Xây đựng nhân vật đa diện

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân (Trang 106 - 111)

6. Cấu trúc luận văn

3.2.2. Xây đựng nhân vật đa diện

Trong văn xuôi chúng ta thường gặp những kiểu nhân vật thuần chất, nguyên phiến, bất biến về tính cách và phẩm chất. Đọc Vợ chồng A Phủ

của Tô Hoài, chúng ta bắt gặp hình ảnh Mị, A Phủ với những phẩm chất đẹp đẽ từ đầu đến cuối tác phẩm. Ngược lại, nhân vật A Sử, dù chỉ xuất hiện với tần số thấp nhưng chất chứa đầy cái xấu, cái ác. Bên cạnh những kiểu nhân vật nguyên phiến, thuần chất ấy, “cách thức xây dựng nhân vật của Triều Ân cũng thể hiện những sáng tạo riêng … Họ không phải là những tính cách bất biến, tĩnh tại mà có sự vận động bên trong để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh” [50, tr.65].

Tiêu biểu cho loại nhân vật tính cách đa diện này là Bảy trong truyện ngắn Eng Bải. Bảy là bộ đội thời chống Mỹ trở về đời thường đi lái xe ca tuyến Cao Bằng – Hà Nội kiếm kế sinh nhai. Với hoàn cảnh, môi trường mới có lúc tưởng chừng anh đã mất phẩm chất. Song tính cách của anh đã phát lộ dần theo những chặng hành trình, không thể lẫn với bộ đội, công nhân, nông dân hay anh cán bộ văn phòng và mang đậm đặc trưng tính cách con người miền núi. Khi xe chuẩn bị rời bến, Bảy kiểm tra và phát hiện một bà buôn gạo mang hàng lên xe, anh đã cương quyết không chở “trước sự cảm phục của hành khách trên xe” [8, tr.181]. Niềm cảm phục của hành khách chẳng duy trì được bao lâu bởi ngay sau đó bỗng xe rẽ vào một đường phố hẹp, vài phút sau đỗ lại để đón hàng của mấy mẹ buôn chuyến mà anh “đêm qua đã giao hẹn” [8, tr.182]. Chỉ vì “nắm tiền trong tay” mụ buôn chuyến trả cho mà anh “để mặc hành khách cãi nhau” [8, tr.183]. Vì tiền mà Bảy tỉnh bơ trước bao lời nói, tiếng chửi rủa của các mụ buôn. Tưởng chừng như trong con người này không còn lòng tự trọng cá nhân, mất hết phẩm chất đạo đức của anh bộ đội Trường Sơn năm xưa. Nhưng phẩm chất người lính trong Bảy đã trỗi dậy ở đoạn cuối câu chuyện. Lúc xe đến Ngân Sơn, có mấy anh lính trẻ khiêng đùi thịt trâu đứng bên đường vẫy xe đi nhờ một đoạn đường tám cây số để kịp mang thịt về đơn vị làm bữa cơm liên hoan tiễn đưa đồng ngũ ra quân. Ban đầu Bảy cương

quyết từ chối vì xe đã quá tải. Nhưng với sự van nài dai dẳng, đặc biệt là câu nói: “Anh không thông cảm bộ đội được sao?” thì lúc âý, Bảy hồi tưởng lại thời gian mình ở chiến trường Tây Nguyên và may mắn thoát nạn nhờ có sự giúp đỡ của người lái xe vận tải. “Chiều nay ở vào hoàn cảnh tương tự này, khiến Bảy phải suy nghĩ và đồng cảm” [8, tr.195]. Đúng lúc đó mụ buôn lại nói “Thôi đi, Eng Bải. Chúng tôi cho thêm tiền. Trời tối thế này để chúng nó lên ăn cắp hết hàng có mà trời biết … Bóng ơi, cái của nợ mày còn có giá, mày đi kéo Eng Bải lên buồng lái” [8, tr.196]. Nghe câu nói ấy Bảy không chịu được nữa. Anh đã đạp hết mấy bao hàng cấm cùng chủ nhân xuống rìa đường và ném trả bọn họ nắm tiền rồi mời mấy anh bộ đội lên xe . Trước những hành động cử chỉ đó của anh, “hành khách trên xe cười hả hê”, còn anh lại thấy “lòng có chút rạo rực nhớ lại hồi anh đi bộ đội đánh Mỹ” [8, tr.197].

Nhân vật Lìn trong tiểu thuyết Dặm ngàn rong ruổi cũng có thể coi là một điển hình về kiểu nhân vật đa diện. Với vẻ ngoài “Mặt trơ trán bóng. Mắt một mí sưng húp ẩn dưới hai hàng lông mày mờ mờ gần như không có”, lại sống trong một gia đình đông con không có sự chỉ bảo, giáo dục đến nơi đến chốn mà người cha chỉ lý sự rằng: “Đàn quạ khi no rủ nhau về đậu trên cành cây cao vẫn cứ mổ nhau đập nhau, kêu quang quác, khi đói lại biết cùng nhau bay về nơi xa xôi kiếm sống, chúng có cần dạy bảo nhau đâu?”. Do đó Lìn “được xóm bản liệt vào hàng đáo để, lăng loàn” [17, tr.587]. Bản tính con người này luôn chất chứa những suy nghĩ, hành động tai quái. “Khắp bản này ai chẳng biết! Ai cũng đã từng va vấp với Lìn. Nhà nào có, Lìn ghen. Nhà nào không có, Lìn khinh. Thấy người khác hơn mình một cái gì, như có cái quần mớ, như có bộ mặt xinh đẹp hơn, như thấy vợ chồng người ta hạnh phúc, Lìn đều nghĩ đến ăn cắp, đến đặt điều, đến phá phách. Cướp được thì cướp” [17, tr.648]. Với suy nghĩ

Có mánh khóe là xong” [17, tr.596], “Ở đời phải biết trở mặt” [17, tr.601] nên khi đi nghĩa vụ quân sự Lìn đã tìm cách vu oan cho Hoa, tiểu đội trưởng, để rồi sau đó Lìn được cử thay chân Hoa. Vì chồng Lìn là anh Nhằm đã chết do “bị phạm phòng” [17, tr.596] nên khi nhìn thấy cảnh em gái là Phón và chồng là Lương quấn quýt thì cô cảm thấy bẽ bàng đơn chiếc. Trong thời gian Phón đi học xa nhà, Lìn đã lên kế hoạch “giương tròng” để Lương “mắc tròng” [17, tr.620. Con người Lìn đắm sâu trong những lừa lọc, đầy lỗi lầm tưởng chừng như đã mất hết lương tri, ý thức. Nhưng không, khi được sống trong môi trường mới, sống với tình thương và sự dạy dỗ, chỉ bảo ân cần của người cha đẻ ở thị xã thì “Nước mắt Lìn chứa chan, nuốt từng lời cha dạy bảo. Bởi Lìn xưa nay có được ai dạy bảo thế này bao giờ?” [17, tr.673]. Lìn nhận ra “cần phải làm lại cuộc đời mới, ít nhất là làm con người lương thiện, không ích kỉ ghen tuông: người với người sống trong tình thương nhau …” [17, tr.672]. Ở gần cha, được cha dạy bảo ngày đêm, Lìn biết thương người, bỏ thói đố kị hiềm khích ghen tuông. Lìn thấy tâm hồn thư thái thoải mái. Trước sự quan tâm của Lan, người hàng xóm mới quen, Lìn đã quý trọng, thấu hiểu “Sống ở đời người ta cần đùm bọc nhau” [17, tr.675]. Song rồi dần dà bản tính xấu xa trong Lìn lại trỗi dậy, lần này còn mạnh mẽ hơn, bởi có sự lôi kéo, tác động của nhóm bạn xấu, môi trường phức tạp đầy rẫy những cám dỗ của cuộc sống phố thị. Lìn coi thường tất cả, chỉ biết đến tiền và những cuộc chơi thác loạn với phường buôn tại nhà bạn trai cùng hội là Hồng Ngọc. Lìn bỏ người chồng thứ ba là Phương (học sinh cũ của cha) để đến với Hồng Ngọc. Nhưng chuỗi ngày sống trong nhục nhã, ê chề vì bị hành hạ tại nhà Hồng Ngọc, đặc biệt là khi Lìn bị những cơn đau của bệnh khớp hoành hành không đi lại được mà chả ai đoái hoài, chăm sóc Lìn lại cảm thấy buồn tủi. Đến lúc cô gặp thầy lang Thuần và được cứu chữa bệnh khớp, ý

định “Cướp chồng” [17,tr.884] người khác lại trỗi dậy, nhưng lần này Lìn biết dừng lại vì người đó hiện đang là bố chồng của Hoàn (một em gái của Lìn ở quê). Vậy là chút liêm sỉ còn sót lại trong con người này đã ngăn được tội lỗi để tránh cho cô tội chồng thêm tội. Xây dựng nhân vật Lìn với bao mưu mô, thủ đoạn lừa lọc, tráo trở, lăng loàn, Triều Ân đã động chạm đến nhân phẩm của người phụ nữ miền núi. Liệu hình tượng nhân vật Lìn có là điển hình không hay chỉ là một cá thể hóa? Bề sâu ý tưởng của nhà văn đặt ra và giải quyết thông qua nhân vật này là vấn đề đạo đức, nhân phẩm của mỗi con người được hình thành, phát triển phần lớn là do môi trường sống và môi trường giáo dục cũng như quá trình tự nhận thức ở mỗi con người. Con người chỉ có thể có nhân cách lành lặn, hoàn thiện khi có môi trường sống và cách giáo dục lành mạnh, hợp lí. Đối với những người môi trường và điều kiện sống không được tốt đẹp lắm thì phải có ý thức và bản lĩnh vững vàng để vượt lên và chiến thắng hoàn cảnh. Qua nhân vật Lìn, Triều Ân đã đặt ra được nhiều điều mới mẻ có tính thời sự về sự giáo dưỡng con người, khẳng định vai trò giáo dục gia đình và xã hội, nhất là giáo dục truyền thống của gia đình có ý nghĩa ngấm vào việc hình thành nhân cách con người trong thời đại chúng ta.

Với nhân vật thầy thuốc đông y Thuần, Triều Ân đã khắc hoạ đặc sắc hơn tính đa diện của nhân vật trong truyện. Ở nhân vật này hội tụ nhiều mặt tích cực như: có tình yêu đẹp và dám đi đến hôn nhân đúng pháp luật nhưng trái phong tục với cô gái người Trùng Khánh là Ngọc Thị Lơ trong thời gian đóng quân ở Trùng Khánh; tận tâm với nghề thầy thuốc đông y, đi đến các bản làng để chữa trị bệnh và rất ân cần, chu đáo; là người sống rất ưa tình cảm nên đi tới đâu cũng có bạn bè thân thiết, kết nghĩa. Song trong con người này lại cũng ẩn chứa sự nhu nhược, hèn yếu thiếu quyết đoán trong việc bảo vệ tình yêu, hạnh phúc riêng tư với người yêu đầu; bị khuất

phục, buông xuôi trước sự áp đặt, bắt buộc của gia đình cưới cô gái cùng bản để rồi sau đó phải sống cuộc sống như địa ngục. Thuần đã phải sống nhẫn nhục, chịu đựng sự đanh đá, lấn lướt của người vợ do gia đình ép buộc và luôn phải sống trong mặc cảm của kẻ bội bạc. Thuần cũng không giữ được mình trước sự dụ dỗ, gọi mời của những người đàn bà đầy dục vọng như Bích Ngọc, Hồng Ngọc, Bướm, Lìn.

Với kiểu nhân vật phức tạp về tính cách như trên, ngòi bút văn xuôi của Triều Ân đã phản ánh khá sâu sắc con người và cuộc sống đương đại vùng biên ải. Đồng thời qua loại hình nhân vật này, nhà văn muốn đặt ra và lí giải mối quan hệ biện chứng giữa con người và môi trường, hoàn cảnh sống. Bởi con người là tổng hòa các mối quan hệ xã hội nên bản tính tốt hay xấu nảy sinh trơng mỗi con người vừa phản ánh bản chất của từng loại người vừa phản ánh sự tác động mạnh mẽ của hoàn cảnh, môi trường sống đối với con người. Và con người chỉ có thể có nhân cách hoàn chỉnh khi được sống trong một môi trường tốt đẹp, lành mạnh, có điều kiện tốt để cá nhân tự hoàn thiện mình.

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân (Trang 106 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)