6. Cấu trúc luận văn
2.1.2. Văn hóa Tày, Dao qua hôn nhân
Theo truyền thống hôn nhân của người Tày và Dao nam nữ tự do tìm hiểu thông qua những lần gặp gỡ ở chợ phiên, các cuộc hội hè, hát lượn nhưng có đi đến hôn lễ được hay không lại do hai gia đình quyết định. Hôn lễ của dân tộc Tày, Dao là một nét văn hoá độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc. Để chuẩn bị cho một lễ cưới, người ta phải tiến hành từng bước, từng khâu và từng nghi lễ theo phong tục tập quán cổ truyền. Tuy hôn lễ có dạm hỏi, cưới xin đàng hoàng nhưng cốt lõi của nó vẫn là hôn nhân mua bán, thịt, gạo, tiền, bạc trắng là vật định giá gả bán người con gái.
Theo phong tục, người Tày không nói “gả” con gái như người Kinh mà nói “bán con gái” (khai lục nhình). Lễ vật nhà trai dẫn sang nhà gái có khi là hai tạ thịt lợn và gạo nếp, gạo tẻ, mỗi thứ vài chục cân, rượu hàng trăm lít, trước đây nhất thiết phải có bạc trắng (nay thì 10 triệu trở lên), có
khi cả vàng. Càng “bán” được giá cao thì giá trị của cô gái càng cao; ngược lại nếu “giá bán” của cô gái thấp thì coi như giá trị bị xem rẻ, gia đình bị làng xóm cười chê.Lễ cưới thường tổ chức ăn rất to, một ngày ở nhà gái, một ngày ở nhà trai. Chính những tập tục của dân tộc làm Giếng đã có lời nói “làm nặng lưng ngựa suốt cả đoạn đường dài” [17, tr.682], khiến nó trở thành nỗi đau trong lòng Dưỡng: “Anh chỉ sống độc thân, không cha không mẹ thì anh lấy đâu tiền bạc để sắm lễ vật đến bên nhà em? Mà không có lễ vật, không có cưới xin gì cả, thân con gái rẻ như bèo …” [17, tr.681]. Và cũng bởi tập quán quá nặng về vật chất đó mà đám cưới giữa anh bộ đội Thuần và cô Lơ ở Trùng Khánh dù được “đơn vị bộ đội … đứng ra tổ chức lễ kết hôn nho nhỏ theo tục lệ nhưng dưới con mắt mọi người đây vẫn là một đám cưới của kẻ hèn mọn bởi của cải coi như không có gì” [17, tr.688].
Phong tục “bán con gái” của người Dao càng nặng về vật chất hơn. “Theo tập tục dân tộc muốn cưới vợ, con trai phải có bạc trắng” [17, tr.762]. Phải thực hiện theo đúng “hôn thư” mà nhà gái đã đưa ra trong ngày lễ ăn hỏi chính thức. “Hôn thư” của người Dao Tiền thường là thịt lợn (40 – 50 kg), gà trống thiến (20 con), bạc trắng (30 – 50 đồng), gạo rượu … Đây là một phần nhỏ của “hôn thư”: “ba mươi sáu lạng bạc trắng cho nhà người yêu làm đồ trang sức. Sáu vòng bạc trắng đeo ở cổ, mười chiếc cúc bạc chạm trổ chạy hai hàng trước ngực, hai vòng khuyên bạc ở tai, đuôi khăn đội đầu gắn sáu hạt bạc, túi đựng trầu mỗi bên cũng đính năm cái” [6, tr.119]. Khi nhà trai lo đủ các lễ vật theo “hôn thư” sẽ xem ngày tốt để tổ chức lễ cưới. Đó là đám cưới với “chăn màn, quần áo, tư trang và đồ dùng sắm tậu cho một gia đình nho nhỏ đã đầy đủ. Mổ lợn. Mổ gà. Làm cỗ. Khách từ lũng xa, bản gần, khách người già, khách thanh niên lũ lượt kéo
về … Tiếng nói. tiếng cười. Tiếng hát dân tộc … tạo nên một âm thanh phong phú, vui như dàn nhạc giao hưởng” [17, tr. 602].
Nét đặc biệt trong phong tục của người Dao là ở chỗ nếu nhà trai không thể thực hiện được “hôn thư” do điều kiện kinh tế thì người con trai có thể đến xin “làm công” (đi ở) cho nhà cô gái. Trong thời gian làm công, người con trai có thể gần gũi chuyện trò với cô gái. Thời hạn làm công kéo dài tuỳ ý cho đến khi nhà gái đã chấp nhận. Bởi thế mà “Ba năm trôi qua, Piao lủi thủi làm công, nhưng bố mẹ Chẹ Tàn – ông bà Phin - bảo vẫn chưa đủ tiền đi đổi bạc trắng làm đồ trang sức cho Chẹ Tàn; ông Phin chưa mổ lợn cúng ma “phi lổ” cho Piao và Chẹ Tàn thành vợ thành chồng” [6, tr.120]. Đã không ít trường hợp người con trai đi làm công hai ba đám mà vẫn không lấy được vợ vì nhà gái không ưng anh ta; ngược lại, có cô gái đã mấy người đến làm công mà vẫn chưa thành chồng. Chẳng hạn Mùi Quý (chị gái của Chẹ Tàn) đã “có ba người con trai đến làm công một năm hai năm rồi đều bị đuổi đi không. Chỉ vì một cử chỉ mất lòng cha mẹ. Chỉ vì làng bản tỏ một lời chê. Chỉ vì một lần đi săn không được” [6, tr.121].
Người Tày, Dao trước đây có quan niệm : “Từ thuở bò biết đầm, trâu còn biết ngồi đến nay nào ai có thấy người Tày chịu cưới người Mông? Bò có hồn của bò, trâu có ma của trâu ” [10, tr.60] hay “Trâu đi với trâu, bò đi với bò … Người dân tộc nào chỉ nên lấy người dân tộc đó” [12, tr.415] để nói lên quan niệm về hôn nhân của họ. Do quan niệm này mà biết bao đôi lứa khác dân tộc dù yêu nhau chân thành, thắm thiết đã phải chia tay, nếu có đến được với nhau cũng phải vượt qua nhiều trắc trở. Tình yêu giữa Thương và Xúa trong truyện ngắn Bạn cùng lứa là một điển hình. Thương là cô gái dân tộc Tày yêu Xúa – chàng trai dân tộc Mông, dù rất yêu nhau và Thương đã có thai nhưng khi cô về nhà xin phép bố mẹ cho lập gia đình
với người con trai Mông đó đã bị cha mẹ mắng, đay nghiến: “Đừng để làng xóm chê cười gia đình ta vô phúc … Để khi bố mẹ chết rồi mày sẽ tự quyết định” [10, tr.61].
Cùng với sự tiến bộ đi lên của thời đại, người Tày, Dao đã có nhận thức mới cởi mở, thông thoáng hơn về vấn đề hôn nhân. Thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu, luyến ái, kể cả người bạn đời đó là người của dân tộc khác. Khi tình yêu đã đến độ chín muồi, đôi bên cảm thấy hợp ý thì báo cáo xin phép gia đình để cha mẹ lo liệu việc cưới xin theo đúng phong tục. Càng hạnh phúc, sung sướng hơn nữa khi họ đã không còn nỗi lo không có đủ tiền để “mua con dâu” theo những hủ tục xa xưa mà tuỳ hoàn cảnh gia đình mà lo liệu chi phí cho phù hợp. Giờ đây, họ không “vì cái tục bạc trắng”, “không nói đến bạc trắng” nữa mà điều cốt yếu là tình yêu, sự hoà hợp, “là làm lụng giỏi, là gan dạ, đi săn giỏi” [17, tr.827]. Tình yêu và hôn nhân của cô giáo Ngọc Lan người dân tộc Tày với anh Piao dân tộc Dao
(Nắng vàng bản Dao), của chàng trai dân tộc Tày (Dưỡng) và cô gái dân
tộc Dao (Hoàn) (Dặm ngàn rong ruổi) đã chứng minh điều đó. Vì sự thay đổi quan niệm về hôn nhân như trên mà giờ đây “đám cưới của con trai ông Thuần náo nhiệt lạ thường. Bởi đây là đám cưới chàng rể, nàng dâu là người của hai dân tộc thiểu số khác nhau. Anh là người Tày, chị là người Dao. Mỗi bên dân tộc đều mang về Bắc Hợp đầy đủ phong tục tập quán của dân tộc thiểu số mình” [17, tr.872,873]. Sự thay đổi này khẳng định tinh hoa của những tập quán truyền thống dân tộc luôn biết phát huy vai trò, sức mạnh của nó trong điều kiện xã hội mới. Người Tày đến với người Mông, Dao bởi tình yêu chân thành, trong sáng, bởi những cái đáng yêu, đáng trân trọng, tự hào về nếp sống, văn hoá của từng dân tộc. Đặc biệt họ còn có ý nghĩ: “sẽ mang về làng Dao những gì mà làng Tày có để cuộc sống giữa bản làng các dân tộc bớt đi sự cách biệt về sự ăn ở, học hành,
cách làm ăn …” [17, tr 998]. Sự thay đổi tư duy, nếp nghĩ đã đem đến tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và xoá nhoà đi khoảng cách giữa dân tộc lớn và dân tộc nhỏ.
Vấn đề hôn nhân của dân tộc Tày, Dao còn một nét văn hoá nổi bật nữa là phong tục ở rể. Nếu nhà gái không có anh (em) trai để nối cơ nghiệp thì bố mẹ sẽ “hỏi lấy anh về gửi rể, đẻ con ra có người nối dõi dòng dõi mang họ Lê nhà ta” [7, tr.146]. Và từ sau lễ cưới, “Anh Nông Thịnh ở gửi rể nhà Lê Thuỳ Dương. Đáng lẽ từ nay anh phải đeo tên họ mới: Lê Nông Thịnh” [7, tr.146]. Cũng có trường hợp người đàn bà goá có thể cưới chồng khác, như lấy rể về nhà để trông nom con cái, quản lý tài sản của gia đình. “Người chồng mới phải thay họ mình lấy họ người chồng cũ thì mới được hưởng gia tài của người chồng cũ” [39, tr.43]. Cho nên khi Triển lấy Niêm vì “nhà chồng Niêm không còn ai, Triển sẽ đến Nà Cải gửi rể, hưởng thừa kế gia sản họ Lê. Anh sẽ mang cái tên họ mới: Lê Hoàng Triển” [13, tr.581]. Trong trường hợp nhà gái các em còn nhỏ thì người con trai sẽ “phải làm “rể nạp tế” (gửi rể có thời hạn) khi các em khôn lớn thì hai chúng mình mới được đi ở nơi khác” [17, tr.600]. Theo phong tục thì dù là gửi rể hay “rể nạp tế”, người con trai cũng “phải đổi cả họ theo họ nhà gái, lao động sinh hoạt gắn bó với bên này” [17, tr.647] và phải “rất hiểu và rất tự giác đối với phận sự của người con trai đi ở rể” [17, tr.616].
Tuy vấn đề hôn nhân của người Tày, Dao còn có một số khía cạnh bất cập nhưng nhìn chung nó đã phản ánh một cách sinh động bản sắc riêng của dân tộc và làm phong phú thêm bức tranh văn hoá các dân tộc Việt Nam nói chung. Trên con đường hướng tới cuộc sống hiện đại và văn minh, vấn đề hôn nhân và gia đình của dân tộc Tày, Dao đã thể hiện những nét mới, tiến bộ, phù hợp với cuộc sống hiện đại nói chung và cuộc sống của người thiểu số nói riêng.
2.1.3. Tập quán sinh nở và lễ đầy tháng tuổi của đồng bào Tày, Dao
Vấn đề sinh con đẻ cái là ước mong muôn thuở của mỗi người, mỗi gia đình và mỗi dòng tộc. Với dân tộc Tày, Dao ước mong đó càng trở nên mãnh liệt hơn. Do điều kiện môi trường sinh sống khắc nghiệt, nạn hữu sinh vô dưỡng khá nhiều nên việc sinh đẻ rất được người dân quan tâm, chú ý và đã hình thành nên những tập tục phổ biến. Nếu đôi vợ chồng nào lấy nhau đã khá lâu mà chưa có con thì bố mẹ sẽ mời thầy cúng về làm lễ “bắc cầu xin hoa”. Tục lệ này đã được Triều Ân phản ánh qua hành động của bà Đô (mẹ chồng Ngọc Lan) khi thấy Lan và Piao cưới nhau đã hơn hai năm mà vẫn chưa có thai. Bà đã “Cất một mẻ rượu để ngày mai đón thầy cúng về làm lễ “bắc cầu xin hoa” cho nó, mong nó chóng có con” [12, tr.371], “phải làm lễ “bắc cầu xin hoa” đàng hoàng dù tốn kém” [12, tr.401]. Đến khi người mẹ trẻ vừa mang thai, gia đình lại đón thầy cúng về để làm lễ cầu an giải hạn. “Mẹ Piao biết Lan có mang, ngay đêm đầu cô về nghỉ hè, mẹ đã xuống tận làng người Tày dưới thung lũng đón bà then lên làm lễ. Lan can ngăn mẹ không được cúng bái mê tín … Nhưng tục lệ có vậy, mẹ cứ làm. Biết đâu do cúng bái như thế, cái bọc con nó mới khoẻ cháu nhỏ sau này đẻ ra mới mũm mĩm nên người” [12, tr.401].
Ngườì phụ nữ khi sinh con xong được chăm sóc đặc biệt trong suốt tháng ở cữ. Theo tập quán dân tộc Tày, “trong suốt tháng ở cữ, món ăn của người mẹ là cơm nóng, thịt gà xào gừng, nghệ, rượu. Người ta còn bồi dưỡng sức khoẻ cho người mẹ bằng chân giò hầm với mít non, đu đủ, rượu nếp, để có nhiều sữa cho con bú. Bà con thân thích, nhất là cha mẹ vợ bên ngoại cho thêm gà, gạo, góp phần bồi dưỡng sức khoẻ cho người mới đẻ” [39, tr.43]. Bản sắc văn hoá của dân tộc đã được nhà văn Triều Ân phản ánh qua hành động Lan cùng chồng đem gà nhà đi trốn tục “kin chai” của bản Đô Liang mang về nuôi ở khu tập thể nhà trường nơi cô đang công tác.
Bởi đúng vào thời điểm cô sắp đến ngày sinh nở lại là dịp bản Đô Liang thực hiện tục “Kin chai” của dân tộc Dao. Cô là người Tày nên lo “lấy đâu gà để bồi dưỡng cả một tháng trời … theo tập quán dân tộc Tày?” [12, tr.406]. Việc mang gà đi trốn đã bị mẹ Piao rất tức giận, chửi mắng nhưng vì phong tục tập quán mà Piao đã dám trái ý mẹ với lời thanh minh: “anh giữ lại số gà này để anh nuôi, vài tháng nữa, chị dâu mày ở cữ mới có thịt gà bồi dưỡng cả tháng cữ. Chị dâu của em là người Tày phải có gà, gạo nếp, rượu, củ nghệ … đủ dùng hàng tháng trời” [12, tr.406,407]. Mạch ngầm của phong tục tập quán này chính là nét đẹp văn hoá của dân tộc trong việc biểu lộ tấm lòng trân trọng, biết ơn đối với những người phụ nữ đã mang nặng đẻ đau để duy trì nòi giống.
Nếu gia đình có người ở cữ, người Tày, Dao thường treo ở trước cửa một cành lá xanh (còn gọi là cành phật) để làm dấu báo hiệu không cho người lạ vào nhà vì sợ vía độc ảnh hưởng tới sức khoẻ đứa trẻ. Vì thế mà bà Đô, mẹ chồng của cô giáo Lan, đến khu tập thể thăm cháu, “trước khi về mẹ bỏ một cành lá đem cắm bên cửa ra vào làm cành “phật” cấm cửa khách lạ” [12, tr.410]. Trẻ sơ sinh được ba ngày thì làm lễ cúng mụ và lập bàn thờ Bà Mụ ở cạnh giường ngủ của đứa trẻ để cầu an. Bà Đô cũng đã làm như thế. “Bà cho lập một bàn thờ nho nhỏ, cho Đông cắt vàng mã, tiền giấy … Bà thắp hương gọi vía cho hai cháu nhỏ” [12, tr.410].
Khi đứa trẻ tròn tháng tuổi, dân tộc Tày, Dao có tục tổ chức lễ ăn mừng đầy tháng (người Tày gọi đó là tục “Khai bươn” hoặc “Khai hảy”). Trong buổi lễ đó, “bên nhà trai phải làm cỗ mời bà con xóm giềng, thân sơ, đến dự lễ đầy tháng. Bên ngoại có phận sự bên ngoại” [12, tr426,427]. Dịp này bà con thân thích mang quà cáp (áo, mũ, gà, gạo, vải …) đến “dương eng”, tức là thăm trẻ nhỏ. Nếu đó là đứa trẻ đầu lòng thì món quà cho cháu của ông bà ngoại không thể thiếu được là: chiếc địu (ăn đa) bằng vải thổ
cẩm hoặc vải hoa, cái nôi đan bằng tre, trúc, hoặc mây và một số lễ vật khác phải mang sang góp cùng với bên nội. Vì Lan mồ côi cha mẹ nên lễ đầy tháng hai đứa con sinh đôi của Lan, “phận sự bên ngoại” là công đoàn nhà trường đứng ra lo giúp. Ban giám hiệu nhà trường đã phân công: “Ai lo gạo thì đi xay giã. Có gạo mới làm bánh được. Ai lo làm địu phải về chợ huyện xa lắc mua thổ cẩm làm mặt địu, mua vải xanh da trời làm thân. Ai đan nôi thì đi xuống làng Tày mua tre …” [12, tr.427]. Ngày lễ đầy tháng, “nhà trường đương nhiên đóng vai bà ngoại. Xôi hoa cau hàng gánh, bún hai thạ đầy. Bốn con gà trống thiến béo mỡ màng. Bạch Kim cùng Nải mỗi người mang một cái nôi trên vai, có dây trạc treo đầy đủ. Hai cái địu thì cho vào cái tay nải vải chàm mới đàng hoàng …Mỗi người còn chuẩn bị phần riêng mừng hai cháu mười ngàn đồng, hai vuông vải phin nõn hay vải hoa làm tã” [12, tr.427,428].
Lễ đầy tháng được tổ chức vào buổi sáng. Lễ đầy tháng trải qua nhiều thủ tục. “Vào giờ làm lễ, hai nôi của họ ngoại được treo lên. Đại diện bên nội là cậu Tòng, đại diện bên ngoại là Bạch Kim … Trước khi đặt hai cháu xuống nôi, mỗi nôi đặt xuống một quả bí đao to dài tượng trưng cho sự chóng lớn. Nôi đưa ba lần. Bỏ bí quả ra, mọi người buông lời chúc mừng hai cháu. Khi hai cháu đã nằm trong nôi, bên nội bên ngoại đưa nôi và ru cháu theo làn điệu dân tộc mà lời mới mẻ phù hợp cảnh nhà hôm nay” [12, tr.428]. Khi trong nhà đã bày xong cỗ, bữa tiệc bắt đầu. “Piao bế Piàng, Lan bế Dung đến trình diện từng mâm, nhận những lời chúc tốt đẹp: ngoan, chóng lớn, yên lành … Và nhận quà mừng” [12, tr.429]. Trong lúc ăn uống mọi người còn vui văn nghệ. “Khởi xướng cuộc vui là ông Tòng hát “páo dung”. Thanh niên các mâm hát “tồ dung”. Các mâm rót rượu