Quy trình cho vay:

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại ở địa bàn tỉnh Tiền Giang (Trang 68 - 69)

♦ Cải tiến, thiết kế qui trình cho vay tiêu dùng cụ thể:

Cho vay tiêu dùng là một nhóm sản phẩm chung, trong đó có nhiều sản phẩm mà khách hàng cá nhân cần đến Ngân hàng như: cho vay trả góp chợ, cho vay trả góp mua động sản (ô tô, máy tính, thiết bị gia đình…), cho vay mua nhà ở, đất ở, cho vay du học, cho vay phát hành thẻ tín dụng quốc tế …Ở mỗi đối tượng cho vay có đặc thù riêng nên các NHTM trên địa bàn cần thiết kế qui trình, thủ tục hồ sơ, chính sách lãi suất, phí dịch vụ, chính sách Marketing khai thác thị trường…quảng bá trên hệ thống tờ rơi, cẩm nang dịch vụ. Nhưng chi tiết từng đối tượng cho vay cụ thể thì chưa có một ngân hàng nào trên địa bàn thiết kế qui trình riêng biệt. Thiết nghĩ nếu có từng qui trình cụ thể, chắc chắn sẽ mở đường cho các NHTM trên địa bàn đồng loạt triển khai các dịch vụ ngân hàng cá nhân. Và chính thực tiễn nghiệp vụ tất yếu sẽ hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

♦ Cải tiến thủ tục cho vay:

Cho vay tiêu dùng là loại hình cấp tín dụng đơn giản so với các loại hình cấp tín dụng khác, cần có một cơ chế cho vay với các thủ tục gọn nhẹ và nhanh chóng. Theo thống kê tại hệ thống Ngân hàng Công thương một hồ sơ vay bao gồm:

+ Đơn xin vay.

+ 01 Phương án xin vay vốn

+ Các tài liệu xác nhận mục đích xin vay (hợp đồng mua bán); nguồn thu nhập trả nợ; nhân thân; nơi cư trú.

+ 04 hợp đồng tín dụng (mỗi hợp đồng ít nhất là 03 trang giấy A4) + 03 giấy nhận nợ.

+ 05 hợp đồng bảo đảm có công chứng hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân phường, xã (mỗi hợp đồng ít nhất là 04 trang giấy A4).

+ 02 đơn đăng ký giao dịch bảo đảm + 04 phiếu nhập kho tài sản bảo đảm

Một tập hồ sơ cho vay tiêu dùng có khỏang 50 trang giấy, khách hàng phải ký 22 lần trên 01 bộ hồ sơ tín dụng. Đây thực sự là một trở ngại không chỉ cho khách hàng mà ngay chính bản thân tổ chức tín dụng. Với các cơ chế quản lý nhà nước hiện nay, các tổ chức tín dụng hoàn toàn có khả năng làm đơn giản hồ sơ cho vay tiêu dùng đi nhiều lần để đảm bảo tính hiệu quả trong họat động. Cụ thể: liên kết hợp đồng tín dụng, hợp đồng đảm bảo, biên bản kiểm định tài sản thành một hợp đồng; bỏ giấy đề nghị vay vốn biểu hiện sự bình đẳng giữa người vay và ngân hàng; các lọai chứng từ chỉ lập 02 liên mỗi bên giữ 01 liên (chứng từ giữa các bộ phận của ngân hàng có thể sử dụng bản sao).

Đối với tài sản bảo đảm là nguồn thu dự phòng của ngân hàng, cần thiết phải xác lập đúng quy định pháp luật và có khả năng thanh khỏan khi có rủi ro xảy ra. Nhưng đồng thời cũng phải đơn giản theo xu hướng cải cách hành chính. Hiện nay thủ tục đảm bảo tiền vay quá phức tạp, phải qua nhiều cơ quan chức năng, tốn nhiều chi phí làm ảnh hưởng đến các ngân hàng trong việc mở rộng cho vay tiêu dùng.

Ngoài vấn đề trên cũng cần lưu ý các ngân hàng thương mại trên địa bàn triển khai hình thức tiếp cận và cung cấp thông tin với khách hàng thông qua Internet. Thực tế thì cho đến nay trên địa bàn vẫn chưa có một ngân hàng nào thiết lập trang Web riêng của ngân hàng mình để phục vụ cho nhu cầu tham khảo của khách hàng. Xây dựng trang Web về ngân hàng với các chương trình vay vốn tín dụng tiêu dùng được cập nhật để khách hàng có thể tham khảo và xem xét khi có nhu cầu. Nội dung trang Web phải thật chi tiết từ cách thức làm hồ sơ, lãi suất cho vay, thời hạn cho vay và các ví dụ có thể để khách hàng nếu không có điều kiện trực tiếp đến ngân hàng cũng có thể nắm rõ. Ngoài ra, nếu khách hàng cần tham khảo thêm thì có thể liện lạc bằng điện thoại để trao đổi. Đây là những kênh thông tin hết sức phổ biến và hiện đại đang được các ngân hàng trên thế giới áp dụng.

Một phần của tài liệu Phát triển cho vay tiêu dùng tại các ngân hàng thương mại ở địa bàn tỉnh Tiền Giang (Trang 68 - 69)