6. Cấu trúc luận văn
3.2.1. Đặc tả ngoại hình nhân vật
Khi xây dựng nhân vật, mỗi nhà văn đều chú ý đặc tả ngoại hình nhân vật. Chúng ta đã từng có ấn tượng với ngoại hình các nhân vật Chí
Phèo, Thị Nở trong văn của Nam Cao hay nhân vật Pao, Seo Say, Lử … của Ma Văn Kháng. Việc đặc tả ngoại hình nhân vật chẳng những tạo ấn tượng, sức sống lâu bền cho tác phẩm mà còn phần nào ghi nhận dấu ấn dân tộc của từng vùng, miền. Vì thế, trong văn xuôi, Triều Ân cũng đã rất chú ý đặc tả ngoại hình nhân vật.
Hình ảnh con người miền núi bước vào các trang văn luôn có những nét độc đáo, đặc sắc. Độc giả mọi miền hẳn không thể quên một cô Mị xinh đẹp, một anh A Phủ khỏe mạnh trong văn Tô Hoài. Đọc văn xuôi Triều Ân chúng ta cũng bắt gặp hình ảnh những con người miền núi khỏe mạnh, đáng yêu ngay từ dáng vẻ bề ngoài. Đó là Piao, chàng thanh niên dân tộc Dao trong Nắng vàng bản Dao có vẻ đẹp lồng lộng “như trai thuồng luồng” [12, tr.342] trong câu chuyện huyền thoại của dân tộc. Với “đôi mắt xếch” và “cái dáng oai vệ có sức khỏe của các chàng trai phường săn ở núi cao” [7, tr.339] để mỗi khi đi chợ phiên “chị em Dao cứ nhìn anh như phục, như mến” [12, tr.399]. Vẻ đẹp của các cô gái dân tộc Dao cũng được Triều Ân khắc họa đậm nét trong Dặm ngàn rong ruổi. Đó là Phón với “dáng người tầm thước, đậm đà như cha, nét mày như hai lá trúc xuôi về cuối mắt như mẹ; trông người phúc hậu” [17, tr.588]. Dáng dấp đó của Phón gợi lên sự khỏe mạnh, phúc hậu của con người miền núi. Với trái tim của người nghệ sỹ và cách cảm thụ cái đẹp bằng con mắt của người đang yêu, Triều Ân đã vẽ nên một bức chân dung hoàn hảo về thiếu nữ dân tộc Dao qua nhân vật Hoàn: “Đầu em đội tấm “xì miên” của dân tộc Dao. Hai má trái xoan. Hai con mắt mở to đang nhìn anh đắm đuối mà miệng thì cười chúm chím. Dưới ánh đèn hai làn môi đỏ chót. Hàm răng trắng … Cổ Hoàn cao, quấn mấy vòng cườm”. Ngần ấy nét đẹp phô diễn ra khiến người ngắm nhìn cô phải cất lời trầm trồ “Ôi đẹp quá! Hoàn ơi. Ở bản xa núi cao này mà có người đẹp thế này chăng?” [17, tr.792]. Bổ sung để hoàn thiện
hơn những bức chân dung đẹp về con người miền núi trong văn xuôi của Triều Ân còn là nét đẹp hấp dẫn, gợi cảm của các thiếu nữ dân tộc Tày: “Gái Pò Tấu có dáng người thon thả, nước da trắng hồng …Trông ai cũng như con ve niếng” [17, tr.680]. Những bức chân dung con người miền núi do triều Ân tạc dựng sẽ càng làm tăng thêm vẻ đẹp tự nhiên, tươi mát như núi rừng của con người vùng cao. Điểm đáng nói ở đây là khi miêu tả ngoại hình nhân vật, Triều Ân thường dùng các chi tiết gợi tả, so sánh gần gũi với thiên nhiên và đời sống của người miền núi. Điều đó tạo nên sự tự nhiên, mộc mạc, mang hơi thở của núi rừng và phù hợp với cách nhìn của con người miền núi. Bằng việc đặc tả ngoại hình nhân vật với những nét đẹp của hình thể, nhà văn muốn giới thiệu với đông đảo bạn đọc gần xa hiểu hơn, mến yêu con người miền núi hơn; đặc biệt là có cái nhìn thiện cảm, gần gũi hơn đối với họ.
Cách xây dựng ngoại hình nhân vật truyền thống thường là nhân vật tích cực có dung mạo đẹp đẽ còn nhân vật tiêu cực thường có vẻ bề ngoài xấu xí. Ở trên chúng ta vừa ghi nhận và khẳng định ngòi bút Triều Ân đã khá thành công trong việc đặc tả vẻ đẹp ngoại hình của con người miền núi. Bên cạnh đó, trong các tác phẩm của ông cũng không thiếu những nhân vật với ngoại hình khó ưa. Và khi miêu tả loại hình nhân vật này, tác giả cũng thường dùng chi tiết, hình ảnh gần gũi, quen thuộc với người miền núi để miêu tả. Trong truyện ngắn Bạn cùng lứa, nhà văn xây dựng mối quan hệ giữa ba người bạn học thời phổ thông xoay quanh tình huống nhặt và nuôi một hài nhi của hộ lí Hồng Lê. Cắm Và là một trong ba người bạn đó. Bản chất của một người buôn bán, chỉ biết tiền của, lại sống cô độc của Cắm Và đã lồ lộ qua những chi tiết về ngoại hình: “ Người đàn bà to béo, đẫy đà”, “mặt bự đầy son phấn”, “đôi lông mày kẻ chỉ trên diện mạo Cắm Và rướn lên cong vút như cái bẫy. Đôi mắt một mí trông cô đơn. Hai làn môi tô son
đỏ chót như đít chim chào mào” [10, tr.64, 65]. Khi đọc đến những câu văn này, người đọc dễ liên tưởng đến hình ảnh nhân vật Tú Bà trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Sự liên tưởng đó quả phù hợp bởi việc làm của Cắm Và hiện giờ cũng “Mở một ngôi hàng nước nho nhỏ che mắt thiên hạ. Bên trong ta kiếm chác thêm. Tô son trát phấn vào, khách ăn hàng tấp nập. Tha hồ tiền tiêu” [10, tr.64]. Ông cha ta đã từng có câu “Xem mặt mà bắt hình dong”. Vận câu nói đó vào ngoại hình của Cắm Và thì quả là quá đúng. Miêu tả về loại người này, nhà văn chỉ có thể dùng những lời nói, hình ảnh đó mới phù hợp. Điều đặc biệt ở đây còn là cách sử dụng hình ảnh so sánh quen thuộc trong trường liên tưởng của người miền núi: lông mày kẻ chỉ cong vút như cái bẫy, môi tô son đỏ chót như đít chim chào mào.
Theo quan niệm truyền thống con người là sự thống nhất giữa ngoại hình và tính cách. Người có tướng mạo đẹp đẽ thì tốt tâm; trái lại người có tướng mạo xấu xí thì lòng dạ ắt phải hẹp hòi, tâm địa xấu xa. Đọc văn xuôi Ma Văn Kháng, chúng ta thường bắt gặp nét độc đáo trong cách tạo dựng nhân vật là việc báo hiệu tính cách qua tướng mạo. Bởi trong sáng tác của nhà văn này, ta thấy đa số các nhân vật đều có tính cách thống nhất với ngoại hình. Và thường là nhân vật tiêu cực, nhân vật điển hình cho cái xấu, cái ác thì bao giờ cũng có ngoại hình tương xứng. Nhưng với Triều Ân, quan niệm đó chưa hẳn là đúng. Niềm tin vào tố chất “thiên lương” ở mỗi con người, đặc biệt là đối với những người dân miền núi hiền lành chất phác đã giúp nhà văn xây dựng những nhân vật ngoại hình không tỷ lệ thuận với tính cách trong các tiểu thuyết của mình. Điển hình cho mẫu người này là hiệu trưởng Bạch Kim trong tiểu thuyết Nắng vàng bản Dao.
Anh là người có ngoại hình khó ưa bởi “mặt choắt như mặt chuột, hai tai to và mỏng” [12, tr.375]. Chính bởi ngoại hình ấy mà cô giáo Ngọc Lan trong buổi đầu tiên đến nhận công tác đã không khỏi lo lắng: “Bộ mặt Bạch Kim
nhỏ choắt như vậy liệu có làm sao không?” [12, tr.377]. Tâm sự với chúng tôi về dụng ý nghệ thuật khi xây dựng nhân vật này, Triều Ân đã thổ lộ: Thông thường người ta hay xây dựng nhân vật có tướng mạo đẹp đẽ thì sẽ tốt tâm, còn người có hình thức xấu xí thường tâm địa không tốt nhưng tôi muốn làm ra cái dị biệt, khác lạ, phá cách trong nghệ thuật truyền thống nhưng lại phù hợp với con người ngoài đời; đồng thời nó tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc hơn. Đã từng có một thằng gù trong Nhà thờ
đức bà Pa ri (Huygô) thì nay có thể thêm một anh mặt choắt như mặt chuột
chứ … Dụng ý đó đã được nhà văn biểu đạt thông qua lời nhận xét của nhân vật Piao (chồng Ngọc Lan): “Lan đừng nên đánh giá quá sớm. Có người hình dáng không ra gì mà tốt bụng; có người đẹp mã mà bụng dạ lại gian trá thiếu chân thật” [12, tr.378]. Và mọi hành động, thái độ của Bạch Kim trong suốt tác phẩm đã là minh chứng thuyết phục cho nhận xét trên của Piao. Ngay từ lần xuất hiện đầu tiên, nhà văn đã miêu tả anh là người niềm nở. Nhận xét đầu tiên của Piao về Bạch Kim là tốt bụng, chu đáo với nhân viên. Rồi những ngày cùng sống và làm việc trong hội đồng sư phạm nhà trường, Bạch Kim đã chứng tỏ được bản chất tốt đẹp của mình. Anh luôn “nắm được tâm tư nguyện vọng cũng như hoàn cảnh của giáo viên” [12, tr.388] để động viên, giúp đỡ. Riêng với Ngọc Lan, Bạch Kim là người tư vấn, giúp đỡ cô rất nhiều trong chuyện riêng. Chính sự ân cần, chu đáo, đúng mực của Bạch Kim đã xóa đi những nghi ngại ban đầu của Lan về anh để rồi cuối cùng cô quý mến, tôn trọng và ao ước Bạch Kim là anh trai của mình. Hình ảnh nhân vật này đã ghi nhận sự sáng tạo và tư duy biện chứng của Triều Ân trong cách miêu tả và nhìn nhận con người.