “anh đã đi nhiều nơi như con ngựa rong ruổi, anh khôn, nhiễm thêm cái tính khôn vặt, khôn thầm, láu cá” [8, tr.180]. Trong cuộc sống thường ngày nhiều chuyện

người trong cuộc không có được cái nhìn minh mẫn, rõ ràng nhưng người ngoài thì nhìn nhận, đánh giá rất chính xác. Cho nên, lần Dưỡng vào Nguyên Bình tìm cha đẻ, dọc đường đi phần vì mệt phần vì chưa biết đường nào dẫn về bản làng của cha, anh đã nằm ngủ ở ven đường. Dân bản đi qua nhìn thấy chàng trai lạ, ngắm nghía và phát hiện ra chàng trai này “giống ông Trương Ngọc Thuần như đúc”. Trước sự việc đó, nhà văn đã vận dụng câu tục ngữ “Vỏ đâư tha toọc, vỏ noọc lai tha” (Người trong một mắt, người ngoài nhiều mắt) và kết luận “Thế mới biết câu tục ngữ của cha ông để lại đúng quá” [17, tr.726]. Nhằm chỉ ra cách dạy dỗ con theo kiểu lỗi thời, phản văn minh ở một bộ phận không nhỏ người dân miền núi, Triều Ân đã để nhân vật Vòng phát biểu quan niệm này thông qua câu tục ngữ “Biết chữ biết sách bồ thủng đít. Nghèo chữ nghèo sách, bồ phải nứt” (Chắc sư chắc xéc giảo cuông xéc, tăn sư tăn xéc giảo vừa théc)” [17, tr.727,728]. Chỉ vì giữ lòng thủy chung với người yêu đầu đời mà Triển dưới con mắt của cô gái cùng bản đang thích anh đã thành chàng trai sợ gái. Và cô đã nói với anh: “Anh không biết câu tục ngữ “Ma lao pháo, báo lao sao” à?” [13, tr.542]. Hay như trong sự việc ông Thuần vì quá tin người, quý người mà đã kết nghĩa anh em với Dương Kim (tay thợ ảnh lang thang). Vì tình kết nghĩa, vì lòng tin ở con người mà Thuần đã dẫn Dương Kim về nhà, cả nhà coi Kim như bác ruột. Trong khi Thuần mải mê đi chữa bệnh cho thiên hạ, Kim đã lợi dụng lòng tốt đó để sống nhờ ăn bám ở nhà vợ con Thuần, tằng tịu với vợ Thuần, rồi còn lấy trộm cả con ngựa quý của Thuần. Khi chưa nhận ra bản chất thực của người anh kết nghĩa, ông Thuần không tin lắm ở nội dung câu tục ngữ Tày “Tin quạ mất trứng, tin bạn mất vợ” [17, tr.938]. Đến lúc bết được sự thật, Thuần mới vỡ lẽ: “Vậy là tin bạn mất ngựa tin quạ mất trứng” thật” [17, tr.943]. Việc vận dụng đúng lúc, đúng chỗ ngôn ngữ dân tộc đã đem lại giá trị thẩm mỹ cho câu văn nghệ

thuật, đồng thời phù hợp với cách cảm, cách nghĩ và cách nói giàu hình tượng của người miền núi. Hơn nữa, nó đã phản ánh được trình độ tư duy, nhận thức của người dân tộc qua hệ thống các câu tục ngữ của người xưa.

Bản sắc dân tộc trong ngôn ngữ văn xuôi Triều Ân còn được tạo bởi việc sử dụng từ ngữ mang sắc thái địa phương. Đó là tiếng gọi ngựa “ý hè …hè” [17, tr.698] của Dưỡng. Là tiếng kêu “Lùng đao ơi!” (trời đất ơi) [12, tr.383] của người Dao, “Bân đin ơi” (trời đất ơi) [3, tr.222] của người Tày. Là tiếng gọi “Pỉ noọng à” [2, tr.207] (anh em, bà con, mọi người). Đó còn là cách gọi tên đồ dùng để gánh nước của người dân tộc là “bẳng” [3, tr.149] - cái ống bương bằng tre. Nói về người phụ nữ không đẻ được con, tác giả dùng từ “măn” và cách so sánh tương phản “người ta nuôi trâu cái không biết đẻ còn được phân bón ruộng, nhà mình vô phúc nuôi nàng dâu măn chỉ tốn cơm gạo” [12, tr.388] làm bật lên cái ngoa ngoắt, đáo để trong lời ăn tiếng nói của nhân vật. Nhìn chung khi dùng những từ ngữ mang sắc thái địa phương, nhà văn đã giúp người đọc nhận ra một ngôn ngữ rất tự nhiên, mộc mạc như chính bản chất miền núi. Đồng thời các từ ngữ mang sắc thái địa phương đó sẽ góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa qua hệ thống từ vựng ngôn ngữ dân tộc, làm phong phú và giàu có hơn trường từ vựng ngữ nghĩa ở mỗi độc giả khi tìm đọc những trang văn xuôi viết về đề tài miền núi nói chung và của Triều Ân nói riêng.

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân (Trang 112 - 116)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)