Đời sống tâm hồn

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân (Trang 85 - 90)

6. Cấu trúc luận văn

2.4.3. Đời sống tâm hồn

Làm nên bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân còn là vẻ đẹp đời sống tâm hồn trong thế giới nhân vật của nhà văn. Vẻ đẹp tâm hồn của con người luôn là nguồn cảm hứng ngợi ca trong các sáng tác văn học, mà văn học về đề tài miền núi không phải là ngoại lệ. Qua các trang văn của Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Nguyễn Tuân, người đọc đã thấy được vẻ đẹp tâm hồn của con người Tây Bắc. Trong sáng tác cuả Nông Minh Châu, Vi Hồng, Hoàng Hạc giúp ta khám phá đời sống tâm hồn của con người Việt Bắc. Hòa chung mạch cảm hứng đó, qua văn xuôi của Triều Ân, người đọc nhận ra sự quan tâm của ông với những nhân vật dân tộc thiểu số, đặc biệt là những gương mặt, tính cách người dân Tày, Dao.

Sức sống là một trong những đặc điểm cơ bản làm nên bản sắc, bản lĩnh của một dân tộc. Thiếu sức sống, không có khả năng tự điều chỉnh,

thích nghi trong những hoàn cảnh khắc nghiệt thì dân tộc đó không thể tự khẳng định mình và phát triển trong tiến trình lịch sử một cách bình thường. Đối với cá nhân, sức sống là vũ khí để vượt lên mọi hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống, là chỗ dựa tinh thần để con người chiến thắng hoàn cảnh, làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời. Đây là một vẻ đẹp tâm hồn luôn sẵn có ở mỗi con người, đặc biệt là trong hệ thống nhân vật Tày, Dao của Triều Ân dù là nam hay nữ, già hay trẻ đều luôn ẩn chứa một sức sống, một sự chịu đựng bền bỉ và mãnh liệt.

Nếu trong truyện ngắn Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài đã xây dựng một cô Mị giàu sức sống tiềm tàng để vượt qua và vươn lên làm thay đổi bản thân thì trong các tiểu thuyết của Triều Ân chúng ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ với một sức chịu đựng bền bỉ, sức sống mãnh liệt. Nhân vật chính trong Nắng vàng bản Dao là Ngọc Lan - cô gái người Tày đã dám yêu và đi tới hôn nhân với Piao, chàng trai dân tộc Dao. Là vợ của Piao, cô đã phải đối mặt với sự mê tín dị đoan đã thành căn bệnh mãn tính của bà mẹ chồng cay nghiệt, vốn dĩ không thích con trai mình lấy con gái Tày, lại càng không thích anh lấy một cô giáo. Khi Lan về làm dâu, bà đã bày ra bao nhiêu trò để thử thách cô. Từ lúc về nhà chồng, cô cảm thấy “như đang sống ở vùng thoáng đãng nay về sống ở nơi chật chội, nhức nhối, như đang sống ở cuối thế kỷ hai mươi mà bị bắt trở lại sống theo mẫu sống của người nửa đầu thế kỷ” [12, tr.367. Song với ý thức sâu sắc về sự sống, Lan đã không cam chịu, không tuân theo lề thói cũ mà đã bền bỉ đấu tranh để chống lại cái cổ hủ, lạc hậu, giành lấy cuộc sống tự do, riêng tư của mình. Ở nhà chồng, mẹ chồng không cho vợ chồng cô ngủ chung giường, thậm chí cả ngồi tâm sự với nhau. Cô đã bàn bạc với chồng xin mẹ được về sống ở khu tập thể của nhà trường. Bà mẹ chồng còn muốn Lan thôi dạy học để nhà có thêm người lao động, cô chẳng những không nghe mà còn càng tích cực tham gia các công việc xã hội. Sau đó, tiến một mức cao hơn, cô dám đến Ủy ban xã để “phản đối tục “kin chai” lạc hậu” của

người Dao bởi cô cho rằng “Đây là vụ phá hoại sản xuất hẳn hoi. Vả lại cũng cần bắt thầy mo, bà then lại giáo dục cải tạo ở xã, hoặc đưa lên huyện cải tạo, như vùng đồng thấp đã làm” [12, tr.404]. Lan đang hào hứng với những việc mình làm với nhà trường, bản làng thì cô lại gặp bất hạnh trong chuyện riêng. Một trong hai cô con gái sinh đôi bị rắn cắn chết, Piao đi săn gấu bị thương nặng rồi qua đời. Nỗi đau thương chồng con của cô chưa kịp “lên da non” thì cô bị mẹ chồng vu là quỷ quái nhập vào nhà giết chồng con và đệ đơn kiện lên chính quyền xã. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khiến cô như bị gục ngã. Song với bản lĩnh và sức sống mãnh liệt cùng với niềm tin vào chân lý của cuộc sống Lan vẫn đứng vững, không buông xuôi, phó mặc. Ước vọng “Lan sẽ làm tròn phận sự cô giáo trên vùng cao, sẽ cùng các bạn đồng nghiệp làm cho nhà trường trở thành một trung tâm khoa học” [12, tr.450] và hi vọng sau này con gái sẽ “đi học để biết khoa học đầy đủ” [12, tr.462] là động lực, niềm tin để Lan có thể vượt lên hoàn cảnh của chính mình.

Trong Dặm ngàn rong ruổi, nhân vật Lơ cũng được xây dựng với những tột cùng đau khổ. Vì tình yêu với anh bộ đội Thuần, cô đã chấp nhận đám cưới hỏi không như phong tục bởi không được sự chấp thuận của gia đình nhà chồng. Ngày ở cữ, cô không có gà, gạo nếp ăn tẩm bổ theo phong tục. Thương vợ con, “Thuần đã phải khóc bao đêm với hoàn cảnh nghèo khó … Thuần về nhà xin gà của bố mẹ đẻ đem cho vợ bồi dưỡng tháng cữ” [17, tr.712]. Lơ chờ đợi mòn mỏi mà đâu thấy chồng quay trở lại . Trong đau khổ cô đã quyết định lên đường đi tìm chồng. Còn đứa con đỏ hỏn, vì thương em trai, em dâu không có khả năng sinh nở, Lơ đã dứt tình máu mủ để lại cho em nuôi. Ngay hôm đầu tiên đặt chân đến vùng quê của Thuần, cô đã hay tin Thuần sẽ cưới người vợ do cha mẹ ép buộc. Trước sự thật phũ phàng đó, cô vừa giận dữ, vừa đau đớn, tủi nhục ê chề. Cô đã tìm đến đám cưới nhà Thuần với bộ dạng của người ăn mày (mẻ xo). Qua bài vè của cô được lũ trẻ nhại lại, Thuần đã nhận ra và đuổi theo Lơ. Sau phút gặp gỡ,

giãi bày của Thuần và nhận ra bộ dạng nhu nhược không dám làm gì để cải thiện tình thế, Lơ đã bỏ đi. Nhưng “Đi đâu bây giờ?” Về lại quê thì không nên vì đã quyết ra đi. “Vả lại Lơ đã nhường con dứt ruột đẻ ra cho mợ Nhen để đảm bảo hạnh phúc cho cậu em. Nếu Lơ trở về có nghĩa là Lơ trở lại để nuôi con đẻ, hạnh phúc của cậu em sẽ tan nát. Làm chị cũng phải biết hy sinh chịu đựng cho em chứ?” . Trong đau khổ và bế tắc cùng đường như thế, nếu là người thiếu bản lĩnh, ý chí rất có thể có tâm lí bi quan, buông xuôi, phó mặc, thậm chí sẽ tìm đến cái chết. Nhưng với Lơ, lòng nhân hậu, yêu thương và lo lắng cho cuộc sống hạnh phúc của người em trai đã ngăn bước cô trở về với con trai. Lòng ham sống, ý thức về sự sống đã khiến cô tự vượt lên hoàn cảnh của chính mình. Cô vẫn khao khát sống cho dù có thể là “Đi ở vú chăng?”, “Đi ăn mày ăn xin?”. “Lơ cứ đi đã, sẽ liệu. Bao nhiêu tủi cực đắng cay, Lơ giấu kín trong lòng. Bao nhiêu nước mắt, Lơ khơi rãnh cho chảy trở vào dạ” [17, tr.716]. Là một phụ nữ biết vượt lên số phận, Lơ đã tìm đến vùng quê mới và đổi tên thành Ngọc Thị Hạnh. Rồi cuộc đời mới đã đến với Lơ, khi cô gặp người đàn ông tốt bụng tên là Ban Văn Nẹng và đã cùng anh chung sống. Song bất hạnh lại tiếp tục giáng xuống đầu cô. Khi đứa con trong bụng chưa chào đời thì anh Nẹng đã chết trong một đêm đi quăng chài. Cô trở thành góa bụa, may còn có đứa con gái là Ban Thị Chăm. Hai mẹ con côi cút sống và làm ăn khá giả vì vùng Hòa An đất đai bằng phẳng, phì nhiêu. Hạnh phúc cuộc đời của Lơ được tăng lên khi đứa con trai đã tìm đường đến gặp và sống cùng mẹ đẻ. Cô đã động viên con trai đi tìm cha đẻ. Dưỡng tìm thấy bố đẻ và đưa ông về gặp mẹ. Trong một khoảnh khắc nào đó, Lơ đã thực sự cảm nhận sâu sắc cuộc sống gia đình đầy đủ, đầm ấm. Dù biết người chồng cũ muốn tái hợp nhưng trong thâm tâm, cô không muốn cảnh gia đình hiện giờ của ông Thuần tan vỡ. Hơn nữa, cô muốn ở vậy để thờ phụng người chồng đã quá cố. Tấm lòng bao dung, vị tha, biết đồng cảm và chia sẻ với người thân là

nét đẹp tâm hồn của nhân vật Lơ cũng như của người dân miền núi trong các trang viết của Triều Ân.

Trong sáng tác của mình, Triều Ân còn đề cập đến ý thức vươn tới khoa học, văn minh tiến bộ của người dân miền núi.. Cái u mê, lạc hậu, cổ hủ, mê tín đã trở thành thâm căn cố đế của đồng bào nơi đây. Để thay đổi được tập tục bao đời là cả một vấn đề nan giải. Nhưng với ý chí và sự đấu tranh âm ỉ, dai dẳng, những cá nhân tiến bộ đã dần dần từng bước làm thay đổi những tập tục cổ hủ, lạc hậu của nhân dân. Đó là quyết tâm phải làm được con mương dẫn nước về bản của nhân vật Lê, là cán bộ thủy lợi trong truyện ngắn Chặt cổ rồng. Chính tấm lòng, nhiệt huyết của anh cán bộ Lê đã đem lại một sự đổi thay lớn lao cho dân bản. Đây không chỉ đơn thuần là dẫn thủy nhập điền mà còn là sự mạnh dạn vượt qua những gì là lạc hậu, cổ hủ để đưa bản làng đến một cuộc sống tươi sáng hơn.

Tấm lòng nhân ái, vị tha, cao thượng là một phẩm chất vốn có của mỗi người dân đất Việt. Với đồng bào dân tộc thiểu số, phẩm chất đó cũng không phải là ngoại lệ. Môi trường sống hiền hòa, quan hệ giữa người với người trong cộng đồng luôn trọng nghĩa tình, ưa điều thiện, sống thuần phác, chân thành nên lòng nhân ái, bao dung luôn có cơ hội để phát huy. Trong văn xuôi Triều Ân, nét đẹp đó của tâm hồn người dân Tày, Dao đã được khai thác một cách chân thực và cảm động. Hành động cứu sống và nuôi khôn lớn một hài nhi và sau đó trao lại cho người bạn gái vốn có hoàn cảnh trái ngang của nữ hộ lý Hồng Lê trong truyện ngắn Bạn cùng lứa đã thể hiện tình cảm cao đẹp và nhân ái giữa con người với con người.

Chính những nét đẹp trong tâm hồn của người miền núi như dẫn chứng ở trên đã làm nên vẻ đẹp trong văn xuôi Triều Ân. Qua những trang viết của nhà văn, con người miền núi vốn tưởng như xa lạ, kỳ bí trong suy nghĩ của không ít độc giả trước đây đã trở nên gần gũi, gây được thiện cảm với người đọc hôm nay.

Chƣơng 3:

MỘT SỐ PHƢƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN BẢN SẮC DÂN TỘC TRONG VĂN XUÔI TRIỀU ÂN

Nghệ thuật thể hiện bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân khá phong phú, đa dạng. Trong khuôn khổ luận văn này, chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu và bao quát toàn bộ các phương diện nghệ thuật mà chỉ tập trung vào khảo sát, phân tích ba phương diện cơ bản thể hiện rõ bản sắc dân tộc trong văn xuôi Triều Ân. Đó là: Nghệ thuật tổ chức cốt truyện, nghệ thuật xây dựng nhân vật và nghệ thuật ngôn từ.

Một phần của tài liệu Bản sắc dân tộc trong văn xuôi triều ân (Trang 85 - 90)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(128 trang)